Cơ quan nguyên tử Liên Hiệp Quốc (International Atomic Energy Agency – IAEA) cho biết Bắc Hàn dường như đã phục hồi hoạt động của lò phản ứng Yongbyon nhằm sản xuất chất plutonium, cho phép quốc gia bị cô lập này mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA công bố hôm Thứ Sáu 27 Tháng Tám cho biết: “Từ đầu Tháng Bảy đã có những dấu hiệu, bao gồm cả việc xả nước làm mát, phù hợp với hoạt động của lò phản ứng.”
Báo cáo lưu ý lò phản ứng Yongbyon đã ngừng hoạt động từ Tháng Mười Hai năm 2018 cho đến đầu Tháng Bảy năm nay và nói thêm rằng các dấu hiệu cho thấy lò phản ứng được vận hành trở lại trùng khớp với các dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn cũng sử dụng một phòng thí nghiệm gần đó để tách chất plutonium khỏi các thanh nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng được lấy ra từ lò phản ứng trước đó. Diễn biến này “gây rắc rối sâu sắc” và vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, IAEA cho biết
Các thanh sát viên của IAEA đã bị đuổi ra khỏi Bắc Hàn vào năm 2009, và chỉ có thể theo dõi các hoạt động phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn từ xa, qua các dữ liệu vệ tinh.
Ông Gary Samore, cựu chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Hội đồng An ninh Quốc gia, nhận định: “Việc phục hồi hoạt động của lò phản ứng nguyên tử Yongbyon cho thấy Bắc Hàn vẫn tiếp tục sản xuất plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù Bắc Hàn đã có một kho dự trữ vũ khí hạt nhân đáng kể, nhưng điều này cho thấy họ đang chuyển sang mở rộng kho vũ khí hiện tại”. Ông Siegfried Hecker, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos và là chuyên gia về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, ước tính rằng nước này có thể có từ 20 đến 60 vũ khí hạt nhân sử dụng plutonium và uranium có độ làm giàu cao.
Trong cuộc gặp năm 2019 của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại Hà Nội, Bình Nhưỡng đã đề nghị đóng cửa khu phức hợp Yongbyon, bao gồm lò phản ứng và các cơ sở khác, đổi lại việc Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Chính quyền Trump đã từ chối đề nghị đó vì cho như thế là không đủ; ngoài Yongbyon Bắc Hàn dường như còn có các cơ sở tinh chế nguyên liệu hạt nhân khác nữa.
Vào Tháng Sáu, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết cơ quan này đã thấy dấu hiệu Bắc Hàn có thể khôi phục khả năng tách chất plutonium khỏi nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng, nhưng vào thời điểm đó chưa có dấu hiệu lò phản ứng Yongbyon hoạt động trở lại.
Vào Tháng Giêng năm nay, nhà lãnh đạo Bắc Hàn đã công bố kế hoạch hiện đại hóa công nghệ hạt nhân, bao gồm phát triển vũ khí nguyên tử thu nhỏ và tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Chính quyền Biden cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí nguyên tử, nhưng cho tới nay Bắc Hàn không chấp nhận đề nghị đàm phán của Washington.
Một số chuyên gia cho rằng, động tác mới của Bình Nhưỡng nối lại việc tinh chế plutonium với ý đồ mở rộng kho vũ khí nguyên tử cho thấy Washington phải chú ý nhiều hơn tới Bắc Hàn, có những biện pháp thúc đẩy đối thoại và ngoại giao để có thể đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong lúc chính quyền Biden đang hết sức bận rộn với những vấn đề cấp bách hơn như giải quyết hậu quả cuộc rút quân khỏi Afghanistan, khôi phục hiệp định về chương trình hạt nhân của Iran, đàm phán về kiểm soát vũ khí nguyên tử với Nga và theo dõi sự mở rộng kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc, việc theo đuổi các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng chưa phải là vấn đề ưu tiên.
Dù vậy, trong chuyến công du đến Nam Hàn hồi đầu tuần, Đặc phái viên về Bắc Hàn của Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng gặp những người đồng cấp Bắc Hàn bất cứ lúc nào và nhấn mạnh rằng Washington không có “ý định thù địch” nào đối với Bình Nhưỡng.
(theo WSJ)
Đọc thêm: