Iran: Biểu tình chống chính phủ lan rộng, ít nhất 9 người chết

Phụ nữ Iran tại thủ đô Tehran xuống đường biểu tình hôm 19 Tháng Chín phản đối cái chết trong đồn cảnh sát của cô Mahsa Amini. Người biểu tình đã lột bỏ khăn trùm đầu (hijab) để biểu thị sự phản đối quy tắc trang phục khắc nghiệt của nhà cầm quyền Hồi Giáo. Ảnh Getty Images

Đụng độ giữa lực lượng an ninh Iran và những người biểu tình phẫn nộ về cái chết của một phụ nữ 22 tuổi bị cảnh sát giam giữ đã lan rộng kể từ khi nổ ra vào cuối tuần và đã khiến ít nhất chín người thiệt mạng, theo tường thuật hôm thứ Năm 22 Tháng Chín của hãng tin AP.

Quy mô của cuộc phản kháng tồi tệ nhất trong nhiều năm đang diễn ra ở Iran vẫn chưa rõ ràng khi những người biểu tình ở hơn một chục thành phố – tức giận vì đàn áp xã hội và các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng của đất nước – tiếp tục bị lực lượng an ninh và bán quân sự đàn áp.

Để ngăn các cuộc biểu tình lan rộng, Iran đã chặn phần lớn mạng Internet di động vào thứ Năm 22 Tháng Chín 2022, Netblocks, một nhóm giám sát truy cập internet, cho biết.

Một người dẫn chương trình trên kênh truyền hình nhà nước Iran nói số người chết trong các cuộc biểu tình có thể lên tới 17 người vào thứ Năm, nhưng không cho biết làm thế nào anh ta có được con số đó.

Tại New York, người Iran mang ảnh của những nhà hoạt động bị giết hại hoặc tù tội tập trung ngoài trụ sở LHQ hôm 21 Tháng Chín, nơi ông tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ đến họp và đọc diễn văn. Biểu tình nổ ra khắp Iran để phản đối chính phủ sau cái chết trong đồn cảnh sát của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, chỉ vì không đội khăn trùm đầu như quy định của nhà nước Hồi Giáo. Ảnh Stephanie Keith/Getty Images

Các cuộc biểu tình ở Iran bắt đầu dâng trào sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị “cảnh sát đạo đức” của đất nước bắt giam vì bị cáo buộc vi phạm quy tắc trang phục được thực thi nghiêm ngặt, cụ thể là cô đã không đeo khăn trùm đầu. Cái chết của cô đã bị lên án gay gắt từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Cảnh sát Iran nói cô Amini chết vì bệnh đau tim và không bị ngược đãi, nhưng gia đình cô nghi ngờ về điều đó. Các chuyên gia độc lập liên kết với LHQ cho biết hôm thứ Năm rằng có các báo cáo cho thấy cô đã bị cảnh sát đạo đức đánh đập dã man mà không đưa ra bằng chứng.

Trong năm ngày qua, các cuộc biểu tình ở ít nhất 13 thành phố, kể cả thủ đô Tehran, đã trở thành một thách thức lớn đối với chính phủ, phụ nữ cởi bỏ và đốt khăn trùm đầu – mà chính quyền bắt buộc phải đội – trên đường phố và người Iran thậm chí kêu gọi giải tán nước Cộng hòa Hồi giáo tự xưng. “Kẻ độc tài phải chết!” – đó là khẩu hiệu chung của các cuộc biểu tình. Video trực tuyến cho thấy lực lượng an ninh bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình. Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London nói rằng cảnh sát cũng dùng súng bắn chim và đánh người biểu tình bằng dùi cui.

Ít nhất 9 người đã chết trong các cuộc đối đầu, theo số liệu của AP dựa trên các tuyên bố từ các phương tiện truyền thông nhà nước và bán chính thức của Iran. 

Các cuộc biểu tình dường như nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, trong đó người dân Iran thuộc mọi tầng lớp đều bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Amini và cách chính phủ đối xử với phụ nữ.

Trong lúc các nhà lãnh đạo quốc gia đang họp hội nghị thường niên của Đại hội đồng LHQ thì hôm 19 Tháng Chín 2022 trên đường phố New York hàng trăm người biểu tình đóng vai các tù nhân bị ngược đãi đã rầm rộ xuống đường phản đối các chế độ áp bức. Trong ảnh minh họa là những người biểu tình chống chế độ thần quyền Iran nhân dịp tổng thống nước Hồi giáo này đến New York dự hội nghị. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Chính phủ Hoa Kỳ đã lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “cảnh sát đạo đức” và lãnh đạo các cơ quan an ninh khác của Iran, nói rằng họ “thường xuyên sử dụng bạo lực để trấn áp những người biểu tình ôn hòa”.

Tại New York, bên lề hội nghị thường niên lần thứ 77 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết cái chết của cô Amini sẽ được điều tra đầy đủ. Nhưng ông cũng lật ngược tình thế khi cáo buộc những tội ác tương tự ở Hoa Kỳ. “Còn về cái chết của người Mỹ dưới bàn tay của cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ thì sao?” ông Raisi đặt câu hỏi. Ông kêu gọi toàn thế giới nên áp dụng “cùng một tiêu chuẩn” đối với những cái chết như vậy dưới bàn tay của chính quyền và than thở những gì ông nói là “tiêu chuẩn kép” của phương Tây.

Về cái chết của Amini, ông nói rằng các nhà chức trách đang làm những gì họ cần làm. “Nó chắc chắn phải được điều tra. Tôi đã liên lạc với gia đình cô ấy và tôi bảo đảm với họ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì điều tra vụ việc đó. … Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ quyền của mọi công dân.”

Iran đã phải vật lộn với làn sóng phản đối trong quá khứ, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Người dân cũng đổ lỗi cho sự tham nhũng và quản lý yếu kém của chính phủ.

Đây là cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019, sau khi có các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá xăng dầu. Các nhóm nhân quyền cho biết hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp sau đó, cuộc bạo động đẫm máu nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: