Kabul thất thủ, thế giới nói gì về chính sách của Hoa Kỳ?

Lực lượng an ninh Afghanistan tuần tra ở Kabul hôm Chủ nhật 15-08-2021.l Trong một tuyên bố Taliban nói họ không có ý định vào Kabul “bằng vũ lực hoặc chiến tranh mà thương lượng với bên kia để tiến vào một cách hòa bình. Ảnh Haroon Sabawoon/Anadolu Agency via Getty Images

Thủ đô Kabul thất thủ, bước tiến nhanh chóng của Taliban trên khắp Afghanistan đã gây kinh ngạc cho toàn thế giới và làm dấy lên những nỗi nghi ngờ về độ tin cậy của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, trong khi các đối thủ Nga và Trung Quốc không giấu nỗi hả hê. Báo The Washington Post điểm một số bình luận quốc tế.

Sáng Chủ nhật 15 tháng Tám, khi các chiến binh Taliban tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự đáng kể nào, Tổng thống Ashraf Ghani đào thoát ra nước ngoài và Hoa Kỳ cố gắng sơ tán công dân của mình, cộng đồng quốc tế đã hết sức lo ngại Afghanistan một lần nữa lại có thể trở thành nơi trú ẩn cho các tổ chức khủng bố, gây ra một thảm họa nhân đạo lớn và kích hoạt một cuộc di cư tị nạn mới.

Các đồng minh của Hoa Kỳ phàn nàn họ đã không được tham vấn đầy đủ về một quyết định chính sách có khả năng gây rủi ro cho lợi ích an ninh quốc gia của chính họ – trái với lời hứa của Tổng thống Biden rằng Hoa Kỳ sẽ thảo luận và tìm tiếng nói chung với các đồng minh trong những vấn đề toàn cầu.

Và nhiều người trên thế giới đang tự hỏi liệu họ có thể dựa vào Hoa Kỳ, tin vào cam kết lâu đời của Hoa Kỳ duy trì an ninh trải dài từ châu Âu đến Đông Á hay không.

***

Anh Quốc là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, đã đóng góp lớn nhất và chịu số thương vong cao nhất sau Hoa Kỳ trong cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Afghanistan. Hôm Chủ nhật, các chính trị gia Anh đã chỉ trích thẳng thừng việc rút quân của Washington, một điều được coi là bất thường trong quan hệ Anh-Mỹ.

Ông Tobias Ellwood, người phụ trách Ủy ban Quốc phòng trong Quốc hội Anh, nói rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden, hứa hẹn sẽ xây dựng lại các liên minh và khôi phục uy tín của Hoa Kỳ vốn bị giảm sút dưới thời chính quyền Trump, nay lại bị tổn hại nghiêm trọng do sự sụp đổ của Afghanistan. “Có chuyện gì đã xảy ra với chính sách ‘Nước Mỹ đã trở lại’?” ông Ellwood nêu câu hỏi.

Ellwood nói: “Mọi người đang hoang mang khi thấy sau hai thập niên can thiệp, một cường quốc công nghệ cao và hùng mạnh đang rút lui và giao đất nước lại cho những kẻ mà họ đã đánh bại. Thật là trớ trêu. Làm sao có thể nói nước Mỹ đã trở lại khi chúng ta đang bị đánh bại bởi một lực lượng nổi dậy chỉ có súng phóng lựu, mìn và AK-47?” ông Ellwood nói.

Rory Stewart, từng là Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh trong chính phủ của Thủ tướng Theresa May, nhận định, khả năng quân sự và vai trò bảo vệ các nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ một lần nữa đang bị đe dọa. “Nền dân chủ phương Tây dường như là nguồn cảm hứng cho thế giới, ngọn hải đăng cho thế giới, nay đang quay lưng lại”, ông Stewart nói.

Trong bình luận hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã dự đoán về một cuộc nội chiến và sự trở lại của al-Qaeda, tổ chức khủng bố đã thực hiện cuộc tấn công Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng Chín năm 2001, từ đó thúc đẩy sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Afghanistan. “Tôi cảm thấy đây không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định thích hợp”, ông Wallace nói với đài Sky News. “Tất nhiên al-Qaeda có thể sẽ quay trở lại, và chắc chắn là al-Qaeda sẽ thích có một nơi dung dưỡng như vậy để lót ổ”. “Về mặt chiến lược, [thất bại ở Afghanistan] gây ra rất nhiều vấn đề, và với tư cách là một cộng đồng quốc tế, tình hình rất khó khăn … với những gì chúng ta đang thấy ngày nay”, ông Wallace nói thêm. Cùng suy nghĩ với Bộ trưởng Wallace, một số chuyên gia quân sự lo ngại Afghanistan sẽ lại trở thành nơi mà các tổ chức khủng bố chiêu mộ chiến binh Hồi giáo, huấn luyện và tính toán các âm mưu tấn công khủng bố ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phương Tây theo Thiên Chúa giáo.

Tại Đức, bà Cathryn Clüver Ashbrook, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rằng cách thức và việc thực hiện cuộc rút quân của người Mỹ đã khiến các nước đồng minh cảm thấy bị phản bội. Chính phủ Đức, đã rút quân hồi tháng Sáu và đang di tản đại sứ quán khỏi Kabul, cố gắng kiềm chế để không đưa ra lời chỉ trích công khai đối với chính phủ Mỹ. Nhưng theo bà Clüver Ashbrook, một số quan chức và nhà lập pháp Đức đang sôi sục tức giận trước việc Washington không tham vấn với Berlin trước khi hành động. Đức hết sức lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc di cư của người tị nạn Afghanistan tương tự như làn sóng năm 2015 khi hơn một triệu người di cư, trốn tránh cuộc chiến ở Syria, đã tràn vào châu Âu, đa số tìm tới nước Đức.

“Chính quyền Biden lên cầm quyền với lời hứa hẹn một cuộc trao đổi cởi mở, minh bạch với các đồng minh. Họ nói rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ là then chốt. Nhưng thực tế, họ đang chơi trò chót lưỡi đầu môi đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và họ vẫn tin các đồng minh châu Âu sẽ đi theo các ưu tiên của Hoa Kỳ,” bà Clüver Ashbrook nói thêm.

***

Kabul ngày 15 Tháng Tám 2021: người dân xếp hàng trước ngân hàng AZIZI để hối hả rút tiền khi hệ thống ngân hàng Afghanistan trong tình trạng khủng hoảng thiếu tiền mặt (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images)

Các đồng minh Ả Rập của Hoa Kỳ, vốn từ lâu tin tưởng quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ họ trong trường hợp bị Iran tấn công, nay cũng đối mặt với câu hỏi liệu họ có thể dựa vào Hoa Kỳ hay không. Riad Kahwaji, người đứng đầu công ty tư vấn an ninh Inegma tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi đóng một trong những lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, cho biết: “Những gì đang xảy ra ở Afghanistan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ở khắp mọi nơi… Niềm tin vào Hoa Kỳ với tư cách là một đồng minh đã bị nghi ngờ trong một thời gian. Chúng tôi thấy người Nga đang chiến đấu tới cùng để bảo vệ chế độ Assad [ở Syria], còn bây giờ người Mỹ đang rút quân và để lại một cuộc hỗn loạn lớn ở Afghanistan,” ông Kahwaji nói.

Bà Clüver Ashbrook nhận xét thêm rằng kế hoạch của Tổng thống Biden nhằm xây dựng một liên minh các nền dân chủ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga cũng đang bị nghi ngờ, khi phương Tây không còn sự hiện diện đáng kể ở Trung Á.

***

Các đối thủ của Hoa Kỳ cũng tỏ ra mất tinh thần. Các nhà bình luận phương Tây nhận định rằng, đối với Trung Quốc và Nga, sự ra đi của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan mang lại cơ hội cũng như không ít lo ngại.

Trung Quốc – được cho là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của Afghanistan và đã sớm mời các quan chức Afghanistan sang Trung Quốc để thảo luận hợp tác, lại bày tỏ nỗi lo ngại rằng sự trỗi dậy của một chính phủ Hồi giáo cực đoan ở biên giới phía tây của họ sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn ở tỉnh Tân Cương, nơi Bắc Kinh đã thực hiện chính sách đàn áp toàn diện đối với người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo – chính sách bị phương Tây tố cáo là gây ra “tội diệt chủng”.

Đại tá Ngô Khiêm (Wu Qian), Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hồi đầu tháng này nói rằng Washington “phải chịu trách nhiệm không thể né tránh đối với tình hình hiện tại ở Afghanistan. Họ không thể ra đi và để lại gánh nặng cho các nước trong khu vực.”

Cả Moscow và Bắc Kinh đều đã tiếp đón các phái đoàn của Taliban trong những tuần gần đây với nỗ lực mở đường cho một tương lai khu vực không có người Mỹ. Nhiều quan sát viên cho rằng, thất bại nhục nhã của cuộc can thiệp kéo dài hai thập niên của Mỹ ở Afghanistan sẽ kích thích nỗ lực của Moscow và Bắc Kinh trong việc thuyết phục các chính phủ khác xa lánh Hoa Kỳ và tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác ở nơi khác.

Trong một bài bình luận nhắm vào Hong Kong, Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn ra trường hợp Afghanistan như một tín hiệu cho các nhà hoạt động dân chủ ở lãnh thổ này đừng tin vào những lời hứa lặp đi lặp lại của Mỹ sẽ “đứng về phía” Hong Kong. “Người ta đã chứng minh nhiều lần rằng cứ các chính trị gia Hoa Kỳ tuyên bố đứng về ai thì người đó sẽ gặp vận rủi, sẽ rơi vào tình trạng bất ổn xã hội và gánh chịu hậu quả trầm trọng”, tờ báo viết.

Ở Nga, Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs, cho biết Nga đã bị sốc trước tốc độ sụp đổ của chính phủ do Mỹ lập ra ở Kabul. Ông nói, cuộc chiếm đóng Afghanistan kéo dài một thập niên của Liên Xô, kết thúc vào năm 1989, được nhiều người nhớ đến là một thất bại, khiến Nga không còn tâm trạng nào để tái hợp tác chặt chẽ với Afghanistan. Nhưng Lukyanov lưu ý, ít ra chính phủ do Liên Xô bỏ lại vẫn tồn tại ba năm sau khi Hồng quân Liên Xô rút lui. “Chúng tôi tin rằng thất bại của chúng tôi là trầm trọng, nhưng có vẻ như người Mỹ còn bị một thất bại còn lớn hơn”, ông Lukyanov nói.

***

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn kiên trì với lựa chọn chính sách rút quân khỏi Afghanistan. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vẫn bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng việc rút quân khỏi Afghanistan làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ. Ông cho biết việc sa lầy vào một cuộc xung đột không vì “lợi ích quốc gia” sẽ gây ra thiệt hại hơn nhiều. Ông Blinken nói với đài CNN: “Hầu hết các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng ta trên khắp thế giới đều không muốn gì hơn là chúng ta hãy ở lại Afghanistan thêm một năm, năm năm, 10 năm nữa và dành nguồn lực của chúng ta cho một cuộc nội chiến ở đó. Đơn giản là điều đó không phải là lợi ích của chúng ta.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: