Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken đã tổ chức một cuộc họp mà các quan chức Mỹ mô tả là cuộc đối đầu kéo dài một giờ bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức) với quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) vào tối thứ Bảy 18 tháng Hai 2023.
Báo The New York Times tường thuật cuộc họp và gọi đây là bước nối lại liên lạc ngoại giao đầy thử thách giữa Washington và Bắc Kinh sau những đổ vỡ liên quan đến vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Cuộc gặp không có kế hoạch trước được tổ chức vào lúc giữa hai quốc gia vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn. Vài giờ trước đó, Vương Nghị – hiện là Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, tức là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của nước này – đã nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng quả khinh khí cầu là một phương tiện nghiên cứu “dân sự” bị gió thổi bay và gọi quyết định bắn hạ nó của Mỹ là “lố bịch và cuồng loạn”.
Như tin đã đưa, một khinh khí cầu lớn của Trung Quốc đã bay vào không phận Hoa Kỳ vào ngày cuối tháng trước, băng qua lục địa Mỹ, lảng vảng trên các căn cứ quân sự nhạy cảm và cuối cùng bị Không quân Mỹ bắn hạ ngoài bờ biển tiểu bang South Carolina hôm thứ Bảy 4 tháng Hai vừa qua. Các quan chức Mỹ luôn khẳng định khinh khí cầu mang theo thiết bị “rõ ràng là để giám sát tình báo” như một phần của đội do thám toàn cầu của quân đội Trung Quốc.
Vụ khinh khí cầu đã khiến chính phủ Hoa Kỳ hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Antony Blinken và làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung vào thời điểm mối quan hệ này đã xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập niên.
Một tuyên bố được Bộ Ngoại giao đưa ra vào tối thứ Bảy sau cuộc họp miêu tả ông Blinken đã có giọng điệu nghiêm khắc, và một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng ông Blinken đã “thẳng thừng” với quan chức Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố thêm rằng ông Blinken “đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào đối với đất nước chúng tôi,” đồng thời cho biết thêm rằng chương trình khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Quốc “đã bị phơi bày trước thế giới.”
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng phát đi một bài tường thuật ngắn về cuộc gặp của Vương – Blinken, trong đó nhấn mạnh rằng ông Vương đã yêu cầu Hoa Kỳ “giải quyết những thiệt hại do việc sử dụng vũ lực bừa bãi gây ra cho quan hệ Trung-Mỹ.”
Ban đầu khi mới xảy ra vụ khinh khí cầu bay vào không phận nước Mỹ, Trung Quốc có giọng điệu “hối lỗi”; Bắc Kinh nói đó là một phương tiện dự báo thời tiết đã bị gió thổi bay lạc. Nhưng những ngày tiếp theo — đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ trưng ra các bằng chứng cho thấy quả khí cầu là một công cụ do thám điện tử và cảnh báo 150 nhà ngoại giao ở 40 quốc gia đồng minh và đối tác về chương trình do thám toàn cầu bằng khinh khí cầu tầm cao của quân đội Trung Quốc – thì giọng điệu của Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn.
Sau khi chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken bị hủy bỏ, phía Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc – một diễn biến mà các quan chức Hoa Kỳ gọi là đáng lo ngại. Chính phủ Trung Quốc sau đó liên tục tố cáo Hoa Kỳ đã hơn mười lần thả khinh khí cầu do thám vào không phận Trung Quốc, trên bầu trời Tây Tạng và Tân Cương, nhưng họ không đưa ra bằng chứng hoặc thông tin chi tiết nào.
Trung Quốc thậm chí còn đe dọa sẽ bắn hạ những vật thể bay – của Hoa Kỳ và các nước khác – trên bầu trời các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền, chẳng hạn như ở Đài Loan hoặc Biển Đông Việt Nam.
Trước cuộc họp với ông Blinken, ông Vương đã nhấn mạnh chủ đề này trong bài phát biểu chính thức tại hội nghị an ninh Munich hôm thứ Bảy. Ông gọi phản ứng của Hoa Kỳ bắn hạ quả khí cầu là một cố gắng “để chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề chính trị trong nước.” Ông Vương nói việc bắn hạ quả khí cầu “không chứng tỏ Mỹ mạnh mà cho thấy điều ngược lại.” “Chúng tôi đã yêu cầu Hoa Kỳ xử lý vụ việc một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp dựa trên sự tham vấn với phía Trung Quốc. Thật đáng tiếc, Hoa Kỳ đã bỏ qua những sự thật này và sử dụng các máy bay chiến đấu tân tiến, bắn rơi một khinh khí cầu bằng hỏa tiễn của mình,” Vương nói. “Đây 100% là lạm dụng việc sử dụng vũ lực,” ông Vương nói thêm và khẳng định Hoa Kỳ đã vi phạm một công ước quốc tế về quản lý không phận.
Luật quốc tế quy định khoảng không vũ trụ cách mặt đất 100 km (hơn 60 dặm) bên trên lãnh thổ một quốc gia thuộc về chủ quyền của quốc gia đó; mọi vật thể bay hoạt động trong khoảng không này đều phải được sự cho phép của quốc gia có chủ quyền. Quả khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện và bắn hạ trong phạm vi chủ quyền không phận của Mỹ.
Sau khi bắn hạ quả cầu và thu được tất cả những mảnh vỡ của nó để nghiên cứu, chính phủ Hoa Kỳ muốn để cho vụ việc lùi vào quá khứ và phục hồi quan hệ Mỹ-Trung. Quan điểm của Mỹ là Hoa Kỳ sẵn sàng cạnh tranh nhưng không muốn đối đầu với Trung Quốc vì đối đầu không mang lại lợi ích cho hòa bình và ổn định của thế giới. Tổng thống Joe Biden đã cho biết ông hy vọng sẽ sớm có một cuộc đàm luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những vấn đề mà hai nước cần quan tâm.
Tại cuộc họp ở Munich, ông Blinken cũng đã nhấn mạnh với ông Vương “tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại ngoại giao và các đường dây liên lạc cởi mở mọi lúc,” Bộ Ngoại giao cho biết. Ông Blinken nói thêm, “chúng tôi không muốn xung đột với Trung Quốc và không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” Cụm từ “Chiến tranh Lạnh” đặc biệt đáng chú ý vì trong bài phát biểu sáng thứ Bảy tại hội nghị Munich rằng “tâm lý Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại” trong các vấn đề toàn cầu.
Gần đây, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ thêm ba vật thể bay nữa trên bầu trời Bắc Mỹ, mà các quan chức Hoa Kỳ hiện cho biết họ tin rằng chúng vô hại và có thể không đến từ Trung Quốc. “Trên khắp thế giới, có rất nhiều khinh khí cầu từ các quốc gia khác nhau bay trên bầu trời. Các ông có thể bắn hạ tất cả không?” ông Vương nói đầy thách thức.
Ngoài vụ khinh khí cầu Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, cả về quân sự lẫn kinh tế thương mại, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tin tức rằng Bắc Kinh đang bí mật thực hiện việc làm đó. Trong bài bài phát biểu tại hội nghị Munich trước đó vào thứ Bảy, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng đã cảnh báo Trung Quốc; bà nói rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Bắc Kinh cung cấp viện trợ quân sự cho Moscow.
Ông Vương đã sử dụng hội nghị ở Munich làm nền tảng để nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Bắc Kinh sẵn sàng củng cố quan hệ với EU và cố gắng đóng một vai trò trong việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Lời mời chào của ông ta được đưa ra sau khi ông Tập kết thúc chính sách “zero-Covid” cách đây hai tháng và cố gắng hội nhập trở lại với thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đang vật lộn với nền kinh tế đang chậm lại và đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với châu Âu, nhưng vấp phải sự lạnh nhạt do Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine.
Đọc thêm loạt bài về khinh khí cầu do thám của Trung Quốc