Năm sự kiện chính từ Đối thoại Shangri-La

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc lên diễn đàn tại Đối thoại Shangri-La hôm 4 tháng Sáu 2023, ở đó ông ta lên án Mỹ và đồng minh Mỹ với những lời lẽ ngang ngược đầy khiêu khích. Ảnh Britta Pedersen/picture alliance via Getty Images

Hội nghị thượng đỉnh thường niên về an ninh lớn nhất châu Á, Shangri-La Dialogue, đã kết thúc chiều Chủ nhật 4 tháng Sáu 2023 sau ba ngày làm việc tại Singapore; trong đó nổi bật nhất là căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng những diễn biến khác cũng có ảnh hưởng quan trọng tới tình hình an ninh khu vực trong những ngày tới. Báo The Nikkei Asia của Nhật Bản ghi nhận năm kết quả nổi bật nhất của Shangri-La năm nay:

Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc lên cao

Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, Lloyd Austin và Lý Thượng Phúc, đã không gặp mặt nhau trực tiếp mà cả hai đều cố gắng kêu gọi hội nghị ủng hộ cho chính sách khu vực của họ. 

Ngày cuối cùng của hội nghị diễn ra trong bối cảnh một vụ suýt va chạm giữa một chiến hạm Trung Quốc với một tàu Mỹ đang trong cuộc hải hành chung với Canada ở eo biển Đài Loan hôm thứ Bảy. Thông tin về vụ chạm trán khiến các đại biểu hết sức lo ngại và kêu gọi hai bên tìm giải pháp quản lý rủi ro thích hợp. 

Đã không có cuộc gặp song phương nào giữa Bắc Kinh và Washington, hội nghị lại còn chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa về một số vấn đề an ninh cấp bách nhất của thế giới và khu vực, bao gồm tình trạng của Đài Loan, tình hình Biển Đông và kế hoạch ngừng bắn gây tranh cãi cho cuộc chiến ở Ukraine.

Về quan hệ Mỹ-Trung, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tướng Lý Thượng Phúc nói hôm Chủ nhật rằng các cuộc trao đổi với Hoa Kỳ phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, coi đó như một “nguyên tắc cơ bản”. “Nếu chúng ta không tôn trọng lẫn nhau, thì giao tiếp của chúng ta sẽ không hiệu quả”, ông Lý nói trong một phiên hỏi đáp với các đại biểu. Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Washington về một cuộc gặp giữa các chỉ huy quốc phòng của họ và đặt điều kiện để gặp nhau, trước tiên phía Mỹ phải bãi bỏ lệnh cấm vận đối với ông Lý, được Mỹ áp đặt từ năm 2018. 

Trước đó một ngày, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng đối thoại giữa hai bên là “cần thiết” để tránh hiểu lầm.

Trả lời các câu hỏi về vụ tàu hải quân Trung Quốc chạm trán với hải quân Hoa Kỳ và Canada ở eo biển Đài Loan, Lý cho biết ông thấy không thoải mái với việc tàu chiến và chiến đấu cơ nước ngoài hoạt động trong khu vực gần những gì ông nói là lãnh thổ của Trung Quốc. “Họ không đi qua vô hại, họ đến để khiêu khích. [Họ] đến đó để làm gì? Đối với Trung Quốc, chúng tôi luôn nói: hãy lo việc của mình”, ông Lý nói.

Tuy vậy, theo bà Lê Thu Hường, một chuyên gia về Đông Nam Á và là thành viên phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), điều đáng chú ý tại hội nghị là cả Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh theo những cách khác nhau, rằng họ thích đối thoại hơn là đối đầu giữa hai cường quốc. “Các nước Đông Nam Á muốn thấy tiến bộ trong việc quản lý mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, và đã tích cực khuyến khích đối thoại. Không đối thoại có nghĩa là kéo dài căng thẳng và tạo ra lo lắng cho các quốc gia nhỏ hơn xung quanh Biển Đông,” bà Hường nói.

Philippines tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Philippines đã tổ chức cuộc đàm phán quốc phòng bốn bên đầu tiên vào thứ Bảy trong bối cảnh những thách thức ngày càng tăng ở Biển Đông, một khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đang thúc đẩy tăng cường quan hệ an ninh với Washington và các đồng minh nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Philippines tuần trước đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân ba bên đầu tiên với Mỹ và Nhật Bản, cùng với Australia với tư cách quan sát viên.

Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, nơi các nước Đông Nam Á khác như Brunei, Malaysia và Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền. Năm 2016, Manila đã thắng một vụ kiện trọng tài tại tòa án ở The Hague, bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh. Trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez gọi phán quyết này là “nguồn cảm hứng” cho việc giải quyết các tranh chấp tương tự.

“Hàng rào tốt tạo nên hàng xóm tốt. Chỉ khi hàng xóm có ranh giới rõ ràng và tôn trọng ranh giới đã định thì mối quan hệ mới thực sự thân thiện.”, ông Galvez nói với cử tọa ở Singapore, ngụ ý tới phán quyết của tòa trọng tài quốc tế Hague năm 2016, theo đó tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông là không có căn cứ.

Màn hình TV trong nhà ga Yongsan Railway Station ở Seoul chiếu cảnh Bắ Hàn phóng hỏa tiễn đạn đạo. Ảnh minh họa Kim Jae-Hwan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn gây chia rẽ

Bắc Hàn đã thất bại trong nỗ lực phóng một vệ tinh quân sự hôm thứ Tư, nhưng cho biết họ sẽ thực hiện một vụ phóng khác càng sớm càng tốt, theo hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA.

Hôm Chủ nhật, các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Nam Hàn đã có cuộc hội đàm đầu tiên sau hơn ba năm và đồng ý hợp tác chặt chẽ để chống lại các mối đe dọa từ Bắc Hàn. Trước đó một ngày, bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup cho biết một số quốc gia đang “phớt lờ hành vi trái pháp luật của Bắc Hàn” và điều đó có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Trung Quốc và Nga hôm thứ Sáu đã phớt lờ lời kêu gọi của Hoa Kỳ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Bình Nhưỡng về vụ phóng vệ tinh thất bại. “Điều này tạo ra những lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Hàn đã được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,” ông Lee cảnh báo trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy.

Các bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn cũng đã tổ chức một cuộc họp ba bên vào thứ Bảy và đồng ý khởi động một hệ thống chia sẻ thông tin theo thời gian thực về hoạt động của hỏa tiễn Bắc Hàn.

Ukraine bác đề xuất “lạ lùng” của Indonesia

Trong lúc các đại biểu tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc Nga xâm lược Ukraine, bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm thứ Bảy đã đưa ra một đề xuất khiến những người tham dự bất ngờ và nhanh chóng bị bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bác bỏ tại một phiên thảo luận vào cuối ngày hôm đó.

Ông Prabowo đưa ra kế hoạch thiết lập một khu phi quân sự rộng 30 km giữa Ukraine và Nga, giống như khu vực DMZ giữa Nam và Bắc Hàn – hai nước về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Kế hoạch của ông Prabowo bao gồm một lệnh ngừng bắn, cả hai bên rút quân về cách vị trí tiền phương của mỗi bên 15 cây số trước khi lực lượng giám sát của Liên Hiệp Quốc được triển khai dọc theo DMZ mới.

“Liên Hiệp Quốc nên tổ chức, tiến hành và thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ tranh chấp để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số cư dân tại các khu vực đó. Indonesia sẵn sàng đóng góp các quan sát viên quân sự và các đơn vị quân đội dưới sự bảo trợ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc,” ông Prabowo nói. 

Bộ trưởng Reznikov của Ukraine cho biết Indonesia đã không nêu kế hoạch này với chính phủ của ông, ông gọi đề xuất này là “kỳ lạ” và nói thêm rằng nó nghe “giống một kế hoạch của Nga” hơn là của Indonesia. “Chúng tôi không tin Nga ngồi vào bàn đàm phán”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga cần rút khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra. “Sau đó, với các đối tác của chúng tôi tại bàn, chúng tôi sẽ sẵn sàng thảo luận về việc chung sống hòa bình.”

NATO muốn có vai trò lớn hơn ở châu Á

Hội nghị thượng đỉnh Singapore cũng thu hút các đại biểu từ các thành viên NATO, vì liên minh phòng thủ tập thể gồm 31 quốc gia Âu Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác với các nước châu Á như Nhật Bản, nơi họ có kế hoạch mở văn phòng liên lạc ở Tokyo vào năm 2024, văn phòng đầu tiên thuộc loại này trong khu vực.

Vào tháng Năm, Vương quốc Anh và Nhật Bản đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu mới và đồng ý “tăng cường hợp tác NATO-Nhật Bản.” Trong một phiên thảo luận hôm thứ Bảy, bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace đã bình luận về sự phát triển này và cho biết việc có một văn phòng ở Tokyo “là lợi ích của NATO”“quan trọng đối với một số vấn đề quốc tế.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: