Nếu chế độ Putin sụp đổ…

Ảnh: Celestino Arce/NurPhoto via Getty Images

Có không ít người tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc cho đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị phế truất. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại rằng việc tiếp quản bởi một người kế nhiệm hiếu chiến hơn hoặc khó dự đoán hơn sẽ “lợt bất cập hại” và “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!”.

Hào quang sức mạnh một thời của Putin tan dần

Chủ trì một hội nghị vào cuối Tháng Bảy có chủ đề “Nga: Vùng đất của những khả năng”, Putin tỏ ra nao núng khi một quan chức ngành du lịch đề xuất kế hoạch tổ chức các buổi dã ngoại mùa Xuân truyền thống có tên là “mayovka”. Dưới thời Sa hoàng, những người Bolshevik đã sử dụng những chuyến đi chơi theo mùa này như một vỏ bọc để che giấu âm mưu lật đổ của họ. “Mayovka là một từ đáng cảnh giác – Putin nhíu mày nói – Tôi hy vọng mayovka này sẽ không dẫn đến một cuộc cách mạng, bởi vì chúng ta đã đi quá giới hạn chịu đựng cho các cuộc cách mạng trong thế kỷ trước!”.

Kể từ cuộc binh biến ngày 24 Tháng Sáu của nhóm bán quân sự tư nhân Wagner, khả năng xảy ra một cuộc cách mạng hoặc đảo chính kết thúc 23 năm cầm quyền của Putin đã xuất hiện nhiều hơn. Cuộc chiến ông ta phát động ở Ukraine vẫn diễn ra tồi tệ. Các tướng lĩnh và quân đội phàn nàn công khai về những tổn thất và thất bại khi ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine. Trong một bài phát biểu gần đây, Richard Moore, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh, nhận định: “Cuộc nổi dậy của Wagner đã phơi bày sự suy tàn không thể phủ nhận của một chế độ chuyên quyền thiếu ổn định do Putin lãnh đạo”.

Nhiều người bắt đầu tự hỏi: Nước Nga hậu Putin sẽ như thế nào? Người kế nhiệm ông ta sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn đối với Ukraine, với thế giới bên ngoài và chính người Nga? Những thay đổi chính sách hiện nay sẽ tạo ra hy vọng hay thất vọng? Trả lời câu hỏi này là rất khó khăn do tình hình chính trị Nga không có gì là chắc chắn và khả năng hạn chế của phương Tây trong việc gây ảnh hưởng đối với cục diện chính trị Nga. Thực tế trước mắt cho thấy, dù phải đối mặt với tất cả những rắc rối hiện có, Putin (bước sang tuổi 71 vào Tháng Mười này) có thể sẽ duy trì được quyền lực thêm nhiều năm nữa.

Đa số ý kiến tin rằng nhân vật nào lên thay cũng tốt hơn Putin, vì lý do đơn giản là người kế nhiệm không phát động cuộc chiến nên không bị áp lực tâm lý nếu muốn giải thoát Nga khỏi cuộc xung đột nguy hiểm nhất kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ II. “Chừng nào Putin còn tại vị, chiến tranh sẽ còn – đại kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov, một trong những nhân vật hàng đầu của phe đối lập lưu vong chống Putin, nhận định – Có một điều chúng ta biết chắc chắn là Putin sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến đồng đôla cuối cùng và người lính cuối cùng. Đối với ông ta, chiến tranh là cách duy nhất để giữ quyền lực”.

Một cuộc biểu tình chống Putin tại Tbilisi, Georgia ngày 20 Tháng Tám 2023 (ảnh: Nicolo Vincenzo Malvestuto/Getty Images)

Tuy nhiên, ở Washington và một số thủ đô phương Tây, tâm trạng chung là thận trọng. Đối với nhiều quan chức, cuộc nổi dậy của Wagner đã cho thấy sự nguy hiểm của việc một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga cấp tiến và khó dự đoán hơn Putin lên nắm quyền và sẽ làm mọi cách để củng cố địa vị. Theo họ, dù phạm sai lầm nghiêm trọng khi xâm lược Ukraine, nhưng cho đến nay Putin vẫn kiềm chế không hành quyết kẻ thù trong nước và vẫn là một người có lý trí, có tính toán khi nói đến leo thang hạt nhân.

Phương Tây từng lo sợ về một nước Nga hùng mạnh nay lại lo sợ về viễn cảnh một nước Nga quá yếu và không ổn định (mối lo ngại này đã ảnh hưởng đến quyết định những loại khí tài quân sự nào được trao cho Kyiv).

Về phần mình, Putin đã sử dụng một chiến lược được các nhà độc tài ưa chuộng từ lâu: Thẳng tay đàn áp phe đối lập có tư tưởng tự do trong nước và dung túng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gồm cả những kẻ kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine, châu Âu và cả Hoa Kỳ. Nếu có một sự kiện có thể kích hoạt sự thay đổi chế độ ở Moscow trong tương lai gần thì đó phải là thất bại quân sự hoàn toàn của Nga trên chiến trường Ukraine. Nhưng chiến tranh chưa đến gần điểm đó. Tình hình tại tiền tuyến chưa phải là thảm họa cho Nga.

Cuộc tấn công được mong đợi từ lâu của Ukraine, được phát động vào Tháng Sáu, chỉ đạt được những thành tựu hạn chế và gặp phải sự kháng cự mạnh của Nga khi Washington từ chối cung cấp các hoả tiễn tầm xa mà Kyiv yêu cầu. Các máy bay chiến đấu F-16 do các đồng minh châu Âu của Mỹ sở hữu cũng chưa được bật đèn xanh chuyển giao cho Ukraine. Nhiều quan chức phương Tây xem việc quá thận trọng và hạn chế hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì lo ngại biến động bất lợi cho phương Tây bên trong nước Nga là một sai lầm chiến lược.

Ảnh: Getty Images

Những hệ quả gì có thể xảy ra?

Như một vấn đề lịch sử, các cuộc cách mạng ở Nga thường được kích hoạt bởi những thất bại quân sự: Thất bại trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản vào năm 1905, thương vong lớn trong Đại chiến Thế giới lần thứ I và thất bại trong việc chiếm đóng Afghanistan vào thập niên 1980. Đó là vài trong những yếu tố thúc đẩy một cuộc cách mạng.

Bản thân Putin từng ám chỉ bài học lịch sử đó trong cuộc nổi dậy của Wagner khi ông tuyên bố: “Cách mạng Bolshevik năm 1917 đã đánh cắp chiến thắng của những người lính Nga và dẫn đến một trận đại hồng thủy, quân đội bị tiêu diệt, nhà nước sụp đổ và mất mát những lãnh thổ rộng lớn”.

Tại Ukraine, người ta hy vọng những căng thẳng nội bộ ở Nga sẽ khiến Moscow không thể tiếp tục nuôi cuộc chiến. Cơ quan tình báo quân sự HUR của Kyiv đang tài trợ cho các đơn vị quân sự lưu vong của Nga thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ xuyên biên giới vào vùng Belgorod của Nga. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine không gây tiếng vang về mặt quân sự nhưng là “biểu tượng chính trị” làm mất mặt Putin, khiến ông khó giữ được sự ủng hộ của giới tinh hoa Nga. Thậm chí, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc HUR còn trưng bày trong văn phòng của mình một bản đồ nước Nga được chia thành nhiều tiểu bang độc lập.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhận định: “Bất kỳ ai khác lên nắm quyền sau Putin sẽ có khả năng linh hoạt hơn và ôn hòa hơn, không phải vì ông ta là người tốt hơn mà vì làm như thế sẽ có lợi hơn cho ông ta hơn. Đây là những người thông minh, và họ hiểu rất rõ những gì họ phải làm. Khi đến ngày đó, họ sẽ chạy nối đuôi nhau, hét lên: Chúng tôi là những người đầu tiên đã cố gắng ngăn chặn một quyết định tệ hại”.

Một cuộc biểu tình chống Putin tại New York ngày 26 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Selcuk Acar/Anadolu Agency via Getty Images)

Thực tế cho thấy, trong khi những người kế nhiệm các nhà độc tài có xu hướng ít đàn áp hơn ở trong nước, thì họ không nhất thiết mềm mỏng hơn đối với thế giới bên ngoài. Nikita Khrushchev, người lên nắm quyền sau cái chết của Stalin vào năm 1953, đã dọn sạch hầu hết các trại tù Gulag, chấm dứt chính sách giết người hàng loạt và cho phép toàn bộ các nhóm sắc tộc về quê nhà nhưng ông ta lại theo đuổi một chính sách đối ngoại liều lĩnh hơn, mạo hiểm với vũ khí nguyên tử trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Samuel Greene, giáo sư chính trị Nga tại King’s College London cho biết hy vọng tốt nhất cho hòa bình có thể nằm ở sự kế thừa được dàn dựng sẵn với sự đồng thuận của các phe phái chính trong giới tinh hoa Nga. Ông nói: “Chế độ thoả hiệp đó có khả năng duy trì sự thống nhất và kiểm soát bộ máy tuyên truyền nhà nước để giải thích cho người dân rằng Putin là tội phạm chiến tranh, kẻ đã lừa dối mọi người về cuộc xâm lược”.

Marat Gelman, cựu Cố vấn của Putin và từng là Giám đốc điều hành cấp cao của đài truyền hình nhà nước, nay quay sang ủng hộ phe đối lập chống chế độ, nêu ý kiến: “Những lực lượng phản đối người kế nhiệm Putin có thể chọn đường phố thay vì thùng phiếu để đạt được mục đích. Khi đó, mối đe dọa nội chiến là hiển nhiên. Putin đã phá hủy tất cả thể chế. Nếu ông ta rời bỏ quyền lực, các khu vực sẽ không còn phục tùng trung ương như hiện nay nữa. Trong bất kỳ trường hợp đối đầu bùng nổ nào, người kế thừa Putin sẽ phải tập trung trước hết vào việc củng cố quyền lực và vô hiệu hoá các đối thủ trong nước”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: