Ngày 10 Tháng Sáu, Bắc Kinh và Moscow mở ra liên kết mới sau nhiều năm chờ đợi. Đó là sự hình thành cây cầu nối hai bờ Nga-Trung.
Biểu tượng hợp tác
Trong nhiều thập niên, sông Amur (Hắc Long Giang) ngăn cách Trung Quốc hiện đại và Nga. Con sông chiếm hơn 1,000 trong số khoảng 2,500 dặm biên giới giữa hai nước, nhưng lại thiếu một cây cầu để giao thương xe cộ giữa hai bên. Giờ đây, khi bị phương Tây cô lập kinh tế sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga tiến đến gần Bắc Kinh hơn, và cây cầu đường bộ duy nhất qua sông Amur để biểu lộ sự thân mật.
Cây cầu nối hai bờ Nga-Trung là cái mà truyền thông nhà nước ở cả hai bên gọi là “cầu đường cao tốc đầu tiên bắc qua sông Amur đánh dấu một chiến thắng kinh tế và ngoại giao lớn”.
Một màn khánh thành tráng lệ với pháo bông tung màu sắc trên bầu trời và các quan chức địa phương vỗ tay từ hai bờ sông, trong khi hai đại diện hai chính phủ tươi cười mãn nguyện trên màn ảnh truyền hình khổng lồ.
Một cầu vượt sông thứ hai – cầu đường sắt xa hơn về phía Đông ở thành phố Tongjiang của Trung Quốc và Nizhneleninskoye của Nga động thổ năm 2014 cũng sẽ sớm thông xe. Trong màn bày tỏ tính đoàn kết đầu tiên, tám xe tải chở hàng từ Trung Quốc và tám xe tải từ Nga đi qua cây cầu dài hơn 1 km, mỗi chiếc mang hai lá cờ quốc gia lớn ở hai bên xe đi dưới màn biểu diễn của các máy bay không người điều khiển.
Theo Moscow, khi các tàu chở hàng Trung Quốc chở hàng điện tử và lốp xe, dầu đậu nành và gỗ xẻ của Nga thì những ai nghi ngờ về tình bạn và đối tác thương mại giữa hai nước sẽ phải nghĩ lại! Yury Trutnev, Đặc phái viên của Điện Kremlin về vùng Viễn Đông của Nga nhận định: “Cầu Blagoveshchensk-Heihe là một biểu tượng đặc biệt trong thế giới phân hoá ngày nay. Nó sẽ trở thành sợi dây hữu nghị gắn kết nhân dân Nga và nhân dân Trung Quốc”.
Cây cầu kinh phí $369 triệu kết nối hai thành phố Heihe ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc với thủ phủ Blagoveshchensk của vùng Viễn Đông Nga dự kiến sẽ thông quan khoảng 4 triệu tấn hàng hóa và 2 triệu hành khách mỗi năm khi đi vào hoạt động đầy đủ. Điều đó có nghĩa là sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương giữa hai quốc gia, được dự báo sẽ tăng lên khi Moscow ngày càng hướng tới Bắc Kinh trong hợp tác kinh tế, dù chưa ai biết Trung Quốc có thể đi bao xa để hỗ trợ nước láng giềng đang bị trừng phạt.
“Điểm nóng” giữa hai quốc gia đã hết “nóng”?
Hai cây cầu ra đời là để nhấn mạnh lợi ích của Bắc Kinh trong quan hệ đối tác, ngay cả khi chính sách zero-COVID của Trung Quốc đã dẫn đến việc thắt chặt kiểm soát biên giới trên bộ. Ví dụ Trung Quốc dựng chốt chặn với Myanmar, kiểm tra nghiêm ngặt các cửa khẩu qua biên giới và cảnh báo công dân ở biên giới với Triều Tiên không nên quan hệ làm ăn để virus khỏi tràn vào.
Tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua tuyên bố: “Sẵn sàng làm việc với Nga để không ngừng thúc đẩy hợp tác”. Cả hai cây cầu đã được xây dựng trong nhiều năm. Cầu đường bộ động thổ năm 2016, hoàn thành đã hơn hai năm nhưng do đại dịch nên nay mới thông xe. Hai cây cầu mới là minh chứng cho mối quan hệ đang phát triển dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo CNN, Artyom Lukin, giảng dạy khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Far Eastern Federal University ở Vladivostok, Nga và Trung Quốc chưa có cây cầu nào bắc qua sông Amur, nay đã có hai cây cầu, nên mục tiêu tăng cường thương mại của Nga là khả thi.
Mùa Xuân qua, Moscow đưa ra mục tiêu đạt $200 tỉ thương mại giữa hai bên vào năm 2024, tăng từ kỷ lục $146 tỉ trong năm ngoái.
Nhưng việc hai cây cầu được chia đôi, nửa bên này do Trung Quốc xây, nửa bên kia do Nga xây và bản thân con sông có cây cầu nối hai bờ, nhắc nhở về những trắc trở cũ trong mối quan hệ giữa hai nước. Hai bờ sông từng là điểm nóng và được tuần tra nghiêm ngặt. Một nhánh sông Amur là nơi xảy ra xung đột biên giới năm 1969 giữa Liên Xô và Trung Quốc cộng sản non trẻ. Phải đến thập niên 1990, phần lớn tranh chấp lãnh thổ mới được giải quyết.
Do xung đột và nghi kỵ nên các thỏa thuận phát triển sự hợp tác qua sông mới bị đình trệ suốt nhiều năm qua. Cầu phao, tàu đệm khí và đường đóng băng theo mùa là phương tiện duy nhất đưa người và hàng hóa qua lại. Theo Lukin, ngần ấy không đủ, khi khối lượng thương mại giữa hai quốc gia ngày càng tăng.
“Trung Quốc luôn thúc đẩy xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cảng, nhưng cho đến gần đây Nga vẫn hơi lưỡng lự,” Lukin nói. “Nhưng bây giờ Nga không còn lựa chọn nào khác. Kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 dẫn đến phản ứng dữ dội của phương Tây, Nga đã cởi mở hơn nhiều với các sáng kiến phát triển giao thương biên giới của Trung Quốc”.
Mở ra kỷ nguyên mới?
Cầu đường cao tốc không chỉ để vận chuyển hàng hóa nhiều hơn mà còn kết nối các đặc khu kinh tế mới và giúp sự đi lại giữa thành phố Heihe nơi có khoảng 1.3 triệu dân và Blagoveshchensk dân số khoảng 250,000 thuận tiện hơn.
Tạm thời, các chính sách COVID-19 của Trung Quốc không cho phép dân chúng qua lại tự do mà chỉ cho vận chuyển hàng hóa. Heihe và Blagoveshchensk từng có quan hệ du lịch và thương mại mạnh mẽ trước đại dịch. Theo truyền thông địa phương, chính quyền Blagoveshchensk đã ra lệnh cho tất cả học sinh phải học tiếng Hoa từ ngày 1 Tháng Chín.
Yu Bin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wittenberg ở tiểu bang Ohio và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải nhận định: “Việc mở cửa giao thương có thể mang lại sức sống cho một khu vực dân cư thưa thớt của Nga. Nó cũng báo hiệu sự chuyển hướng trong nhận thức của người Nga là những liên kết như thế có thể làm bùng phát một làn sóng người Trung Quốc đến các vùng Viễn Đông Nga”.
Dù rất ít bằng chứng ủng hộ nhận thức này, nhưng lo ngại phát xuất từ sự chênh lệch giữa hai bên sông. Heihe (một phần của tỉnh Hắc Long Giang có 31 triệu dân) trong vài thập niên gần đây đã phát triển thành một thành phố nhộn nhịp với đường chân trời đầy màu sắc được phản chiếu qua sông Amur, trong khi Blagoveshchensk có tốc độ tăng trưởng chậm hơn và từ lâu bị giảm dân số do nhiều người chuyển sang miền Tây nước Nga. Khu vực này chiếm hơn 40% lãnh thổ Nga nhưng 8 triệu cư dân của nó chỉ bằng 5% dân số Nga.
Lô hàng đầu tiên từ Blagoveshchensk đến Trung Quốc vào ngày chính thức mở cửa là dầu đậu nành nhấn mạnh vai trò kinh tế của Nga đối với Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa lớn. Nhưng có một câu hỏi thú vị hơn được đặt ra: Trong tình hình Mỹ đe doạ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu vi phạm các lệnh cấm vận Nga, thì Nga sẽ chuyển gì cho Trung Quốc qua cây cầu này?
Đọc thêm: