Cán cân quân sự ở Đông Á sẽ có sự thay đổi lớn trong vài năm tới khi Nhật Bản thực hiện kế hoạch gia tăng năng lực quốc phòng lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai với Trung Quốc là đối thủ được nhắm tới.
Trong một bước đột phá lớn so với nguyên tắc chỉ tự vệ của Hiến pháp Nhật Bản, hôm qua thứ Sáu 16 Tháng Mười Hai 2022, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, tuyên bố kế hoạch xây dựng khả năng tấn công phủ đầu và mở rộng kho hỏa tiễn hành trình để chủ động hơn trước các mối đe dọa từ nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.
Tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP
Với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga nằm ngay phía Tây và phía Bắc, Nhật Bản “phải đối mặt với môi trường an ninh quốc gia phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh [thế giới thứ hai]”, bản chiến lược nhấn mạnh. Nhật gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” – trên cả Triều Tiên và Nga – đối với nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo hòa bình, an toàn và ổn định cho chính mình và thế giới.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Thủ tướng Fumio Kishida mói rằng việc sở hữu khả năng tấn công là “không thể thiếu” để Nhật ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù. “Khi các mối đe dọa trở thành hiện thực, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có bảo vệ được hoàn toàn đất nước của chúng ta không? Thành thật mà nói, [khả năng của SDF] hiện tại là không đủ,” ông Kishida nói, theo AP.
Theo chiến lược này, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong năm năm 2022-2027 sẽ vào khoảng 43 ngàn tỷ yen ($320 tỷ), tương đương 2% GDP của Nhật, gấp 1.6 lần so với tổng chi tiêu trong năm năm hiện tại. Mức 2% GDP là tỷ lệ tối thiểu đầu tư cho quốc phòng được Hoa Kỳ yêu cầu các nước thành viên khối NATO thực hiện; Nhật không nằm trong NATO nhưng là đồng minh chiến lược về an ninh của Mỹ nên cũng có nghĩa vụ nâng tỷ lệ chi cho quốc phòng lên 2% GDP. Với chi tiêu quốc phòng $320 tỷ trong năm năm, và có thể lên 10 ngàn tỷ yen ($73 tỷ) mỗi năm, Nhật sẽ xếp thứ ba về chi tiêu quân sự, tương ứng với quy mô kinh tế của mình, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc
Thủ tướng Kishida cho biết tăng ngân sách là ưu tiên chính sách của ông kể từ khi nhậm chức vào Tháng Mười năm 2021.
Trọng tâm là hỏa tiễn
Do quá khứ từng là kẻ xâm lược và phải đầu hàng không điều kiện, chính sách thời hậu chiến của Nhật Bản ưu tiên tăng trưởng kinh tế, còn về an ninh thì dựa vào quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản theo thỏa thuận an ninh song phương giữa hai nước. Việc xây dựng quốc phòng của Nhật Bản từ lâu đã được coi là một vấn đề nhạy cảm ở trong nước và trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước châu Á từng là nạn nhân của các hành động tàn bạo trong thời chiến của Nhật Bản.
Nhưng các chuyên gia cho rằng do Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự, sự kiện Nga xâm lược Ukraine và lo ngại về tình trạng khẩn cấp của Đài Loan đã khiến nhiều người Nhật Bản ủng hộ việc tăng cường năng lực và chi tiêu quốc phòng.
Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản cho rằng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ hỏa tiễn đã trở thành “mối đe dọa thực tế” trong khu vực, khiến việc đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại trở nên khó khăn hơn. Trong năm nay Triều Tiên đã bắn hơn 30 hỏa tiễn đạn đạo, trong đó có một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong hành động phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hồi Tháng Tám, Trung Quốc đã bắn năm tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần các đảo phía nam của Nhật Bản bao gồm cả đảo Okinawa – nơi có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ.
Theo kế hoạch đề ra trong chiến lược, Nhật sẽ chi 5 nghìn tỷ yên ($37 tỷ) để mua từ nước ngoài các hỏa tiễn đất đối đất, bao gồm hỏa tiễn Tomahawk của Lockheed Martin và Hỏa tiễn đối không liên kết đất đối đất (Joint Air-to-Surface Standoff Missile), trong khi Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản phát triển hỏa tiễn dẫn đường đất đối hạm Type-12. Để nhanh chóng ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra, Nhật Bản cũng sẽ triển khai một số đơn vị hỏa tiễn dự phòng tại các địa điểm không được tiết lộ.
Các mặt hàng khác trong danh sách mua sắm quân sự của Nhật bao gồm hỏa tiễn đánh chặn, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, chiến đấu cơ tàng hình F-35, trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng.
Khả năng tấn công phủ đầu
Một mục tiêu lớn trong kế hoạch của Nhật Bản là phát triển cái gọi là “khả năng phản công” mà theo các chuyên gia quân sự, chỉ là cách nói khác của khả năng tấn công phủ đầu; cho phép Nhật Bản tấn công các căn cứ hỏa tiễn của đối phương khi phát hiện âm mưu tấn công Nhật Bản ngay cả trước khi các hỏa tiễn đó được khai hỏa. Chiến lược an ninh mới của Nhật nói rõ nước này phải đạt được khả năng “ngăn chặn và đánh bại các cuộc xâm lược chống lại quốc gia của mình sớm hơn nhiều và ở khoảng cách xa hơn”.
Khả năng phản công của Nhật sẽ hình thành sớm nhất là vào năm 2026 khi các hệ thống hỏa tiễn Tomahawk tầm xa mạnh mẽ do Hoa Kỳ cung cấp được triển khai trên thực địa. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết họ vẫn đang đàm phán chi tiết về việc mua hỏa tiễn Tomahawk.
Việc phát triển năng lực phản công như vừa nói là đặt dấu chấm hết cho chính sách của chính phủ Nhật Bản từ năm 1956, theo đó phản công chỉ được coi là biện pháp phòng vệ cuối cùng được quy định trong hiến pháp.
“Bằng việc tăng cường căn bản sức mạnh quốc phòng, chúng ta phải chuẩn bị vững chắc cho tình huống xấu nhất”, chiến lược mới cho biết.
Chính phủ Nhật Bản đã đổi tên cái được gọi là tấn công phủ đầu thành “khả năng phản công”, dường như để nhấn mạnh rằng đó là để tự vệ. Tomohisa Takei, một đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Nhật Bản, cho biết dù diễn đạt theo cách nào thì chiến lược an ninh mới của Nhật vẫn xác định mối đe dọa chính là Trung Quốc, mà Nhật Bản đã phải chuẩn bị đối phó, còn mối đe dọa từ Triều Tiên chỉ được sử dụng “như một vỏ bọc”.
Nhưng “khả năng phản công” hoặc “tấn công phủ đầu” là chuyện rất khó thực hiện khi Nhật hoàn toàn dựa vào tình báo Hoa Kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa của kẻ thù, nhằm ngăn chặn cuộc tấn công một cách hiệu quả mà không bị đổ lỗi cho việc thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu. Christopher Johnstone, cố vấn cấp cao và chủ tịch Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết sẽ cần một liên minh Nhật-Mỹ sâu sắc hơn thì Nhật mới phát triển được năng lực phản công.
Phản ứng của các nước
Trung Quốc tất nhiên đã phản ứng giận dữ với chiến lược quốc phòng mới của Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cáo buộc Nhật Bản “phớt lờ sự thật, đi chệch khỏi cam kết đối với quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và những hiểu biết chung giữa hai nước, đồng thời làm mất uy tín của Trung Quốc một cách vô căn cứ”. “Việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc để lấy cớ xây dựng quân đội của Nhật chắc chắn sẽ thất bại,” ông Vương cho biết hôm thứ Sáu tại một cuộc họp báo hàng ngày.
Hàn Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng Nhật Bản phải tham khảo ý kiến của Seoul trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Seoul, chẳng hạn như thực thi khả năng phản công nhắm vào Bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Hàn Quốc “mong muốn” Nhật Bản thực hiện chính sách an ninh để đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.
Ngày 16 Tháng Mười Hai, chính quyền Mỹ đã ca ngợi chiến lược an ninh mới của Nhật, gọi đây là một bước đi “táo bạo và mang tính lịch sử” nhằm duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo hãng tin Kyodo News.
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông cho biết Washington “hoan nghênh những đóng góp của Nhật cho hòa bình và thịnh vượng”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trong một tuyên bố cho biết chiến lược mới của Nhật Bản “đặt ra tầm nhìn của Thủ tướng Kishida và người dân Nhật Bản về một cộng đồng đối tác và đồng minh rộng lớn và mạnh mẽ trong khu vực”. “Mục tiêu của Nhật Bản tăng đáng kể đầu tư quốc phòng cũng sẽ củng cố và hiện đại hóa liên minh Mỹ-Nhật,” ông Sullivan nói thêm.
Đọc thêm: