Nhìn Philippines “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc

Dựa vào Mỹ, chơi với Trung Quốc và vị thế của Philippines
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc ngày 1 tháng Năm 2023 về siết chặt thêm nữa quan hệ Mỹ-Philippines. Ảnh Alex Wong/Getty Images

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đến thủ đô Washington D.C. hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1 tháng Năm 2023 vào lúc Trung Quốc thông báo muốn thảo luận với Manila về quyền đánh cá trên Biển Đông mà vài tuần trước Bắc Kinh đơn phương ra “lệnh cấm” bắt đầu cũng từ ngày 1 tháng Năm.

Ông Marcos Jr. là tổng thống Philippines đầu tiên được Tổng thống Mỹ tiếp đón tại Tòa Bạch ốc trong hơn mười năm qua. Theo giới quan sát, củng cố quan hệ quốc phòng đã có từ lâu giữa hai nước sẽ là trọng tâm nổi bật trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo vào lúc cả hai nước đều lo ngại trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Trung Quốc dằn mặt

Ông Marcos Jr. đến Washington chỉ vài ngày sau khi lực lượng tuần duyên nước này suýt va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông khi phía Trung Quốc chặn đường hai tàu Philippines tiếp tế hàng nhu yếu phẩm cho một đồn lính của họ trên Bãi Cỏ Rong (Second Thomas Shoal), chỉ cách Palawan 195 km, tức là trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hôm 23 tháng Tư vừa qua. Trên tàu của Philippines có nhiều nhà báo quốc tế được Manila mời tham gia chuyến đi để tận mắt chứng kiến hành vi quấy rối của Bắc Kinh nên sự việc không thể che giấu được.

Hành vi nguy hiểm của Trung Quốc được cho là “phản ứng dằn mặt” của Bắc Kinh sau khi Manila cho phép quân đội Mỹ được đóng quân ở chín căn cứ quân sự của Philippines, tăng từ năm căn cứ trước đây. Trong bốn căn cứ mới mà quân Mỹ được đồn trú có ba căn cứ ở phía bắc gần Đài Loan và một căn cứ ở phía đông nam gần quần đảo Trường Sa – hai điểm nóng nơi Trung Quốc thường xuyên đe dọa các nước láng giềng. 

Trung Quốc cũng bực dọc với cuộc tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ và Philippines đang diễn ra trên Biển Đông; năm nay cuộc tập trận được coi là lớn nhất xưa nay với 17,000 binh sĩ của hai nước tham gia.  

Thực ra, những hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc ở Biển Đông đã là chuyện thường ngày. Nhưng lần này Mỹ đã không chịu ngồi yên. Hôm thứ Bảy 29 tháng Tư, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối các tàu Philippines ở Biển Đông và cam kết sát cánh với Philippines trong trường hợp binh sĩ, phi cơ, tàu thuyền của Philippines bị tấn công. “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi khiêu khích và không an toàn,” tuyên bố nói.

Biện pháp tốt nhất: Liên minh với Mỹ

Trở lại với chuyến thăm Mỹ đang diễn ra của Tổng thống Ferdinand Marcos, Jr. mà đài Pháp RFI nhận định, cuộc họp thượng đỉnh song phương Marcos-Biden “sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Philippines”. RFI cho biết, trước khi lên đường công du Hoa Kỳ, tổng thống Philippines đã khẳng định quyết tâm siết chặt thêm quan hệ với Mỹ về mọi mặt nhằm thúc đẩy các “lợi ích cốt lõi” của nước ông mà một trong những lợi ích đó là làm sao bảo vệ được các vùng lãnh thổ tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền và đe dọa. 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (cà vạt đỏ) thăm một đơn vị pháo binh HIMARS của Phi đang tập trận với quân Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan ho6mm 28 tháng Tư 2023. Ảnh Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images

Philippines là đồng minh duy nhất của Mỹ ở Đông Nam Á đã ký kết một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ từ năm 1951 mà điều 4 của hiệp ước quy định Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Philippines bị một nước thứ ba tấn công. Nhưng mối quan hệ Washington – Manila có nhiều thăng trầm, nhất là sau khi Mỹ bị buộc phải rút quân khỏi các căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân vịnh Subic của Philippines năm 1991. Trung Quốc đã lợi dụng “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ để lại để nhanh chóng bành trướng ảnh hưởng, chèn ép các nước ven Biển Đông, mà nạn nhân chính là Philippines và Việt Nam.

Bây giờ, chính sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến Manila phải siết chặt quan hệ với Mỹ – mối quan hệ từng bị nguội lạnh dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos Jr. Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington nhận định, chừng nào Bắc Kinh còn “tiếp tục các hành vi bức hiếp ở Biển Đông, thì một liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ là biện pháp ngăn chặn tốt nhất đối với Philippines”.

Nhưng không thù địch Trung Quốc

Nói như thế không có nghĩa là Philippines ra mặt chống đối Trung Quốc hay coi Bắc Kinh là kẻ thù. Cũng như người tiền nhiệm Duterte, Tổng thống Marcos Jr. coi trọng mối quan hệ kinh tế và láng giềng với Trung Quốc. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị tổng thống, ông Marcos Jr. đã đến Bắc Kinh, hội kiến với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các doanh nghiệp hai nước đã ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá tới $33 tỷ. Ông Tập cũng hứa sẽ gia tăng viện trợ và đầu tư của Trung Quốc vào các dự án hạ tầng cơ sở của Philippines trị giá nhiều tỷ Mỹ kim – điều mà ông Tập đã hứa với tổng thống tiền nhiệm Duterte mà không thực hiện. 

Một tuần trước khi công du Washington, Tổng thống Marcos Jr. đã đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và hai bên cam kết hợp tác, mở đường dây nóng để giải quyết những khác biệt hàng hải của họ ở Biển Đông. “Về các cuộc xung đột, chúng tôi đã đồng ý lập thêm các đường dây liên lạc để bất cứ sự kiện nào xảy ra ở Biển Tây Philippines liên quan đến Trung Quốc và Philippines đều có thể được giải quyết ngay lập tức,” ông Marcos nói. Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cũng nói với ông Tần rằng Philippines cam kết chính sách Một Trung Quốc, quan hệ với Bắc Kinh không chỉ có vấn đề Biển Đông mà còn nhiều khía cạnh khác. 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở Manila hôm 22 tháng Tư 2023 và yêu cầu TQ nối lại đường dây liên lạc cấp cao giữa hai nước để xử lý những tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh Zhang Xinglong/China News Service/VCG via Getty Images

Nhưng quan hệ kinh tế đầu tư với Trung Quốc đã không ngăn cản Philippines quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết. Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á đã kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển để bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ngày 14 tháng Bảy 2016, Philippines đã được tòa PCA tuyên thắng kiện, tuyên bố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có giá trị pháp lý. 

Trong năm ngoái 2022, Philippines đã gửi hơn 200 công hàm ngoại giao phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Philippines; có 77 công hàm được gửi đi dưới thời ông Marcos Jr. – người nhậm chức vào tháng Sáu năm ngoái. 

Chuyến thăm Washington của ông Marcos Jr. hiện nay được cho là nhằm làm rõ hơn quyết tâm và phạm vi can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong tình huống Manila bị Trung Quốc tấn công hoặc đe dọa.

“Đu dây” 

Rõ ràng Philippines có chiến lược “đu dây” rất tế nhị giữa hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực là Mỹ và Trung Quốc. 

Cái hay của Philippines là dù có Mỹ làm chỗ dựa về an ninh nhưng Manila vẫn không tỏ ra thù địch với Trung Quốc, khi bị Trung Quốc gây hấn, Philippines cũng chỉ phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý cần thiết, trong tư thế của người có chính nghĩa. 

Ngược lại, dù kinh tế Philippines phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và mong mỏi đầu tư của Trung Quốc để cải thiện cơ sở hạ tầng, Philippines không để cho Trung Quốc chi phối chính sách đối ngoại, không hy sinh chủ quyền và lợi ích quốc gia và không khuất phục sự đe dọa của Trung Quốc. 

Tại cuộc hội đàm trong Phòng Bầu dục hôm 1 tháng Năm, Tổng thống Biden nói ông không hình dung được đối tác nào tốt hơn Philippines. “Hoa Kỳ vẫn vững như đá trong cam kết bảo vệ Philippines, kể cả ở Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines canh tân quân đội”, ông Biden nói. Nhân dịp này Mỹ công bố viện trợ cho quân đội Philippines ba phi cơ vận tải quân sự cỡ lớn C-130 và hai tàu tuần dương cỡ lớn cho lực lượng phòng thủ bờ biển của nước này.

Trung Quốc tất nhiên không hài lòng với việc Manila siết chặt quan hệ an ninh với Washington. Nhưng biện pháp quấy rối, đe dọa và cưỡng ép của Trung Quốc chẳng những không làm cho Philippines lo sợ mà ngược lại càng làm cho quan hệ Washington-Manila thêm bền chặt.

Có lẽ từ nhận thức đó mà Bắc Kinh thông báo nối lại đường dây liên lạc cấp cao giữa hai nước và đồng ý ngồi vào bàn thảo luận với Manila về quyết định “cấm đánh cá trên Biển Đông” mà Trung Quốc mới áp đặt gần đây, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Philippines, Việt Nam và các nước ven biển khác.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: