Những câu hỏi lớn nhất trên bàn cờ rối ren Trung Đông

Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 22 Tháng Chín 2023 (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Lịch sử một lần nữa lặp lại và nguyên nhân chính để Hamas tấn công là do triển vọng về một nền hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông gần như đã nằm trong tầm tay với một thỏa thuận sắp trở thành hiện thực giữa Israel và Ả-rập Saudi.

Sự phá hoại của Hamas cũng tương tự sự đình trệ của kế hoạch hòa bình Israel-Palestine năm 2000 sau Hội nghị thượng đỉnh Trại David khi phong trào Intifada thứ hai nổ ra, phá hỏng mọi giấc mơ bình thường hóa và dẫn đến cái chết của hàng ngàn thường dân.

Lần này, Israel, Ả-rập Saudi và Hoa Kỳ đang tiến gần hơn tới một hiệp định ba bên mang tính bước ngoặt, với việc Israel và Ả-rập Saudi sẽ chính thức công nhận lẫn nhau và cùng quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng và kinh tế với Hoa Kỳ. Chỉ một tuần trước, Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed Bin Salman còn tuyên bố: “Mỗi ngày chúng ta càng tiến gần hơn đến một thỏa thuận”.

Thủ tướng Israel Netanyahu cũng tuyên bố ông tin tưởng vào việc tạo dựng “một nền hòa bình lịch sử” giữa đất nước ông và Ả-rập Saudi. Các bộ trưởng nội các Israel sẽ đến Riyadh để “vun xới cho các mối quan hệ tốt đẹp đang đâm hoa kết trái”. Kẻ thua cuộc tồi tệ nhất vẫn là người dân Palestine khi họ bị mất lời hứa khôi phục kinh tế và an ninh mà chỉ vài ngày trước đây dường như sắp xảy ra. Dưới đây là một số câu hỏi nóng hổi có thể được nhiều người quan tâm.

Binh sĩ Israel tại biên giới Gaza (ảnh: Ilia Yefimovich/picture alliance via Getty Images)

Cuộc tấn công phá hoại của Hamas có gây nguy hiểm cho việc bình thường hóa quan hệ Ả-rập Saudi-Israel?

Trong tình hình hiện nay, rất khó để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trong thời gian ngắn như mong đợi. Khi Hamas gây ra cuộc khủng hoảng lớn nằm ngoài dự báo cho khu vực, Ả-rập Saudi không thể công khai tách rời thế giới Hồi giáo và Ả-rập, và càng khó cho Qatar làm như vậy.

Vào lúc này, trên toàn khu vực, tiếng nói của các giáo sĩ Hồi giáo cứng rắn đang chiếm ưu thế hơn so với những người tiến bộ như Mohamed Alabbar, người sáng lập Emaar Properties và là một trong những nhà xây dựng thương mại lớn nhất thế giới, người từng nói “thế hệ trẻ sẽ không để chúng ta cứ mắc kẹt mãi trong quá khứ của mình. Người Palestine cũng là dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng với tinh thần tích cực và muốn làm nhiều hơn nữa để tạo cơ hội thu nhập và cung cấp thêm các dịch vụ cơ bản cho họ. Khu vực tư nhân có thể giúp tạo động lực đằng sau một nền kinh tế mong manh và khơi dậy hy vọng cho người dân Palestine”.

Bây giờ cơ hội đó đã bị mất đi, ít nhất thời điểm trước mắt. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ả-rập Saudi có thể ăn mừng trước khả năng Iran phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng trên toàn cầu khi họ tài trợ cho Hamas. Mỹ và Israel sẽ có thêm động lực và huy động nhiều nguồn lực hơn để đối đầu với Iran như “mối đe dọa khu vực lớn nhất”. Iran cũng là mối đe dọa an ninh chung lớn nhất trong khu vực nên việc Israel và Saudi hoà hoãn sẽ giúp nhau hợp sức để chống lại ý đồ của Iran.

Một góc Gaza sau cuộc oanh kích trả đũa của Israel ngày 9 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

Vai trò của Iran?

Đối thủ lớn nhất của Iran trong khu vực là Ả-rập Saudi. Sự thù địch quân sự, ngoại giao, văn hóa và tôn giáo tiếp tục chia rẽ hai quốc gia. Viễn cảnh Saudi công nhận “nhà nước” Israel sau 75 năm sẽ làm suy giảm tiếng nói của Iran trong thế giới Hồi giáo và đoàn kết hai kẻ thù của Iran. Iran luôn là nhà tài trợ lớn nhất của Hamas, cung cấp 70% tài chính cho tổ chức này, gồm viện trợ quân sự $100 triệu mỗi năm, huấn luyện quân sự và hỗ trợ nhân đạo.

Dân Iran xuống đường vui mừng trước vụ tấn công Israel của Hamas (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc xâm lược của Hamas vào Israel khó thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ (ít nhất là trong bóng tối) từ Iran (nơi đang công khai ăn mừng cuộc tấn công của Hamas bằng pháo hoa và lễ hội). Nói như tác giả kiêm nhà báo người Mỹ gốc Iran Roya Hakakian: Iran rất cần một cuộc xung đột, vì Teheran đang đối mặt nhiều thách thức trong nước, nhất là từ vụ sát hại Mahsa Amini vào năm ngoái. Chính quyền Iran đã mất tính hợp pháp trong mắt nhiều người dân trong bối cảnh bất mãn, khủng hoảng kinh tế và sự cô lập quốc tế. Sự tồn tại của chế độ phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ cộng sinh với những kẻ cực đoan khác, những kẻ sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Iran, trong trường hợp này là Hamas.

Phản ứng của Ai Cập, Jordan, Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, Hezbollah và các quốc gia Ả Rập khác?

Cho đến nay, nhờ những răn đe mạnh mẽ của Tổng thống Biden, có vẻ các quốc gia Ả-rập khác, đặc biệt là Ai Cập và Jordan, không vội hỗ trợ Hamas theo bất kỳ cách nào, trừ những lời hoa mỹ. Hai quốc gia này cùng với UAE, Bahrain và Maroc đã tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại hòa bình với Israel vài năm qua. Vì thế, việc lặp lại kịch bản Chiến tranh Yom Kippur cách đây 50 năm (trong đó các quốc gia Ả-rập tham gia vào một liên minh quân sự thống nhất chống lại Israel) là rất khó xảy ra.

Chắc chắn những người theo đường lối Hồi giáo cứng rắn (và các giáo sĩ cực đoan khắp khu vực luôn tin rằng Israel là kẻ chiếm đóng bất hợp pháp) đang ăn mừng cuộc tập kích của Hamas vào Israel. Nhưng giới lãnh đạo của họ vẫn biết là phải kiềm chế. Cụ thể là Hezbollah ở Lebanon chưa lợi dụng sự hỗn loạn để tiến hành một cuộc tấn công thứ hai vào Israel từ phía Bắc, nơi lực lượng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn có hàng ngàn hoả tiễn trong tư thế sẵn sàng.

Phản ứng của Hoa Kỳ?

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo GOP đã tuyên bố ủng hộ toàn diện, lưỡng đảng đối với Israel và ủng hộ quyền đáp trả. Vấn đề còn lại là người Israel phải chứng minh họ mạnh hơn nhiều so với Hamas và so với bất kỳ phe phái nào của Palestine. Nhưng cũng có một số người trong đảng Dân chủ và những người cực đoan của GOP muốn hạn chế trả đũa và giảm leo thang, trong bối cảnh tại Israel có một số tiếng nói kêu gọi tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Người Mỹ bày tỏ ủng hộ Israel – Washington DC ngày 8 Tháng Mười 2023 (ảnh: Amanda Andrade-Rhoades/For The Washington Post via Getty Images)

Hoa Kỳ cung cấp hơn $3 tỷ viện trợ quốc phòng cho Israel hàng năm, đưa Israel trở thành quốc gia nhận viện trợ Mỹ nhiều nhất và con số đó có thể tăng lên đáng kể trong thực tế mới (vì nếu không tăng, bất kỳ khoảng trống nào Hoa Kỳ để lại trong khu vực sẽ được lấp đầy bởi một Iran mạnh hơn và cả Nga, Trung Quốc dù hai nước này vẫn tương đối im lặng hoặc “nói nước đôi”). Sự đồng thuận lưỡng đảng cho thấy Hoa Kỳ không thể rút lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel vào lúc này. Vì nếu Hamas và Iran không bị trừng phạt thích đáng lần này thì chắc chắn sẽ có những hành động khiêu khích lớn hơn nữa trong tương lai.

Bị xâm lược bất ngờ cách đây 50 năm, sau những thất bại ban đầu, Israel vẫn kiên cường chiến thắng Ai Cập và Syria, chủ yếu là bằng năng lực của chính họ. Lúc đó, vì quyền lợi dầu hoả, Mỹ sợ Israel giành chiến thắng quá nhanh nên đã có các bước đi cản trở. Saudi dẫn đầu một lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm bán cho Mỹ và các đồng minh chủ chốt phương Tây. Mỹ để cho Saudi quốc hữu hóa công ty khai thác dầu lớn nhất thế giới, Aramco, mà cho đến lúc đó vẫn là một thực thể của Mỹ thuộc sở hữu chung của Texaco, Exxon, Mobil, và Chevron. Lần này Hoa Kỳ có thể không mắc phải sai lầm tương tự.

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Tòa Bạch Ốc ngày 18 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Demetrius Freeman/The Washington Post via Getty Images)

“Nước cờ triệt” của Israel là gì?

Người Israel nói: “Hamas đã khởi đầu cuộc chiến này, và Israel phải giành chiến thắng”. Trong một động thái đoàn kết quốc gia, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bổ sung hai lãnh đạo phe đối lập hàng đầu Yair Lapid và Benny Gantz vào nội các khẩn cấp. Nhiều người Israel kêu gọi vô hiệu hóa khả năng tấn công của Hamas, thậm chí nghiền nát vĩnh viễn Hamas, nhưng điều này không dễ vì nhiều người Israel hiện bị Hamas bắt làm con tin sẽ trở thành lá chắn và trở thành “hàng hoá trao đổi”.

Để “khôi phục khả năng răn đe” và để chứng minh lực lượng áp đảo, Israel sẽ phải phá tan hoang Dải Gaza, nơi Hamas biến các cơ sở hạ tầng dân sự thành quân sự. Đó là lý do tại sao Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột “kéo dài và đầy thử thách”. Không giống như đối thủ chính trị – chính quyền Palestine do Mahmoud Abbas điều hành cai trị phần lớn Bờ Tây, Hamas không và chưa bao giờ quan tâm đến thỏa hiệp với Israel. Nhiều người trong Chính quyền Palestine hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Saudi và đề nghị hỗ trợ tài chính để cải thiện cuộc sống của người Palestine nhưng Hamas đã phá tan tành hy vọng của họ.

Nga có lợi dụng cuộc khủng hoảng Trung Đông?

Nga có lịch sử lâu đời tham gia vào các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ nhà độc tài Syria Bashar al-Assad khi quốc gia này rơi vào nội chiến năm 2014. Nga cũng nuôi dưỡng mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với Iran. Chỉ vài tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tiếp đón lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hamas tại Moscow. Giới quan sát chưa rõ Nga có tham gia hoặc biết trước vụ tấn công của Hamas hay không. Ít nhất thời điểm hiện tại, cục diện Trung Đông đã khiến Mỹ và phương Tây phải chuyển hướng và giảm sự chú ý vào tình hình Ukraine.

Có phải là sai lầm khi Netanyahu cho phép những người theo đường lối cứng rắn tham gia việc tạo ra các quyết định an ninh quan trọng?

Israel đã bị phân tâm một cách nguy hiểm bởi cuộc cải tổ tư pháp, đe dọa sự cân bằng quyền lực của chính phủ, cùng với nỗ lực của Netanyahu nhằm làm tránh chú ý đến các cáo buộc hối lộ và tham nhũng nhằm vào ông. Benjamin Netanyahu cũng xoa dịu những người định cư bằng việc mở rộng quyền kiểm soát ở Bờ Tây trong khi xem nhẹ mối đe dọa Hamas ở Gaza. Bộ trưởng quốc phòng Israel từng cảnh báo về nguy cơ “mất tập trung” từ những gì Netanyahu đang làm, nhưng rất ít người quan tâm.

Liên minh cầm quyền của Netanyahu là liên minh cực hữu nhất từ trước đến nay trong lịch sử Israel, với các bộ trưởng chủ chốt muốn giữ Bờ Tây mãi mãi và muốn giết chết mọi hy vọng về một Nhà nước Palestine độc lập. 

Trong khi các bộ trưởng cánh hữu có thể đã đẩy xa tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine thì Hamas với chủ trương tiêu diệt Nhà nước Do Thái không bao giờ công nhận tính hợp pháp của Israel. Tuy nhiên, đổ lỗi cho Netanyahu, như nhận định của TIME, không có tác dụng ở đây, vì nguồn gốc cuộc tấn công của Hamas ít liên quan đến bất cứ điều gì Benjamin Netanyahu đã làm hoặc không làm, mà liên quan đến toan tính của Hamas và Iran: phá hoại triển vọng bình thường hóa quan hệ Israel-Ả-rập Saudi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Đau nửa đầu
Trên khắp nước Mỹ, chứng đau nửa đầu đang trở nên tồi tệ hơn, theo nghiên cứu gần đây đăng trên một tạp chí y khoa. Tỷ lệ người bị…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: