An ninh và quốc phòng Đức đang nằm trong tay các quý bà. Ba ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz quyết định cực nhanh việc thay đổi chính sách quốc phòng lẫn đối ngoại với những chuyển biến lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Gánh vác trách nhiệm này bây giờ thuộc về…
Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht (hiện ở Washington DC để làm việc với giới chức Hoa Kỳ). Bà là người giám sát chương trình tái vũ trang trị giá 100 tỷ euro (khoảng $110 tỷ) cho quân đội Đức. Trong khi đó, nữ Ngoại trưởng Annalena Baerbock đề ra chiến lược an ninh quốc gia mới; trong khi nữ Bộ trưởng An ninh Nội địa Nancy Faeser lo việc đón hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine cũng như phòng thủ an ninh mạng…
Người tiền nhiệm của Olaf Scholz, Angela Merkel, từng làm nên lịch sử khi trở thành nữ Thủ tướng Đức đầu tiên vào năm 2005. Sự xuất hiện của bà đã truyền cảm hứng cho giới nữ khắp nước Đức. Vai trò Angela Merkel phủ sóng không chỉ trong nước Đức. Bà có lúc được xem là “thủ tướng” của EU. Christoph Heusgen, nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức, từng là Cố vấn an ninh quốc gia của Merkel trong 12 năm, đã tóm tắt bí quyết thành công của Merkel trong các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại: “Không màu mè và không có testosterone (hàm ý ra vẻ “lên gân lên cốt”).
Tuy nhiên, bà Merkel chưa bao giờ đạt được bình đẳng giới trong nội các. Chỉ đến nay, một phần tư thế kỷ sau khi Madeleine Albright (vừa từ trần ngày 23 Tháng Ba 2022 ở tuổi 84) trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, Đức mới có nữ ngoại trưởng đầu tiên và nữ bộ trưởng nội vụ đầu tiên (Đức trước đây đã có hai nữ bộ trưởng quốc phòng).
Bà Lambrecht 56 tuổi, Cựu bộ trưởng tư pháp, vốn theo chủ trương ôn hòa. Bà, từng tuần hành phản đối vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, bây giờ sẵn sàng mua thêm drone cũng như tậu chiến đấu cơ thế hệ mới có khả năng mang bom hạt nhân. Trước cuộc chiến Ukraine, bà Lambrecht lên tiếng ủng hộ nhiều đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội về việc khăng khăng không rút đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức để khỏi “dính vào cuộc xung đột Ukraine”. Bà cũng chủ trương không cung cấp vũ khí cho những khu vực xung đột, thay vào đó chỉ hỗ trợ Ukraine 5,000 mũ bảo hiểm và một bệnh viện dã chiến.
Bây giờ, bà tự hào trước việc Đức trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine, đồng thời có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Lambrecht nói: “Chúng ta phải nói lời tạm biệt với ý tưởng rằng chúng ta đang sống ở một châu Âu hòa bình. Các mối đe dọa đang đến gần hơn. Chúng ta đang chứng kiến Putin chà đạp lên tất cả luật pháp quốc tế như thế nào”.
Khi gặp Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, Jake Sullivan; Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III; và các thành viên Quốc hội ở Washington trong tuần này, bà Lambrecht có một thông điệp: “Chúng tôi đứng về phía các đồng minh và ý thức về trách nhiệm mà chúng tôi muốn đảm nhận trong liên minh. Chúng tôi không chỉ nói mà đang thực hiện các biện pháp cụ thể”.
Một trong những biện pháp đó là xây dựng chiến lược an ninh quốc gia. Cùng bắt tay việc thiết kế lại an ninh đối ngoại với bà sếp quốc phòng Lambrecht là nữ Ngoại trưởng Annalena Baerbock. Tương tự Lambrecht, Baerbock cũng muốn xây dựng một chính sách đối ngoại “cơ bắp” hơn. Với Baerbock, đây không chỉ là một sự thay đổi chính sách mà là sự chuyển biến trong cách nước Đức nhìn lại và tái xác định chính mình. Nước Đức không còn tránh né và nấp sau lưng lịch sử mà phải tích cực định hình tương lai.
41 tuổi, nữ Ngoại trưởng Annalena Baerbock đại diện một thế hệ mới, một thế hệ trưởng thành sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Như những người khác cùng thế hệ, bà không ngại đề cập những từ vốn được xem là nhạy cảm chẳng hạn “lãnh đạo” hoặc “quốc trưởng” (“führen”), lâu nay thường tránh nhắc ở một nước Đức bị tổn thương bởi ký ức Quốc trưởng khát máu Hitler.
Người mẹ có hai con nhỏ này nói: “Tôi lớn lên ở một Liên minh châu Âu thống nhất trong hòa bình, và với tư cách là một người Đức, trách nhiệm của tôi là bảo đảm điều tương tự cho con cháu mình. Tôi thực sự thấy mình có trách nhiệm lãnh đạo để các thế hệ khác ở các nước láng giềng cũng được sống trong hòa bình”. Ủng hộ “chính sách đối ngoại theo cách nữ giới”, bà Baerbock nói rằng sự xuất hiện của bà là “một cú sốc văn hóa” đối với cộng đồng an ninh do nam giới thống trị ở Đức.
Người thứ ba là Nancy Faeser, Bộ trưởng Nội vụ. Bà Faeser hiện chịu trách nhiệm việc giám sát và lo nơi ăn chốn ở cho khoảng 250,000 người tị nạn từ Ukraine; đồng thời bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị tấn công mạng cũng như các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga. Đức có một cộng đồng người Đức gốc Nga khá lớn. Nga đang thực hiện chiến dịch tạo tin giả với mức độ nghiêm trọng. Một trong những vụ mới đây là video ngụy dựng quay cảnh một phụ nữ kể lại trong nước mắt việc một thiếu niên Nga bị người tị nạn Ukraine đánh chết…
Cuộc chiến Ukraine của Putin đã làm nước Đức bừng tỉnh và Berlin nhận ra rằng quốc phòng của họ yếu kém như thế nào. Quân đội Đức, được thành lập năm 1955, đã bị teo tóp bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhiều năm qua. Theo một báo cáo được công bố vào Tháng Mười Hai 2021, số tàu chiến Đức có thể “hoạt động hoàn toàn” chưa đến 30%; nhiều chiến đấu cơ cũ đến mức không thể tác chiến. Trong 350 xe tăng Puma, chỉ có 40 chiếc được coi là “phù hợp cho chiến tranh”. Ngay cả khi được trang bị, quân đội Đức cũng không có đủ người để vận hành, với vỏn vẹn 180,000 binh sĩ (so với 500,000 vào năm 1990). Trong nhiều năm, lính Đức ngóng dài cổ chờ được cấp súng trường mới thay thế cho mẫu cũ kỹ già nua G36. Và chỉ đến nay, Đức mới tuyên bố thay thế các máy bay chiến đấu Tornado lỗi thời bằng phi đội F-35 mua của Mỹ cũng như máy bay chiến đấu Eurofighter trị giá khoảng 100 triệu euro ($110 triệu) mỗi chiếc. Berlin cũng đang xem xét việc mua hệ thống lá chắn chống tên lửa, có thể là hệ thống Arrow 3 của Israel, với giá khoảng hai tỷ euro ($2.2 tỷ)… |
__________
Christine Lambrecht (sinh ngày 19 Tháng Sáu 1965) là một luật sư và chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Bà giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz kể từ Tháng Mười Hai 2021. Trong nội các Angela Merkel, Lambrecht là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng (2019–2021), Bộ trưởng Các vấn đề Gia đình (2021) và là một trong hai Quốc vụ khanh tại Bộ Tài chính (2018 – 2019).
Annalena Charlotte Alma Baerbock (sinh ngày 15 Tháng Mười Hai 1980) là chính trị gia thuộc Đảng Xanh. Bà giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ Tháng Mười Hai 2021. Tháng Tư 2021, Đảng Xanh từng đề cử bà tranh ghế thủ tướng.
Nancy Faeser (sinh ngày 13 Tháng Bảy 1970) là luật sư và chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Cộng đồng Liên bang trong nội các Thủ tướng Olaf Scholz từ Tháng Mười Hai 2021.