Quân đội Myanmar gia tăng đàn áp biểu tình phản đối đảo chính

H.C.

Người dân tiếp tục biểu tình phản đối đảo chính dù bị đàn áp đẫm máu; ít nhất đã có 61 người biểu tình bị bắn chết; Hoa Kỳ ngăn quân đội Myanmar rút tài sản tại Mỹ; Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục tại vị.  

Tình hình Myanmar:

Bằng hơi cay và súng đạn, cảnh sát Myanmar đã phá vỡ các cuộc biểu tình ở một số thành phố trên khắp Myanmar vào sáng nay thứ Năm 04-03-2021, khi người biểu tình không hề nao núng sau một ngày đẫm máu nhất trong cuộc đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước.

Liên Hiệp Quốc cho biết 38 người đã bị giết trong các cuộc biểu tình hôm thứ Tư, nhiều hơn tổng số 23 người được cho là đã bị giết cho đến ngày 01-03.

Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet yêu cầu lực lượng an ninh Myanmar chấm dứt cái mà bà gọi là “cuộc đàn áp tàn ác những người biểu tình ôn hòa”. Bà Bachelet cho biết hơn 61 người đã bị giết, 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Điều tra viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về Myanmar, Thomas Andrews, đã thúc giục Hội đồng Bảo an áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào tập đoàn quân sự cầm quyền. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc họp thảo luận về tình hình Myanmar vào ngày mai thứ Sáu 05-03-2021. 

Các quốc gia nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tập đoàn doanh nghiệp dầu khí Myanmar hiện do quân đội kiểm soát và là nguồn doanh thu lớn nhất của họ, ông Andrews nói trong một báo cáo.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng vào hôm 04-02, chỉ vài ngày sau cuộc đảo chính, nhà cầm quyền quân sự Myanmar đã cố gắng rút khoảng một tỷ USD được giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nhưng chính phủ Mỹ đã đóng băng khoản tiền đó vô thời hạn theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden ngày 10-02-2021. Sắc lệnh cũng quyết định cấm vận các tướng lĩnh cầm đầu cuộc đảo chính ở Myanmar.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay thứ Năm đã quyết định hạn chế mọi giao dịch với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các tập đoàn quân sự MEC và MEHL của Myanmar, có hiệu lực vào ngày 8 tháng 3, theo một hồ sơ đăng ký liên bang.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng Washington sẽ có thêm nhiều hành động khác để đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng sau cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Tại Myanmar, các nhà hoạt động cho biết họ từ chối chấp nhận sự cai trị của quân đội và các cuộc bầu cử mới mà chính quyền hứa hẹn, bày tỏ quyết tâm gây sức ép để trả tự do cho bà Suu Kyi, 75 tuổi đang bị giam giữ và công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 08-11-2020.

Nhà hoạt động Maung Saungkha nói với Reuters: “Chúng tôi biết rằng chúng tôi luôn có thể bị bắn chết bằng đạn thật nhưng không có ý nghĩa gì nếu sống sót dưới chế độ quân sự.”

Cảnh sát đã nổ súng và sử dụng hơi cay để phá vỡ các cuộc biểu tình ở Yangon – thành phố lớn nhất nước – và ở nhiều thành phố khác. Các đám đông hàng chục ngàn người đã tụ tập một cách hòa bình ở nhiều nơi khác, bao gồm cả thành phố lớn thứ hai Mandalay và tại thị trấn đền thờ lịch sử Bagan, nơi hàng trăm người diễu hành mang theo ảnh của bà Suu Kyi và biểu ngữ: “Hãy trả tự do cho nhà lãnh đạo của chúng tôi”.

Tại Mandalay, hàng ngàn người đã tham dự lễ tang của cô gái 19 tuổi bị bắn chết hôm thứ Tư. Cô gái được chụp ảnh mặc áo phông có dòng chữ “Mọi thứ sẽ ổn” (Everything will be OK). Sau khi cô qua đời, khẩu hiệu này đã lan truyền như một biểu tượng của sự bất chấp đàn áp.

Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi ra tuyên bố cho biết các lá cờ sẽ được hạ xuống giữa cột cờ ở các văn phòng của đảng để tưởng nhớ những người đã khuất. Đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 08-11-2020; cánh quân đội thua cuộc đã cáo buộc cuộc bầu cử là gian lận trong khi ủy ban bầu cử xác nhận cuộc bỏ phiếu là công bằng.

Cùng với Hoa Kỳ, hôm nay thứ Năm, Liên minh châu Âu đã đình chỉ việc hỗ trợ các dự án phát triển, ngừng việc cung cấp hỗ trợ tài chính để tiền viện trợ không rơi vào tay quân đội. Trong những năm qua Liên minh châu Âu đã viện trợ không hoàn lại hơn 200 triệu euro (241 triệu USD) cho các chương trình phát triển khác nhau. Canada và Vương quốc Anh hôm nay cũng công bố nhiều biện pháp cấm vận mới đối với quân đội Myanmar vì đã đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình bất bạo động.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, hôm thứ Tư cho biết bà đã cảnh báo Phó Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win rằng họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phat mạnh mẽ từ một số quốc gia vì hành động đảo chính.

“Họ trả lời ‘Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt, và chúng tôi đã sống sót’,” bà Burgener nói với các phóng viên ở New York. “Khi tôi cảnh báo rằng họ sẽ bị cô lập, họ trả lời ‘Chúng tôi phải học cách đi với chỉ một vài người bạn”.”

Hoa Kỳ đã nói với Trung Quốc, quốc gia từ chối lên án cuộc đảo chính, rằng Washington hy vọng nước này sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng. Trung Quốc cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là sự ổn định ở nước láng giềng chiến lược.

Đã có ít nhất 19 sĩ quan cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ, lo sợ bị xử án vì không tuân lệnh, một quan chức cảnh sát Ấn Độ nói với Reuters.

Đến nay cuộc xung đột về ai là người đại diện Myanmar tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã được giải quyết – ít ra là trong hiện tại – sau khi người được quân đội Myanmar cử tới New York đã thôi việc và Phái bộ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng Đại sứ Kyaw Moe Tun – được chính quyền dân sự bổ nhiệm trước đây – vẫn tiếp tục công việc.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: