Quốc tế cam kết viện trợ $1.1 tỷ cho người dân Afghanistan

Ảnh: Marcus Yam/Los Angeles Times/Getty Images

Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ hơn $1.1 tỷ cho Afghanistan – nơi tình trạng đói nghèo đã gia tăng mạnh kể từ khi lực lượng Hồi giáo Taliban giành được quyền lực, và viện trợ nước ngoài cạn kiệt, làm dấy lên bóng ma về một cuộc di cư ồ ạt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng sau nhiều thập kỷ chiến tranh và đau khổ, người Afghanistan đang phải đối mặt với “có lẽ giờ phút nguy hiểm nhất của họ”. “Người dân Afghanistan đang đối mặt với sự sụp đổ của cả một đất nước – tất cả sụp đổ ngay một lúc,” ông Guterres nói. Phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ tại Geneva, Thụy Sĩ sáng nay thứ Hai 13 tháng Chín, ông Guterres kêu gọi quốc tế đóng góp ít nhật $606 triệu để đáp ứng các nhu cầu cấp bách nhất của người dân Afghanistan.

Liên Hiệp Quốc cho biết lương thực của người dân Afghanistan có thể cạn kiệt vào cuối tháng này, còn Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ghi nhận 14 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói.

***

Taliban đã cai trị Afghanistan từ năm 1996-2001 bằng luật Hồi giáo hà khắc và bị lật đổ trong một cuộc xâm lược do Hoa Kỳ dẫn đầu, với cáo buộc họ che chở cho các chiến binh đứng sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, 2001.

Họ đã trở lại nắm quyền vào giữa tháng trước trong một bước tiến chớp nhoáng khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rút đi và các lực lượng của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tan rã. Sự kiện đó dẫn tới nguồn viện trợ nước ngoài hàng tỷ đôla đột ngột kết thúc và tài sản của chính phủ Afghanistan ở nước ngoài bị đóng băng.

Tại hội nghị Geneva, nhiều diễn giả nói thế giới có “nghĩa vụ đạo đức” phải giúp đỡ người dân Afghanistan dù các chính phủ phương Tây vẫn ác cảm và không tin tưởng chính quyền Taliban. Bà Michelle Bachelet, đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nói với hội nghị rằng Taliban đã vi phạm những cam kết gần đây khi một lần nữa họ ra lệnh cho phụ nữ phải ở nhà thay vì đi làm, buộc các cô gái trẻ phải nghỉ học và truy lùng, khủng bố các đối thủ cũ.

Các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan đã nhanh chóng đề nghị giúp đỡ. Tuần trước, Bắc Kinh đã hứa cung cấp thực phẩm và đồ dùng y tế trị giá $31 triệu, và hôm thứ Sáu cho biết họ sẽ gửi một lô ba triệu liều vaccine coronavirus đầu tiên.

Pakistan – nước bảo trợ cho Taliban từ trước đến nay – đã gửi thực phẩm và thuốc men, đồng thời kêu gọi quốc tế giải tỏa tài sản của Afghanistan bị đóng băng ở nước ngoài. Iran cũng cho biết họ đã gửi hàng viện trợ bằng đường hàng không.

“Không nên lặp lại những sai lầm quá khứ. Người dân Afghanistan không thể bị bỏ rơi”, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nói với hội nghị.

Cả Trung Quốc và Nga cũng như Iran và Pakistan – các nước láng giềng của Afghanistan đều cho rằng gánh nặng chính của việc giúp Afghanistan thoát khỏi khủng hoảng nên do các nước phương Tây gánh vác. Trần Húc (Chen Xu), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nói: “Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có nghĩa vụ lớn hơn trong việc mở rộng hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và sinh kế cho Afghanistan”.

Tại hội nghị Geneva, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ nhân đạo mới trị giá $64 triệu trong khi Na Uy cam kết hỗ trợ thêm $11.5 triệu.

Có $200 triệu trong số viện trợ cam kết $1.1 tỷ sẽ được dành cho WFP mua lương thực thực phẩm viện trợ cho người dân Afghanistan.

Ngay cả trước khi Taliban chiếm được Kabul vào giữa tháng trước, một nửa dân số Afghanistan – khoảng 18 triệu người – sống phụ thuộc vào viện trợ và tình hình có vẻ sẽ trầm trọng hơn do hạn hán và thiếu hụt lương thực. Chương trình WFP của Liên Hiệp Quốc, trong cuộc khảo sát vào tháng Tám, ghi nhận 93% số người dân Afghanistan không đủ lương thực thực phẩm để ăn. Giám đốc điều hành của WFP David Beasley cho biết 40% vụ lúa mì của Afghanistan đã bị mất trắng, giá dầu ăn tăng gấp đôi và hầu hết mọi người không có cách nào kiếm được tiền. “Cứ ba người thì có một người đang ngấp nghé bờ vực của nạn đói. Họ không biết bữa ăn tiếp theo của mình ở đâu… Nếu không cẩn thận, chúng ta thực sự có thể rơi vào một thảm họa tồi tệ hơn những gì chúng ta thấy bây giờ,” ông Beasley nói.

Trong khi các ngân hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại với những hàng người dài dằng dặc đợi rút tiền thì điều quan trọng hơn là đội ngũ nhân viên hành chính – từ công chức đến cảnh sát – đã không được trả lương kể từ tháng Bảy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Liên Hiệp Quốc thì lo ngại hàng trăm cơ sở y tế bị đóng cửa sau khi các nhà tài trợ rút lui. Ông Antonio Vitorino, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cho biết hệ thống y tế Afghanistan đang “trên bờ vực sụp đổ”, còn Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng những thành tựu đạt được trong việc xóa bỏ bệnh bại liệt và tiêm chủng chống lại COVID-19 có thể bị đảo ngược.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cảnh báo sẽ sớm có một cuộc di dân lớn hơn rất nhiều so với ước tính sẽ có khoảng nửa triệu người sẽ tìm kiếm nơi ẩn náu ngoài Afghanistan trong năm nay.

“Một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh ở Afghanistan sẽ có tác động trực tiếp đến toàn cầu. Chúng ta nên hành động tập thể ngay bây giờ,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói.

(theo Reuters)

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: