Tập Cận Bình đến Moscow gặp Putin để làm gì?

Tập Cận Bình và Vladimir Putin – ngưu tầm ngưu ,mã tầm mã. Ảnh chịp tại Samarkand, Uzbekistan ngày 15/09/2022 khi hai nhà lãnh đạo bàn về quan hệ Nga-Trung và trật tự quốc tế. Ảnh Ju Peng/Xinhua via Getty Images

Như truyền thông quốc tế đã đưa liên tục mấy hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Nga Moscow trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga- Ukraine càng ngày càng khốc liệt, chuyến thăm của Tập có ý nghĩa gì, và liệu Trung Quốc có hoàn thành được vai trò nhà kiến tạo hòa bình, kết thúc xung đột như kỳ vọng của Bắc Kinh?

Nga – Trung Quốc: Vị thế đảo ngược

Điểm đáng chú ý đầu tiên là Tập đến gặp Putin trong tư thế “bề trên”: Ông ta vừa giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ trong chức vụ chủ tịch Trung Quốc và cũng như lần đầu tiên lên nhậm chức năm 2012, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ta là đến Moscow, đồng minh thân thiết nhất trong mặt trận chống Mỹ và Phương Tây. Trong khi đó, Putin vừa bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Court of Crime – ICC) phát lệnh bắt giữ trên toàn cầu với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. 

Nhìn rộng ra, Trung Quốc là một thế lực đang lên cả về kinh tế, công nghệ và ngoại giao quốc tế với thành tích mới nhất là môi giới thành công một thỏa thuận nối lại quan hệ giữa hai quốc gia thù địch ở Trung Đông là Cộng hòa Hồi giáo Iran và Arabia Saudi. Trong khi đó, từ khi phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga càng ngày càng bị cô lập, bị xa lánh trên trường quốc tế; không chỉ bị các nước công nghiệp pháp triển trừng phạt về kinh tế mà còn bị đa số – hơn 140 nước – thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án, đòi Nga phải ngừng bắn và rút quân ngay lập tức.

Trước đây, trong phe xã hội chủ nghĩa, Nga luôn được coi là “anh cả”, còn Trung Quốc là “anh hai”, mỗi lần sang Moscow, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông luôn phải khúm núm để được lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin tiếp đón và viện trợ những thứ mà Bắc Kinh rất cần, chẳng hạn như giúp chế tạo bom nguyên tử. Bây giờ vị thế đã hoàn toàn đảo ngược, nước Nga của ông Putin chỉ còn là một thứ “tiểu quốc” trong quan hệ với Trung Quốc, đang bị cuốn dần vào quỹ đạo “chư hầu” của Bắc Kinh.

Vladimir Putin đang nguy ngập và đang mong Tập cứu bồ. Trung Quốc đã thay thế châu Âu làm khách hàng lớn nhất tiêu thụ dầu và khí đốt của Nga, cung cấp nguồn tiền để ổn định kinh tế Nga và duy trì cỗ máy chiến tranh. Khi Moscow bị cấm vận, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng hóa tiêu dùng và công nghệ, từ xe hơi đến chip bán dẫn và hàng hóa lấp đầy các siêu thị Nga.

Tại thời điểm này, Nga rất cần vũ khí và đạn dược – Moscow đã mua máy bay không người lái (UAV) của Iran, đạn đại bác của Bắc Hàn nhưng hai nước nhỏ này không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của quân Nga trên chiến trường Ukraine. Chỉ còn Trung Quốc là dư thừa năng lực. Nhưng Washington đã cảnh báo Bắc Kinh chớ dại…

Cái bánh vẽ kế hoạch hòa bình

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chơi những nước cờ bí hiểm, dựa trên tính toán lợi ích của chính họ. Một mặt, Trung Quốc có vẻ như đứng về phía Nga, không lên án cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bảo vệ Nga trước Liên Hiệp Quốc nhưng không tích cực giúp Putin giành chiến thắng, không cung cấp vũ khí cho Nga như NATO đang làm cho Ukraine.

Bắc Kinh vẫn nhại lại những luận điểm của Nga về cuộc chiến tranh, đổ lỗi cho Mỹ và NATO o ép đến mức Moscow phải “tự vệ”, nhưng có lúc lại tỏ ra “khách quan” như đòi hỏi các bên phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Mới đây Trung Quốc lại nỗ lực sắm vai nhà trung gian hòa giải, đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine và chuyến thăm Moscow của ông Tập được cho là để thúc đẩy kế hoạch đó.

Trong cuộc hội đàm kéo dài bốn tiếng đồng hồ vào chiều thứ Hai 20 Tháng Ba 2023, giờ địa phương, Tập đã ca ngợi hai quốc gia là “láng giềng tốt và đối tác đáng tin cậy” và khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine”, theo tường thuật của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.

Dẫn lại khuôn khổ đàm phán hòa bình mà Trung Quốc đưa ra vào tháng trước, Tập nói với Putin rằng đàm phán là cách khả thi duy nhất để chấm dứt cuộc chiến. “Phần lớn các quốc gia đều ủng hộ giảm căng thẳng, ủng hộ đàm phán hòa bình và phản đối đổ dầu vào lửa… Trong lịch sử, xung đột cuối cùng phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán,” Tập nói với Putin, theo bản tóm tắt của Trung Quốc. 

Nội dung chính trong kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc là hai bên Nga và Ukraine ngừng bắn, mở đàm phán để chấm dứt xung đột, bảo vệ thường dân. Nhưng đề nghị của Trung Quốc không có điều khoản nào đề cập tới tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị xâm hại của Ukraine cho nên nó không thể được các bên xem xét nghiêm chỉnh. 

Trái với đề nghị của Trung Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra “Công thức Hòa bình” (Peace Formula), gồm 10 điểm với nội dung chính là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút toàn bộ quân Nga, chấm dứt mọi hành động thù địch và thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử tội ác chiến tranh của Nga.

Các quan chức cao cấp của Kyiv hôm thứ Hai nhắc lại rằng họ coi ý tưởng về các cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này là phi lý. “Điểm đầu tiên và điểm chính là quân chiếm đóng của Nga phải đầu hàng hoặc rút ra khỏi Ukraine”, Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết. 

Bị Nga vô cớ tấn công và tàn phá, Ukraine đòi quân Nga phải rút lui, trả lại các cùng đất bị chiếm đóng mới nói chuyện đàm phán hòa bình. Ảnh một đứa trẻ chơi xích đu trước một tòa nhà bị phi pháo Nga làm hư hại ở Kyiv hôm 25 Tháng Hai 2023. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Theo Tân Hoa Xã, ông Putin nói ông ta đã nghiên cứu tài liệu của Trung Quốc và sẵn sàng đàm phán. Nhưng ông ta không tỏ dấu hiệu cho thấy Nga sẽ có bất kỳ nhượng bộ nào trong khi Ukraine loại trừ khả năng từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch nào không bao gồm việc rút hết các lực lượng Nga khỏi Ukraine “sẽ công nhận những nỗ lực của Nga nhằm chiếm lãnh thổ của một nước láng giềng có chủ quyền bằng vũ lực”. Theo ông Blinken, chuyến thăm của ông Tập đến Moscow chỉ có thể là nhằm tạo “vỏ bọc ngoại giao” cho các tội ác chiến tranh của Nga. 

Củng cố liên minh chống Mỹ?

Vậy thì chuyến du thuyết ở Moscow của ông Tập không có triển vọng thành công hoặc ông ta có mục đích khác. Có thể bằng thủ đoạn ngưu tầm ngưu mã tầm mã, Tập muốn tạo cơ hội để Nga chứng tỏ với thế giới rằng Moscow không hoàn toàn bị cô lập và cho thấy, tình đoàn kết Nga và Trung Quốc, càng bị thế giới bên ngoài phản đối, thì càng bền chặt.

Chúng tôi cho rằng, dù quảng bá rùm beng rằng Trung Quốc muốn là một cường quốc có trách nhiệm, có ý định kiến tạo hòa bình cho các cuộc xung đột, nhưng trong thâm tâm ông Tập không muốn chiến tranh Nga-Ukraine sớm chấm dứt, vì chiến tranh càng kéo dài thì Trung Quốc càng có lợi.

Chiến tranh không chỉ gây đau thương tang tóc cho người dân Ukraine mà còn làm suy yếu đáng kể thế lực của cả Nga, Hoa Kỳ và châu Âu. Như đã nói trên, vì chiến tranh mà vị thế giữa Moscow và Bắc Kinh bị đảo ngược, Nga phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc. 

Cuộc chiến tạo cơ hội để Trung Quốc thọc gậy bánh xe chia rẽ Mỹ với các đồng minh châu Âu và quan trọng hơn, cuộc chiến đã hút phần lớn nguồn lực của Mỹ, làm giảm sự tập trung của Washington vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố mở rộng ảnh hưởng và thách thức cái trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. 

Cuộc hội đàm Tập – Putin hôm nay ở Moscow là một trong 40 lần gặp nhau giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc kể từ khi Tập lên nắm quyền năm 2012, và là cuộc hội đàm thứ năm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cuối tháng Hai năm ngoái.

Trước chiến tranh, hai ông Tập-Putin đã cam kết một tình hữu nghị “không giới hạn”, rồi bất chấp hành vi tội phạm của Putin, Tập vẫn cam kết xây dựng quan hệ vững chắc với Nga – và với cá nhân ông Putin – coi đó như một đối tác vô giá trong công cuộc đấu tranh chống sự thống trị của Hoa Kỳ và cái trật tự thế giới do Phương Tây cầm trịch. “Củng cố và phát triển quan hệ Nga – Trung Quốc là một sự lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã thực hiện phù hợp với lợi ích căn bản của mình và với xu thế rộng rãi của sự phát triển toàn cầu,” Tập nói với Putin về quan điểm của Trung Quốc.

Vài hôm trước, lần đầu tiên ông Tập tố cáo đích danh Washington “bao vây, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc”. Kết hợp với Putin để chống lại thế bao vây đó, xác lập vị thế nhà lãnh đạo một trật tự thế giới mới, đồng thời tự thể hiện mình như một chính khách toàn cầu có tầm ảnh hưởng không thua kém các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải chăng mới là mục đích thật sự của chuyến vi hành tới Moscow của Tập Cận Bình?

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: