Thư Paris: Cộng đồng Việt và bầu cử Tổng thống Pháp 2022

Chủ nhật 24 Tháng Tư 2022, cử tri Pháp sẽ quyết định tương lai chính trị của họ (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, trên hơn chín mươi quốc gia, được ước tính bằng con số hàng triệu. Âu Châu nói chung và Paris nói riêng là nơi mà hình ảnh người Việt thể hiện ở những chương trình sinh hoạt tập thể, lễ hội ẩm thực, âm nhạc. Họ sống hài hòa, thành công, hội nhập sâu vào đời sống ở quê hương thứ hai.

Mùa bầu cử năm nay 2022, người ta nhận thấy có nhiều nhân viên phòng phiếu gốc Việt hơn, tham gia vào sinh hoạt chính trị quan trọng nhất mỗi năm năm, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến đời sống chính trị Pháp. Cũng nên nói sơ qua là cộng đồng Việt đến Pháp qua bốn đợt chính vào các thời điểm cách nhau khá xa.

Đợt 1: Những người đến Pháp sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ 1954. Thế hệ và con cháu họ đã hoàn toàn trở thành người Pháp, còn rất ít còn người quan tâm đến bản sắc và văn hóa Việt Nam.

Đợt 2: Những sinh viên miền Nam Việt Nam trước 1975. Những người này chọn ở lại Pháp sau biến cố 1975. Chính những trí thức này đã góp phần định hình các sinh hoạt cộng đồng Việt trong giai đoạn sau 1975 với các hội đoàn được tổ chức thường xuyên, đặc biệt tại Paris và vùng phụ cận.

Đợt 3: Người Việt tỵ nạn được các tàu Pháp cứu vớt trên Biển Đông và qua các chuyến đoàn tụ gia đình.

Đợt 4: Đây là những người đến Pháp sau biến cố bức tường Bá Linh và Đông Âu sụp đổ. Cũng có một số khác là con em các gia đình giàu có tại Việt Nam hiện nay, đến Pháp du học và ở lại không về nước. Những người này thường quan tâm nhiều đến những gì xảy ra trong nước hơn tại Pháp và một số lớn có song tịch Việt Pháp.

Cũng nên biết là bầu cử Tổng thống Pháp là phổ thông đầu phiếu hai vòng. Vòng 1 ngày 10 Tháng Tư, có 12 ứng cử viên của tất cả đảng phái chính trị, kể cả Đảng Cộng sản Pháp (với đại diện là Fabien Roussel, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp). Vòng 1 chọn ra hai ứng cử viên nhiều phiếu nhất. Đó là ông Emmanuel Macron, Tổng thống đương nhiệm, đường lối chính trị ôn hòa hơn bà Marine Le Pen, đảng Rassemblement National (Tập hợp quốc gia), thuộc phe cực hữu, người mà từ nhiều năm đã có những đường lối bài kích người nhập cư và có đôi chút kỳ thị Hồi giáo, một tôn giáo lớn thứ hai tại Pháp sau Thiên chúa giáo La Mã.

Liệu ông Emmanuel Macron có thể tái đắc cử? (ảnh: Gerard Bottino/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Năm nay, xu hướng chính trị nhận thấy trong cộng đồng Việt Pháp khá lạ, như thể có sự chuyển hướng khá mạnh mẽ từ hữu khuynh tiến dần về cực hữu, thể hiện trong vòng 1 (ngày 10 Tháng Tư 2022). Sự chuyển hướng này được cho là có hai nguyên nhân chính:

Một phần là vì họ bắt đầu cảm thấy các chính sách nhân đạo gây tốn kém cho ngân sách Pháp từ nhiều năm nay đã bị dân nhập cư da màu lợi dụng, sống mà không cần đi làm, chỉ cần sinh con cho nhiều rồi nhà nước nuôi, con cái không chăm sóc, thả chúng đi quậy phá, trộm cắp, buôn bán ma túy…

Một phần nữa là chính sách thuế má của chính phủ Macron càng lúc càng cao. Ngày xưa họ không đóng thuế bao nhiêu mà nay tăng đậm nên họ bất mãn. Câu than phiền thường nghe nhất là “Macron hốt thuế cho cố vô mà tôi có được gì đâu”. Tuy nhiên, nói cho công bằng, những người này cũng nên biết rằng thu nhập và lợi tức của họ nay cũng tăng hơn so với ngày xưa.

Trước kia, Đảng Front National của ông Jean-Marie Le Pen, tiền thân Đảng Rasemblement National, bị xem là đảng của kỳ thị chủng tộc, thì nay, bà Marine Le Pen đã xóa nhòa được hình ảnh kỳ thị chủng tộc này, nên đâu đó, ta cũng thấy trong cộng đồng người Việt, đã có người dám lên tiếng không e ngại là sẽ dồn phiếu cho bà Le Pen vào ngày 24 Tháng Tư tới.

Theo thống kê và qua cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp hôm thứ tư 20 Tháng Tư của hai ứng cử viên, ông Macron dẫn đầu với 53% phiếu và bà Le Pen chỉ được 46%. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng sẽ được quyết định bởi những người “chán nản” mà thoạt đầu họ nói không thèm đi bầu. Cách biệt phiếu từ vòng 1 là 27.85% cho ông Macron và 23.15% cho bà Le Pen là không quá xa.

Theo các chuyên gia phân tích thì bà Le Pen được xem là có nhiều nguồn phiếu dự trù hơn ông Macron. Có thể có nhiều phiếu bầu cho Le Pen chỉ vì bất mãn ông Macron chứ không phải họ thích bà Le Pen. Nếu số người không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng tăng cao ngày 24 Tháng Tư thì bà Le Pen có thể sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp, người sẽ đưa nước Pháp đi theo một hướng đi mới, hướng rời xa châu Âu, rời đồng tiền chung Euro (Franxit). Các chính sách xã hội cũng sẽ được xét lại đối với dân nhập cư; việc làm sẽ ưu tiên cho người Pháp gốc; và về quốc phòng thì bà Le Pen sẽ thân thiện hơn với Nga và rời xa Mỹ cũng như phương Tây. Một viễn ảnh đáng lo ngại cho nước Pháp và cho cộng đồng chung Âu châu.

Nếu bà Marine Le Pen trở thành tổng thống Pháp, sẽ có một cơn địa chấn chính trị ở châu Âu (ảnh: Mustafa Yalcin/Anadolu Agency via Getty Images)

Pháp, quốc gia hơn 67 triệu dân, là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và là quốc gia được nhiều du khách ghé thăm nhất, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là cường quốc hạt nhân. Pháp là một thành viên sáng lập của Liên minh Châu Âu và là động lực chính trong chính sách của khối EU.

Cần nhắc lại, ông Macron và bà Le Pen đã đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống mùa trước, năm 2017. Lần đó, ông Macron giành được gần 2/3 phiếu. Năm nay, truyền thống cử tri vốn đoàn kết chống lại cực hữu của Pháp lại có vẻ bấp bênh hơn bao giờ hết và điều đó cho thấy chiến thắng của bà Le Pen là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Cần biết, các lực lượng cánh hữu đã chiến thắng phần lớn trong các “cuộc chiến văn hóa” của Pháp những năm gần đây.

Hơn nữa, các cuộc khảo sát cử tri cho thấy cử tri Pháp hiện chủ yếu quan tâm chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Tổng thống tiếp theo sẽ phải giải quyết những vấn đề này cùng với các vấn đề dài hạn khác, chẳng hạn quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Pháp, tính bền vững của mô hình phúc lợi hào phóng, nỗi lo người nhập cư và sự lo lắng trước tình trạng “vơ vét” của người Hồi giáo trong nước. Sự vỡ mộng đối với các chính trị gia cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên là 73.69%, cao theo tiêu chuẩn của nhiều quốc gia nhưng là mức thấp nhất đối với một cuộc bầu cử tổng thống Pháp kể từ năm 2002.

Paris, ngày 22 Tháng Tư 2022

_______

Bầu cử tổng thống Pháp: Macron và Le Pen vào vòng hai

Hệ lụy đáng sợ nếu Le Pen đắc cử Tổng thống Pháp

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: