“Mỡ đến miệng mèo”, Trung Quốc (TQ) đang từng bước đạt được tham vọng nhen nhúm từ lâu ở Bắc Cực, khi Nga, quốc gia luôn bảo vệ chặt chẽ vai trò thống trị của mình trong khu vực phải đón chào sự hợp tác của người làng giềng “lắm mưu nhiều kế” vì không còn chọn lựa nào khác trước sự cấm vận của phương Tây.
Từ thận trọng đến “mở rộng vòng tay”
Bị cô lập vì cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đi tìm sự giúp đỡ của Bắc Kinh để vận chuyển thêm dầu thô về phía Đông qua các tuyến đường vùng cực để có thêm tiền nuôi cỗ máy chiến tranh.
Động thái này là bất ngờ, vì trong một thời gian dài, mục tiêu trở thành một trong những quốc gia quan trọng ở Bắc Cực của TQ đã bị cản trở bởi chính Moscow. Nhưng giờ đây, cùng với lớp băng bao quanh cực Bắc của Trái đất tan nhanh; và bị sa lầy trong cuộc xâm lược Ukraine, sức đề kháng của Putin yếu dần.
Đối mặt với sự cô lập về kinh tế của phương Tây, Nga phải quay sang TQ để tìm sự hợp tác phát triển Bắc Cực. Khi các công ty năng lượng phương Tây rút dần khỏi các dự án ở Nga, Moscow đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các công ty TQ để phát triển cảng, mỏ và cơ sở hạ tầng khác ở phần Bắc Cực thuộc Nga.
Năm ngoái, công ty TotalEnergies của Pháp thông báo đang thu hẹp quy mô hoạt động tại Nga. BP và Exxon Mobil cũng rút khỏi các dự án quy mô ở Bắc Cực với gã khổng lồ năng lượng của nhà nước Nga Rosneft Oil. Sự hợp tác mới Nga-Trung được thể hiện rõ ràng nhất trong việc vận chuyển dầu thô qua Tuyến đường biển phía Bắc (Northern Sea Route), đi từ Tây Bắc Nga đến Eo biển Bering. Khối lượng tuy vẫn còn nhỏ so với những gì được vận chuyển qua các tuyến phía Nam nhưng đã tăng trong những tuần gần đây.
Nga, với quyền quản lý tuyến đường này đã cho phép các tàu chở dầu lớn hơn nhưng thân tàu chịu được băng kém hơn đi qua vùng nước đầy băng trôi, bất chấp có thể xảy ra tai nạn tràn dầu. Chiếc đầu tiên trong số hai tàu chở dầu một triệu thùng dầu mỗi chiếc đi qua Tuyến đường biển phía Bắc mới cập cảng TQ.
Nga cũng cùng TQ tham gia cuộc tập trận hải quân và an ninh hàng hải ở vùng cực Bắc và đề nghị TQ hỗ trợ dữ liệu vệ tinh để theo dõi tình trạng băng tan. Marcus M. Keupp, giảng viên kinh tế tại học viện quân sự thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich (Swiss Federal Institute of Technology Zurich) chuyên nghiên cứu về vùng cực, cho biết:
“Khi nói đến Bắc Cực, TQ không còn cần phải quan tâm quá nhiều đến chính sách chính thức của Nga như trước nữa, vì thời thế đã khác!”.
Đối với Trung Quốc – nước tự tuyên bố là quốc gia “gần Bắc Cực” (near Arctic) vào năm 2018 dù cách Vòng Bắc Cực (Arctic Circle) hơn 900 dặm – sự chào đón mới của Nga mang đến một cơ hội được chờ đợi từ lâu. Bắc Kinh khát khao mở rộng hoạt động ở Bắc Cực, từ sử dụng các tuyến đường vận chuyển đến khai thác tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khí hậu và khoa học; đồng thời mở rộng ảnh hưởng quân sự và chiến lược.
TQ đề xuất “Con đường tơ lụa vùng cực” (Polar Silk Road) – phần nối dài của sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (Belt and Road) rộng lớn hơn của nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình – nhằm giảm khoảng cách vận chuyển hàng hóa và tránh ùn tắc ở Kênh đào Suez và Eo biển Malacca.
Ngoại trừ Nga, các quốc gia Bắc Cực dân chủ phương Tây ngày càng thận trọng với đầu tư của TQ vào khu vực này. Nêu lý do an ninh, Đan Mạch đã bác đề xuất của TQ xây dựng ba sân bay ở Greenland, lãnh thổ tự trị của nước Bắc Âu này. Canada đã chặn một công ty TQ mua mỏ vàng ở Bắc Cực vào năm 2020 sau khi các quan chức quốc phòng bày to mối lo ngại an ninh.
Trong quá khứ, không phải lúc nào Nga cũng chào đón TQ đến Bắc Cực. Nga từng phản đối việc TQ nộp đơn xin trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council), cơ quan gồm tám quốc gia Bắc Cực, diễn đàn hàng đầu để giải quyết các vấn đề khu vực. Nga cũng chặn các tàu TQ tiến hành nghiên cứu Bắc Cực.
Năm 2020, ngay cả khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đạt mức nồng ấm nhất trong nhiều thập niên, Nga đã bắt giữ một chuyên gia Bắc Cực vì nghi bán thông tin tình báo cho TQ. Chính quyết định xâm lược Ukraine đã thay đổi tư duy của Moscow khi Nga cần dựa nhiều hơn vào TQ để duy trì ổn định kinh tế, hỗ trợ nỗ lực chiến tranh cũng như tiếp tục các dự án Bắc Cực. Putin đã báo hiệu thay đổi khi ông Tập đến Moscow vào Tháng Ba và mô tả sự hợp tác phát triển vận chuyển của Tuyến đường biển phía Bắc là “đầy hứa hẹn”.
Hợp tác vận chuyển để có tiền nuôi chiến tranh
Tháng Hai qua, Nga đã điều chỉnh chính sách về Bắc Cực theo hướng có lợi cho TQ. Nếu chính sách của Nga trước đây tập trung vào việc “tăng cường quan hệ láng giềng tốt với các quốc gia Bắc Cực” thì nay nhấn mạnh “mời gọi sự hợp tác của tất cả các quốc gia khác”, một động thái mở cửa cho TQ.
Tháng Mười Một, giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin công khai kêu gọi các công ty TQ tham gia vào các dự án ở Bắc Cực như Tuyến đường biển phía Bắc và Vostok Oil, một mỏ dầu rộng lớn ở vùng cực bắc của Nga. Nhưng theo các nhà phân tích, các công ty TQ vẫn rất thận trọng với các lệnh trừng phạt của phương Tây khi mở rộng kinh doanh ở Nga dù họ không bỏ qua các lợi ích tiềm năng trong quan hệ đối tác với Nga ở Bắc Cực.
Wall Street Journal cho biết, Tháng Giêng qua, Anatoly Tkachuk, một cựu sĩ quan KGB cho biết ông đã gặp đại diện của hai tập đoàn cơ sở hạ tầng khổng lồ do nhà nước TQ kiểm soát là China Communications Construction và China Railway Construction để thảo luận về kế hoạch khai thác titan và các nguyên liệu thô khác từ một mỏ lớn nằm trong Cộng hòa Komi gần Vòng Bắc Cực.
Dự án gồm một tuyến đường sắt vận chuyển vật liệu đến bờ biển và một cảng nước sâu tiếp nhận các con tàu đi qua Tuyến đường biển phía Bắc. Tại khu vực Nenets nằm phía trên Vòng Bắc Cực dọc Biển Barents, Tháng Tám qua chính quyền ở đây thông báo Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng TQ (China Energy Engineering Corp) đã đồng ý mở một cơ sở thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên ở đó.
Nếu những dự án suôn sẻ, các công ty TQ này sẽ gia nhập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ (China National Petroleum Corp-CNPC) thuộc sở hữu nhà nước đã có mặt ở đây. CNPC đang hợp tác với nhà sản xuất khí đốt tự nhiên PAO Novatek của Nga, công ty TotalEnergies và Quỹ Con đường Tơ lụa của TQ để phát triển dự án Yamal LNG (bắt đầu sản xuất khí đốt từ năm 2017). CNPC còn là đối tác phát triển dự án khí hoá lỏng Arctic 2 LNG cùng với TotalEnergies, công ty China National Offshore Oil và một tập đoàn Nhật Bản.
Trong khi nhiều dự án của TQ ở Bắc Cực vào thời điểm này vẫn còn trong giai đoạn “đón đầu”, một lĩnh vực đang hoạt động mạnh là vận chuyển dầu khí. Ngay trước khi Mỹ và các đồng minh áp đặt mức trần giá $60 một thùng dầu thô của Nga vào Tháng Mười Hai 2022, Vasily Dinkov, tàu chở dầu dài 843 feet của Nga được chế tạo cách đây 15 năm đã vận chuyển dầu thô từ Bắc Cực của Nga đến một cảng dầu trên bán đảo Sơn Đông của TQ.
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, trong Tháng Tám và Tháng Chín năm nay, 10 tàu chở dầu khác cũng đưa dầu thô của Nga đến TQ bằng Tuyến đường biển phía Bắc. Số lượng tàu vẫn còn ít so với tuyến đường phía Nam qua Kênh Suez, nhưng sự gia tăng đã gây căng thẳng cho đội tàu chở dầu.
Dù tuyến đường vùng cực có lợi thế về khoảng cách ngắn hơn (đồng nghĩa với việc phát thải ít carbon hơn) nhưng nó cũng đi qua các khu vực rất khó xử lý khi xảy ra tai nạn. “Hãy nhớ lại Titanic – Lynch cảnh báo – Băng tan không có nghĩa là không còn băng nữa. Thay đổi khí hậu đã biến băng thành một mớ hổ lốn khó đoán. Có những tảng băng trôi nguy hiểm. Nếu đi không đúng thời điểm trong năm khi trời rất tối, có bão lớn, sẽ không thể cứu hộ khẩn cấp ở một nơi rất xa như thế nếu gặp tai nạn”.