Trung Quốc kêu gọi Mỹ không điều động tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ có hành động mạnh hơn sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Bắc.
Hãng tin Bloomberg tường thuật, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cương (Qin Gang) cho biết hôm thứ Ba 16 Tháng Tám rằng Trung Quốc coi việc đi qua eo biển Đài Loan là một hành động leo thang của Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ chính phủ “ly khai” ở Đài Bắc. Ông ta đưa ra lời cảnh báo như vậy sau khi Thượng nghị sĩ Edward Markey, một nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang Massachusetts, kết thúc chuyến đi thứ hai đến đảo quốc của một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy hai tuần.
Trung Quốc đe dọa
“Phía Hoa Kỳ đã làm quá nhiều và đi quá xa trong khu vực này”, Tần nói khi trả lời câu hỏi về các cuộc tuần tra hải hành sắp diễn ra của hải quân Hoa Kỳ. “Tôi kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi kiềm chế, thực sự kiềm chế, không làm bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng. Vì vậy, nếu có bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ đáp trả. Trung Quốc sẽ đáp trả”, ông Tần nói.
Nên để ý, việc hải quân và không quân Hoa Kỳ đi qua, bay qua eo biển Đài Loan là việc làm thường xuyên, đã diễn ra đều đặn hàng chục năm nay, không phải mới có từ sau chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.
Chính quyền Biden cho biết quân đội Mỹ vẫn sẽ tiến hành các cuộc tuần tra đường hàng không và hàng hải qua eo biển Đài Loan – một hải lộ quan trọng của thương mại quốc tế – sau khi Trung Quốc đáp lại chuyến đi của Pelosi bằng một loạt cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo, bao gồm cả việc bắn tên lửa đạn đạo qua Đài Bắc. Từ lâu, Mỹ cho rằng những chuyến thăm Đài Loan của các nghị sĩ quốc hội, là nhất quán với chính sách “một Trung Quốc” của Washington là không chính thức công nhận chính phủ được bầu cử dân chủ ở Đài Bắc.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong thập niên qua, Hải quân Mỹ đã thực hiện trung bình khoảng 9 chuyến đi qua eo biển này mỗi năm, ít hơn nhiều so với con số “100 chuyến hải hành” mà ông Tần nêu ra. Chuyến đi gần đây nhất là vào ngày 19 Tháng Bảy, khi tàu khu trục USS Benfold đi qua eo biển này.
Tương tự, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi không phải không có tiền lệ; bà chỉ là người cao cấp nhất trong số 149 thành viên Quốc hội Mỹ đã đến thăm Đài Loan trong mười năm qua, trong số này có 33 nghị sĩ đến Đài Loan từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền. Trung Quốc càng ngày càng khó chịu với các chuyến viếng thăm như vậy, coi đó là mối đe dọa cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Ông Tần cảnh báo, Hoa Kỳ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong vấn đề các chuyến thăm của Quốc hội Hoa Kỳ tới Đài Loan, bác bỏ lập luận của Tòa Bạch Ốc rằng các nhà lập pháp có quyền hành động độc lập với hành pháp. “Quốc hội là một phần của chính phủ Hoa Kỳ – nó không phải là một chi nhánh độc lập, không thể kiểm soát. Quốc hội có nghĩa vụ tuân thủ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy rất thất vọng và không hài lòng với chuyến thăm Đài Loan của Thượng nghị sĩ Markey. Nó khiêu khích, nó vô ích,” ông Tần nói.
Trong một diễn biến liên quan, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Nhật Bản có kế hoạch thăm Đài Loan vào tuần tới, hãng Kyodo News đưa tin hôm thứ Ba. Bộ Quốc phòng ở Tokyo trước đó đã nói hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc đã rơi xuống một khu vực mà Nhật Bản coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ sau chuyến đi của bà Pelosi.
Quốc hội Canada cũng có kế hoạch cử một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Loan trong vài ngày tới.
Đại sứ Tần bảo vệ phản ứng của quân đội Trung Quốc đối với chuyến đi, nói rằng các cuộc tập trận là “công khai, minh bạch và chuyên nghiệp.” “Chúng tôi đang xử lý một sự cố nghiêm trọng từ chuyến thăm của Pelosi” và cảnh báo Mỹ không nên “đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ, quyết tâm và khả năng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, ông Tần nói với các phóng viên ở Washington.
Chính quyền Biden khó xử
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang trong tình thế khó xử giữa một bên là nhu cầu duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, một bên là áp lực của Quốc hội đòi phải cứng rắn với Bắc Kinh, vạch ra lằn ranh đỏ để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm eo biển Đài Loan và biến thành vùng biển riêng của mình.
Sau chuyến đi thăm Đài Loan hồi Tháng Tư, hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn là ông Bob Menendez, (Dân Chủ – New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện và ông Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) đã trình ra dự luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act of 2022) nhằm thay thế cho đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 đã lỗi thời. Dự luật của hai thượng nghị sĩ này có điều khoản chính là cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan $4.5 tỷ trong vòng bốn năm tới, công nhận Đài Loan là “đồng minh quan trọng ngoài NATO” (major non-NATO ally) và đặt ra cơ chế trừng phạt các hành vi thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện sẽ đem dự luật này ra thảo luận và bỏ phiếu khi các nghị sĩ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ hè tháng Tám.
Tòa Bạch Ốc lo ngại việc thông qua dự luật Chính sách Đài Loan sẽ gây khó khăn cho chính sách “mơ hồ chiến lược” hiện thời, trái với nguyên tắc “một Trung Quốc” và gây bất lợi cho nhiều lĩnh vực hợp tác Mỹ-Trung. Các thượng nghị sĩ Dân Chủ được yêu cầu điều chỉnh nội dung của dự luật trước khi Thượng Viện biểu quyết.
Đại sứ Tần cũng hạ thấp mối đe dọa về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Trung Quốc xâm lược Đài Loan, nói rằng ông ta không biết một mốc thời gian cụ thể. “Mọi người đang quá lo lắng về điều đó,” ông nói và nói thêm rằng suy đoán về một cuộc xâm lược của Trung Quốc là “vô căn cứ”.
Đọc thêm: