Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình của người gửi tiền ngân hàng

Hệ thống ngân hàng phát triển quá nóng của Trung Quốc đang dẫn đến những thiệt hại kinh tế lẫn xã hội (ảnh: Xu Jingbai / Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Chính quyền Trung Quốc hôm Chủ Nhật đã đàn áp mạnh một cuộc biểu tình ôn hòa của hàng trăm người gửi tiền đang tìm cách đòi lại tiền tiết kiệm cả đời của họ từ các ngân hàng đang rơi vào khủng hoảng tiền mặt ngày càng trầm trọng.

Kể từ tháng Tư, bốn ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã đóng băng các khoản tiền gửi trị giá hàng triệu đô la, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn khách hàng trong một nền kinh tế đang chao đảo do các đợt phong tỏa hà khắc để phòng ngừa Covid.

Những người gửi tiền đau khổ đã tổ chức một vài cuộc biểu tình ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, trong hai tháng qua nhưng những yêu cầu của họ luôn rơi vào những lỗ tai điếc.

Vào Chủ Nhật 10 tháng Bảy, hơn 1,000 người gửi tiền từ khắp Trung Quốc đã tụ tập bên ngoài chi nhánh Trịnh Châu của ngân hàng trung ương nước này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tiến hành cuộc biểu tình lớn nhất của họ, theo tường thuật của CNN.

Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc từ sau đại dịch, khi việc đi lại trong nước bị hạn chế để ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus. Tháng trước, chính quyền Trịnh Châu thậm chí đã can thiệp vào hệ thống mã y tế kỹ thuật số Covid (digital Covid health code system) hay còn gọi là mã QR của đất nước để hạn chế việc đi lại của người gửi tiền và ngăn cản cuộc biểu tình đã lên kế hoạch của họ, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc.

Lần này, phần lớn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài ngân hàng trước bình minh – từ bốn giờ sáng – để tránh bị nhà chức trách ngăn chặn. Đám đông, bao gồm cả người già và trẻ em, chiếm một dãy bậc tam cấp khổng lồ bên ngoài ngân hàng, hô khẩu hiệu và giăng biểu ngữ. “Ngân hàng Hà Nam, trả lại tiền tiết kiệm của tôi!” họ đồng thanh hét lên, nhiều người vẫy cờ Trung Quốc.

Sử dụng quốc kỳ để thể hiện quan điểm là một chiến thuật phổ biến của người biểu tình ở Trung Quốc, nơi bất đồng chính kiến ​​bị đàn áp nghiêm ngặt. Chiến thuật này nhằm thể hiện rằng sự bất bình của họ chỉ nhằm chống lại chính quyền địa phương, họ ủng hộ và dựa vào chính quyền trung ương để tìm cách giải quyết. “Chống lại sự tham nhũng và bạo lực của chính quyền Hà Nam,” một biểu ngữ viết bằng tiếng Anh.

Một bức chân dung lớn của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông được dán trên cột ở lối vào ngân hàng.

Trên khắp đường phố, hàng trăm cảnh sát và nhân viên an ninh – một số mặc đồng phục và những người khác mặc thường phục – đã tập hợp và bao vây địa điểm này, khi những người biểu tình hét lên “bọn côn đồ” vào mặt họ.

Đàn áp bạo lực

Cuộc biểu tình kéo dài vài giờ cho đến sau 11 giờ sáng, khi hàng loạt nhân viên an ninh bất ngờ lao lên bậc tam cấp và đụng độ với những người phản đối. Người biểu tình ném chai lọ và các vật nhỏ khác vào họ.

Cảnh tượng nhanh chóng trở nên hỗn loạn khi các nhân viên an ninh kéo những người biểu tình xuống sân và đánh những người chống lại, bao gồm cả phụ nữ và người già, theo các nhân chứng và video trên mạng xã hội.

Một phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông, miền đông nói với CNN rằng bà đã bị hai nhân viên an ninh đẩy ngã xuống đất khiến cánh tay của bà bị thương. Một người đàn ông 27 tuổi đến từ thành phố Thâm Quyến, miền nam nước này, tên là Tôn, cho biết anh đã bị bảy hoặc tám lính canh đạp xuống đất trước khi bị mang đi. Một người đàn ông 45 tuổi ở trung tâm thành phố Vũ Hán cho biết áo của anh ta đã bị rách hoàn toàn ở phía sau trong cuộc ẩu đả.

Nhiều người cho biết họ bị sốc trước sự bùng nổ bạo lực bất ngờ của lực lượng an ninh.

“Không ngờ lần này bọn chúng bạo lực và trơ trẽn như vậy. Không có liên lạc, không có cảnh báo trước khi họ giải tán chúng tôi một cách tàn nhẫn,” một người gửi tiền từ một đô thị bên ngoài Hà Nam – yêu cầu CNN giấu tên do lo ngại về an ninh – cho biết. “Tại sao nhân viên chính phủ đánh chúng tôi? Chúng tôi chỉ là những người bình thường yêu cầu trả lại tiền tiết kiệm, chúng tôi không làm gì sai cả”, người phụ nữ từ Sơn Đông nói.

Những người biểu tình đã bị ném lên hàng chục xe buýt và bị đưa đến các địa điểm giam giữ tạm thời trên khắp thành phố – từ khách sạn, trường học đến nhà máy. Một số người bị thương đã được đưa đến bệnh viện; nhiều người đã được thả khỏi nơi giam giữ vào cuối buổi chiều. 

Vào tối Chủ Nhật, cơ quan quản lý ngân hàng Hà Nam đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, cho biết “các bộ phận liên quan” đang đẩy nhanh nỗ lực xác minh thông tin về tiền của khách hàng tại bốn ngân hàng nông thôn. “(Nhà chức trách) đang lập kế hoạch đối phó với vấn đề, sẽ được công bố trong tương lai gần,” tuyên bố cho biết.

Các chuyên gia cho biết những ngân hàng nhỏ này thường có bộ máy điều hành và sở hữu “lem nhem” nên rất dễ bị tham nhũng và dễ “chết” khi kinh tế đi dần vào suy thoái (ảnh: Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Những mảnh đời tan nát

Cuộc biểu tình diễn ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị đối với đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, chỉ vài tháng trước khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dự kiến giữ thêm nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ tại một hội nghị quan trọng vào mùa thu này.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đòi khoản tiền tiết kiệm bị mất và sinh kế bị hủy hoại có thể được coi là một sự lực cản chính trị đối với ông Tập, người đã thúc đẩy tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa trong việc dẫn dắt đất nước đến “cuộc phục hưng vĩ đại”.

Chính quyền Hà Nam đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình. Nhưng những người gửi tiền vẫn không nản lòng. Khi vấn đề kéo dài, nhiều người đã trở nên tuyệt vọng hơn bao giờ để đòi lại số tiền tiết kiệm của họ.

Hoàng, một người gửi tiền từ Vũ Hán, đã mất việc trong ngành thẩm mỹ y tế trong năm nay, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. Nhưng anh ta không thể rút bất kỳ khoản tiết kiệm nào – hơn 500,000 nhân dân tệ ($75,000) – từ một ngân hàng nông thôn ở Hà Nam. “Tôi đang thất nghiệp, tất cả những gì tôi có là tiền tiết kiệm trong quá khứ. Nhưng tôi thậm chí không thể rút tiền bây giờ – làm thế nào tôi hỗ trợ được gia đình tôi?” Huang than thở và cho biết anh có con trai đang học trung học.

Tôn, đến từ Thâm Quyến, đang cố giữ cho nhà máy của mình không bị phá sản sau khi mất khoản tiền gửi 4 triệu nhân dân tệ ($597,000) tại một ngân hàng Hà Nam. Anh thậm chí không thể trả lương cho hơn 40 nhân viên của mình vì không có tiền. Tôn cho biết người anh đầy vết bầm tím và bị sưng ở lưng sau khi liên tục bị các nhân viên an ninh giẫm lên tại cuộc biểu tình. “Sự việc đã đảo lộn hoàn toàn nhận thức của tôi về chính phủ. Cả đời tôi đã đặt rất nhiều niềm tin vào chính phủ. Sau ngày hôm nay, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng nó nữa,” anh nói.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: