Thứ Sáu tuần trước, đèn tắt trên khắp vùng Đông Bắc Trung Quốc. Xe ô tô lao lên nhau tại các ngã tư do đèn tín hiệu giao thông không hoạt động. Cư dân lên mạng xã hội phàn nàn việc phải đi bộ lên hàng trăm bậc cầu thang để về nhà. Theo truyền thông nhà nước, doanh số bán nến tăng gấp mười lần.
Tại thành phố Cát Lâm, một công ty cung cấp nước thuộc sở hữu nhà nước đã gửi một thông báo cho người dân – và sau đó xóa đi – rằng việc cắt điện “với thời hạn không xác định, vào thời điểm không xác định, không có kế hoạch, không có cảnh báo” sẽ là chuyện bình thường cho đến Tháng Ba và yêu cầu cư dân tích trữ nước để dùng trong vài tháng.
Tình trạng thiếu điện đã xảy ra mấy tháng nay nhưng lên tới đỉnh điểm vào tuần trước khi có 20 trong 31 tỉnh Trung Quốc, tập trung ở miền Đông, phải cắt điện luân phiên, dẫn đến chuyện các nhà máy đóng cửa và điện sinh hoạt của người dân bị cắt. Ngay cả thủ đô Bắc Kinh, luôn được ưu tiên cung cấp điện, cũng phải thực hiện phân phối điện theo quy mô gia đình.
Trong số các nhà máy bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện có hàng chục công ty niêm yết của Trung Quốc – bao gồm cả các nhà cung cấp của Apple và Tesla. Các nhà máy này đã thông báo ngừng hoạt động hoặc chậm giao hàng, đổ lỗi cho lệnh của các cơ quan chính phủ buộc họ giảm sản lượng để tiết kiệm năng lượng, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu do COVID-19 gây ra.
Những người bình luận có ảnh hưởng rộng trên mạng nói rằng mục tiêu cắt giảm phát thải khí carbon dioxide (CO2) mà chính phủ Trung Quốc đưa ra là nguyên nhân gây mất điện. Phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước ông sẽ ngừng phát triển các nhà máy điện than – loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới – ở nước ngoài, rằng Trung Quốc sẽ đạt đỉnh điểm về phát thải vào năm 2030 và sau đó tiến đến nền kinh tế không có khí thải vào năm 2060.
Các tổ chức môi trường lo ngại rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, như than đá, xăng dầu, sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng để phá hoại mục tiêu khí hậu.
***
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện là do giá than tăng cao và nhu cầu điện cũng tăng cao.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, giá than đá tăng đột biến là do sản lượng khai thác than giảm vì các sự cố an toàn và các cuộc điều tra chống tham nhũng. Song theo một số nhà kinh tế, giá than đá tăng một phần do Trung Quốc đã ngừng nhập cảng than đá của Úc từ năm ngoái trong một hành động gây sức ép ngoại giao trả đũa vụ Úc đề nghị điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch COVID-19.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sau đợt đại dịch, các nền kinh tế phục hồi lại đã đẩy nhu cầu than đá tăng thêm 4.5% trong năm nay, chủ yếu dùng để phát điện; và sau cú sốc ban đầu khi đại dịch bùng phát, giá than đá trên thị trường thế giới đã tăng gần gấp đôi. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới; 56% điện năng của nước này là do các nhà máy điện than tạo ra. Cũng nên để ý rằng 70% lượng điện mà Trung Quốc tạo ra được cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép và nhôm thuộc các tập đoàn quốc doanh của nhà nước Trung Quốc.
Giá than đá tăng lên làm cho các nhà máy điện than của Trung Quốc không muốn hoạt động. Ở Trung Quốc, chính phủ quản lý giá bán điện đến người tiêu dùng và khống chế giá điện luôn ở mức thấp để vừa không gây phản ứng trong người dân vừa bảo đảm lợi nhuận cho các tập đoàn quốc doanh nói trên. Do giá bán điện bị khống chế, không được tăng giảm theo thị trường, nên khi giá than cao các nhà máy điện than lại giảm công suất phát điện vì càng phát điện càng lỗ.
Trung Quốc đang đứng trước một bài toán khó giải: Vừa muốn giảm khí thải, vừa muốn duy trì sản lượng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Thực tế vụ mất điện hiện nay cho thấy Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch và những tuyên bố hùng hồn về giảm phát thải khí CO2 mà lãnh đạo nước này đưa ra sẽ khó mà thực hiện được.
Đọc thêm: