Sau hơn ba tuần chiến tranh, các cuộc tấn công trên bộ vào các mục tiêu quan trọng ở Ukraine bao gồm thủ đô Kyiv và hải cảng Odessa vẫn không tiến triển được. Trong những ngày gần đây quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn hành trình để tàn phá các căn cứ quân đội và cơ sở hạ tầng của Ukraine, gây thương vong nặng nề cho thường dân và đặt ra một bài toán khó cho các lực lượng phương Tây yểm trợ Ukraine.
So với Ukraine, Nga sở hữu một kho vũ khí tối tân, gồm nhiều hỏa tiễn hành trình (cruise missiles), hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missiles) cả tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cùng đội oanh tạc cơ hùng hậu. Kho bom và hỏa tiễn đang mang lại lợi thế rõ rệt cho quân Nga trên chiến trường, khi chiến thuật dùng xe tăng và trọng pháo để hạ gục Ukraine trong một cuộc tấn công chớp nhoáng đã thất bại hoàn toàn.
Theo ông Piotr Lukasiewicz, nhà phân tích tại Polityka Insight, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Warsaw, Ba Lan, ngay trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, các cuộc tấn công của Nga đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Ukraine, đặc biệt là các giàn radar và hệ thống cảnh báo. Nhưng người Ukraine đã nhanh chóng thay thế các hệ thống bị người Nga phá hủy hoặc vô hiệu hóa.
Cuộc kháng chiến theo kiểu du kích, dựa vào địa hình và sử dụng các loại vũ khí chống xe tăng rất hiệu quả được NATO viện trợ, quân đội Ukraine đã cầm chân quân xâm lược suốt ba tuần qua. Nhưng nay Nga đang bắt đầu thay đổi chiến thuật.
Hôm Thứ Sáu 18 Tháng Ba, hỏa tiễn Nga đã đánh trúng vào một doanh trại Thủy quân lục chiến của Ukraine ở thành phố Mykolaiv ở miền Nam, nơi có khoảng 200 binh sĩ đang ngủ, giết chết khoảng 40 lính Thủy quân lục chiến. Thị trưởng Mykolaiv, ông Oleksandr Senkevich cho biết đã không có còi báo động khi vụ tấn công bằng hỏa tiễn xảy ra.
Hôm nay Thứ Bảy 19 Tháng Ba, Nga tuyên bố họ đã sử dụng một tên lửa siêu thanh (hypersonic missile) bắn vào một nhà kho ngầm dưới lòng đất chứa hỏa tiễn và đạn dược hàng không ở một ngôi làng phía Tây Ukraine. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí siêu thanh được sử dụng trên chiến trường – loại vũ khí có tốc độ bay siêu nhanh và có thể né tránh các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ. Người Ukraine nói họ vẫn chưa được xác định được loại hỏa tiễn đó và một đoạn video về cuộc tấn công do Bộ Quốc phòng Nga công bố không chứng minh rõ ràng rằng đây thực sự là một tên lửa siêu thanh.
Vài ngày trước, hỏa tiễn hành trình của Nga bắn từ Hắc Hải đã tấn công một căn cứ huấn luyện rộng lớn chỉ cách biên giới Ba Lan 12 dặm, nơi có nhiều lính tình nguyện nước ngoài, làm cho quân đội các nước NATO phải nâng cao mức báo động. Hỏa tiễn Nga cũng đánh vào một địa điểm gần sân bay thành phố Lviv giáp Ba Lan, nơi có cơ sở sửa chữa máy bay chiến đấu MiG của Không quân Ukraine. Trong cả hai trường hợp, người Nga đã không sử dụng một quả hỏa tiễn riêng lẻ mà bắn hàng loạt nhiều hỏa tiễn liên tiếp nhau. Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã bắn hạ hơn một chục chiếc hỏa tiễn, nhưng nhiều hỏa tiễn đã vượt qua được hàng rào đánh chặn. Điều này cũng đúng đối với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn gần đây vào các khu vực khác ở miền Tây và miền Trung Ukraine.
***
Các vụ tấn công bằng hỏa tiễn tầm trung và tầm xa có hiệu quả cao của Nga làm giới quan sát ngạc nhiên về chiến thuật của Ukraine, không hiểu tại sao người Ukraine tập trung nhiều binh sĩ như vậy tại các doanh trại gần tiền tuyến.
Ông Lukasiewicz nói rằng Ukraine, giống như Ba Lan, vẫn tập trung quân đội và cấp chỉ huy ở chính những doanh trại mà họ đã lập ra khi còn là một phần của Liên Xô cũ. Điều đó đã mang lại cho người Nga một lợi thế khác: Người Nga dễ dàng có được vị trí chính xác của các doanh trại, sở chỉ huy và các đơn vị quân đội Ukraine khi chỉ cần xem qua các bản đồ lưu trữ mà không phải thực hiện trinh sát cẩn thận.
Các vụ tấn công bằng hỏa tiễn có sức tàn phá lớn cũng chứng minh rằng vũ khí của Nga có thể bắn rất chính xác, ví dụ hỏa tiễn bắn đi từ Hắc Hải đã đánh trúng một trung tâm huấn luyện ở Yavoriv phía Tây Bắc Lviv của Ukraine gần biên giới Ba Lan. Nhưng tại sao có rất nhiều cơ sở dân sự như bệnh viện, trường học, nhà hát, ga tàu điện ngầm… của Ukraine bị tàn phá nặng nề trong ba tuần chiến tranh vừa qua, thậm chí cả một thành phố như Mariupol gần như bị san thành bình địa? Ông Benjamin Hodges, cựu Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu, nói rằng các cuộc tấn công gần đây nhấn mạnh việc Nga nhắm mục tiêu vào dân thường là một phần trong chiến lược của họ; vũ khí của Nga có độ chính xác nhưng họ tấn công bừa bãi vào các thành phố là có chủ ý, gây khiếp sợ cho người Ukraine chứ không phải do hỏa tiễn đánh trật mục tiêu.
***
Khi các cuộc tấn công bằng bộ binh, pháo binh và xe tăng vào các cứ điểm của Ukraine từ phía Nam, phía Đông và phía Bắc bị chặn đứng, quân đội Nga đã mở rộng các mục tiêu về phía Tây, càng ngày càng gần với biên giới giữa Ukraine và các nước NATO như Ba Lan, Slovakia, Hungary. Chiến thuật mở rộng về phía Tây của Nga có mục đích rất rõ ràng: Cắt đứt các đường tiếp tế và hệ thống liên lạc của Ukraine, đặc biệt là ngăn chặn con đường tiếp viện vũ khí và tình nguyện viên từ các nước NATO đổ vào Ukraine. Tuy nhiên, việc Nga đẩy mạnh tấn công các thành phố phía Tây như Lviv, Lutsk, Zhytomir cũng đặt vào tình huống nguy cấp số phận của hàng triệu người dân Ukraine, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em từ vùng chiến sự ở phía Đông di tản về, chờ vượt biên giới sang Ba Lan tị nạn.
Theo thông tin từ Ngũ Giác Đài, chỉ trong hơn ba tuần chiến tranh, Nga đã phóng hơn 1,000 hỏa tiễn và rocket vào các mục tiêu của Ukraine. Các quan chức quân sự Anh cho biết, đại đa số hỏa tiễn Nga đều nhắm vào dân thường.
John Kirby, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài gần đây cảnh báo rằng khi lực lượng mặt đất của Nga bị cản trở bởi sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine, họ sẽ dựa nhiều hơn vào hỏa tiễn hành trình tầm xa và các loại hỏa tiễn khác.
Còn theo các nhà phân tích quân sự, Nga vẫn duy trì được quyền kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine, các chiến đấu cơ của Nga thực hiện khoảng 200 phi vụ mỗi ngày trong khi không quân Ukraine chỉ bay được từ năm đến 10 phi vụ. Sử dụng các oanh tạc cơ ném bom và phóng hỏa tiễn không đối địa, cùng với các loại hỏa tiễn hành trình, Nga dễ dàng phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
Đây là lý do tại sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều tuần đã yêu cầu NATO “đóng cửa bầu trời”, lập vùng cấm bay (no fly zone) ở Ukraine – một bước mà NATO chắc chắn sẽ không thực hiện vì không muốn leo thang xung đột với Nga. Ông Zelensky gần đây thừa nhận rằng một hành động như vậy là khó xảy ra, nhưng ông vẫn kêu gọi Phương Tây viện trợ các hệ thống phòng không giúp hạn chế các cuộc không kích của đối phương.
Slovakia đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất – có thể bắn hạ tên lửa hành trình – và chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine “ngay lập tức” nếu họ có thể được thay thế kịp thời, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia, ông Jaroslav Nad, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III hôm 17 Tháng Ba. Chưa rõ sắp tới NATO có cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không di động như yêu cầu của Tổng thống Zelensky hay không.
Việc Nga sử dụng nhiều hỏa tiễn cũng bộc lộ một số điểm yếu có lợi cho người Ukraine. Theo một nhóm nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, những hỏa tiễn này được bắn từ xa hàng trăm dặm và không có khả năng bắn trúng các hệ thống phòng thủ di động. Nếu quân đội Ukraine được trang bị các giàn phóng hỏa tiễn đánh chặn di động được trên các thùng xe tải, toa tàu hỏa v.v… thì lợi thế của Nga về ném bom và hỏa tiễn sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu. Trên chiến trường, các loại hỏa tiễn phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất đang là cơn ác mộng của không quân Nga.
Vẫn không rõ Nga có thể duy trì chiến thuật tấn công bằng hỏa tiễn hành trình trong bao lâu nữa. Tiến sĩ Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu về phòng thủ hỏa tiễn tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết nguồn cung hỏa tiễn hành trình của Nga bị hạn chế. Một báo cáo của ông gần đây cho rằng Nga chỉ sản xuất khoảng 120 chiếc hỏa tiễn trong năm 2018. “Kho hỏa tiễn của Nga là lớn nhưng không phải vô hạn”, ông Kaushal nói.
(theo NYT)