Chừng khoảng một tuần ở Việt Nam, trước ngày bầu cử 23/5 ở Việt Nam, không khí chính trị bỗng trở nên sôi động hẳn bởi các trò mèo của nhà cầm quyền. Được biết tổng số tiền mà Quốc hội CSVN tuyên bố đã tiêu phí hơn 3.500 tỷ VNĐ cho việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tức các cán bộ cấp địa phương), đã không vá víu nỗi tấm màn sân khấu đã quá sức tồi tàn.
Đôi ba ngày, trước ngày chủ nhật 23/5, đã có hàng trăm vụ nhắc nhở răn đe hoặc triệu tập trực tiếp lên đồn công an để nhắc nhở về “nghĩa vụ” đi bầu và không được dùng việc không đi bầu cử để quảng bá như một phương thức nói xấu chính quyền. Những người phải làm việc với công an về chuyện này, phần lớn đều nằm trong danh sách theo dõi, bị coi là những đối tượng có ngôn luận hay thái độ bất đồng với chính quyền.
Không chỉ thế, nhiều người cho biết là công an vẫn cử người đến canh chừng tại nhà những ai bị coi là thành phần “nguy hiểm”, suốt từ ngày 22 đến hết ngày 23/5.
Bà Trần Thị Thảo sinh năm 1952, trước đây hay xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, kể rằng: “hôm nay 23/5/2021 trước giờ bầu cử, tôi đã thấy an ninh ngồi ở cầu thang chung cư để canh gác tôi. Quá tức giận, tôi liền đi ngay ra phường Bách Khoa nơi tôi sống. Tại cổng ủy ban tôi đã thấy đủ các ban bệ : cán bộ ủy ban, công an, dân phòng,… Tôi nói to: “Hôm nay là ngày bầu cử, ngày hội của toàn dân, ngày đoàn kết các dân tộc… – theo như lời báo chí nói – mà tại sao chính quyền lại cho an ninh tới canh giữ tôi – một công dân đã được phát thẻ cử tri. Vậy sao gọi là ngày hội được? Sao gọi là hoà hợp, hoà giải các tầng lớp nhân dân. Tôi tuyên bố không đi bầu cử nữa!”
Cũng ở Hà Nội, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết công an và tổ trưởng khu phố cứ ép ông xác định là có đi bầu không, nếu không thì phải làm biên bản xác nhận. Ông Chênh phản ứng dữ dội thì họ mới thôi tra vấn. Nhiều người khác vào bình luận trên trang facebook của ông Chênh, nói mình cũng bị dọa bắt làm biên bản nếu không đi bầu.
Ông Chênh kết luận: “Họ đến nhà hỏi tui có đi bầu hay không, nếu không thì lập biên bản. Tui trả lời đi bầu là quyền lợi của tui, đi hay không là quyền của tui, tui không có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi đó cho bất cứ ai, và việc lập biên bản cho chuyện đó là quá sức sai trái, sai pháp luật nên dĩ nhiên tui phải từ chối”.
Ở Sài Gòn, nhà báo Lê Bảo Liên tuyên bố trên Facebook rằng mình không đi bầu cử, và còn kể lại chuyện hài hước trong thời làm báo của bà, là “có cán bộ đứng trong phòng kín hướng dẫn cử tri bầu cho người này gạch tên kẻ kia. Mình phản đối thì họ nói dân không biết chữ nên cần có người …hướng dẫn. Khi mình dọa quay phim đưa lên TV thì lãnh đạo nơi đó mới kêu người ấy ra, nhưng mình biết chắc khi mình đi khỏi họ lại vào hướng dẫn tiếp.
Cũng kể chuyện đã qua, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng kể rằng một người từng làm trong phòng kiểm phiếu đợt bầu cử trước, nói rằng cả hệ thống phải thức suốt đêm thay phiếu, vì quá nhiều tờ phiếu bầu ghi trên đó khẩu hiệu “ĐMCS”.
Nhìn từ bên ngoài thế giới, tờ Diplomat hôm 19/5 đăng bài viết của tác giả Mu Sochua, hiện là nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR) và là cựu nghị sĩ Quốc hội Campuchia, cho rằng cuộc bầu cử ngày 23/5 ở Việt Nam là “vô ích” vì nó chỉ được tổ chức để “để đóng dấu cho sự độc quyền quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
“Cũng như các cuộc bầu cử trước, Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến sẽ thống trị kết quả bầu cử và kéo dài thời gian cầm quyền trong 5 năm tới. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bỏ phiếu dự kiến cũng sẽ cao,” ông Mu Sochua nhận định. Ông cũng cho rằng bầu cử ở Việt Nam không tự do và không công bằng, tương tự như ở Lào, không có một cơ quan độc lập đứng ra giám sát các cuộc bầu cử.
Cũng không sai lắm, nếu nhớ lại, hai ứng viên độc lập là Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng ở phía Bắc sau khi lên tiếng tự ứng cử, đã nhanh chóng bị công an ập vào nhà bắt, ghép cho tội “âm mưu tuyên truyền chống chế độ”. Một nhà thơ người Chăm, ông Đồng Chuông Tử cũng bị công an bắt cóc và ép không được tham gia, nếu không thì sẽ khó về nhà. Tất cả những người này bị bắt, chỉ vì trước đó họ luôn bày tỏ những nhận định cá nhân về các vấn đề xã hội trên facebook.
Ký giả Michael Caster, đồng sáng lập viên của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, viết trên Twitter hôm 20/5 rằng “việc giam giữ những ứng cử viên tự ứng cử vì họ từng bàn thảo về luật pháp và chính trị của Việt Nam trên mạng xã hội, là thêm bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử sắp tới sẽ không có gì khác ngoài một trò hề.”
Ngày 20/5, tổ chức nhân quyền Article 19 lên án việc chính quyền Việt Nam đã bắt giam và sách nhiễu những người có nguyện vọng tự ứng cử. “Công dân có quyền được cung cấp thông tin và các ứng cử viên có quyền tự do trao đổi với công chúng,” tổ chức này lên tiếng.
Việc tổ chức và ép buộc người dân đi bầu, cho thấy đảng CSVN đang khao khát tính chính danh, khao khát được nhìn nhận như là một chế độ do nhân dân chọn lựa. Nhưng với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, cho thấy cuối cùng, mọi cố gắng cũng chỉ trở thành trò hề tự biên tự diễn của giới chóp bu Ba Đình.