Chính quyền một số địa phương Trung Quốc yêu cầu chính phủ Bắc Kinh có những chính sách mới để giữ chân doanh nghiệp giữa lúc cuộc chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu, làm mất công ăn việc làm và giảm nguồn thu thuế của các địa phương dựa chủ yếu vào xuất khẩu.
Trong bài đăng ngày 26-11, phóng viên Frank Chen của báo Asia Times ghi nhận như trên khi quan sát hiện tượng các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu dời sang Việt Nam – xu thế mà báo chí đã phát hiện và lưu ý khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung bùng nổ vào giữa năm 2018. Chính sách tăng thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc của chính phủ Donald Trump; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chuyển ra khỏi Trung Quốc của các nước Mỹ, Nhật để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung ứng duy nhất của Trung Quốc; cùng với nguồn lao động giá rẻ và các ưu đãi tài chính của chính phủ Việt Nam là những điểm mới hấp dẫn các nhà đầu tư đi tìm lợi nhuận. Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc càng ngày càng phân biệt đối xử bất công với nhà đầu tư nước ngoài như buộc họ phải chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh cho đối tác địa phương đổi lấy quyền tiếp cận thị trường và giá nhân công ở Trung Quốc không còn rẻ nữa càng khiến cho nhà đầu tư không còn mặn mà với việc sản xuất ở Trung Quốc.
Từ Samsung đến Apple
Trong hai năm 2018-2019, Samsung, đại công ty của Nam Hàn, đã lần lượt đóng cửa các nhà máy lắp ráp điện thoại di động ở tỉnh Thiên Tân và thành phố Huệ Châu tỉnh Quảng Đông sau 27 năm hoạt động. Tại Quảng Đông, nhà máy của Samsung đóng cửa hồi tháng Chín năm ngoái đã làm 6,000 công nhân mất việc, theo báo Southern Metropolis Daily. Việc nhà máy Samsung ở Thiên Tân và Huệ Châu đóng cửa không chỉ làm giảm năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ của hai địa phương này mà còn tác động tới việc kinh doanh quán ăn, nhà trọ, siêu thị… phục vụ đội ngũ công nhân này.
Hiện nay hơn một nửa số máy điện thoại di động của Samsung, kể cả những mẫu máy mới nhất, được lắp ráp trong các nhà máy của công ty này ở Thái Nguyên và Bắc Ninh miền Bắc Việt Nam. Gần mười năm trước, năm 2011, số máy điện thoại lắp ráp ở Thiên Tân và Huệ Châu cũng chiếm một nửa tổng sản lượng của Samsung. Mặc dù chính quyền hai địa phương này đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất để giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài nhưng sự ra đi của Samsung và các công ty tương tự đã ảnh hưởng không nhỏ tới công nghiệp và xuất cảng của cả hai nơi. Số liệu thống kê của chính quyền địa phương cho biết trong nửa đầu năm nay, sản lượng kinh tế (GDP) của Thiên Tân giảm 3.9%, còn kim ngạch xuất cảng giảm 3.3%. Thành phố Huệ Châu nhỏ hơn, nửa đầu năm nay xuất cảng giảm tới 28% và GDP giảm 4.3%.
Cũng trong ngày 26-11, một bản tin độc quyền của hãng Reuters cho biết, tập đoàn Foxconn (trước đây có tên là Hon Hai Precision Industry Co Ltd) – nhà lắp ráp điện thoại và máy vi tính lớn nhất thế giới – đang chuyển các cơ sở lắp ráp máy iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của hãng Apple Inc. do tập đoàn công nghệ Mỹ này đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Nguồn tin của Reuters cho biết Foxconn đang xây dựng các dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy laptop MacBook của Apple trong nhà máy của tập đoàn ở tỉnh Bắc Giang, có thể bắt đầu sản xuất vào nửa đầu năm 2021. Nhà máy này nhận một số dây chuyền lắp ráp từ Trung Quốc chuyển sang nhưng chưa rõ công suất lắp ráp ở đây là bao nhiêu. Ngoài sản phẩm của Apple, nhà máy này dự tính sẽ lắp ráp tivi cho các công ty như Sony, dự kiến từ cuối năm 2021. Foxconn đã đầu tư 270 triệu Mỹ kim, lập công ty con tên là Phú Khang (Fukang) để vận hành nhà máy ở Bắc Giang.
Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm Apple được lắp ráp ở Việt Nam mà từ tháng Năm năm nay, khách hàng của Apple tại Mỹ đã nhận được các tai nghe bluetooth iPods Pro với dòng chữ “Assembled in Vietnam” trên hộp đựng. Tai nghe iPod Pro của Apple do hai công ty Trung Quốc là Goertek Inc và Luxshare Precision Industry lắp ráp ở Sơn Đông và Quảng Đông nhưng hai công ty này cũng đã đầu tư nhà máy ở Việt Nam với sản lượng iPod lắp ráp tại Việt Nam có thể chiếm tới 15% tổng số iPods trên toàn cầu, theo báo Nhật Nihon Keizai Shimbun.
Giới quan sát nhận xét, theo chính sách đa dạng hóa sản xuất của Apple, rất có thể điện thoại iPhone – mặt hàng chủ lực của Apple – cũng sẽ được lắp ráp ở Việt Nam trong thời gian không xa nữa.
Những tiếng kêu cứu
Sản lượng và giá trị hàng hóa của các công ty nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế của nhiều địa phương Trung Quốc, nhất là các tỉnh duyên hải. Trước làn sóng các nhà máy chuyển ra nước ngoài, các địa phương này phải đối mặt với tình trạng GDP giảm sút, và tiền thu thuế giảm theo trong khi số người thất nghiệp tăng lên.
Sở thương mại tỉnh Chiết Giang đã có công văn gửi Bộ Thương mại Trung Quốc, lưu ý rằng xuất cảng vẫn là xương sống của nền kinh tế địa phương và yêu cầu, vì công ăn việc làm của người dân và thu ngân sách của chính quyền, chính phủ Bắc Kinh phải có những biện pháp mới về trợ cấp nhằm “ngăn cản sự ra đii của vốn đầu tư nước ngoài và các ngành sản xuất hàng xuất cảng”, theo văn bản mà báo Asia Times đọc được.
Tỉnh Chiết Giang năm ngoái xuất cảng hàng hóa đạt tới 456.3 tỷ Mỹ kim, nhưng từ năm ngoái tới nay, các dự án có vốn nước ngoài của tỉnh như nhà máy lắp ráp xe hơi Volkswagen, nhà máy xe hơi Mercedes liên doanh giữa tập đoàn Geely Trung Quốc với hãng Daimler-Benz đều phải giảm mạnh sản lượng. Công ty Sunny Optical chuyên sản xuất cụm máy ảnh cung cấp cho Apple cũng đã đầu tư ở Việt Nam và có thể sẽ chuyển sản xuất từ Chiết Giang sang đó.
Thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam – có biệt danh là “thành phố iPhone” vì ở đây có những công xưởng khổng lồ của tập đoàn Foxconn chuyên lắp ráp iPhone – đã ký kết một thỏa thuận mới với các công ty cung ứng linh kiện cho Apple, cam kết dành cho họ nhiều ưu đãi thuế hơn nữa. Thỏa thuận ký hồi tháng Chín này cũng nhắm đáp lại việc Foxconn đánh tiếng đòi chuyển sản xuất sản phẩm của Apple ra nước ngoài.
Trang Asia Times dẫn nguồn từ báo China Business News nói rằng Bộ Thương mại Trung Quốc đã dự thảo báo cáo lên lãnh đạo trung ương Trung Quốc về tình trạng các nhà sản xuất ở nhiều tỉnh, cả công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc, bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Báo cáo này khuyến nghị nhà nước Trung Quốc phân quyền rộng rãi hơn cho chính quyền các địa phương để họ có thể ban hành những biện pháp giữ chân doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu nghiêm khắc hơn nữa đối với việc sa thải công nhân để phòng việc công ty cho công nhân nghỉ việc hàng loạt để chuyển nhà máy sản xuất sang nước khác.
Chưa biết những khuyến nghị này có tác dụng tới đâu vì Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây có chủ trương “tái định hướng” kinh tế Trung Quốc theo hướng giảm ưu tiên cho xuất cảng và thị trường quốc tế để tập trung thúc đẩy thị trường nội địa.
Việt Nam có thay được Trung Quốc?
Hai mươi năm trước, Trung Quốc đã tận dụng nguồn nhân công rẻ, chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài và quy mô thị trường rộng lớn để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, từ đó “rút ruột” nền sản xuất công nghiệp của Mỹ và các nước tư bản phát triển, dẫn tới tình trạng mất công ăn việc làm tràn lan ở cả Mỹ và châu Âu.
Việt Nam ngày nay dường như đang sử dụng lại chiêu thức của “đàn anh” Trung Quốc, cũng “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, “lót ổ đón đại bàng” bằng các chính sách miễn giảm thuế hết sức hấp dẫn, cho nhà đầu tư thuê đất với giá rẻ mạt, bảo đảm nguồn cung cấp điện giá rẻ và nguồn lao động cũng rất rẻ. Nhưng thị trường Việt Nam không lớn như Trung Quốc và hạ tầng đường sá, cảng biển còn yếu kém nên sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam không mạnh bằng Trung Quốc.
Dù vậy, nhờ hoạt động của các nhà máy do nước ngoài đầu tư mà tổng sản lượng nền kinh tế và kim ngạch xuất cảng của Việt Nam tăng khá nhanh. Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2010 đến 2019, giá trị hàng xuất cảng hằng năm của Việt Nam đã tăng hơn ba lần, từ 72.2 tỷ Mỹ kim lên 264.3 tỷ; trong thời gian này, giá trị hàng xuất cảng của Trung Quốc tăng từ 1.577 tỷ lên hơn 2.500 tỷ Mỹ kim.
Đà tăng nhanh của giá trị hàng hóa xuất cảng, cùng với xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư và cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hiện nay làm cho một số người lạc quan rằng Việt Nam sẽ sớm thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng của thế giới. Niềm lạc quan đó có căn cứ hay không, xin được hầu quý vị trong một bài khác.