Hong Kong ra lệnh truy nã… công dân Mỹ!

Người Hong Kong biểu tình, phất cờ Mỹ trước LSQ Mỹ tại Hong Kong kêu gọi chính phủ Mỹ ủng hộ – theo luật an ninh mới, hành vi này có thể bị kết tội câu kết với ngoại bang. Ảnh Joseph Chan/Unsplash

H.C.

Một công dân Hoa Kỳ nằm trong số sáu nhà hoạt động dân chủ bị công an Hong Kong ra lệnh truy nã vì cho rằng những người này vi phạm luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới ban hành cho vùng lãnh thổ này, theo truyền thông Trung Quốc.

Ông Samuel Chu, giám đốc điều hành Hội đồng Dân chủ Hong Kong  (Hong Kong Democracy Council) có trụ sở tại Washington D.C. viết trên Twitter rằng, ông “thức dậy, đọc tin tức mới biết mình là kẻ đào tẩu bị truy nã!”. Ông nói thêm rằng, ông đã là công dân Hoa Kỳ 25 năm rồi.

“Nếu tôi bị nhắm mục tiêu thì bất kỳ người Mỹ nào, bất kỳ công dân nước nào lên tiếng cho Hong Kong cũng đều có thể bị như vậy. Giờ đây, tất cả chúng ta là người Hong Kong”, ông Chu nói thêm.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV và báo chí nhà nước Trung Quốc nêu tên ông Chu và năm nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng khác là người bị truy nã theo luật an ninh quốc gia có hiệu lực ngày 30-06 vừa qua. Họ bị cáo buộc tội kích động ly khai hoặc câu kết với ngoại bang – loại tội có thể bị án tù chung thân theo đạo luật mới này.

Nathan Law – một cựu nghị viên đối lập ở Hong Kong, người đã đào thoát sang Anh quốc ngay sau khi luật an ninh có hiệu lực, mới đây đã có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và là một trong sáu người bị truy nã theo lệnh kể trên – nói rằng “Hong Kong giờ đã không có chỗ cho những quan điểm ôn hòa như quan điểm của chúng tôi. Điều đó cho thấy tính chất phi lý của luật pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Law nói rằng, anh đã phải cắt đứt liên lạc với gia đình ở Hong Kong vì sự an toàn của họ.

Ngoài các ông Samuel Chu và Nathan Law, lệnh truy nã của Trung Quốc còn kể tên các ông Wayne Chan Ka-kui; Honcques Laus, Simon Cheng Ray Wong Toi-yeung là những công dân Hong Kong.

Việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, không đếm xỉa gì tới nghị viện của lãnh thổ bán tự trị này, xé bỏ cam kết “một quốc gia hai chế độ” đã khiến chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây, các tổ chức nhân quyền, lên tiếng phản đối và có biện pháp trả đũa. Nhiều nước như Anh, Úc đã chủ động hủy bỏ hiệp định dẫn độ với Hong Kong, mới nhất là chính phủ Đức tuyên bố hủy bỏ hiệp định dẫn độ với Hong Kong vì lo ngại Bắc Kinh lạm dụng hiệp định này để truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ chống Trung Quốc ở nước ngoài.

Thông tin về lệnh truy nã sáu nhà hoạt động dân chủ được báo chí Trung Quốc đăng lên sau khi Hành chánh trưởng quan Hong Kong do Trung Quốc bổ nhiệm là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hong Kong thêm một năm nữa thay vì tổ chức vào tháng Chín tới. Giới phân tích cho rằng, vụ hoãn bầu cử là một thủ đoạn chính trị vì nếu tổ chức bầu cử theo đúng lịch trình, các đảng đối lập thân dân chủ chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì đa số cử tri Hong Kong phản đối sự can thiệp ngày càng trắng trợn của Bắc Kinh vào việc quản trị Hong Kong, nhất là qua vụ luật an ninh quốc gia.

Trước đó, 12 ứng cử viên thuộc phong trào dân chủ – trong đó có anh Hoàng Chí Phong (Joshua Wong, nhà hoạt động trẻ tuổi và nổi tiếng – bị ngăn cản không cho ứng cử vào hội đồng lập pháp vì có lập trường phản đối luật an ninh quốc gia.

Tháng trước Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật lưỡng đảng về chính sách Hong Kong, cấm vận những quan chức có hành động xói mòn các quyền tự do dân chủ của người dân Hong Kong. Tổng thống Donald Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp hủy bỏ quy chế ưu đãi về thương mại mà Hong Kong được hưởng trong quan hệ với Mỹ – một bước leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

(NBC News)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: