Mỹ-Trung “đọ” hỏa tiễn ở Tây Thái Bình Dương (2)

Hỏa tiễn Pershing II

HIẾU CHÂN

Cuộc chạy đua hỏa tiễn (missile) ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông Việt Nam, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp có chuyển biến khi Mỹ tung ra những vũ khí mới, chiến lược mới nhằm thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Lược khảo phúc trình đặc biệt của hãng tin Reuters đăng tải ngày 06-05-2020.

Bài 1: Mỹ-Trung “đọ” hỏa tiễn ở Tây Thái Bình Dương (1)

Mục tiêu là chiến hạm đối phương

Tướng Smith cũng cho biết, TQLC đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí chống hạm mới, có tầm bắn ngắn hơn hỏa tiễn Tomahawk, gọi là Naval Strike Missile, phóng đi từ mặt đất; và sẽ thử nghiệm một lần nữa vào tháng 06-2020. Ông nói, nếu thử nghiệm thành công, TQLC sẽ đặt hàng 36 hỏa tiễn này trong năm 2022. Bộ binh Hoa Kỳ cũng đang thử nghiệm một loại hỏa tiễn tầm xa mới, phóng từ mặt đất để nhắm vào các chiến hạm. Các loại hỏa tiễn này trước đây đều bị cấm theo hiệp định INF.

Trong một thông báo, lực lượng TQLC nói họ đang thẩm định hỏa tiễn Naval Strike Missile chống tàu chiến trong khi sử dụng hỏa tiễn Tomahawk cho các mục tiêu trên đất liền. Cuối cùng, TQLC nhắm tới việc bố trí một hệ thống “có thể tấn công các mục tiêu di động tầm xa, cả trên biển lẫn trên đất liền”, thông báo viết.

Tàu đổ bộ tấn công USS America cùng khu trục hạm USS Bunker Hill, USS Barry cùng một tuần dương hạm của Úc (bên trái) tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông Việt Nam. (USNI)

Lúc đầu, một số lượng nhỏ hỏa tiễn hành trình đặt trên đất liền sẽ không có tác dụng thay đổi cán cân lực lượng, nhưng một chiến thuật như vậy sẽ phát đi tín hiệu chính trị mạnh mẽ rằng Washington sẵn sàng cạnh tranh với kho vũ khí khổng lồ của Bắc Kinh. Về lâu dài, những hỏa tiễn lớn hơn, kết hợp với các hỏa tiễn tương tự của Đài Loan và Nhật Bản có thể đặt ra mối đe dọa sinh tử cho các lực lượng Trung Quốc.

Nhưng mối đe dọa tức thời đối với quân đội Trung Quốc là các loại hỏa tiễn diệt hạm mới, tầm xa, đang được bố trí trên các chiến hạm của Hải quân và chiến đấu cơ của Không quân Hoa Kỳ.

Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu các loại vũ khí tấn công tầm xa mới, với ngân sách dự kiến khoảng 3,2 tỷ USD, tập trung vào công nghệ siêu thanh, chủ yếu cho hỏa tiễn.

Điều đó càng quan trọng trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc đang tích cực luyện tập cho cuộc đối đầu với Hoa Kỳ có thể trong một tương lai không xa. Lợi dụng lúc đại dịch coronavirus hoành hành, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự lên đảo Đài Loan và tổ chức tập trận ở biển Đông Việt Nam. Trong một động thái phô diễn sức mạnh, hôm 11-04 tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã dẫn đầu một nhóm tác chiến gồm năm chiến hạm đi qua eo biển Miyako phía nam Nhật Bản để vào Tây Thái Bình Dương, tiến về phía đông bắc Đài Loan. Ngày 12-04, các chiến hạm Trung Quốc thao diễn ở vùng biển phía đông và phía nam đảo quốc này, theo thông tin của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Trong thời gian này, Hải quân Mỹ bị buộc phải neo HKMH Theodore Roosevelt tại căn cứ Guam do nhiều thủy thủ của tàu bị nhiễm coronavirus. Tuy vậy, hải quân Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ gần bờ biển Trung Quốc. Tàu khu trục trang bị hỏa tiễn dẫn đường USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan hai chuyến trong tháng 04. Tàu đổ bộ tấn công USS America tháng trước cũng thao dượt trên biển Hoa Đông và biển Đông Việt Nam, theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Bịt đường ra biển của hải quân Trung Quốc

Các nhà chiến lược quân sự như James Holmes và Toshi Yoshihara hơn một thập niên trước đã đề nghị rằng Chuỗi Đảo Thứ Nhất là hàng rào tự nhiên mà quân đội Hoa Kỳ có thể lợi dụng để chống lại sự tăng cường hải quân của Trung Quốc. Những trận địa hỏa tiễn diệt hạm bố trí trên các hòn đảo có thể kiểm soát các lối đi chính ra vào Tây Thái Bình Dương.

Chuỗi Đảo Thứ Nhất và Thứ Hai ngăn đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc

Áp dụng chiến thuật này Washington sẽ “dĩ độc trị độc”: dùng chiến thuật của Trung Quốc để quật lại chính họ. Từ lâu, các chỉ huy quân đội Mỹ đã cảnh báo về chiến thuật chống tiếp cận (anti access, area denial, A2/AD) của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc bố trí hỏa tiễn tầm trung và tầm xa ở các căn cứ gần bờ biển Hoa Lục để ngăn chặn chiến hạm Mỹ đi vào các vùng nước gần Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc với Đài Loan, với Nhật Bản hoặc với Đông Nam Á. Nếu Mỹ tương kế tựu kế, bố trí hỏa tiễn diệt hạm trên các hòn đảo thuộc Chuỗi Đảo Thứ Nhất (từ Nhật Bản tới Indonesia) thì hải quân Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với thách thức tương tự – các chiến hạm của Trung Quốc hoạt động ở biển Hoa Đông, biển Đông và biển Hoàng Hải đều sẽ nằm trong tầm ngắm của hỏa tiễn Mỹ; những hải lộ đi từ bờ biển Trung Quốc ra Tây Thái Bình Dương cũng sẽ bị khống chế, không chỉ bởi người Mỹ mà có cả những lực lượng hỏa tiễn tương tự của Nhật Bản và Đài Loan.

“Chúng ta có khả năng bịt chặt các eo biển. Trong thực tế, chúng ta có thể hỏi họ [Trung Quốc], liệu họ có muốn chiếm Đài Loan hoặc đảo Senkaku tới mức họ sẵn sàng để cho nền kinh tế và lực lượng vũ trang của họ bị cắt rời khỏi Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hay không. Câu trả lời chắc chắn sẽ là không,” giáo sư Holmes, trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định.

Trở ngại chính trong chiến thuật “bịt đường” này của Mỹ chính là Phi Luật Tân. Quyết định của Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte xa rời Mỹ và lập quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc gây khó cho việc thực hiện kế hoạch của Mỹ, cản trở việc bố trí hỏa tiễn tại các vị trí có tầm quan trọng chiến lược trên các hòn đảo thuộc quần đảo Phi Luật Tân.

Quả đấm từ các pháo đài bay

Một số nhà phân tích chiến lược cho rằng, bố trí lực lượng hỏa tiễn diệt hạm trên các hòn đảo thuộc Chuỗi Đảo Thứ Nhất là chiến thuật quan trọng nhưng chưa phải có tính quyết định. Các đơn vị TQLC đồn trú trên các đảo này có thể dễ bị đối phương tấn công. Một quả đấm khác của Mỹ là các oanh tạc cơ chiến lược. Hỏa lực của các pháo đài bay tầm xa của Không lực Mỹ có thể là mối đe dọa cho Trung Quốc lớn hơn là lực lượng TQLC, theo các chuyên gia quân sự. Loại oanh tạc cơ tàng hình đời mới, B-21, trang bị hỏa tiễn tầm xa, sẽ đi vào hoạt động giữa thập niên này, có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc diện.

Trong lúc chờ đợi oanh tạc cơ B-21 xuất hiện, Ngũ Giác Đài đã tăng cường hỏa lực của đội ngũ chiến đấu cơ hiện có ở châu Á. Chiến đấu cơ phản lực Super Hornet (F-18) của Hải quân và oanh tạc cơ B-1 của Không quân bây giờ đã được trang bị hỏa tiễn diệt hạm tầm xa đời mới (New Long Range Anti-ship Missile, LRAM) do Lockheed Martin chế tạo. Hỏa tiễn mới này được trang bị nhằm đáp ứng “nhu cầu hoạt động khẩn cấp” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Hỏa tiễn LRAM mang đầu đạn nặng 450 kg và có khả năng “bán tự động”, tự lái tới mục tiêu. Chi tiết kỹ thuật của hỏa tiễn vẫn là điều bí mật song các quan chức quân sự Mỹ và Âu châu dự tính nó có tầm bắn khoảng 800 km. Hồ sơ dự toán ngân sách cho thấy Ngũ Giác Đài cần khoảng 224 triệu USD để sắm 53 hỏa tiễn LRAM trong năm 2021; và dự tính tới năm 2025 Hải quân và Không quân sẽ có khoảng 400 hỏa tiễn này được bố trí.

Loại hỏa tiễn diệt hạm mới này là phiên bản cải tiến của hỏa tiễn tầm xa không đối đất hiện có của hãng Lockheed Martin, có tên là Joint Air-to-Surface Standoff Missile. Ngũ Giác Đài đã đề nghị thêm 557 triệu USD trong năm tới để mua 400 hỏa tiễn không đối đất này.

“Hoa Kỳ và các đồng minh tập trung vào hỏa tiễn tầm xa, đối đất và diệt hạm – đó là con đường nhanh nhất để tái xây dựng hỏa lực vũ khí quy ước tầm xa ở khu vực Tây Thái Bình Dương,” ông Robert Haddick, cựu sĩ quan TQLC và hiện là nhà nghiên cứu của Viện Mitchell về Nghiên cứu Không gian ở Arlington, Virginia, nhận định.

Sẵn sàng cho chiến tranh công nghệ cao

Theo các sĩ quan Mỹ và phương Tây, đối với Hải quân Mỹ ở châu Á, loại chiến đấu cơ Super Hornet cất cánh từ HKMH, trang bị hỏa tiễn chống hạm đời mới vẫn là cú đấm hỏa lực chính, tạo điều kiện cho những chiến hạm đắt tiền hoạt động xa các mối đe dọa tiềm tàng từ hỏa lực của đối phương.

Các sĩ quan đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ đã nhiều lần hối thúc Bộ Quốc phòng trang bị cho các chiến hạm Mỹ những loại hỏa tiễn diệt hạm có tầm xa hơn, cho phép các chiến hạm này cạnh tranh với những loại tuần dương hạm, khu trục hạm mới nhất, trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc. Hãng Lockheed cho biết họ đã thử nghiệm thành công một trong những loại hỏa tiễn diệt hạm tầm xa (LRAM) mới phát triển từ kiểu bệ phóng đang được sử dụng trên các chiến hạm của Mỹ và đồng minh.

Ông Haddick, một trong những người đầu tiên đề nghị chú ý tới lợi thế về hỏa lực của Trung Quốc, trong cuốn sách “Lửa trên Nước” của ông xuất bản năm 2014, nói rằng mối đe dọa từ hỏa tiễn Trung Quốc đã kích động Ngũ Giác Đài có những suy nghĩ chiến lược mới, ngân sách mới mà giờ đây nhắm vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột công nghệ cao với những quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc.

Ông Haddick cho rằng, hỏa tiễn đời mới là yếu tố then chốt trong các kế hoạch phòng thủ của Mỹ và đồng minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Khoảng cách sẽ không được thu hẹp ngay song hỏa lực sẽ dần dần được cải thiện, ông nói. “Điều này đặc biệt đúng trong thời gian nửa thập niên tới và xa hơn nữa, khi các thiết kế vũ khí siêu thanh, bí mật kế tiếp được hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất và bố trí,” ông nói.

Phản ứng của Trung Quốc

Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Reuters về những động thái mới nhất của Mỹ, Bắc Kinh thúc giục Washington “cẩn thận trong lời nói và việc làm”, “ngừng di chuyển các quân cờ chung quanh khu vực” và “ngừng phô diễn sức mạnh quân sự gần Trung Quốc”.

Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, đại tá Ngô Khiêm (Wu Qian), hồi tháng 10-2019 cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ “không đứng yên” nếu Mỹ bố trí các hỏa tiễn tầm xa trên đất liền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tố cáo Mỹ bám theo “não trạng thời chiến tranh lạnh” và “liên tục gia tăng bố trí quân sự” trong khu vực. “Gần đây, Hoa Kỳ đã tệ hại hơn, xúc tiến việc theo đuổi cái gọi là ‘chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương’ nhằm tìm cách bố trí các loại vũ khí mới, bao gồm cả hỏa tiễn tầm trung phóng từ mặt đất, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ điều đó,” thông báo của bộ này gửi Reuters cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nên phân biệt giữa kho hỏa tiễn của quân đội Trung Quốc và hỏa tiễn mà Hoa Kỳ dự tính bố trí. Họ nói hỏa tiễn của Trung Quốc “được bố trí trên lãnh thổ của nước này, chủ yếu là hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung, không thể vươn tới lục địa nước Mỹ. Đây là điểm khác nhau căn bản với Hoa Kỳ, vốn luôn tích cực thúc đẩy bố trí vũ khí ở nơi xa”.

Nhưng với đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuống tới mức thấp nhất. Những lời phản đối của Bắc Kinh chắc chắn không mấy được lưu tâm trong cuộc chạy đua vũ trang giành vị thế thống trị ở châu Á.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: