Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung: Mối hoài nghi còn lại

Tổng thống Trump tiếp ông Lưu Hạc (Liu He), Phó thủ tướng, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại tòa Bạch Ốc tháng 10-2019. Ảnh Bloomberg.

HIẾU CHÂN

Sau gần hai năm thương chiến với hàng chục cuộc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” (Phase 1) và lễ ký kết chính thức sẽ được tổ chức vào ngày thứ Tư 15-01-2020 tại Tòa Bạch Ốc với sự tham dự của Tổng thống Donald Trump. Vấn đề còn lại là thực thi thỏa thuận này như thế nào thì vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi và hoài nghi.

Trên đài truyền hình Fox News hôm Chủ nhật 12-01-2020, ông Steven Mnuchin, bộ trưởng tài chính và là một trong hai người dẫn dắt đoàn đàm phán của Mỹ, nói rằng cho đến nay những cam kết của phía Trung Quốc trong thỏa thuận giai đoạn một ký với đoàn Mỹ ngày 13-12-2019 vẫn chưa có gì thay đổi và văn bản thỏa thuận sẽ được công bố ngay sau lễ ký kết chính thức.

Cam kết chính của phía Trung Quốc trong thỏa thuận này là sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, lên tới 200 tỉ đô la Mỹ trong hai năm, trong đó hàng nông sản sẽ chiếm khoảng 40-50 tỉ đô la mỗi năm. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa xác nhận cam kết mua hàng và những hoạt động gần đây của chính phủ Trung Quốc trong ngành nông nghiệp làm dấy lên những nghi vấn về con số mua hàng nông sản Mỹ lên tới 40-50 tỉ đô la mà chính quyền Trump đưa ra.

Ngoài ra, ông Mnuchin cho biết phía Trung Quốc cam kết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, không thao túng giá trị đồng tiền v.v… Về phía Mỹ, theo thỏa thuận giai đoạn một, Washington hủy bỏ kế hoạch tăng thuế lên 150 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dự định áp dụng ngày 15-12-2019 vừa qua, nhưng vẫn giữ nguyên thuế suất với 370 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm đang có hiệu lực.

Những vấn đề gai góc khác như việc Trung Quốc trợ cấp hào phóng cho các doanh nghiệp nhà nước, hạn chế các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử, vấn đề an ninh mạng v.v… sẽ được hai bên đàm phán trong giai đoạn hai, dự kiến khởi động ngay trong năm 2020.

Tuy thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc được coi là một thắng lợi chính trị của Tổng thống Trump, dư luận Mỹ vẫn hoài nghi về khả năng thực thi thỏa thuận trong những ngày tới. Một quan điểm được các chính trị gia cả hai đảng ở Washington đồng thuận là các tổng thống Mỹ trước đây đã từng bị Trung Quốc “lừa bịp” trong nhiều thập niên và Bắc Kinh không bao giờ thực thi nghiêm chỉnh những điều đã ký kết. Để trấn an những người hoài nghi, ông Mnuchin khẳng định: “[Thỏa thuận] có những điều khoản thực thi thực sự. Và nếu họ [Trung Quốc] không tuân thủ thỏa thuận, tổng thống vẫn giữ quyền áp đặt thuế suất, cả thuế suất đang hiện hữu lẫn thuế suất bổ sung trong tương lai”. Vấn đề là trong trường hợp Bắc Kinh không tuân thủ cam kết, liệu ông Trump có đủ can đảm chính trị để trừng phạt Trung Quốc, chấp nhận rủi ro thị trường bị chao đảo ngay trước kỳ bầu cử tháng 11 sắp tới hay không, trong khi uy tín chính trị và triển vọng thắng cử của ông phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế Mỹ?

Theo ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia chính của Nhà Trắng, ông Trump sẽ không có đủ thời gian để hành động một khi Bắc Kinh không tuân thủ các cam kết. “Tôi không nghĩ chúng ta có thể tin chắc họ sẽ thực thi cam kết hay không sau cuộc bầu cử năm 2020,” ông Bannon nói với hãng tin Bloomberg.

Trong thông báo gửi cho báo chí cuối tháng trước, chính phủ Mỹ nói sẽ đề nghị mỗi bên thiết lập một cơ quan đặc biệt giám sát việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một và xử lý các tranh chấp phát sinh. Nếu xung đột không được giải quyết dứt điểm trong vòng 90 ngày, phía Mỹ có thể tiến hành các hành động “thích hợp, đặc thù” chống lại Trung Quốc, và ngược lại cũng vậy. Hai bên cũng có quyền chấm dứt thỏa thuận. Nhưng những nhà đàm phán thương mại giàu kinh nghiệm nói rằng, thỏa thuận không xác lập một ủy ban trọng tài độc lập mà để hai bên tự phân xử với nhau thì sẽ không có hiệu quả, các áp lực kinh tế, chính trị và lợi ích sẽ xâm nhập cơ chế giải quyết tranh chấp.   

Những người thuộc phái “diều hâu” như ông Bannon bất mãn với thỏa thuận giai đoạn một mà họ cho là đã nới lỏng áp lực lên Bắc Kinh; trong khi họ muốn Mỹ áp dụng “sức ép tối đa” bằng một cuộc tấn công trên nhiều mặt trận, từ thương mại tới công nghệ và an ninh, kể cả hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các thị trường tài chính của Mỹ.

Những người ôn hòa hơn cũng hoài nghi. Bà Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói với Bloomberg rằng đã có những dấu hiệu cho thấy thỏa thuận giai đoạn một làm cho Trung Quốc bạo dạn hơn và họ tránh phát ngôn cụ thể, chi tiết về những cam kết trong thỏa thuận. “Chúng ta đang thấy sự lặp lại của trò diễn mà Trung Quốc đã thực hiện từ hồi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001: Trung Quốc chỉ làm ra vẻ tuân thủ văn bản của luật nhưng về căn bản họ phớt lờ tinh thần của các luật lệ đó,” bà Blanchette nói.

Sự kiện ông Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội, và xung đột leo thang giữa Mỹ với Cộng hòa Iran mới đây củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng chính phủ Mỹ đang ở thế yếu mà họ cần phải lợi dụng để đạt được những nhượng bộ có lợi cho Bắc Kinh.

Trước những nỗi hoài nghi của dư luận Mỹ, phía Trung Quốc đã có những cố gắng trấn an. Ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) – đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, lên báo nói rằng Bắc Kinh đã có nhiều thay đổi. Ông Thôi dẫn chứng luật đầu tư nước ngoài sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01-01-2020 cấm các cơ quan hành chính ép buộc nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ và nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ trong các doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư tương hỗ v.v… Hồi tháng 8-2019, Mỹ cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ” nhưng theo ông Thôi, thực tế Ngân hàng trung ương Trung Quốc” từ lâu đã không còn can thiệp trực tiếp vào tỷ giá ngoại hối. “Trong năm qua, Trung Quốc đã có những bước tiến đều đặn trong công cuộc cải cách và mở cửa,” ông Thôi nói.

Tuy vậy, không một thỏa thuận thương mại đơn lẻ nào có thể lấp đầy khoảng cách khổng lồ về lợi ích kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ở những vấn đề then chốt như quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ hoặc vai trò to lớn của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc. Căn bản của khoảng cách đó là do hai nước đại diện cho hai hệ thống, hai thể chế khác nhau cả về chính trị lẫn kinh tế. “Cái mà chúng ta thấy là vấn đề thì chính phủ Trung Quốc lại nhìn như một lợi thế, một ưu điểm mang tính thể chế của họ,” ông Rod Hunter, phụ trách chính sách Trung Quốc trong hội đồng an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush trước đây, nhận xét.

Để khắc phục sự khác biệt, đòi hỏi một sự cân bằng cẩn trọng về ngoại giao và lợi thế. Ông Mnuchin đang đẩy mạnh một giải pháp là phục hồi lại diễn đàn đối thoại song phương giữa hai nước mà Tổng thống Trump đã bãi bỏ hồi năm 2017, nhưng chưa rõ liệu ông Trump có chấp nhận ý tưởng đó hay không.

(theo Bloomberg, Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: