Ngày 15 tháng Sáu 2019, đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tuyên bố Dự luật dẫn độ bị treo. Dân Hong Kong vẫn biểu tình. Ngày 9 tháng Bảy 2019, Lâm tuyên bố Dự luật “đã chết”. Dân Hong Kong tiếp tục xuống đường, dữ dội hơn. Ngày 4 tháng Chín 2019, Lâm thông báo Dự luật được rút lại vĩnh viễn. Dân Hong Kong phản hồi bằng cách tiếp tục tuyên chiến! Điều họ yêu cầu không chỉ là vấn đề dự luật tồn tại hay không. Điều họ muốn và đang quyết liệt đòi cho bằng được là “Quang Phục Hương Cảng”!
Tinh thần “Quang Phục Hương Cảng” – ý niệm được chủ xướng bởi Edward Leung (Lương Thiên Kỳ, 28 tuổi, người đang thụ án tù 8 năm sau phiên xử vào tháng Sáu 2018 tội “kích động biểu tình”) – đang trỗi dậy dữ dội. Thứ hai 2 tháng Chín 2019, ngày khai trường, hàng chục ngàn học sinh-sinh viên đã nhất loạt xuống đường, bắt đầu chiến dịch tẩy chay học đường dự kiến kéo dài hai tuần khắp 11 đại học.
South China Morning Post cho biết, khoảng 4.000 học sinh từ ít nhất 230 trung học đã không vào trường để tuần hành và tọa kháng cùng anh chị sinh viên. “Cứ vãi đạn, cứ khủng bố trắng, cứ là chế độ toàn trị nhưng bất kỳ trở ngại nào ngáng đường cũng sẽ không bao giờ đủ để bẻ gãy quyết tâm của chúng tôi” – tuyên bố của Đại học Trung Văn Hong Kong (Hương Cảng Trung Văn Đại học).
Cuộc biểu tình ngày 2 tháng Chín 2019 của lực lượng sinh viên-học sinh vang vọng với khẩu hiệu sấm sét: “Giải phóng Hong Kong! Thời đại cách mạng!”. Một học sinh 13 tuổi thuộc trường St Francis’ Canossian College, nơi đặc khu trưởng Carrie Lam từng học, nói dõng dạc: “Vì còn nhỏ nên những gì chúng em có thể làm đều rất hạn chế và việc tẩy chay học đường là cách tốt nhất để biểu thị ý kiến”. “Nếu tôi không xuống đường lần này, tôi có thể không có cơ hội trong tương lai” – phát biểu của sinh viên Krystal Hung (New York Times)…
Nền tảng giáo dục khai phóng có thể được xem là yếu tố lớn nhất giúp học sinh-sinh viên Hong Kong chiến thắng mọi sợ hãi trước bạo lực trấn áp để quyết liệt đòi và giành tự do. Từ nhiều năm nay, học đường đã trở thành diễn đàn tranh luận dân chủ và quyền công dân. Cả giáo viên và học sinh đều tin rằng, để trở thành công dân tốt hơn thì phải tham gia hoạt động xã hội tích cực hơn. Bất luận thời gian gần đây bị yêu cầu thực hiện chủ trương phi chính trị môi trường học đường từ chính quyền trung ương Bắc Kinh, giáo viên Hong Kong vẫn thảo luận với học sinh những chủ đề tuyệt đối cấm kỵ ở Hoa lục, chẳng hạn về sự kiện thảm sát Thiên An Môn hoặc Lưu Hiểu Ba.
Giáo dục khai phóng được người Anh đưa vào Hong Kong năm 1992 như là chương trình tự chọn nhằm giảm bớt những lo ngại về tương lai trong những năm trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Cộng. Năm 2009, chương trình khai phóng trở thành bắt buộc. Nó dạy học sinh kỹ năng tư duy độc lập và đề cập mọi chủ đề, từ bản thể Hong Kong đến tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Nó chỉ học sinh cách biết phân tích với tinh thần khách quan.
Điều thành công và quan trọng nhất của chương trình khai phóng là không chỉ làm học sinh biết biến suy nghĩ thành hành động mà còn giúp đánh tan được nỗi khiếp sợ trước bạo quyền. Chính quyền được sinh ra để phục vụ người dân. Chính quyền phải nghe dân. Chính quyền tuyệt đối không phải là công cụ của một nhóm người muốn đè đầu dân để cai trị theo ý mình – họ được dạy như vậy.
Một ngày mưa năm 2012, một nhóm học sinh đi chân trần bước lên sân khấu ở công viên Tamar, trước trụ sở chính quyền. Vận trang phục đen, họ chéo tay để biểu thị sự phản đối kế hoạch đưa vào học đường chương trình “Giáo dục đạo đức quốc dân” (“Đức dục cập quốc dân giáo dục”) – một phiên bản giáo dục nhồi sọ được soạn từ Bắc Kinh. Những học sinh rất nhỏ này là thành viên nhóm Scholarism (Học dân tư triều), thành lập ngày 29 tháng Năm 2011. Từ ban đầu với chỉ vài thành viên, Scholarism huy động được sự ủng hộ của hàng chục ngàn người.
Họ tổ chức tuyệt thực và tọa kháng trước trụ sở chính quyền nhiều ngày liền. Ở một thời điểm, cuộc biểu tình có đến hơn 120.000 người! Scholarism sau đó cũng tổ chức cuộc biểu tình Dù Vàng 2014. Có thể nói, chính Scholarism mới là nơi đem lại những tia sáng đầu tiên cho phong trào “Quang Phục”. Chính Chu Đình, cùng Hoàng Chi Phong – đều là thành viên Scholarism – có thể được xem là những người rất trẻ đầu tiên (lúc đó đều 16 tuổi) đạp vỡ cái mô hình “một quốc gia, hai thể chế”. Và họ đã phá ít nhiều thành công. “Đức dục cập quốc dân giáo dục” buộc phải bị xếp xó.
Nếu không bị cấm bằng những lý do và thủ đoạn bẩn, Chu Đình đã có thể trở thành nghị viên trẻ nhất lịch sử Hội đồng lập pháp Hong Kong trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng Ba 2018, khi cô mới 21 tuổi (Chu Đình phải bỏ quốc tịch Anh để thỏa mãn điều kiện tranh cử). Kể với South China Morning Post, Chu Đình thuật: “Ngày nọ, khi đang họp với các thành viên Scholarism, tôi nhận được cú điện từ bố mẹ. Họ khóc, tinh thần suy sụp. “Đi ra phi trường ngay, rời khỏi quảng trường (tọa kháng) ngay, rời Hong Kong lập tức!”.
Tôi trả lời họ: “Bố mẹ bình tĩnh đi”. Tôi biết họ lo lắng về tôi…”. Tuy nhiên, Bắc Kinh mới là những kẻ thật sự lo lắng và lo sợ trước những “đối tượng” như Chu Đình – những người luôn có khả năng tự tạo ra không gian cho các hoạt động chính trị-xã hội, tạo ra được khoảng cách giữa Hong Kong và Hoa lục, tạo được sự phân biệt rõ ràng giữa người Hoa lục và người Hong Kong; và đặc biệt tạo ra được cái tinh thần kiên định cho phong trào “Quang Phục Hương Cảng” mà cho đến thời điểm này thì nó đã trở thành một nhận thức sống còn khi người Hong Kong nhìn thấy bóng đen cộng sản dọa dẫm che lấp tương lai mình.
Sứ mạng lớn nhất của Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi nhận nhiệm vụ đặc khu trưởng năm 2017 là nhấn mạnh thông điệp “Tôi là người Trung Quốc” đối với dân Hong Kong, bằng cách gieo cấy “nhận thức mới” đó vào hệ thống trường mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, “định tính dân tộc” không phải là lớp áo đủ dày để có thể che được những âm mưu lộ liễu trong việc “cộng sản hóa” Hong Kong; và khái niệm dân tộc hiểu theo nghĩa cúi đầu tuân phục trước “nước mẹ” cộng sản Trung Quốc càng không phải là khái niệm đủ mạnh để lấn át ý chí người dân trong việc tỉnh táo chọn lựa giữa tự do và áp bức chính trị.
Một cuộc thăm dò được Chương trình ý kiến công chúng của Đại học Hong Kong thực hiện vào tháng Sáu 2019 cho thấy, có đến 75% người từ 18-29 tuổi nhận mình là “Hương Cảng nhân” hơn là “Trung Quốc nhân”; và với những người từ 30 tuổi trở lên thì có 49% vẫn gọi mình là “Hong Konger”.
Khi Kathy Tang (tên thật nhân vật được thay đổi, trong phóng sự sau đây trên South China Morning Post 21-8-2019) cùng các bạn thực tập sinh đến Cố Cung Bác Vật Viện ở Tử Cấm Thành vào năm 2017, họ được tiếp như thượng khách. Họ được chính quyền Hong Kong chọn cẩn thận để sang Bắc Kinh dự chương trình kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Nhóm sinh viên này là điển hình của thế hệ Hong Kong mới, những người trẻ tuổi “yêu nước” háo hức khám phá và tìm hiểu “nền văn hóa đất mẹ” và sẽ trở thành những người tiên phong nhằm “làm việc và trao đổi với các bạn thanh niên Hoa lục”.
Trong sáu tuần, Tang thích thú nhìn ngắm Tử Cấm Thành. Toàn bộ chi phí đều được chính quyền tài trợ. Hai năm sau, tháng Sáu 2019, cô sinh viên Tang – mình ướt đẫm mồ hôi dưới cái nóng hầm hập – đã hét khan tiếng trong đám đông hàng triệu người xuống đường đả đảo Dự luật dẫn độ!
Câu chuyện này cho thấy, giới trẻ Hong Kong, với kiến thức và nhận thức tốt, không dễ bị lừa như Bắc Kinh muốn. “Trên bề mặt, chính quyền có thể nghĩ rằng tôi là mục tiêu dễ để được đúc vào cái khuôn tinh thần ái quốc thanh niên – hiểu theo cách của họ – vì họ thấy tôi quan tâm văn hóa Trung Hoa” – Tang nói – “Tuy nhiên, quan tâm văn hóa khác với việc chọn lựa vị trí chính trị. Tình yêu của tôi đối với văn hóa Trung Hoa vẫn không khiến tôi tin hoặc thích hơn hệ thống pháp luật và chính trị Trung Cộng”.
Trong thực tế, chính quyền Hong Kong đã chi hàng triệu đôla cho hai chương trình lớn thuộc quản lý của Cơ quan đặc trách đối nội (“Dân chánh sự vụ cục”) nhằm lôi kéo thanh niên Hong Kong vào quỹ đạo Trung Quốc, biến họ thành phiên bản “thanh niên cờ đỏ” như ở Hoa lục. Năm 2019, chính quyền Hong Kong dành 77 triệu đôla HK (9,8 triệu USD) cho “chương trình thực tập sinh”, so với 24 triệu đôla HK năm 2014. Tổng số thực tập sinh được tài trợ sang Hoa lục “học hỏi và nghiên cứu” tăng từ 38 người năm 2014 lên 149 người năm 2019, trong khi số chương trình “trao đổi” tăng gấp ba.
Tuy nhiên, người Hong Kong vẫn là người Hong Kong. Khi được hỏi rằng có tự hào là người Trung Quốc hay không, 71% trả lời dứt khoát: “Không!”. Dân Hong Kong ngày càng bất mãn chính quyền địa phương lẫn chính phủ trung ương. Số vụ biểu tình tăng ào ạt, từ 2.228 vụ năm 2006 lên 13.158 vụ trong năm 2016. “Đất mẹ” Trung Quốc chẳng hề trở thành là nơi lý tưởng để sống và lập nghiệp đối với người Hong Kong. Cuộc thăm dò của Hội thanh niên Quảng Đông-Hong Kong và tổ chức nghiên cứu độc lập Proactive vào tháng Giêng 2019 với hơn 800 người từ 15-39 tuổi cho thấy, có không đến ¼ trong số đó nói rằng họ sẵn sàng rời Hong Kong để làm việc ở Quảng Đông.
Với những gì đang diễn ra, mô hình “một quốc gia, hai thể chế” đang phơi bày thất bại. Bắc Kinh điên tiết trong khi người Hong Kong rất tỉnh. Bắc Kinh hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng người Hong Kong cũng dễ dàng “ngồi lên đầu” để cai trị như dân Hoa lục. Đang ngồi trong bóng đêm nhà tù, Lương Thiên Kỳ – cha đẻ của khẩu hiệu “Quang Phục Hương Cảng, Thời đại Cách mạng” (Retake Hong Kong, Revolution of our times) – hẳn có thể nhìn thấy được ánh sáng của tinh thần “Quang Phục” mà mình đưa ra vào năm 2016.
Người Hong Kong, trong đó có những thiếu niên nhỏ tuổi, dù chứng kiến cảnh trấn áp đổ máu hàng ngày, vẫn kiên định và lì lợm xông ra đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực không chỉ để rọi cho tương lai mà còn để thiêu đốt những âm mưu đen tối. Họ cũng chiếu ánh sáng ấy ra cái thế giới hỗn loạn khi mà “hệ thống chính trị dân chủ” tại nhiều nơi đang nháo nhào với những giá trị lộn ngược đến mức không còn ranh giới giữa đúng và sai.