Trung Quốc: Khi nhà giàu “banh xác”

Các cửa hàng thời trang cao cấp giờ vắng lặng như chùa Bà Đanh (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Với nhiều nhà giàu Trung Quốc, họ – bằng cách này hay cách khác – bị đẩy vào những “bãi mìn” mà không hề nhận thức rõ. Chỉ đến khi “quả mìn” phát nổ, họ mới nhận ra sự nguy hiểm và lúc đó đã quá muộn.

Những vụ “nổ mìn” dây chuyền

Dân Trung Quốc gọi một khoản đầu tư thất bại là “vụ nổ mìn”. Trong trường hợp của nạn nhân Xue Li, vụ nổ đến từ một sản phẩm quản lý tài sản hứa hẹn mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 8%. Vụ đầu tư được một người bạn giới thiệu và được bán bởi Hywin (海银财富- Hải Ngân Tài Phú), một công ty lớn có trụ sở tại Thượng Hải nhưng được niêm yết ở Hong Kong lẫn New York. Xue Li đã đầu tư 300,000 nhân dân tệ ($42,000) vào Tháng Hai 2023 và thêm 500,000 nhân dân tệ vài tháng sau đó. Tuy nhiên, vào Tháng Mười Hai 2023, Hywin bắt đầu gặp khó khăn trong việc trả tiền cho những người đầu tư như Xue Li.

Khắp Trung Quốc, chỉ vài tháng gần đây, hàng trăm nghìn người khá giả đã bị “tàn phế” do “bom mìn” – The Economist ngày 8 Tháng Hai 2024 cho biết. Zhongzhi (中融鼎新- Trung Dung Đỉnh Tân), một công ty đầu tư, đã phá sản vào Tháng Mười Hai khi nợ 150,000 khách hàng số tiền khổng lồ US$36 tỷ.

Hàng loạt vụ “nổ mìn” không chỉ giới hạn ở các công ty quản lý tài sản. Đầu tư phổ biến nhất Trung Quốc là bất động sản trong khi giá trị bất động sản đã giảm trong gần ba năm qua. Thị trường chứng khoán cũng đang trượt dốc: Shanghai Composite, một trong những chỉ số phổ biến nhất, đã giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh vào năm 2021 – The Economist cho biết. Trước đây Bắc Kinh thường giúp các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi giá tài sản lao dốc, lần này nhà nước Trung Quốc mặc kệ. Những nạn nhân bị “trúng mìn” phải phải tự cầm máu và băng bó vết thương.

Sự suy sụp của thị trường cùng với và sự lảng tránh can thiệp của chính phủ đang dần định hình lại sở thích và xu hướng đầu tư. Vấn đề là hiện tượng này sẽ cản trở kế hoạch phát triển hệ thống tài chính và do đó làm chậm sự tăng trưởng trong tương lai. Dân tiền của rủng rỉnh “chơi” bất động sản như Xue Li bị thiệt hại nặng nhất và nền kinh tế Trung Quốc cũng bị tổn hại nặng nề bởi các vụ “nổ mìn” dây chuyền.

Trung Quốc hầu như không công bố dữ liệu chính thức về sự phân bổ của cải. Họ không muốn tự vạch áo cho người xem lưng để người dân biết được sự bất bình đẳng trong xã hội.  Dữ liệu nghiên cứu độc lập của giới phân tích phương Tây cho thấy khoảng 50% tài sản Trung Quốc nằm trong tay chừng 113 triệu người có tài sản ròng từ 1 triệu đến 10 triệu nhân dân tệ. Nhóm này – dù chỉ 8% dân số – nhưng có ảnh hưởng rất đáng kể lên thị trường tài chính. Họ sở hữu 64% tổng số cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán và 61% quỹ đầu tư.

Trung Quốc luôn tránh né công bố các con số cho thấy khoảng cách giàu nghèo (ảnh: China Photos/GettyImages)

Thành phần này là những người hưởng lợi  trong hơn 40 năm tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc. Sinh vào những năm 1960, 1970 và đầu những năm 1980, họ là những người đầu tiên quay trở lại trường đại học sau khi hệ thống học đường bị đóng cửa thời Cách mạng Văn hóa. Họ là nhóm đầu tiên khởi nghiệp với những mô hình kinh doanh tư nhân nhỏ. Khi sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải mở cửa vào năm 1990, họ là một trong những nhà đầu tư đầu tiên tham gia. Họ cũng thúc đẩy thị trường bất động sản kể từ khi chính sách trả góp bắt đầu được ngân hàng nhà nước thực hiện vào năm 1986.

Nhiều người kiếm được khối tiền từ việc tư nhân hóa nhà ở vào những năm 1990, khi họ mua căn hộ với số tiền ít ỏi nhưng sau đó giá trị bất động sản tăng vọt bằng cả một gia tài. Họ là nhân chứng trải qua sự thay đổi kỳ diệu về mức sống, từ việc chen nhau trong bếp ăn tập thể đến bỗng chốc giàu có với tiền của dư giả để thoải mái đi nghỉ mát ở các khu resort sang trọng. Chính sách “ưu tiên làm giàu” của Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970 đã kích thích họ lao vào kinh doanh và đầu tư.

__________

Nghẹt thở bởi thòng lọng của Tập Cận Bình, giới tỉ phú Trung Quốc tháo chạy

Tập Cận Bình bẻ gãy cây đũa kinh tế thần kỳ của Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc che giấu thất bại kinh tế

__________

Giàu trước, chết trước

Bây giờ, từ “làm giàu trước tiên”, họ trở thành những người “trước tiên” bị “đạp mìn”. Nhiều người dành đến 20% tiền tiết kiệm để đầu tư thị trường chứng khoán. Vậy mà tất cả những khoản đầu tư, từ chứng khoán đến bất động sản, đang mất giá trị. Nhìn đâu cũng thấy “mìn”. Việc kiểm soát vốn chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc khiến việc chuyển tiền ra nước ngoài trở nên khó khăn và tốn kém. Với nhiều cự phú Trung Quốc, tình trạng hỗn loạn thị trường như đang thấy hiện nay là chưa từng có.

Sự hỗn loạn khiến họ mất phương hướng. Những người một thời kiếm tiền nhanh nhất là những người đang “nghèo” đi nhanh nhất. Trong nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên của Tập Cận Bình (2013-2018), mức tăng trưởng thu nhập cá nhân hàng năm từ việc đầu tư là 10.8%. Tỷ lệ này đã giảm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tập, xuống còn 7%. Hai năm qua, nó tụt xuống dưới 5%.

Đó là kết quả từ quyết tâm của Tập Cận Bình trong việc ngăn chặn nổ bong bóng bất động sản. Bắc Kinh tin rằng việc kiểm soát chặt sẽ giúp hệ thống tài chính ổn định hơn. Để đạt được mục tiêu đó, Tập Cận Bình nói rằng nhà nước sẽ không giải cứu bất kỳ công ty tài chính nào gặp khó khăn. Cùng lúc, vào năm 2018, Tập Cận Bình phát động chiến dịch đàn áp các nền tảng cho vay trực tuyến, xóa sổ một ngành có dư nợ một nghìn tỷ nhân dân tệ.

Khi chấn chỉnh nền kinh tế phát triển hỗn loạn, Tập Cận Bình đã mang lại sự hỗn loạn khác cho quốc gia (ảnh: Ju Peng/Xinhua via Getty Images)

Năm nay, 2024, chính quyền trung ương sẽ sáp nhập hơn 2,000 ngân hàng nông thôn với tổng tài sản trị giá hơn sáu nghìn tỷ đôla, mà trên nguyên tắc là nhằm củng cố các cơ chế phục vụ người nghèo. Tuy nhiên, với dân nhà giàu, lại là một câu chuyện khác. Khi một số ngân hàng nhỏ sụp đổ vào năm 2022, số tiền gửi vượt quá 500,000 nhân dân tệ đã không được nhà nước hoàn trả. Tương tự, khi các nhà kinh doanh bất động sản sập tiệm, nhà nước cũng trì hoãn hoặc không hề cứu những nạn nhân lao vào cơn say đầu tư bất động sản khi đã trả tiền cọc một phần (hoặc thậm chí toàn phần) cho những dự án căn hộ chỉ nằm trên giấy hoặc chưa bao giờ có thể hoàn thành.

Trên mạng xã hội, thiên hạ đang nhốn nháo bàn về những “bãi mìn” đầu tư khác, từ quỹ tín thác đến các sản phẩm quản lý tài sản. Thông thường, đó là nguồn tiền từ những người giàu “chảy” đến những người đi vay sẵn sàng trả lãi suất cao. Chỉ riêng ngành tín thác đã huy động được US$2.9 nghìn tỷ từ 1.3 triệu cá nhân và công ty. Khoảng 30% khoản vay của nó được sử dụng để mua trái phiếu, cổ phiếu, bỏ vào các quỹ đầu tư hoặc cho các doanh nghiệp vay. Hơn 7% chạy đến tay các nhà phát triển bất động sản.

Với một số người được xem là “khôn ngoan”, họ không đầu tư vào bất động sản mà mua một sản phẩm ủy thác (a trust product). Họ nghiên cứu các sản phẩm quản lý tài sản và thường nghe theo lời ong mật của các cố vấn tại những công ty quản lý tài sản.

Trong một vụ cụ thể, năm 2023, một người tên Wang (như được thuật từ The Economist) mua một sản phẩm ủy thác trị giá 3 triệu nhân dân tệ do một doanh nghiệp nhà nước phát hành. Sau đó, bà Wang phát hiện rằng tiền của mình bị “tái đầu tư” khi doanh nghiệp nhà nước trên dùng nó để cho vay một nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, công ty bất động sản sập tiệm và nợ chồng chất. Doanh nghiệp nhà nước cho biết vấn đề sẽ được giải quyết trong 60 ngày, từ đầu Tháng Giêng 2024. Tuy nhiên đến nay sự việc chẳng hề được xử lý. Bà Wang như muốn chết đứng.

Hàng chục ngàn người giàu đã bị “mìn đầu tư” nổ banh xác tương tự. Làn sóng vỡ nợ đang tăng ở mức đáng báo động. Sản phẩm mà bà Wang mua được phát hành bởi một công ty có tài sản trị giá khoảng 740 tỷ nhân dân tệ (US$100 tỷ). Hàng loạt công ty tín thác khác dự kiến bị “bể độ” trong những tháng tới. Cho đến nay chính phủ Bắc Kinh vẫn từ chối bảo lãnh cho họ. Hầu hết khách hàng không có cách nào để thu lại tiền. Gõ cửa luật sư, họ được khuyên rằng, thôi quên đi, kiện tụng vô ích.

Bất động sản là lĩnh vực chứng kiến nhiều vụ “nổ mìn” gây sát thương cao nhất (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng như thế nào?

Bất động sản là một bãi mìn khổng lồ. Trong nhiều năm, truyền thông Trung Quốc ra rả rằng thị trường bất động sản phát triển cực tốt và kêu gọi mọi người nên bỏ tiền vào đầu tư, dư tiền nhiều để làm gì. Thế là những người có tiền có của mở hầu bao. Mua một căn chưa đủ, nhiều người mua 2-3 căn, chờ giá lên thì “đẩy”. Trong nhiều trường hợp, đúng là giá trị bất động sản đầu tư đã tăng, thậm chí gấp đôi. Tuy nhiên, năm 2023, khi tình hình suy thoái ngày càng trầm trọng, họ bắt đầu hoảng hốt bán tống bán tháo, hy vọng kiếm được chút lãi trước khi giá giảm sâu hơn. Tuy nhiên, nhiều người không thể bán. Thị trường đã chết thật sự.

Không có dữ liệu toàn quốc về giá nhà trong khi số liệu chính thức của từng thành phố dường như cố tình che giấu thực tế giá nhà đang giảm. Những con số của chính phủ cho thấy giá hầu như không tăng ở Thượng Hải. Trong khi đó, giới kinh tế gia địa phương cho biết, giá bất động sản giảm 20-30% ở một số quận trung tâm và có thể giảm hơn nữa trong năm 2024 này.

Tại nhiều thành phố nhỏ, người ta đang rao những căn hộ mới “giảm giá” 30-40%. Dân Trung Quốc chi khoảng 16.3 nghìn tỷ nhân dân tệ để mua nhà vào năm 2021. Giới phân tích tin rằng thời điểm đó, khoảng 30% tài sản nhà ở được mua như một khoản đầu tư chứ không phải để ở. Điều đó có nghĩa, những kẻ đánh cược vào bất động sản đã bơm khoảng 5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào thị trường đầu tư bất động sản và cuối cùng ngậm đắng nuốt cay.

Tất cả cho thấy bức tranh kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm. Nhiều người than thở lương liên tục bị giảm. Theo Zhilian Zhaopin (智联招聘 – Trí Liên Kiều Sính), một công ty tìm kiếm việc làm, khoảng 1/3 lực lượng lao động trí thức cho biết lương đã bị cắt vào năm 2023, tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm. Lương của nhiều lãnh đạo ngân hàng cấp cao cũng bị cắt 30%. Cơ quan Thống kê Quốc gia báo cáo rằng tăng trưởng tiền lương trong khu vực tư nhân chậm lại, chỉ còn 3.7% vào năm 2022, giảm từ mức hai con số chỉ vài năm trước.

Cuối năm 2023, trong một bài báo địa phương có tựa “Giấc mơ trung lưu của tôi đã chết vì đầu tư vào quản lý tài sản”, một phụ nữ 40 tuổi tên Zhou Ning than rằng bà mất hàng triệu nhân dân tệ vì “bom mìn”, rằng mình từng tung tăng du hí nghỉ mát ở châu Âu và châu Mỹ nhưng giờ đây phải ngửa tay xin tiền người thân. Bà phải bán những chiếc túi xách sang trọng và phải tìm đủ việc để sống, kể cả những việc bán thời gian. Bà không còn khả năng trả tiền điều trị ung thư cho mẹ chồng. Bà cũng chuyển con từ một trường mẫu giáo quốc tế xuống một trường công nơi có sĩ số học sinh gần gấp ba…

Thất nghiệp đang tràn lan. Ảnh: một hội chợ việc làm tại Nghi Xương, Hồ Bắc (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Bao Công ở đâu?

Dân Trung Quốc bắt đầu không dám xài tiền. Khi thu nhập giảm và tài sản teo tóp, họ thận trọng hơn trong chi tiêu. “Hiệu ứng của nả tiêu cực” (“negative wealth effect”) đang gây tổn hại cho nền kinh tế. Oxford Economics, một công ty nghiên cứu, ước tính rằng tiền tiết kiệm của hộ gia đình đã tăng lên 32.4% thu nhập khả dụng trong quý cuối cùng của năm 2023. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, một trong những khoản đầu tư an toàn nhất hiện tại, đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023 kể từ khi mô hình này được giới thiệu vào năm 2015. Tương tự, những nguồn quỹ (hiếm hoi) được phép đầu tư ra nước ngoài đã tăng gấp bốn.

Tất cả điều này sẽ tác động xấu đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Về lâu dài, tình trạng này sẽ làm giảm dòng vốn vào kinh doanh. Ít ai mạo hiểm đầu tư nữa. Một cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh được thực hiện bởi CKGSB (Cheung Kong Graduate School of Business, 长江商学院, Trường Giang Thương học viện) cho thấy kỳ vọng về lợi nhuận giảm trong bảy tháng liên tiếp, lần đầu tiên trong lịch sử 12 năm của cuộc khảo sát, ngoại trừ thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Một số người uất ức đã đến gõ cửa công quyền. Cầu may thôi. Bao Công chỉ có trong huyền thoại lịch sử. Mìn vẫn nổ tung tóe. Một số người, khi đến chính quyền hoặc cảnh sát nhờ giúp, chỉ nhận được lời khuyên rằng không được “kích động” người khác khiếu nại. Những kẻ từng được khuyến khích làm giàu bây giờ đang được “đảng và nhà nước” bỏ lơ, thậm chí bị coi là kẻ thù, khi họ bị xem là những kẻ gây hỗn loạn nền kinh tế quốc gia!

__________

Nghẹt thở bởi thòng lọng của Tập Cận Bình, giới tỉ phú Trung Quốc tháo chạy

Tập Cận Bình bẻ gãy cây đũa kinh tế thần kỳ của Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc che giấu thất bại kinh tế

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: