Tập Cận Bình bẻ gãy cây đũa kinh tế thần kỳ của Trung Quốc như thế nào?

Mô hình Tập Cận Bình sụp đổ
Tập Cận Bình (ảnh: Deaan Vivier/Beeld/Gallo Images via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Tập Cận Bình bẻ gãy cây đũa kinh tế thần kỳ của Trung Quốc như thế nào?
/

Tình hình kinh tế Trung Quốc tệ đến mức trong bài bình luận ngày 24 Tháng Tám 2023, tờ The Economist (Anh) viết rằng bộ máy vận hành kinh tế Trung Quốc bị lỗi nghiêm trọng đến mức không thể sửa!

Chuyện gì đang xảy ra? Sau khi gia nhập nền kinh tế thế giới vào năm 1978, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng ngoạn mục nhất lịch sử. Cải cách trang trại, công nghiệp hóa và tăng thu nhập đã đưa gần 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Sản xuất chỉ bằng 1/10 so với Mỹ vào năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc hiện có quy mô tương đương 3/4. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chao đảo. Và một trong những lý do căn bản là người lái tàu vĩ đại Tập Cận Bình chọn sai mô hình.

Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hàng năm chỉ đạt 3.2% trong quý II-2023, một sự thất vọng thậm chí còn mang lại cảm giác tồi tệ hơn nếu so với tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể đạt gần 6%. Giá nhà giảm và giới đầu tư bất động sản nợ nần chồng chất. Tâm lý sợ hãi đang bao trùm thị trường. Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đều giảm. Và trong khi phần lớn thế giới phải chống chọi với tình trạng lạm phát cao thì Trung Quốc lại gặp phải vấn đề ngược lại: Giá tiêu dùng giảm. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc có thể rơi vào bẫy giảm phát giống như Nhật Bản vào những năm 1990.

Khoảng một thập niên trước, các nhà kỹ trị Trung Quốc được ngưỡng mộ như những tay phù thủy tài ba. Khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có thể ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Một số nhà bình luận còn đi xa hơn khi nói rằng Trung Quốc đã cứu nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đến giờ người ta mới thấy pháp thuật của những tay phù thủy phạm những sai lầm gì. Toàn là lỗi hệ thống.

Phản ứng yếu ớt trước tình trạng tăng trưởng sụt giảm và lạm phát là sai lầm mới nhất trong một loạt sai lầm về chính sách. Ngoài ra, chính sách đối ngoại vênh váo và chính sách công nghiệp theo chủ nghĩa trọng thương đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột kinh tế với Mỹ.

Trong các cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc luôn tránh né những câu hỏi liên quan sức khỏe kinh tế quốc gia (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu là bởi tăng trưởng ngắn hạn không còn là ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cho thấy Tập tin rằng Trung Quốc phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế kéo dài và cả xung đột quân sự có thể xảy ra với Mỹ. Do đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc theo đuổi một chiến lược lâu dài, vĩ đại hơn, hoành tráng hơn, dữ dội hơn. Tập Cận Bình sẵn sàng hy sinh những thiệt hại nhỏ trước mắt để đạt được sự phát triển với “chất lượng cao”.

Tuy nhiên, thực tế lại khác. Sự sụp đổ của chính sách “zero Covid” ngày làm suy yếu uy tín của Tập. Cuộc tấn công vào các công ty công nghệ khiến giới doanh nhân sợ hãi. Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát dai dẳng do chính quyền từ chối thúc đẩy tiêu dùng, các khoản nợ sẽ tăng giá trị thực và đè nặng hơn lên nền kinh tế. Trừ khi Bắc Kinh tiếp tục nâng cao mức sống bằng các chính sách kích thích tiêu dùng, họ sẽ tự làm suy yếu khả năng nắm quyền kiểm soát và từ đó khả năng sánh ngang Mỹ ngày càng xa vời.

Trong khi đó, Tập Cận Bình luôn dồn sức thu vén quyền lực và thay thế các nhà kỹ trị bằng những người trung thành trong các chức vụ hàng đầu. Những cấp bậc cao nhất trong chính phủ vẫn còn nhiều nhân tài, nhưng chẳng ai ngây thơ để có thể mong đợi một bộ máy quan liêu đưa ra những phân tích hợp lý hoặc những ý tưởng sáng tạo, khi thông điệp từ cấp trên đưa xuống chỉ có một nội dung: Lòng trung thành với Tập là trên hết.

Các vấn đề của Trung Quốc sẽ tồn tại dai dẳng, thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt những thách thức ngày càng tăng. Dân số đang già đi nhanh chóng. Mỹ ngày càng tỏ ra thù địch và đang cố bóp nghẹt các bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc, như sản xuất chip, được xem ngành công nghiệp có ý nghĩa chiến lược.

Trung Quốc càng có vẻ bắt kịp Mỹ thì khoảng cách càng khó thu hẹp, bởi vì những nền kinh tế tập trung như Trung Quốc khó có thể có khả năng cạnh tranh tốt nếu mọi ý tưởng đổi mới đều bị kiểm soát.

The New York Times (25 Tháng Tám 2023) cho biết, vài tuần qua, giới nhà đầu tư đã rút hơn $10 tỷ ra khỏi thị trường chứng khoán nội địa. Theo tạp chí kinh tế Caixin, ngày 24 Tháng Tám 2023, cơ quan quản lý chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc đã triệu tập giám đốc điều hành tại các quỹ hưu trí quốc gia, những ngân hàng hàng đầu và các công ty bảo hiểm để gây áp lực buộc họ đầu tư nhiều hơn vào chứng khoán trong nước. Tuần trước, chứng khoán Hong Kong giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào Tháng Giêng 2023.

Năm 2018, Tập Cận Bình hùng hổ nói: “Kinh tế Trung Quốc không phải là một cái ao mà là đại dương. Có thể có những ngày yên bình đại dương cũng sẽ có gió lớn và giông bão. Không có sóng to gió lớn thì còn gì là đại dương. Giông bão có thể khiến ao hồ tơi tả nhưng với đại dương thì không. Khi nói về tương lai kinh tế Trung Quốc, chúng ta có mọi lý do để tự tin”. Tuy nhiên, những tháng gần đây, khi giông bão ào ào kéo đến, Tập không còn nói về “đại dương” hoặc về sự phát triển kinh tế.

Thị trường tiêu dùng toàn quốc ở Trung Quốc đang trong tình trạng ảm đạm (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Khi các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc gặp nhau vào Tháng Bảy để thảo luận giải pháp cứu nền kinh tế, họ đã không đưa ra kế hoạch gì cụ thể. Bước ra khỏi cuộc họp, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trình ra một danh sách những thứ “cần làm ngay”. Hóa ra trong đó có nhiều thứ từng nằm trong danh sách những thứ cần làm từ nhiều năm trước.

Họ cũng thống nhất ý kiến rằng cần tập trung vào nhu cầu “tăng cường niềm tin”. Khắp Trung Quốc, niềm tin (không còn) là điều đang được nhắc nhiều nhất. Với cộng sản, niềm tin là thứ ma túy họ từng bào chế thành công để thu phục lòng dân. Vấn đề ở chỗ, các nhà hoạch định chính sách giờ đây không thể nêu được chi tiết làm thế nào để tạo ra một công thức “bào chế” niềm tin trong bối cảnh hiện tại.

Trong tháng này, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ ngừng công bố số liệu thất nghiệp ở thanh niên, một chỉ số được theo dõi chặt chẽ để có cái nhìn sơ lược về sức khỏe kinh tế quốc gia. Sau sáu tháng chứng kiến liên tiếp tình trạng thất nghiệp tăng ở những người từ 16 đến 24 tuổi trên cả nước (con số thực có thể lên tới gần 50% ở thời điểm hiện tại), cơ quan này cho biết việc thu thập những số liệu như vậy cần “được cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa”. Cơ quan này cũng ngừng công bố các cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng, một trong những thước đo về mức độ sẵn sàng chi tiêu của các hộ gia đình.

Khi nhậm chức vào năm 2013, Tập Cận Bình lập tức bắt tay vào chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt để thanh trừng phe nhóm. Vài năm sau, Tập tiến thêm một bước khi buộc những gã khổng lồ công nghệ phải khom lưng khuất phục. Ở Trung Quốc trong “kỷ nguyên Tập Cận Bình”, không ông trùm công nghệ nào, dù là thần tượng giới trẻ (như Jack Ma), được phép lấn át hình ảnh của Tập. Những gì còn lại ngày nay là nỗi sợ hãi lan rộng chưa từng thấy kể từ thời Mao. Viên chức sợ, nhân dân sợ, doanh nghiệp sợ… Người sợ mất tài sản; người sợ mất sinh kế; người sợ mất ghế…

Trong 10 năm, Tập đã khiến hình ảnh cá nhân nổi trội nhất lịch sử đương đại Trung Quốc; cùng lúc, Tập cũng “xuất sắc” bẻ gãy cây đũa kinh tế thần kỳ của Trung Quốc.

____________

Đôi chân đất sét sụm của người khổng lồ

Trung Quốc che giấu thất bại kinh tế

Khi Trung Quốc trở thành “bãi mìn” đối với giới đầu tư nước ngoài

Sinh viên Trung Quốc: Thà chết còn hơn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: