Lời tiết lộ về phẩm chất kém của vaccine Trung Quốc của một quan chức y tế hàng đầu của nhà nước này đã khiến gây chấn động cho nhiều quốc gia đã mua hoặc đang mua. Nhưng không chỉ vậy, tin tức về sự “chập chờn” của các loại vaccine mà Bắc Kinh dùng như một đòn phép chính trị lúc này, mỗi lúc làm giới y tế lên tiếng nhiều hơn.
Hồi tháng 4, trong một cuộc họp báo, Ông Cao Phúc (Gao Fu), quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc, bất ngờ thú nhận rằng hiệu quả của vaccine Covid của nước này là kém. Ông Cao cũng nói thêm rằng Trung Quốc nhận biết rõ điều này, nên đang xem xét việc tổng hợp các vaccine đã làm được trong nước, thành một thành phần mới, hy vọng để tăng hiệu quả.
Hiện Trung Quốc đã phát triển bốn loại vaccine khác nhau, và được chấp thuận cho sử dụng công khai. Tuy nhiên, một số thử nghiệm ở nước ngoài cho thấy hiệu quả thấp tới 50%.
Một ngày sau khi phát đi thú nhận đáng kính trọng ngày, ông Cao Phúc bị buộc lên truyền hình và báo chí nhà nước, nói rằng bình luận của ông đã bị hiểu sai. Bộ Y tế Trung Quốc nói hiện có hơn 100 triệu người ở Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khẳng định là “rất hiệu quả”. Thậm chí Bắc Kinh còn nói rằng những người đã tiêm vaccine của Trung Quốc đều dễ dàng xin thị thực ra nước ngoài.
Năm ngoái, Bahrain là quốc gia đầu tiên ủng hộ vaccine có tên Sinopharm của Trung Quốc, được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12. Sự kiện này khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vô cùng tự hào, coi như đây là một điểm son với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh trong việc cung cấp vaccine. Tuy vậy, chỉ qua một vài lần áp dụng, sự nghi ngờ của các nhà khoa học về việc thiếu an toàn của loại vaccine này trở nên ngày càng nhiều.
Và rồi, ngay trong tháng trước, các quan chức Bahrain lại tranh cãi nhau liên tục trên các mặt báo, tiếc là đã không chọn mua vaccine Pfizer-BioNTech. Vì qua thực tế, một số người dù đã nhận hai mũi tiêm Sinopharm (của Trung Quốc) vẫn không ăn thua gì khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Waleed Khalifa al-Manea, Thứ trưởng Bộ Y tế Bahrain, nói với tờ Wall Street Journal rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ với Sinopharm trên 50 tuổi, đang được hối thúc tiêm bổ sung vaccine Pfizer-BioNTech trong sáu tháng, đặc biệt sau khi các nghiên cứu cung cấp chứng cứ cho thấy một số người dù được tiêm chủng đủ vaccine Trung Quốc, vẫn chưa phát triển đủ kháng thể để chống chọi với dịch.
Tờ The Week ngày 4-6-2021, với tựa đề thẳng thắn China’s COVID-19 vaccines don’t appear to be effective at preventing outbreaks in the real world (Vaccine Trung Quốc không có tác dụng gì để ngăn chặn đại dịch trên sử dụng thực tế), nói rằng trong hoàn cảnh bối rối, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cho vaccine Trung Quốc vào danh sách sử dụng khi cấp bách, thế nhưng chính WHO cũng bày tỏ mức độ tin tưởng thấp vào hiệu quả của vaccine này, đặc biệt ở lớp người lớn tuổi. Dù vậy, các báo cáo hiệu quả trên 50%, đủ cho các chuyên gia y tế chấp nhận đưa Sinopharm vào chương trình COVAX, viện trợ y tế cho các nước nghèo, nơi không đủ ngân sách để tiếp cận nguồn vaccine của phương Tây, hoặc ngay cả có tiền cũng không có đủ thuốc mà mua.
Một nghiên cứu được Trung Quốc công bố vào ngày 26-5, cho thấy vaccine Sinopharm có hiệu quả 78% đối với bệnh có triệu chứng, nhưng khi tìm hiểu, người ta khám phá những người tham gia thử nghiệm chủ yếu là nam giới trẻ khỏe mạnh, tờ Wall Street Journal cho biết. Trong khi đó, một nghiên cứu thực tế riêng biệt, chưa được công bố của Sinopharm ở Serbia, cho thấy 29% trong số 150 người tham gia tiêm thử, được phát hiện không có chút kháng thể nào chống lại covid-19, ba tháng sau khi họ tiêm mũi đầu tiên. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu ở Serbia cũng cao hơn 65.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố họ là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu phát triển vaccine chống lại COVID-19 vào đầu năm 2020, nhưng họ vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm đầy đủ. Một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng sự thiếu minh bạch có thể dẫn đến sự tin cậy vào loại vaccine này, nhưng những ý kiến khác thì nói rằng việc đối chiếu dữ liệu cần thời gian và nguồn lực, trong khi mọi việc quá thúc hối như lúc này.
Tuy vậy, với một ít dữ liệu được công bố trên toàn thế giới, phẩm chất của các loại vaccine khác nhau của Trung Quốc từ lâu đã không làm cho người dùng yên tâm. Ví dụ, các thử nghiệm ở Brazil đối với vaccine Sinovac CoronaVac cho thấy tỷ lệ hiệu quả khoảng 50,4%, gần như vượt quá ngưỡng 50% cần thiết để được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt theo quy định. Nhưng bạn thử nghĩ xem, chỉ đạt tiêu chuẩn của định mức sẽ không làm cho ai yên tâm về tiêu chuẩn sống còn của con người trong đại dịch.
Những lời chỉ trích vẫn không ngừng từ chính một số chuyên gia Trung Quốc. Nhà virus học Jin Dong-Yan của Đại học Hong Kong đã đặt vấn đề với việc ít dữ liệu về hiệu quả của vaccine được công bố ở Trung Quốc. Trước khi WHO phê duyệt ngày 8-5, ông nói với The Diplomat rằng Bắc Kinh không nên rao lên về tỷ lệ hiệu quả, mà còn phải minh bạch của dữ liệu để chứng minh. Đó mới là những mối quan tâm quan trọng. Jin nói: “Cộng đồng khoa học nên thúc đẩy họ (Bắc Kinh) và những người khác xuất bản và chia sẻ các số liệu thống kê trong thế giới thực và các kết quả khác càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, Julian Tang, một giáo sư trong khoa hô hấp tại Đại học Leicester ở Anh, cho biết vấn đề chính trị gai góc của chuyện vaccine nên được xem xét. Ngược lại, ông xem việc chính phủ Trung Quốc nhanh chóng gửi dữ liệu về vaccine Sinopharm và Sinovac cho WHO để xin được vào danh sách sử dụng toàn cầu là một chủ trương chính trị. “Phản ứng của phương Tây đối với việc Trung Quốc là nguồn gốc rõ ràng của đại dịch COVID-19, điều đó không có gì ngạc nhiên. Tôi rằng họ (Bắc Kinh) có thể né tránh việc công bố dữ liệu hoặc kết quả thử nghiệm vaccine của họ trên bất kỳ tạp chí nghiên cứu y khoa phương Tây nào”.
Trong khi đó, có tin Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 3-6-2021 đã phê duyệt vaccine của hãng Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng ngừa COVID-19 trong nước. Sinopharm là vaccine thứ ba được khẩn cấp phê duyệt tại Việt Nam sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt vaccine của Trung Quốc được nói là “có điều kiện”. Phản ứng khởi đầu của dân Việt Nam cho thấy rất nhiều người bày tỏ công khai rằng họ không thích vaccine Trung Quốc.