Quyết định của Cục Điện ảnh Việt Nam ngày 3 tháng Bảy, cấm chiếu tại Việt Nam bộ phim “Barbie” của hãng Warner Bros. gây tranh luận sôi nổi trên các trang báo, mạng xã hội, lên cả các trang báo quốc tế.
Lý do Việt Nam cấm phim Barbie, theo lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch Việt Nam, là do trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”, thể hiện yêu sách chủ quyền phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông Việt Nam.
Chỉ vài hôm sau, cộng đồng mạng phát hiện công ty văn hóa Trung Quốc – iMe Entertainment, đơn vị đưa nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng BlackPink đến biểu diễn ở Hà Nội – là một công ty ủng hộ yêu sách “đường lưỡi bò”, đăng bản đồ với đường lưỡi bò lên trang web chính thức của công ty. Phát hiện đó, cùng nỗi phẫn nộ của dư luận và những đề nghị ngừng đêm diễn, kỷ luật những quan chức cấp giấy phép tổ chức biểu diễn cho công ty iMe Entertainment… đang gây khó xử cho nhà cầm quyền Hà Nội: cấm hay không cấm buổi diễn của BlackPink vào cuối tháng này.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh đường lưỡi bò của Trung Quốc được cài cắm vào nội dung các tác phẩm điện ảnh để tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Việt Nam có hành động cứng rắn là cấm các bộ phim đường lưỡi bò như vậy. Trước đây, Việt Nam đã cấm các phim Uncharted (tháng Ba 2022), Abominable (tháng Mười Hai 2019), buộc nhà sản xuất phải gỡ bỏ hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò trong các phim Pine Gap, Put your head on my shoulder, Madam Secretary v.v…
Lần này, vụ cấm chiếu phim Barbie được công luận chú ý một phần vì bộ phim được quảng cáo đình đám, một phần vì thủ đoạn tuyên truyền của Bắc Kinh quá thô thiển, lặp lại nhiều lần, gây phản ứng không chỉ của Việt Nam mà cả ở một số nước khác trong khu vực.
Nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông, lấn sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ven Biển Đông, coi đó là nền tảng để áp đặt chủ quyền của Trung Quốc.
Nhiều năm qua, Bắc Kinh ra sức quảng bá bản đồ đường lưỡi bò ra thế giới bằng mọi phương thức và thủ đoạn tinh vi, chẳng hạn như in bản đồ đường lưỡi bò vào sổ thông hành (hộ chiếu) cấp cho công dân Trung Quốc, buộc các công ty Trung Quốc phải đăng hình bản đồ lưỡi bò trên trang web của họ hoặc trừng phạt, tẩy chay sản phẩm dịch vụ của các công ty nước ngoài không thể hiện bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò. Tất cả các nghệ sĩ Trung Quốc đều phải tuyên bố ủng hộ đường lưỡi bò, nếu không muốn bị cắt đứt con đường sự nghiệp v.v…
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thể hiện bằng đường lưỡi bò trên Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về Luật Biển UNCLOS đặt tại Hà Lan bác bỏ trong phán quyết ngày 14 tháng Bảy 2016 trong vụ kiện của chính phủ Philippines; nghĩa là về phương diện công pháp quốc tế, đường lưỡi bò là bất hợp pháp, không chấp nhận được.
Sau phán quyết của Tòa PCA, Bắc Kinh một mặt không công nhận phán quyết, một mặt đẩy mạnh thêm nữa các hoạt động tuyên truyền cho đường lưỡi bò. Các hãng phim Hollywood, thèm khát doanh thu bán vé ở thị trường đông dân nhất thế giới, đã lặng lẽ chiều theo yêu sách của Bắc Kinh, chèn hình ảnh đường lưỡi bò vào các bộ phim “bom tấn” để phim được chiếu ở Trung Quốc bất chấp chi tiết đường lưỡi bò chẳng ăn nhập gì với nội dung phim.
________________
-Sau “bài học” Mulan, Hollywood sẽ giảm “cúi đầu” trước Trung Quốc?
-“Tấm thảm đen” Trung Quốc dành cho Hollywood
________________
Phim Barbie chẳng hạn, do Greta Gerwig đạo diễn, các diễn viên Margot Robbie và Ryan Gosling thủ vai chính, mô tả hành trình của búp bê Barbie từ miền đất mơ mộng đi vào thế giới thực, qua những cảnh đời đa dạng, không nhất thiết phải đi qua đường lưỡi bò của Bắc Kinh.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 4 tháng Bảy, khi được hỏi về vụ Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì đường lưỡi bò, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói các nước không nên gắn vấn đề Biển Đông với hoạt động trao đổi văn hóa bình thường. “Chúng tôi cho rằng các nước liên quan không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân bình thường”, bà Mao nói, theo VOA.
Quả là một sự tráo trở, thể hiện bản chất đạo đức giả của một cường quốc tham lam vô sỉ. Trung Quốc mới chính là quốc gia gây ô nhiễm môi trường văn hóa bằng những thủ đoạn chính trị xấu xí. Không thể kể hết bao nhiêu tác phẩm văn hóa nghệ thuật bị cấm tiệt ở Trung Quốc vì trái với tuyên truyền của Bắc Kinh, chẳng hạn mới đây bộ phim bom tấn Maverick:Top Gun của Paramount Pictures bị Bắc Kinh cấm vì trong phim, tài tử gạo cội Tom Cruise mặc chiếc áo khoác có hình quốc kỳ Đài Loan.
Mới hai tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Warsaw (Ba Lan) gây áp lực buộc một thư viện nước này hủy bỏ cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Baiducao – nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc hiện định cư tại Úc – vì cho rằng tranh của ông Baiducao chế giễu đảng Cộng sản và lãnh tụ đảng Tập Cận Bình, nhưng Ba Lan đã phớt lờ áp lực đó.
Đưa những tuyên bố sai sự thật vào các tác phẩm văn hóa để đầu độc công chúng là một thủ đoạn thâm độc của Bắc Kinh, theo phương châm của ông trùm tuyên truyền của đảng Quốc xã Đức Joseph Goebbels rằng lời nói dối được lặp đi lặp lại hàng trăm hàng ngàn lần sẽ được công chúng coi là sự thật.
Sự nhanh nhạy của người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam trong việc phát hiện đường lưỡi bò của Trung Quốc cần được ghi nhận, quyết định cấm chiếu phim Barbie hoặc hủy bỏ buổi diễn của nhóm BlackPink là cần thiết… để đối phó với thủ đoạn của Trung Quốc và vạch trần thói đạo đức giả của tên láng giềng to xác và xấu bụng đó. Một hành động phản kháng, dù nhỏ, vẫn có ích hơn là im lặng chịu trận trước sự chèn ép của đối phương.
Những ý kiến phản đối quyết định này, kiểu “Cấm chiếu phim Barbie không phải là giải pháp. Vì nó không hiệu quả” như loạt bài về sự kiện này của ông Trương Nhân Tuấn – một nhà nghiên cứu về Biển Đông khá nổi tiếng ở Pháp – đăng trên trang Tiếng Dân, là không thỏa đáng.
Đọc thêm: