Việt Nam dám trực diện chống đường lưỡi bò với văn hoá Trung Quốc?

Nhóm Blackpink trong một show diễn tại Newark, New Jersey (ảnh: Jeff Kravitz/Getty Images for MTV/Paramount Global)

Một ngày sau kể từ khi Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) tuyên bố sẽ kiểm tra về việc công ty tổ chức cho nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink đến biểu diễn tại Hà Nội vào cuối Tháng Bảy này – vốn là một trong những công ty ủng hộ quan điểm đường lưỡi bò của Trung Quốc – mọi thứ vẫn tiếp tục im lặng như tờ, mang theo nhận định của các dân cư mạng rằng “việc nhả miếng ăn đã đưa vào tận miệng của các quan chức ký giấy phép cho show biểu diễn này là điều quá khó khăn”.

Vào tối 4 Tháng Bảy, mạng xã hội Việt Nam rộ lên các chứng cứ nói rằng Công ty iMe Entertainment – đơn vị tổ chức đêm nhạc có tên gọi “Born Pink World Tour Hanoi” cho nhóm Blackpink (Hàn Quốc) tại Hà Nội – là công ty hoạt động văn hóa ở Trung Quốc có quan điểm ủng hộ “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh, khiến nhiều người hâm mộ nhóm Blackpink hoang mang, cũng như dấy lên một làn sóng phẫn nộ với luận cứ cho rằng vì sao Hà Nội luôn có những phương thức xử phạt vô cùng nghiêm khắc với các sản phẩm của phương Tây chứa hình ảnh đường lưỡi bò nhưng đối với phía Trung Quốc thì có vẻ giống như là dễ dãi hơn.

Kể từ năm 2018 với chính sách của Bắc Kinh dùng văn nghệ sĩ yểm trợ việc tuyên truyền đường lưỡi bò thì hầu hết công ty hoạt động văn hóa và giới nghệ sĩ nổi tiếng phục vụ chính quyền Trung Cộng đều lên tiếng rằng họ nhìn nhận đường lưỡi bò là hợp pháp, bất chấp phán quyết phủ nhận của tòa án quốc tế.

Đã có một cuộc tranh cãi dữ dội giữa những fan của nhóm nhạc Hàn Quốc này với những người chủ trương chống Trung Quốc và những khuynh hướng tuyên truyền bành trướng. Thậm chí ngôn luận từ phía những người ủng hộ show diễn còn cho rằng việc vạch trần công ty IMe là không cần thiết, thậm chí nói là kích động lòng yêu nước như vậy là “đạo đức giả”.

Còn những người chống công ty tổ chức biểu diễn của Trung Quốc thì nhấn mạnh rằng Việt Nam cần phải có thái độ rõ ràng và nhất quán trong việc chống lại việc tuyên truyền đường lưỡi bò từ mọi phía.

Cần nhắc lại, từ năm 2017 đến nay, có nhiều phim đã bị cấm chiếu ở Việt Nam, thậm chí một số phim trên hệ thống Netflix cũng bị gỡ xuống theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam vì trong phim có hình ảnh đường lưỡi bò. Các công ty của Việt Nam, khi dính líu đến các bản đồ hay quần áo có đường lưỡi bò dĩ nhiên cũng bị phạt nặng. Thế nhưng những nghệ sĩ cũng như công ty văn hóa Trung Quốc ủng hộ đường lưỡi bò thì dường như được nương nhẹ. Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc ủng hộ đường lưỡi bò đóng phim truyền hình Trung Quốc vẫn được chiếu tại Việt Nam và thậm chí được báo chí Việt Nam ca ngợi hoặc nhắc đến một cách yêu mến.

Trước sự sục sôi của dư luận, ngày 5 Tháng Bảy, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Lê Thanh Liêm nói với báo chí trong nước rằng Bộ đã “nắm được thông tin” và Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản gửi tới đơn vị cấp phép cho chương trình là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để xác minh.

Công ty iMe Entertainment là một đơn vị chuyên tổ chức nghệ thuật biểu diễn và sự kiện với trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh. Công ty có hơn 10 văn phòng chi nhánh tại Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc và Úc, từng tổ chức nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc cho các nghệ sĩ K-pop cũng như quốc tế.

Chiều ngày 6 Tháng Bảy, Ban tổ chức chương trình Blackpink tại Việt Nam chính thức lên tiếng xin lỗi, và nói là có sự “hiểu nhầm” về hình ảnh “đường lưỡi bò”. Tuy vậy trang web của công ty hiện đang được đóng với lý do “bảo trì”. Dự kiến sáng ngày 7 Tháng Bảy, cơ quan văn hoá ở Hà Nội sẽ đưa ra câu trả lời cấm hay không cấm, vì vé chương trình sắp đến hạn mở bán vào lúc 12:00am ngày 7 Tháng Bảy (giờ Việt Nam).

Ngoài vấn đề “đường lưỡi bò”, người hâm mộ ban Blackpink cũng nói rằng chương trình biểu diễn không đủ dài, không đáng với số tiền bỏ ra để xem. Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa xác nhận với báo điện tử VietnamNet rằng đơn vị tổ chức show diễn Blackpink xin cấp phép “13 bài hát” và Sở chấp thuận yêu cầu này. Với số bài như vậy thì chương trình biểu diễn này rất ngắn và tiền vé vào xem được coi là cao hơn hẳn Thái Lan, Indonesia, Singapore…

Một tuần trước đây, Việt Nam đã cấm chiếu phim “Barbie” của hãng Warner Bros. vì trong phim có một cảnh thể hiện bản đồ miêu tả các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông. “Barbie” không phải là sản phẩm duy nhất bị Việt Nam cấm vì có đường chín đoạn. Cách sử dụng việc cấm đoán đối với các sản phẩm văn hóa của Việt Nam được coi như là một cách thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt tuyên truyền nhưng phần lớn là chủ yếu đối xử với các sản phẩm của phương Tây.

Năm 2019, bộ phim hoạt hình “Abominable” của hãng DreamWorks cũng bị cấm chiếu vì lý do tương tự. Ba năm sau, bộ phim hành động “Uncharted” của hãng Sony cũng bị Cục Điện ảnh, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cấp phép và kiểm duyệt phim nước ngoài, coi là có nội dung vi phạm. Hai năm trước, bộ phim trinh thám của Úc “Pine Gap” đã bị Netflix gỡ khỏi thị trường Việt Nam sau khi có khiếu nại từ cơ quan chức năng. Trên các trang mạng, có người đặt câu hỏi giễu cợt rằng, liệu chính quyền Việt Nam có thể hiện đủ mạnh để cấm tất cả luồng văn hóa và nghệ sĩ từ Trung Quốc ủng hộ đường lưỡi bò đi vào Việt Nam không, hay chỉ áp dụng với phương Tây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: