Bầu cử Hoa Kỳ 2024 và tình trạng chính trị Việt Nam

(Hình: donaldjtrump.com, TTXVN)

Cuộc tổng tuyển cử (general election) ngày 5 Tháng Mười Một 2024 của Hoa Kỳ nhằm giải quyết hai lãnh vực chính trị chủ yếu của xã hội Mỹ:

-Một là giải quyết các vấn đề kinh tế, biên giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tương lai của nền dân chủ (the economy, the border, reproductive health care and the future of democracy).

-Hai là ổn định mối tương quan hợp tác giữa Lập Pháp và Hành Pháp nhằm duy trì sinh hoạt dân chủ bình thường như tiên liệu của các nhà lập hiến Hoa Kỳ năm 1787 (American constitution’s founders in 1787).

Trước tình trạng phân cực chính trị (political polarization) gay gắt hiện nay tại Hoa Kỳ [1] mà Việt Nam đã bày tỏ một thái độ khôn khéo như là không can thiệp vào sinh hoạt chính trị nội bộ của nước khác mặc dầu chính quyền không ngăn cản người dân bày tỏ khuynh hướng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump hay Kamala Harris.

I.- Cộng Hòa hay Dân Chủ sẽ lãnh đạo Hành Pháp và Lập Pháp

Chỉ còn vài ngày nữa là có kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử này, khuynh hướng của cử tri Hoa Kỳ sẽ thể hiện lòng yêu nước như là ý chí chung (general will) của họ nhằm đưa đến vị trí tổng thống và thành viên hai viện Quốc Hội thuộc quyền kiểm soát của một đảng, Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Một khi Thượng Nghị Viện và tổng thống thuộc cùng một đảng thì các vị trí lãnh đạo và điều hành của toàn bộ nền hành chánh liên bang (Hành Pháp và Tư Pháp) sẽ được kiện toàn nhanh chóng để đem lại ổn định làm nền tảng cho mọi sinh hoạt xã hội. Nếu Hạ Nghị Viện và tổng thống cũng thuộc một đảng, thì việc điều hành đất nước sẽ rất trôi chảy, các chính sách kinh tế tài chánh, văn hóa xã hội, và ngoại giao quốc phòng sẽ được thông qua và thực hiện nghiêm chỉnh mà trong đó lãnh vực phát triển kinh tế là chủ yếu.

Tuy là một quốc gia tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ thật sự nhưng đa phần cử tri Mỹ chưa sẳn sàng để có một nữ tổng thống của họ, nhất là khi họ nghĩ đến vai trò Tổng Tư Lệnh quân đội mạnh nhất thế giới của một người phụ nữ Mỹ trong bối cảnh đang căng thẳng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, giữa Trung Cộng đối với Đài Loan và trên Biển Đông, và hai cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Nga và Ukraine, giữa Do Thái và Hamas, một ngòi nổ kinh khủng tại Trung Đông.

Có một khía cạnh thực tế trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ mà có nhiều người không đồng ý với nhau vì nó trừu tượng quá! Xin đưa ra một hình ảnh để thấy cách vận hành đường lối chính trị của Hoa Kỳ phi văn bản. Khi Liên Xô đang trên đà giải thể chủ nghĩa Cộng sản (1988) thì Hoa Kỳ (và Liên Hiệp Quốc, tất nhiên) đóng cửa các trại tỵ nạn Cộng sản tại Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines, và khi chế độ Liên Xô tan rã (1991) thì Hoa Kỳ cương quyết thực hiện chủ trương cưỡng bách hồi hương hết những thuyền nhân tỵ nạn tại các trại tỵ nạn đó. Vậy, Chính Phủ Mỹ lúc đó thiếu nhân đạo quá! Không, không có chính phủ Mỹ nào nhân đạo (1975-1988), cũng không có chính phủ Mỹ nào thiếu nhân đạo cả (1988-1993) mà vì không còn cộng sản (tại cái nôi) thì cần gì phải duy trì chính sách tỵ nạn cộng sản? 

Chính phủ Mỹ từng lúc thi hành đường hướng lãnh đạo xã hội (direction of social leadership) theo đúng hướng tiến của lịch sử do tầng lớp ưu tú của Mỹ hoạch định chứ không phải vạch ra đường hướng đó. Để thực hiện đường hướng lãnh đạo xã hội, Chính Phủ Mỹ chi tiết hóa qua các hình thức văn bản như sách lược (strategy), chính sách (policy), kế hoạch (plan), và chương trình (program).

Người Mỹ phân biệt rõ ràng ba loại người trí thức vận hành guồng máy sinh hoạt của đất nước về mọi phương diện của đời sống con người từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị và khoa học. Mỗi loại trí thức đó sẽ thích hợp với một phạm vi điều hành xã hội như là trí thức lãnh đạo (leadership intellectuals) vạch ra hướng đi tới phù hợp với hướng đi của lịch sử, trí thức quản trị (management intellectuals) vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện thành công chủ trương do trí thức lãnh đạo vạch ra, trí thức kỹ trị (experts) hoàn thành nhiệm vụ thực hiện công tác với “chi phí thấp nhất mà đạt thành quả cao nhất (cost-benefit analysis).  [2]

Nước Mỹ không chủ trương đế quốc, mà lãnh đạo thế giới thông qua kinh tế (đúng với quy luật tự nhiên của con người) mà muốn phát triển kinh tế thì xã hội phải ổn định. Xã hội Mỹ sẽ ổn định sau cuộc tổng tuyển cử ngày 5 Tháng Mười Một 2024 và mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường như tiên liệu của các nhà lập hiến Hoa Kỳ năm 1787 về một liên bang ổn định và bền vững.

II.- Hiện trạng phân cực chính trị trong xã hội Hoa Kỳ

Phân cực chính trị là sự dịch chuyển các quan điểm và hành động chính trị ôn hòa, trung dung hướng tới các quan điểm và chính sách cực đoan hơn. Vào đầu thập niên 1990, hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Hoa Kỳ có chương trình nghị sự chính sách giống nhau hơn so với hiện nay và có nhiều ý kiến ​​đa dạng hơn trong mỗi đảng. Gần 30 năm qua, Đảng Dân Chủ đã dịch chuyển nhiều hơn sang phía tả trong khi Đảng Cộng Hòa cũng dịch chuyển nhiều hơn sang phía hữu. Trong khi sự phân cực chính trị đang gia tăng ở các quốc gia khác trên toàn thế giới thì ở Hoa Kỳ, nó lại diễn ra mạnh mẽ hơn.

Hai đảng thường không đồng ý về mức độ chính quyền liên bang nên điều hành nền kinh tế, mức độ quyền lực nên được trao cho chính quyền liên bang so với chính quyền tiểu bang, và mức độ an sinh xã hội mà chính quyền nên cung cấp. Nhìn chung, cánh tả gắn liền với các chính sách tự do xã hội và các chính sách kinh tế tạo ra mạng lưới an sinh xã hội lớn hơn, trong khi cánh hữu gắn liền với các chính sách bảo thủ xã hội và ít can thiệp vào nền kinh tế hơn.

Sự đa dạng chính trị là điều tự nhiên, và sự phân cực không phải là hoàn toàn xấu. Hai đảng chính trị chính ở Hoa Kỳ hiện nay khác biệt hơn so với những thập niên trước, điều này mang lại cho cử tri nhiều lựa chọn có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, khi hai đảng chính trị tiến xa hơn về phía cực của mỗi bên và các thành viên của đảng này ngày càng mất lòng tin vào các thành viên của đảng kia thì các chính trị gia khó có thể thống nhất về một hướng đi tiếp theo. Quốc Hội có thể bị hạn chế quyền lực vì sự bế tắc đảng phái và gặp khó khăn trong việc thông qua luật. Thêm vào đó, các chiến dịch vận động chính trị và phương tiện truyền thông đảng phái ngày càng trở nên chia rẽ hơn.

Sự phân cực chính trị cũng khiến mọi người ngày càng khó nói chuyện với những người mà họ không đồng tình. 53% người Mỹ cho biết việc nói chuyện về chính trị với những người mà họ không đồng tình nói chung là căng thẳng và bực bội.

Mặc dù sự phân cực ngày càng gia tăng, người Mỹ có thể ít thể hiện cảm xúc tiêu cực đối với một người nào đó thuộc đảng phái chính trị khác nếu họ được cho biết rằng người kia không quan tâm nhiều đến chính trị hoặc nếu họ được yêu cầu tập trung vào các khía cạnh khác trong bản sắc của họ, như bản sắc chung của họ là người Mỹ hoặc là người hâm mộ cùng một đội thể thao.

Ngoài ra, công chúng nói chung ít chia rẽ hơn về nhiều vấn đề khác so với trước đây. Nhiều chính sách có sự ủng hộ của cả hai đảng hoặc sự ủng hộ từ các thành viên riêng rẽ của cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ; chẳng hạn như:

60% cử tri ủng hộ việc chi tiêu 1.3 nghìn tỷ đôla để điều hòa thời tiết cho nhà ở, giúp tiết kiệm năng lượng hơn.

78% người Mỹ ủng hộ việc khuyến khích những người nhập cư có tay nghề cao đến Hoa Kỳ.

85% người Mỹ ủng hộ việc yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng tại các cửa hàng tư nhân bán súng hoặc tại các cuộc triển lãm súng. [3]

III.- Việt Nam trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ

Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm đã giữ một thái độ khách quan, trung lập đối với hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2024, là một cách hành xử ngoại giao rất khéo léo.  Có một số người cho rằng ông Tô Lâm chỉ giỏi về nghiệp vụ an ninh tình báo chứ không có viễn kiến chính trị (political vision) thì người viết không hoàn toàn đồng ý. Vì sao? Vì các sự kiện sau đây:

Khi tiếp nhận vị trí chủ tịch nước, ông Tô Lâm tập trung vào việc sắp xếp nhân sự thuộc thẩm quyền như đưa Thượng Tướng Lương Tam Quang vào vị trí bộ trưởng Công An, Trung Tướng Tô Ân Sô vào vị trí chánh văn phòng Phủ Chủ Tịch Nước (mà chủ nhiệm văn phòng Chủ Tịch Nước là ông Lê Khánh Hải, cháu nội ông Lê Duẩn).

Khi tiếp nhận vị trí tổng bí thư, ông Tô Lâm đưa Thượng Tướng Nguyễn Duy Ngọc vào vị trí chánh văn phòng Trung Ương Đảng.

Và nhân sĩ đầu tiên được Ông Tô Lâm mời để tiếp xúc là Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động trong Diễn đàn Xã hội Dân sự “trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.” [4]

Việc ông Tô Lâm tỏ ra thân thiện với ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho thấy viễn kiến chính trị của ông Tô Lâm về tính đoàn kết dân tộc và thống nhất quốc gia, nhất là tìm con đường thân Mỹ nhằm “thoát Trung” để nâng nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới. 

Trong một thời gian ngắn năm tháng (Tháng Sáu đến Tháng Mười 2024), Ông Tô Lâm đã nỗ lực công du nhiều nước như Trung Hoa, Hoa Kỳ, Pháp, và đặc biệt là Cuba, Mông Cổ, và Ireland.

Thăm Cuba và Mông Cổ để so sánh và thuyết phục thành viên ban chấp hành Trung Ương Đảng về tương quan thể chế chính trị với tình trạng phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế Mông Cổ phát triển hơn Cuba vì Mông Cổ nghiêng về kinh tế thị trường trong khi Cuba nghiêng về kinh té quốc doanh. Và thăm Ireland để tìm hiểu tại sao chỉ trong vòng 40 năm mà kinh tế Ireland từ một quốc gia nghèo đã trở thành quốc gia có mức thu hoạch đầu người đứng hàng thứ nhì trên thế giới.

Nhưng có thể ông Tô Lâm không thực hiện được hoài bão của mình không phải vì ông không có viễn kiến chính trị mà vì thế lực chính trị của ông chưa đủ mạnh. Trong khi sáu quốc gia còn theo chủ nghĩa cộng sản thì Trung Hoa, Lào, Bắc Hàn, Cuba đã nhất thể hóa giữa vị trí lãnh đạo đảng và chức vụ chủ tịch nước như Tập Cận Bình, Thongloun Sisoulith, Kim Young Un, Miguel Díaz-Canel, và cha con Hun Sen và Hun Manet vừa nắm Đảng, vừa nắm Chính Phủ, vừa nắm Thượng Nghị Viện, chỉ riêng Việt Nam thì ông Tô Lâm phải nhường chức vụ chủ tịch nước cho Đại Tướng Lương Cường từ ngày 21 Tháng Mười 2024.

Nhiều nhà luật học ở trong nước cho rằng ông Tô Lâm không thể kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch nước vì vai trò tứ trụ ổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch Quốc Hội đã được xác lập và thực hiện hơn 45 năm qua (1979-2024). Nếu muốn nhất thể hóa giữa vị trí lãnh đạo Đảng CS và chức vụ chủ tịch nước thì phải tu chính Hiến Pháp năm 2013. Thật ra không cần phải sửa đổi Hiến Pháp năm 2013 để nhất thể hóa hai vị trí này vì Điều 4 Hiến Pháp quy định Đảng CSVN “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” và không có một điều khoản nào ngăn cản tổng bí thư kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch nước. Ông Nguyễn Phú Trọng từng là tổng bí thư được Quốc Hội tín nhiệm kiêm chức vụ chủ tịch nước trong một thời gian ngắn.

Không phải ông Tô Lâm bị áp lực phía quân đội vì với 15 ủy viên Bộ Chính Trị hiện nay thì Công An nắm giữ sáu ghế (Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Lương Tam Quang, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên, và Nguyễn Hòa Bình) và Quân Đội nắm giữ ba ghế (Lương Cường, Phan Văn Giang, và Nguyễn Trọng Nghĩa). Cũng không phải vì áp lực từ phía Tập Cận Bình bởi Việt Nam ngày nay với dân số cả 100 triệu và một nền kinh tế tương đối phát triển thì không dễ gì có một thế lực ngoại bang thẳng thừng “sai khiến” được. 

Vấn đề là ông Lâm phải mua thời gian trong ít nhất là năm năm (2026-2031) để có thể sắp xếp thành phần nhân sự đồng tình vào vị trí lãnh đạo đảng và chính quyền thì mới vận dụng được vận hội mới cho đất nước về sinh hoạt dân chủ và kinh tế thị trường đúng nghĩa theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhưng với tuổi 74 (2031-1957) liệu ông Lâm còn đủ sức khỏe và nhiệt tình để căng buồm ra khơi hay không?

Một cơ hội rất tiếc cho Việt Nam và cho chính ông Lâm là với tâm lý cử tri Mỹ hiện nay thì một vị nam tổng thống sẽ được ưa chuộng hơn một vị nữ tổng thống; do đó, việc cựu Tổng Thống Donald Trump có thể đắc cử là một điều tiên liệu được.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump (2025-2029), quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam có thể tiếp tục gắn bó, nhưng cũng có thể sẽ có một số thay đổi về trọng tâm. Hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc cân bằng ảnh hưởng của Trung Cộng, vốn đã thúc đẩy sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Washington đối với mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội.  Chính phủ Trump trước đây (2017-2021) đã hợp tác với Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng và hỗ trợ an ninh hàng hải, điều này có thể sẽ tiếp tục vì cả hai nước vẫn lo ngại về lập trường quyết đoán của Trung Cộng ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào việc giảm thâm hụt thương mại (trade deficits) có thể khiến ông Trump áp dụng cách giao dịch chặt chẽ hơn, tìm cách thu hẹp thâm hụt thương mại 100 tỷ đôla của Hoa Kỳ với Việt Nam thông qua các mức thuế quan tiềm năng hoặc các điều khoản thương mại được đàm phán lại (potential tariffs or renegotiated trade terms).

Chính Phủ Trump có thể ưu tiên các lợi ích về giao dịch và kinh tế hơn là nhân quyền hoặc các giá trị dân chủ, nhưng cách tiếp cận này có thể giúp Việt Nam linh hoạt hơn về mặt ngoại giao khi Việt Nam tìm cách đa dạng hóa các liên minh và duy trì mối quan hệ cân bằng với các cường quốc, bao gồm cả Trung Cộng. Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra một số căng thẳng trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nếu Trump thực thi các biện pháp thương mại cứng rắn hơn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam​.

Tôi tin rằng ông Trump với tinh thần thực tế và thực dụng chứ ít căn cứ vào nguyên tắc và lý tưởng. Có một điều ít người biết là ông Trump có tâm lý rất ghét chiến tranh, mà nếu bắt buộc phải tuyên chiến thì ông sẽ dùng chiến thuật “tiên hạ thủ vi cường” nên có thể ông điều hướng Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, và Bộ Kinh Tế Việt Nam hợp tác chân thành với Hoa Kỳ để đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.

(San Jose, Tháng Mười Một, 2024)
______________________

[1] Facing History & Ourselves, “Political Polarization in the United States”, last updated August 26, 2024.

[2] Trí thức lãnh đạo (leadership intellectuals, trong đó nhân tài / genius gần giống như thiên tài của định chế chính trị geniocracy trong lịch sử).  Trí thức quản trị (management intellectuals # bureaucrats trong bureaucracy).  Trí thức kỹ trị (technocratic intellectuals # experts, các chuyên gia trong mọi lãnh vực của xã hội từ kỹ thuật đến kinh tế và khoa học; technocrats trong technocracy).

[3] https://www.facinghistory.org/…/political-polarization….

[4] Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam ra đời, BBC, 23 tháng 9 năm 2013.

***

(Bài độc giả gửi, quan điểm riêng của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Sài Gòn Nhỏ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: