Biển Đông: Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội

Hiếu Chân

Tuyên bố “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển ở Biển Đông” mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đưa ra ngày 13-07 vừa qua, tuy chưa phải là một bước thay đổi lớn trong đường lối từ trước tới nay của Mỹ nhưng vẫn như một tiếng sét giữa trời quang, làm Bắc Kinh choáng váng và các nước ven biển lâu nay bị Trung Quốc xâm lấn, đe dọa và chèn ép cảm thấy phấn khởi. Nhưng Việt Nam, với tâm thế thần phục Bắc Kinh cố hữu, đã bỏ mất cơ hội khẳng định vị thế của mình.

Tuyên bố của Hoa Kỳ nói rõ: “Những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở phần lớn vùng Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, chiến dịch hăm dọa của Bắc Kinh để kiểm soát các tài nguyên đó cũng vậy.” (xem toàn văn Tuyên bố ở đây)

Lập trường của Mỹ đặt căn bản hoàn toàn trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) dù Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn công ước này. “Trong một quyết định được đồng thuận tuyệt đối ngày 12 tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng Tài được thành lập theo Công ước về Luật Biển 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc vì chúng không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.”

Đi xa hơn, Mỹ “vạch mặt chỉ tên” và lên án chính sách bành trướng của Trung Quốc, nguyên nhân gây mất ổn định của vùng Biển Đông, gây bao khốn khó cho người dân các nước ven biển Đông: “Bắc Kinh đã dùng sự hăm dọa để xói mòn quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á, bắt nạt họ phải rời bỏ các nguồn tài nguyên xa bờ, cưỡng bức thiết lập sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “sức mạnh là lẽ phải”… Thế giới quan ăn cướp của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ 21.”

Là một quốc gia bị Trung Quốc thường xuyên chèn ép tàn bạo nhất, lẽ ra Việt Nam phải thể hiện vui mừng khi có một siêu cường quốc đứng ra bênh vực mình, nói chuyện phải quấy với tên hàng xóm to xác và tham lam ở phương Bắc hoặc ít ra phải lên tiếng “tán thành”, “đồng thuận” lập trường của Hoa Kỳ, đơn giản vì lập trường đó phù hợp với lẽ phải, với công pháp quốc tế và quyền lợi chính đáng của đất nước Việt Nam. Mới đây, chỉ riêng vụ tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha phải rút đi vì bị Trung Quốc chèn ép, Việt Nam đã phải bồi thường tới một tỷ đô la Mỹ!

Tàu tuần dương USS Gabrielle Giffords (LCS) của hải quân Mỹ tuần tra gần tàu khoan dầu West Capella của Mã Lai trên Biển Đông để chống sự quấy nhiễu của hải quân Trung Quốc hôm 12-05-2020. Ảnh US Navy Photo.

Thế nhưng, nghe phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về tuyên bố của Hoa Kỳ, không thể không thất vọng và tức giận.

Nguyên văn phát biểu của bà Hằng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội như sau:

“(MOFA) – Ngày 15/07/2020, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về Lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này./.”

Đành rằng ngôn ngữ ngoại giao có những “quy tắc” riêng, nhiều khi không thể nói thẳng nói thật như ngôn ngữ báo chí, nhưng toàn bộ phát biểu thượng dẫn của bà Hằng toát lên một thái độ né tránh và sợ hãi rất rõ.

Trong khi ông Mike Pompeo chỉ đích danh Trung Quốc để lên án bằng lời lẽ đanh thép thì bà Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cứ nấp sau cụm từ “các nước”: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông”(!) Các nước là các nước nào? Lập trường của Hoa Kỳ trái ngược với lập trường của Trung Quốc như ngày với đêm, như nước với lửa, sao có thể gộp chung là “lập trường của các nước”? Tại sao bà không dám nói rõ ra rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông” mà phải tránh né như vậy?

Bà Hằng nhắc tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 – mà Việt Nam, cũng như Trung Quốc đều là thành viên – nhưng tuyệt nhiên không dám đả động đến phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế La Haye (Hòa Lan) tháng 07-2016, mà Tuyên bố của ông Mike Pompeo đã viện dẫn. Tòa Trọng Tài được thành lập và hoạt động theo quy định của Công ước này để xử lý đơn kiện của Phi Luật Tân năm 2013 và sau ba năm làm việc, Tòa ra phán quyết bác bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vì chúng không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Nói cách khác, toàn bộ các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp – điều đã được nhắc lại và nhấn mạnh trong tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo. Tuy nhiên, từ đó đến nay Trung Quốc chẳng những không thi hành phán quyết của tòa mà còn có những hành động củng cố các yêu sách chủ quyền đó trên thực địa, tự biến mình thành một quốc gia sống ngoài vòng pháp luật của thế giới văn minh.

Trước và sau khi Tòa Trọng Tài xử lý đơn của chính phủ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc vi phạm UNCLOS, rất nhiều người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước đã lên tiếng yêu cầu Hà Nội phát đơn kiện Trung Quốc, sát cánh với người Phi Luật Tân cùng đấu tranh chống lại chủ nghĩa bành trướng bá quyền Bắc Kinh. So với Phi Luật Tân, những mất mát và khổ đau của Việt Nam dưới tay Trung Quốc còn nhiều hơn, thường xuyên hơn và trầm trọng hơn. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai làm ngơ, vẫn đi đêm bàn bạc với Cộng sản Trung Quốc mà không hề tỏ quyết tâm sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước mình. Những tuyên bố “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương” mà Việt Nam nhắc đi nhắc lại như một cái đĩa hát bị lỗi, hoàn toàn sáo rỗng mà không có một ý nghĩa thực tiễn nào. Chừng nào Hà Nội chưa vận dụng luật lệ của UNCLOS, đưa Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế như Manila đã làm và thành công thì Việt Nam chưa có tư cách để nói tới UNCLOS.

Sẽ có người cho rằng, Việt Nam là nước nhỏ, lại nằm kề cận với Trung Quốc nên phải luôn luôn nhún nhường, giữ mồm giữ miệng, không thể tuyên bố thẳng thừng và mạnh bạo như Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Lập luận như vậy, thật ra không đúng. Láng giềng của Trung Quốc có nhiều quốc gia còn “nhỏ” hơn, “yếu” hơn Việt Nam, chẳng hạn như Đài Loan hay Phi Luật Tân, nhưng các nước này đều nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, không xun xoe khấu đầu trước Bắc Kinh như Việt Nam dù “Việt Nam luôn tự hào đánh thắng các đế quốc Mỹ-Pháp-Nhật” như bộ máy tuyên truyền của đảng thường rêu rao.

Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi tán thành mạnh mẽ lập trường của cộng đồng quốc tế rằng phải có một trật tự đặt căn bản trên luật pháp ở Biển Đông. Vì lợi ích tốt nhất của sự ổn định khu vực Trung Quốc phải lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng các dân tộc mà tuân theo luật pháp quốc tế, tôn trọng những hiệp ước quốc tế hiện tồn”.

Từ Đài Bắc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với báo chí rằng chính phủ Đài Loan “chống lại mọi mưu toan của một nhà nước yêu sách chủ quyền sử dụng việc đe dọa, cưỡng bức và vũ lực để giải quyết tranh chấp”.

Ngôn từ của những quốc gia này không có tính chất gây hấn, mà cũng không lẩn tránh và nhu nhược như Việt Nam.

Vả lại, trước những kẻ to xác hay bắt nạt thì những người nhỏ và yếu phải kết thân với những người khỏe mạnh, chính trực để bảo vệ mình. Việt Nam, vừa nhỏ vừa yếu, với đường lối quốc phòng “ba không”, mới cải biên thành “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự, không đứng về phía này để chống lại phía kia, và không dùng vũ lực) đã tự biến mình thành con thỏ cô đơn trước nanh vuốt của con sói Trung Cộng.

Vấn đề nằm ở chỗ cái “vòng kim cô” có tên ý thức hệ mà đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt lên đầu đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Hà Nội phải nhất nhất làm theo cây gậy chỉ huy của Bắc Kinh, nếu cưỡng lại sẽ bị đau đớn khổ sở. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, mới đây đã ám chỉ sự thật đó trong bài viết đăng trên trang web Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nhân Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngày 11-07-2020: “Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định chính trị của Trung Quốc. Thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu dài một mình.” Vì sự trường tồn của thể chính trị độc tài đảng trị, Việt Nam sẽ luôn luôn đi theo con đường của Trung Quốc, cho dù phải phản bội quyền lợi của nhân dân, của đất nước.

Sự kiện Mỹ công khai tuyên bố lập trường về Biển Đông là một cơ hội để Việt Nam khẳng định, một lần và mãi mãi, vị thế của mình trên vùng biển mà tổ tiên để lại, nhưng rất tiếc, với những kẻ cầm quyền nhu nhược và vong bản ở Hà Nội, một cơ hội nữa lại vuột qua!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: