Sự kiện biến thể mới của coronavirus gây đại dịch Covid-19 xuất hiện, gây chấn động thế giới, đang làm dấy lên làn sóng phân tích, bình phẩm về nguyên nhân và hậu quả của nó, trong đó có không ít chuyên gia quy trách nhiệm cho các nước phương Tây đã gây nên tình trạng khan hiếm vaccine ở châu Phi, gieo gió thì gặt bão. Thực tế có thể phức tạp hơn nhiều.
Biến thể mới của coronavirus, được đặt tên là Omicron, mới xuất hiện ở Nam Phi nhưng đã lây lan mạnh ra nhiều nước. Úc, Áo, Anh, Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan đã ghi nhận những trường hợp dương tính đầu tiên liên quan tới Omicron.
Nhiều quốc gia lại nhốn nháo “đóng cửa”, hạn chế hoặc cấm du lịch từ các quốc gia Nam châu Phi, đặc biệt Nam Phi – trong đó có New Zealand, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Maldives, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; cùng với Brazil, Canada, EU, Iran và Hoa Kỳ. Tại Mỹ, Thống đốc New York đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị cho đợt tăng Covid-19 có thể xảy ra từ biến thể Omicron.
***
Trước tình hình mới, một số quan chức và chuyên gia y tế nhanh chóng “đổ lỗi” cho các nước giàu và cái gọi là “bất bình đẳng vaccine”. Trong bài bình luận trên báo The Washington Post, tác giả Anthony Faiola viết “các nước giàu đang gặt hái những gì họ đã gieo”. Trên báo The Guardian (Anh), ông Gordon Brown, cựu Thủ tướng Anh và hiện là Đại sứ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viết: “Bất chấp những lời cảnh báo của các nhà lãnh đạo y tế, thất bại của chúng ta trong việc tiêm vaccine vào cánh tay của người dân ở thế giới đang phát triển bây giờ trở lại ám ảnh chúng ta”.
Lập luận của các chuyên gia này là hiện tượng các nước giàu tích trữ vaccine ngừa Covid và sử dụng một cách phung phí trong khi các nước nghèo – nhất là ở châu Phi – không có đủ vaccine để tiêm cho người dân là nguyên nhân chính sinh ra Omicron và các biến thể nguy hiểm. Tính đến nay, các nước giàu như Mỹ, Pháp, Trung Quốc đã có tỷ lệ dân chúng được tiêm chủng rất cao; 60% ở Mỹ, 70% ở Pháp và 77% ở Trung Quốc; trong khi đó 1.2 tỷ dân châu Phi chỉ mới có 6% được tiêm chủng. Tỷ lệ được tiêm chủng vaccine thấp đã biến các nước này thành môi trường nuôi cấy tiềm năng cho các biến thể của virus, sau đó chúng nhanh chóng truyền nhiễm ra toàn cầu.
Tình trạng bất bình đẳng vaccine càng trầm trọng khi các nước giàu tổ chức tiêm chủng mũi tăng cường, mũi thứ ba (booster) cho toàn thể dân chúng trưởng thành, tiêm chủng cho trẻ em trong khi các nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất ở nhiều nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Một phân tích của Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Public Citizen công bố hôm Thứ Hai ghi nhận số người Mỹ được tiêm mũi vaccine thứ ba đã nhiều hơn tổng số người dân được tiêm mũi đầu tiên ở tất cả các nước châu Phi trong danh sách cấm nhập cảnh của Mỹ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “Mỗi ngày số vaccine tiêm tăng cường trên toàn cầu đã nhiều gấp sáu lần so với số mũi tiêm đầu tiên ở các nước thu nhập thấp. Đây là một scandal và nó phải chấm dứt”.
Chuyên gia J. Stephen Morrison, Giám đốc về chính sách y tế toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét: “Những thành công của chúng ta trong đất nước của mình sẽ gặp rủi ro lớn bởi vì những thất bại ở bên ngoài đất nước, bởi vì chủ nghĩa dân tộc vaccine, không chỉ ở Hoa Kỳ và châu Âu mà cả ở Ấn Độ và Trung Quốc… Nếu chúng ta có sự truyền nhiễm không được kiểm soát ở những nước đông dân thì đó là môi trường tối ưu để sản sinh những biến chủng mới. Ở châu Phi, chúng ta chỉ có 6% dân số được tiêm vaccine. Và chúng ta có các biến chủng”.
Lời giải cho vấn đề, theo các chuyên gia, nằm trong những giải pháp cấp tiến hơn mà các nước giàu và mạnh chưa thực hiện hoặc chưa muốn thực hiện. Đó là, các nước giàu, kể cả Hoa Kỳ, “cần phải cung cấp nguồn lực để các công ty bào chế vaccine gia tăng sản xuất và về lâu dài, việc tạm ngừng bản quyền sáng chế vaccine và đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine ở các khu vực là hết sức cần thiết,” bà Wafaa El-Sadr, Giám đốc trung tâm chính sách y tế toàn cầu của Đại học Columbia nhận xét. Và bà nói thêm rằng, “Cho đến nay, việc mà chúng ta làm chi là tặng đi lượng vaccine mà chúng ta dư thừa mà thôi”.
***
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron và tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Phi có những nguyên nhân phức tạp hơn là nhận định của các chuyên gia nêu trên.
Hôm Thứ Hai 29 Tháng Mười Một, để phản đối lời phê phán chính phủ Hoa Kỳ “đầu cơ tích trữ” vaccine gây ra nỗi thiếu thốn của châu Phi và các nước thu nhập trung bình và thấp, Tổng thống Joe Biden đã chỉ ra một thực tế là Nam Phi gần đây đã khước từ tiếp nhận vaccine từ Hoa Kỳ.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi, ngoài yếu tố nguồn cung vaccine, còn do những trở ngại trong tổ chức tiêm chủng, hệ thống y tế thiếu và yếu cũng như khó khăn trong việc bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer, vốn yêu cầu nhiệt độ cực lạnh.
Theo hai tác giả Yasmeen Abutaleep và Lesley Wroughton, cũng của báo The Washington Post, Nam Phi đã bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào cuối Tháng Năm năm nay, chậm hơn sáu tháng so với Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Và cũng như phương Tây, chính phủ Nam Phi phải chật vật vượt qua sự chống đối vaccine của một bộ phận dân chúng.
Tập đoàn dược phẩm Pfizer cho biết có năm trong tám quốc gia châu Phi bị tạm thời cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ – gồm Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe – trong vài tháng qua đã yêu cầu công ty ngừng vận chuyển vaccine tới nước họ vì họ không thể sử dụng hết số vaccine đó. Pfizer cho biết, trong tháng cuối năm nay công ty sẽ vận chuyển 43 triệu liều vaccine tới tám quốc gia miền Nam Châu Phi trong danh sách cấm nhập cảnh của Hoa Kỳ.
Ron Whelan, phụ trách nhóm công tác Covid-19 của công ty bảo hiểm y tế Discovery Ltd, làm việc cùng chính phủ Nam Phi để mua vaccine, tổ chức tiêm chủng và lập hệ thống phân phối vaccine cho nước này, giải thích: “Do chúng tôi có đủ lượng dự trữ, nhận thêm [vaccine] chẳng để làm gì cho nên chúng tôi hoãn các đơn hàng tới đầu năm sau. Hiện giờ chúng tôi có đủ dùng”. Whelan nói vào lúc đỉnh điểm, Nam Phi tiêm chủng được 211,000 liều vaccine mỗi ngày; nhưng từ Tháng Chín tới nay, tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc đã giảm còn 110,000 liều mỗi ngày.
Ông chỉ ra ba yếu tố: Sự chống đối hoặc không muốn tiêm vaccine, phân biệt chủng tộc và rào cản về tổ chức đến mức nhiều người dân không có đủ tiền đi tới điểm tiêm chủng. Dù vậy, đến nay Nam Phi đã có 35% dân số được tiêm chủng đầy đủ; nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là Malawi, chỉ có 3% dân số được tiêm chủng, theo trang dữ liệu Our World In Data. Nam Phi là nước có hệ thống y tế tốt nhất ở châu Phi, có phương tiện để bảo quản vaccine nhưng các quốc gia khác thì không.
Tính đến nay, các nước thu nhập cao đã cam kết viện trợ 1.98 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo; Hoa Kỳ cam kết hơn một nửa số đó, khoảng 1.1 tỷ liều; và 20% số cam kết đã được chuyển giao.
Hôm Thứ Hai, Tòa Bạch Ốc cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cung cấp $273 triệu cho các nước phía Nam châu Phi, trong đó có $12 triệu dùng cho việc phân phối vaccine và tổ chức tiêm chủng. Ngoài ra một số cơ quan liên bang đang hợp tác với các chuyên gia và tổ chức của châu Phi để cung cấp nguồn lực, sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để mở rộng các chương trình tiêm chủng. Có năm trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, chiếm khoảng 10% dân số châu lục này, sẽ có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng 40% dân số vào cuối tháng sau nếu nguồn cung vaccine được ổn định.
***
Châu Phi thiếu vaccine ngừa Covid-19 là một thực tế. Và đó cũng là căn cứ để nghi ngờ các biến chủng mới của virus sẽ tiếp tục được sản sinh ở đây. Lời cảnh báo: “Sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn” càng có ý nghĩa khi các biến chủng mới của virus liên tục xuất hiện.
Nhưng không thể quy toàn bộ trách nhiệm về tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi vào cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine” của các nước giàu, các nước phương Tây, bởi vì chính phủ nào cũng phải đặt an toàn tính mạng của nhân dân mình lên hàng đầu. Để cải thiện tình hình thì việc gia tăng cung cấp vaccine cho châu Phi là không đủ, khi nhiều nước ở châu lục này chưa có điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine và tổ chức tiêm chủng hiệu quả cho toàn bộ cư dân của họ.
Ngoài nguồn cung vaccine, châu Phi cần hỗ trợ ở nhiều phương diện khác để thúc đẩy việc kiểm soát đại dịch. Và thay vì đổ lỗi, cần có một sự hợp tác rộng rãi và bền vững giữa các quốc gia để cùng ứng phó mối đe dọa chung.
Đọc thêm: