Mấy ngày nay cả thế giới đều hướng về một vùng đất đầy âm khí nay đã rơi gọn vào bàn tay của phiến quân Taliban. Thành phố Kabul sụp đổ có nét gì đấy rất giống Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư. Cái giống ấy gây đau xót cho không ít người, vết thương tưởng đã kéo da non nay bỗng nhức nhối và ửng đỏ, vết thương mất Sài Gòn nhắc nhở cho nhiều người rằng lịch sử đang lặp lại và lịch sử ấy được lặp lại một cách chính xác đến từng chi tiết.
Cả thế giới biết đến sự tàn ác của Taliban khi lực lượng phiến quân Hồi giáo này kiểm soát đất nước Afghanistan từ 1996 tới 2001. Trong năm năm ấy dân chúng bị đội quân tàn khốc này hành hạ với không biết bao nhiêu là thê lương. Trẻ em gái không được đến trường, phụ nữ không được đi làm và sẽ bị ném đá đến chết nếu vi phạm luật Hồi giáo Sharia. Cả nước gần như chìm vào đói nghèo lạc hậu để tới năm 2001 nước Mỹ đổ quân vào truy nã Bin Laden và sau đó là hai mươi năm chiến tranh giữa quân đồng minh và lực lượng Taliban dưới dạng du kích chiến và đánh bom tự sát. Hai mươi năm ấy nhắc cho người Việt hai mươi năm chống lại Cộng sản và cũng bị đánh bom và du kích chiến không khác gì Taliban.
Hai chế độ giống nhau đến rập khuôn ấy còn giống nhau hơn ở chỗ: Trong khi cả thế giới lên án, lo ngại Taliban sẽ lập lại cách cai trị điên cuồng thì Trung Cộng và Nga là hai nước vẫn giữ đại sứ quán tại Kabul và tuyên bố ủng hộ lực lượng này. Ngay khi bước chân vào Dinh Tổng thống, phiến quân Taliban đã tuyên bố sẽ là “đày tớ của nhân dân” và hứa hẹn không có bất cứ sự trả thù nào.
Dĩ nhiên rằng không người dân Afghanistan nào tin vào lời hứa hẹn ấy, nhưng để tiếp tục sống còn người ta chỉ biết cúi đầu chấp nhận như người miền Nam Việt Nam chấp nhận khi xưa. Trong thâm tâm mọi người đều mong rằng chế độ mới sẽ vì dân tộc, đất nước mà cai trị chứ không vì cuồng tín, giáo điều. Thế nhưng với Taliban, cuồng tín là cứu cánh và với Việt Nam thì giáo điều là phương tiện để lái chiếc thuyền quốc gia trong cơn cuồng nộ của sóng dữ, gió gào.
Đất nước Afghanistan rộng lớn và bị bao bọc bởi sa mạc, núi non và không có một vùng biển để mà tận hưởng ân sủng của Thượng đế, trong khi đó Việt Nam với hơn ba ngàn cây số bờ biển và tài nguyên biển được xem là nhất nhì Đông Nam Á. Tài nguyên ấy được khai thác chỉ một phần bởi sự đe dọa và đàn áp của Trung Quốc. Đất nước sau hơn 40 năm vẫn phải đi xin tiền quốc tế để mua vaccine cho Covid-19 và trong những liều vaccine ngoại nhập ấy mặc dù người dân lo sợ thần chết nhưng vẫn từ chối vaccine của Trung Quốc, vì hơn ai hết họ hiểu rằng nguy cơ tiềm ẩn của loại vaccine này còn cao hơn virus.
Kabul cũng di tản cũng trông mong vào những chuyến bay cứu vớt nhưng Kabul chưa có một người lính nào bị bắt vì làm việc cho Mỹ. Kabul khác Sài Gòn ở chỗ không bị pháo kích vào sân bay và không có hình ảnh những người lính tự sát nằm rải rác trong thành phố.
Có lẽ phiến quân Taliban không đủ khả năng như người Cộng sản đối với dân chúng miền Nam sau năm 1975, nhưng khi thấy một phái đoàn Taliban viếng thăm Trung Cộng thì viễn ảnh ấy đã mất hẳn. Trung Cộng sẽ dạy cho Taliban chính xác từng chi tiết như đã dạy Hà Nội đối xử với đồng bào mình, cả miền Nam lẫn miền Bắc.
Sau hơn 40 năm chính sách đối phó với người dân vẫn khuôn đúc với những gì mà chế độ đã dùng trong nhiều năm trước: Bạo lực cách mạng.
Lockdown toàn thành phố chống dịch nhưng không có biện pháp thích ứng đang làm cho Sài Gòn thoi thóp. Hàng ngàn người bỏ Sài Gòn ra đi nhưng bị chận lại ở cửa ngõ thành phố khiến người ta liên tưởng tới cuộc tháo chạy của người dân Kabul chạy trốn tử thần.
Taliban, Cộng sản và Tử thần giống nhau đến kỳ lạ.
May mắn cho ai thoát khỏi ba ám ảnh này. Chúng ta cũng chân thành cầu chúc cho những người Afghanistan khốn khổ mau thoát khỏi gọng kềm của Taliban để mà tới bến bờ tự do.