Đấu thầu là hình thức công bằng nhất, để chọn ra một đơn vị đủ năng lực thực hiện dự án một cách công khai là việc làm cần thiết của một chính phủ, nhằm tránh móc ngoặc, hối lộ thì ai cũng đồng tình, tuy nhiên ở Việt Nam thì khác, đấu thầu là cơ hội giúp cho người mở thầu và công ty thực hiện kiếm chác lợi nhuận một cách hợp pháp, cho tới nay hầu như rất ít vụ việc đấu thầu nào bị tố cáo là gian lận phải ra trước tòa án, hầu hết đều trót lọt và hậu quả nếu có xảy ra người ta tìm mọi cách bịt mọi thông tin của cả hai phía và mọi việc lại chìm và quên lãng.
Cơ chế “đấu thầu đỏ” như một loại luật bất thành văn, kẻ lập dự án và kêu gọi đấu thầu thường là các đơn vị nhà nước đã quen với các “đầu mối” và khi gói thầu mở ra những đầu mối này đã biết trước trọn vẹn yêu cầu của một gói thầu và chuẩn bị rất kỹ càng hồ sơ dự thầu, trong đó không thể thiếu “phần trăm” cho chủ dự án nếu muốn tham dự vào cuộc đấu thầu công khai trước dư luận.
Trong ngày mở thầu, những hồ sơ được chọn sẽ âm thầm nằm trên bàn của “thủ trưởng” kèm với bao thư lót đường. Dĩ nhiên dự án sau đó được thực hiện với vật tư thiết bị không bao giờ đúng với hồ sơ dự thầu vì các thứ đó “khấu hao” vào bì thư dưới gầm bàn, mọi hậu quả đã có ngân sách nhà nước chịu, mà ngân sách nhà nước thì lại lấy từ thuế của người dân, thế là một vòng tròn khép kín không thể nào kín hơn!
Đó là cơ chế đấu thầu từ những cơ quan quen với việc lập dự án và gọi thầu. Riêng những cơ quan nhỏ hơn cấp bộ, chưa bao giờ quen với thủ tục gọi thầu thì con đường nộp hồ sơ xin mua thiết bị cho tới việc thành lập một cuộc đấu thầu công khai không hề dễ dàng. Nó phải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục, chữ ký…. mới có thể thực hiện. Vụ án “Tuấn tim” vừa qua là một bài học điển hình cho việc “thực hành trước báo cáo sau” của Bệnh viện Tim Hà Nội mà bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn là giám đốc đã phạm phải. Theo cáo trạng của tòa án thì vụ việc này đã làm thất thoát 53 tỷ.
Theo lời khai trước tòa của BS Tuấn do bệnh viện thiếu dụng cụ Stern và các phụ kiện khác trong việc điều trị tim một cách trầm trọng, nếu không sớm giải quyết sẽ dẫn đến việc phải đóng cửa bệnh viện tim và bệnh nhân là những người thiệt hại trước nhất. Từ thực tế này BS Tuấn đã chấp nhận mua thiết bị từ những công ty tư nhân mà không qua đấu thầu, ông khai rằng đã dọ giá thị trường và không hề lãnh một số tiền chênh lệch nào từ phía bán. Lý do phải làm khác với quy định vì bệnh nhân tim không thể chờ duyệt xét một gói thầu mà thời gian sống của họ được tính từ giờ chứ không phải là ngày tháng nữa.
Ông cũng khai nhận có nhận được 10 ngàn đô la và một vài vật phẩm trong ngày tết từ những doanh nghiệp mà ông đã mua vật phẩm y tế, ngoài ra không có bất cứ một móc ngoặc nào cho phép các công ty này cung cấp vật phẩm cho bệnh viện mà ông là giám đốc. Ông Tuấn nhận mọi sai sót và khẩn khoản xin tha cho nhân viên cùng những người liên đới trách nhiệm.
Vụ án đã gây bàn cãi trên mạng xã hội một cách ồn ào với nhiều góc nhìn khác nhau, người thì cho rằng ông Tuấn biện hộ cho mình, kẻ lại thông cảm cho vị trí khó khăn của ông vừa là bác sĩ lại vừa phải điều hành một bệnh viện lớn mà kinh nghiệm chưa có. Người cho rằng nhà nước đã giao trọng trách điều hành cho một chuyên viên mắt là việc làm thiếu suy xét, kẻ lại bênh vực cho BS Tuấn bị kẹt trong những lằn đạn có tính cơ chế….
Đọc tiểu sử của ông người ta thấy rằng Nguyễn Quang Tuấn với biệt danh Tuấn Tim, là một bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ y khoa, và chính trị gia người Việt Nam. Ông là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế. Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021. Ông được biết là người mổ tim nổi tiếng của Việt Nam và từng được vinh danh nhiều lần trong tay nghề xuất sắc của mình.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 21 Tháng Tư, tại TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm BS Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt ông Nguyễn Quang Tuấn 3 năm tù, thấp hơn mức đề nghị của VKS.
Việc vi phạm của ông Tuấn rõ ràng là việc làm nông nổi trong hệ thống vốn đã nhìn nhận việc đấu thầu là miếng cơm của cán bộ viên chức. Ông Tuấn đã mở đường cho những ai “dám nghĩ dám làm” câu cửa miệng của người cộng sản từ bao năm nay, được thay đổi từ sau vụ án này trở thành “dám nghĩ nhưng đừng làm”.