Đôi lời với ông Tổng Trọng: Cắt cành hay đào gốc?

Tham nhũng ở Việt Nam có phải chỉ là một vài cành cây sâu mọt như nhận định của ông Nguyễn Phú Trọng?
Chuột già “đau xót” cho đám đàn em chẳng may sa lưới trong các vụ tham nhũng. Ông Trọng rất “đau xót” nhưng coi đây chỉ là những cành nhánh sâu mọt phải cắt bỏ. Hí họa của Hân Hí.
Thời Sự
Thời Sự
Đôi lời với ông Tổng Trọng: Cắt cành hay đào gốc?
Loading
/

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), vừa nói chuyện với cử tri – những người được chọn lọc, đa số là cán bộ đảng viên già cả đã nghỉ hưu – về những quan tham vừa bị sờ gáy mà ông coi là vài cành cây sâu mọt phải cắt bỏ “để cứu cả cây”. Cứu được không?

Trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng ở Hà Nội sáng 23 tháng Sáu 2022, ông Trọng “nhấn mạnh và nêu rõ không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải ‘cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây’,” theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ trong nước. Ý ông muốn nói tới việc kỷ luật các “đồng chí, đồng đội” như các cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long – những kẻ tán tận lương tâm, trục lợi trên xương máu của đồng bào trong vụ test-kit Việt Á.

Chuyện tham nhũng của Anh, Long và rất nhiều “đồng chí, đồng đội” khác ở các bộ ngành trung ương, ở các tỉnh thành bị lộ trong các vụ Việt Á, vụ các chuyến bay “giải cứu”… đã được báo chí và mạng xã hội bàn tán rất nhiều, xin phép không nhắc lại nữa. Nhưng lũ tham quan ô lại ấy có phải là “một vài cành cây sâu mọt” phải cắt bỏ như Trọng nói không? Tôi cho rằng không phải và khi đánh giá đó chỉ là “vài cành cây”, ông đảng trưởng ĐCSVN đã bộc lộ một trình độ nhận thức kém cỏi, sai lầm đến thảm hại.

Những quan tham như Anh, Long và các “đồng chí, đồng đội” khác sở dĩ có thể tác oai tác quái gây bao nhiêu thiệt hại cho đất nước, bao đau thương thống khổ cho người dân trước tiên là do chúng nó có quyền lực – một thứ quyền lực vô đối, không bị kiểm soát.

Để có quyền lực, trước tiên chúng nó phải là đảng viên ĐCSVN, được “đảng lãnh đạo” tin cậy, sắp xếp vào những chức vụ béo bở trong guồng máy cai trị và chỉ chịu trách nhiệm với đảng của chúng, không phải giải trình gì với dân với nước. Không có tội phạm tham nhũng nào là thường dân hoặc người ngoài đảng bởi vì những thành phần này không có quyền lực, không có điều kiện và cơ hội để tham nhũng. 

Nói như thế không có nghĩa là hễ ai có quyền lực đều trở thành quan tham, thành tội phạm cả, nhưng có một thực tế là những người nắm quyền lực trong các thể chế độc tài đảng trị như ở Việt Nam, Trung Quốc đều dễ biến thành tội phạm tham nhũng hơn là quan chức trong các thể chế dân chủ ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… thậm chí quan chức ở các nước dân chủ mới nổi như Đài Loan, Nam Hàn cũng trong sạch hơn rất nhiều. 

Điều đó không có gì khó hiểu vì trong thể chế cộng sản, quyền lực tập trung vào một số nhân vật chóp bu trong đảng cầm quyền mà không ai kiểm soát hay chế ngự được. Các quan chức trong guồng máy cai trị chỉ cần được lòng “bác Tổng” thì có thể mặc sức vơ vét; những kẻ chẳng may “bị lộ” là do bị thất sủng trong các cuộc đấu đá nội bộ hoặc do ăn chia không sòng phẳng. Ngược lại, thể chế dân chủ tam quyền phân lập có các cơ chế kiểm soát lẫn nhau, không cho ai có quyền lực tuyệt đối, không cho tổ chức, cá nhân nào đứng trên pháp luật để tác oai tác quái. Các cựu tổng thống Park Geun Hye của Nam Hàn, Trần Thủy Biển của Đài Loan… đều đã bị tòa án các nước này lôi ra trước vành móng ngựa và xử những bản án nặng nề do hành vi tham nhũng hoặc qua mặt pháp luật của họ.

Ở Việt Nam, ông Trọng và đảng của ông “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”, không bị ai kiểm soát. Ông Trọng có lần nói với đàn em rằng cương lĩnh của đảng ông có giá trị cao hơn hiến pháp. Khi một quan chức, đảng viên vi phạm pháp luật thì “sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt”, ông Trọng nói tại cuộc tiếp xúc dẫn trên.

Và, các tội phạm, thay vì bị trừng phạt đích đáng theo luật thì “Chính bản thân họ cũng nhận ra, xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư và hứa hẹn thế này, thế khác”, ông Trọng nhấn mạnh. Gần đây người dân có dịp cười giễu trước hiện tượng nhiều quan chức tham nhũng khi ra trước vành móng ngựa đều khóc như cha chết, kêu van ông Trọng bỏ chút thời giờ dòm xuống cái tòa án đang xử rồi năn nỉ ỉ ôi rằng suốt cuộc đời chúng đi theo cách mạng rất trung thành và không hề có ý phản bội lại đảng, trong lúc ông đảng trưởng lại rất “nghẹn ngào” khi quyết định xử các “đồng chí đồng đội” của đảng! 

Như vậy, cái gốc của vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam là do quyền lực không bị kiểm soát của ĐCSVN làm cho cán bộ đảng viên dễ bị tha hóa, rồi sau khi vi phạm pháp luật lại được đảng bao che, giơ cao đánh khẽ theo cái “lý luận về phòng, chống tham nhũng” của đảng, khiến cho mọi ý đồ diệt trừ tham nhũng đều chỉ mua vui cho dân chúng được vài trống canh.

Ông Trọng đã cố tạo dấu ấn cho thời gian cầm quyền của mình bằng việc lập ra cái “lò” đốt tham nhũng, bắt chước công cuộc “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình bên Tàu. Ông đã nhiều lần đòi hỏi các đảng viên của ông phải “tu dưỡng đạo đức”, “học tập và làm theo tấm gương…” nhưng lò của ông càng đốt thì củi to củi nhỏ sinh sôi càng nhiều; càng học tập tu dưỡng thì tham nhũng càng phát triển như nấm sau mưa, quy mô của tham nhũng càng phình ra, lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi vụ.

Gần đây ông lại có “sáng kiến” thành lập các ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh thành, do các ông bí thư đảng ở đó phụ trách – một trò mèo mà ai cũng thấy là vô ích, vô nghĩa. Làm thế nào mà ban phòng chống tham nhũng của tỉnh có thể phát hiện và xử lý tham nhũng khi chính các quan đầu tỉnh, cầm đầu cái ban đó lại là những ông bà trùm tham nhũng?

Tham nhũng đã là một hệ thống từ trên xuống dưới, không phải là “một vài cành cây sâu mọt” mà là cả thân cây, từ rễ đến ngọn. Muốn diệt trừ nó không khó, nhưng cần phải đào cả gốc, diệt cả rễ chứ không chỉ cắt cành. Khi cái gốc cây vẫn còn thì cắt cành này nó sẽ nảy ra cành khác, có khi còn sâu mọt hơn.   

Chừng nào ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mới nhận ra rằng để diệt trừ tham nhũng thì phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” cái thể chế đảng trị cực quyền, xây dựng dân chủ để người dân thường có quyền cử ra người đại diện cho họ vào bộ máy cai trị, để các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau, để báo chí tự do thực hiện quyền giám sát của người dân đối với việc quản trị đất nước? Bị nhồi sọ trong cái hệ tư tưởng Mác-Lênin lạc hậu và phản động, chắc chắn ông ta và đảng của ông sẽ không bao giờ nhận thức được chân lý của thời đại để thay đổi.  

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: