Nghiên cứu của Viện Lowy (Úc) cho thấy trong năm 2021 vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á được cải thiện đáng kể trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần tuyên bố: “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn”. Phương Đông ở đây là Trung Quốc, đối lập với phương Tây là Hoa Kỳ. Ông cũng nói với người dân Trung Quốc: “Thời gian và động lực đang đứng về phía chúng ta”.
Nhưng thực tế, từ khi Tập lên cầm quyền và ban hành những chính sách đàn áp ở trong nước, hung hăng gây hấn ở nước ngoài thì uy tín quốc tế của Trung Quốc giảm mạnh; tỷ lệ người dân các nước ngoài Trung Quốc có ác cảm với nước này ngày càng tăng. Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đi theo chủ trương có tính chất bảo hộ “American First” đã làm cho nhiều nước xa lánh nước Mỹ. Tình hình có vẻ được cải thiện một chút sau khi ông Joe Biden lên làm tổng thống và đẩy mạnh chính sách củng cố các liên minh trên toàn cầu.
Nhìn lại cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung năm 2021, tạp chí Foreign Affairs nhận định: “Những những dữ kiện trong năm 2021 đã không chứng minh cho niềm tin của ông Tập về sự trỗi dậy không thể lay chuyển của Trung Quốc. Một số điểm yếu về cơ cấu đã và đang làm giảm triển vọng của nước này: dân số già nhanh, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần và hệ thống chính trị ngày càng hướng nội. Ngược lại, sức mạnh của Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể trong năm qua so với bất kỳ quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nào khác”.
Đông Á là khu vực đang diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực, từ an ninh quốc phòng tới kinh tế và văn hóa. Nhưng trong cuộc cạnh tranh “ai thắng ai” này, hiện Hoa Kỳ đang trong xu thế đi lên còn ảnh hưởng của Trung Quốc đang đi xuống. Sự thay đổi có tính chất chiến lược đó được miêu tả thuyết phục trong bản báo cáo nghiên cứu thường niên The Asian Power Index (Chỉ số Quyền lực châu Á – API) năm 2021 của Viện Lowy – một trung tâm nghiên cứu uy tín của Úc.
Viện Lowy quan niệm “quyền lực là năng lực của một nhà nước hoặc một vùng lãnh thổ điều khiển trực tiếp hoặc ảnh hưởng tới hành vi của các nhà nước khác, các nhân tố ngoài nhà nước và tiến trình các sự kiện quốc tế. Chỉ số API tìm cách đo lường khả năng của các quốc gia trong việc định hình và ứng phó với môi trường bên ngoài”.
Chỉ số API đo lường sức mạnh toàn diện của 26 quốc gia châu Á thể hiện ở 131 tiêu chí, tập hợp thành tám thước đo chính; bao gồm năng lực kinh tế và quan hệ kinh tế, năng lực quân sự và mạng lưới phòng thủ; ảnh hưởng ngoại giao và độ bền bỉ (resilience); ảnh hưởng văn hóa và các nguồn lực tương lai.
Trung Quốc xuống, Mỹ lên
Trên bảng đo lường API, Trung Quốc mất vị trí trong một nửa số đo quyền lực, bao gồm ảnh hưởng ngoại giao, ảnh hưởng văn hóa, khả năng kinh tế và các nguồn lực trong tương lai. Trong cùng thời kỳ, Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng quyền lực toàn diện hàng năm đầu tiên kể từ khi ra mắt chỉ số vào năm 2018.
Tính chung, về sức mạnh toàn diện năm 2021, tổng hợp số điểm của tám thước đo vừa kể thì trong khối siêu cường, Hoa Kỳ đạt 82.2 điểm với xu hướng tăng lên, tăng 0.6 điểm so với năm ngoái, xếp vị trí thứ nhất, còn Trung Quốc đạt 74.6 điểm với xu hướng đi xuống, giảm 1.5 điểm, xếp thứ hai. Năm 2020, Hoa Kỳ đạt 81.6 điểm với xu hướng đi xuống, còn Trung Quốc đạt 76.1 điểm.
[Việt Nam nằm trong nhóm các nước bậc trung – middle powers – đạt 18.3 điểm với xu hướng đi xuống, xếp thứ 12/26; dưới Singapore 26.2 điểm, thứ tám; Indonesia 19.4 điểm, thứ chín; Thái Lan 19.2 điểm, thứ 10 và Malaysia 18.3 điểm, thứ 11 – tất cả đều trong xu hướng đi xuống.]
Tất nhiên Hoa Kỳ vẫn đang là siêu cường quốc đa diện hơn bất kỳ quốc gia nào khác và có ảnh hưởng đến toàn thế giới. Nhưng ở khu vực châu Á, Trung Quốc đang lăm le thay thế vị trí của Hoa Kỳ và có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn có thể làm được điều đó trong một tương lai không xa nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết linh hoạt và thay đổi chính sách thay vì hung hăng theo đuổi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán hiện nay.
Đánh giá của Viện Lowy cho rằng triển vọng tương lai của Hoa Kỳ sáng sủa hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Ở tiêu chí ảnh hưởng văn hóa và nguồn lực tương lai, Hoa Kỳ đạt 85 điểm, xu hướng đi lên trong khi Trung Quốc chỉ đạt 57.7 điểm và xu hướng đi xuống. Triển vọng đó có thành hiện thực hay không, Hoa Kỳ có duy trì được vai trò cường quốc số một ở Thái Bình Dương hay không còn tùy vào cách nước Mỹ sử dụng các lợi thế của mình trong những năm tháng sắp tới. Và nó cũng tùy thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu của Viện Lowy cho rằng, điểm số và vị thế của Hoa Kỳ được cải thiện trong bảng đánh giá năm nay là kết quả của nỗ lực phục hồi trong nội bộ của Hoa Kỳ và nỗ lực xây dựng các liên minh ở nước ngoài. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng thành công của chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước. Chính quyền mới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đối phó với COVID-19, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục nhanh hơn dự kiến.
Trong khi đó, Trung Quốc đang vướng vào một số khó khăn như dân số bị lão hóa nhanh làm cho lực lượng lao động bị giảm sút, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại và mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất cảng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Từ mức tăng 8% hàng năm một thập niên trước đây, Trung Quốc chỉ còn đạt 4% từ nay đến cuối thập niên; tuy rằng với tốc độ đó, GDP của Trung Quốc tính theo tỷ giá hối đoái thị trường vẫn sẽ vượt qua GDP của Hoa Kỳ vào năm 2030.
Mỹ lên nhờ đồng minh
Nhưng sức mạnh kinh tế mới chỉ là một nửa câu chuyện. Sức mạnh của Washington trên thế giới chủ yếu nhờ mạng lưới đồng minh và đối tác. Trong năm qua, ở khu vực châu Á, chính quyền Biden đã tăng cường các liên minh song phương lâu đời với Nhật Bản và Nam Hàn, làm mới các mối quan hệ quốc phòng với Philippines. Các quan hệ đối tác đa phương mới như Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản) và AUKUS (Mỹ, Úc và Vương quốc Anh) mang lại cho Washington khả năng duy trì cán cân quân sự có lợi cho mình bất chấp sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc có thể đang xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Nhưng chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng; Trung Quốc đã bắt đầu đe dọa Đài Loan, gây hấn với Ấn Độ và quyết liệt đòi tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Hành vi đó làm suy yếu khả năng Bắc Kinh thay thế Washington trở thành người bảo đảm an ninh khu vực.
Trong một câu chuyện cụ thể như vaccine ngừa COVID-19, Hoa Kỳ cũng vượt lên so với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh khởi sự “ngoại giao vaccine” rất sớm và sử dụng vaccine như một đòn bẩy chính trị để thu phục nhân tâm các nước Đông Nam Á, cho tới nay chính sách này hầu như không đem lại kết quả. Tính đến cuối Tháng Mười 2021, Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 90 triệu liều vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – nhiều gấp đôi so với Trung Quốc, và phẩm chất vaccine thì Trung Quốc không thể sánh được,
Kết quả chung cuộc là vị thế ngoại giao của Hoa Kỳ trong khu vực đã được cải thiện đáng kể. Tổng thống Biden được các chuyên gia khu vực đánh giá là nhà lãnh đạo Ấn Độ – Thái Bình Dương hiệu quả nhất, tăng mười bậc so với xếp hạng của Tổng thống Donald Trump vào năm ngoái 2020.
Uy tín của ông Biden cũng không bị giảm sút đáng kể do cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi Tháng Tám. Trên thực tế, nỗ lực chấm dứt cuộc chiến mãi mãi ở Afghanistan và củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của Úc qua liên minh AUKUS được nhiều thủ đô châu Á coi là dấu hiệu hữu hình cho thấy Hoa Kỳ đang tập trung vào khu vực này và chiến lược đoàn kết chống Trung Quốc của Washington là nghiêm túc.
Điểm yếu của Mỹ: quan hệ kinh tế
Nếu có một yếu tố đe dọa vị thế vững chắc của Hoa Kỳ ở châu Á thì đó là sự suy giảm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ. Sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực được xây dựng trên một nền tảng hẹp nhưng sâu rộng; đi trước Mỹ rất xa trong các mối quan hệ kinh tế khu vực. Khả năng của Trung Quốc tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế để gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn chính trị của các quốc gia khác ở châu Á là rõ ràng; cũng như các mối quan hệ đối tác quốc phòng là trụ cột cho sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của châu Á hiện lớn gấp ba lần quy mô thương mại giữa Hoa Kỳ và khu vực. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài chính tại nhiều quốc gia; bằng cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại.
Sự thiếu vắng một mạng lưới các mối quan hệ kinh tế ở khu vực châu Á là một điểm yếu kinh niên của Hoa Kỳ. Một trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia Thái Bình Dương năm 2016, nhằm khắc phục điểm yếu này và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của mô hình nhà nước-tư bản của Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP vào năm 2018, từ đó Hoa Kỳ không có “chân đứng” nào nữa trong kinh tế khu vực và phải hành xử theo những luật lệ mà nước khác đặt ra.
Trong khi đó Trung Quốc nỗ lực tối đa để tham gia vào môi trường thương mại khu vực dựa trên luật lệ. Bắc Kinh đã đi đầu trong cuộc đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022. RCEP, không giống như TPP, có ít cam kết về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nó sẽ mang lại nhiều thương mại, đầu tư và tích hợp chuỗi cung ứng hơn cho 15 đối tác châu Á – đầu tiên trong số đó là Trung Quốc. Mới đây Trung Quốc cũng đã nộp hồ sơ xin gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CT-TPP), hậu thân của Hiệp định TPP mà Hoa Kỳ đã rút đi.
Không có một chỗ đứng trong các hiệp định kinh tế khu vực, vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ bị đe dọa trong tương lai và chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không thể thực thi được vì suy cho cùng, cuối cùng mối quan tâm nhất của các nước vẫn là phát triển kinh tế. Nhưng tình trạng phân liệt về chính trị ở Hoa Kỳ, cùng với tâm lý phản đối toàn cầu hóa kinh tế của người dân Mỹ sẽ khiến cho chính quyền Biden không thể tính tới chuyện quay lại hiệp định TPP. Trung Quốc tất nhiên sẽ nỗ lực lợi dụng khoảng trống về quyền lực kinh tế đang hiện hữu.
Và các nước châu Á sẽ không thể chờ để được kết nối làm ăn với Mỹ. “Có thể rủi ro lớn nhất đối với sức mạnh của Mỹ ở châu Á không nằm ở Bắc Kinh mà ở Washington”, Foreign Affairs nhận định.
Đọc thêm: