Hài đồng tính: Bất nhã và kỳ thị

Diễn viên Hoài Linh thường đóng vai giả gái trên sân khấu. Ảnh: Vietnamnet

Một trong những màn hài hước ăn khách nhất trên sân khấu là hành động bắt chước thô thiển những sinh hoạt của người đồng tính, đặc biệt là gay (bóng) trên các sân khấu hài mà Thúy Nga Paris có lẽ là tiên phong trong thể loại kịch bản này.

Nhân vật “bóng nam” thường có những cử chỉ khác với người thường mà mỗi lần anh ta nói, cười, đi đứng hay diễn tả sự việc đều có khả năng gây cười từ khán giả. Nếu chỉ là một thoáng bắt chước cho vui thì có lẽ không thành vấn đề lắm đối với nhiều người, nhưng hành vi gây cười thô thiển ấy được lập đi lập lại xuyên suốt vở hài kịch thì thật là thảm họa. Nó khiến người tự trọng phải xấu hổ khi xem mặc dù đa số khán giả trong rạp cứ thi nhau cười tán thưởng.

Chỉ cần một giây thôi, khán giả có lòng tự trọng sẽ cảm thấy bị xúc phạm, nói chi tới cộng đồng người đồng tính. Hãy tưởng tượng khi ai đó đem chuyện đầu hói ra làm trò cười trên sân khấu, thì người hói đầu ngồi bên dưới có nghĩ tới chính mình hay không. Người cà lăm, người nói ngọng, người tật nguyền… mỗi một cử chỉ bắt chước nhằm gây cười có chủ đích đều được xem là kỳ thị và chúng ta chưa quen với văn hóa này: Lập đi lập lại những khó khăn của người tàn tật nhằm chế giễu, cười cợt là hành vi kỳ thị.

Trong lễ trao giải Oscar năm 2022 cái tát nảy lửa của tài tử Will Smith dành cho người dẫn chương trình Chris Rock là một cảnh báo cho việc kỳ thị ngoại hình (body shaming). Nguyên nhân là Chris Rock đem hình ảnh đầu trọc vì hội chứng tóc rụng từng mảng của vợ Will Smith ra đùa cợt để tạo sự hài hước cho buổi lễ.

Mặc dù sau đó cả hai người đều làm hòa với nhau, nhưng bài học hài hước quá lố này, đã khiến cho những tay tấu hài của Mỹ tự điều chỉnh lấy chính mình, trước khi ăn một cái tát tai từ nạn nhân, mà họ đem ra làm chủ đề cho một cuộc tấu hài hay một đoạn trong kịch bản.

Tại Việt Nam cũng thế, mặc dù người bị chế nhạo là một nhân vật hư cấu nhưng hành vi diễn hài quá lố đến trơ trẽn đã bị dư luận lên tiếng chống đối một cách bất thường. Trong Táo Quân 2018, vai diễn của Công Lý trong vai Bắc Đẩu đã ăn vận như một người nữ không ra nữ, nam không ra nam và ngôn ngữ gây cười như: “Trông như con cave già chuyển giới hỏng” hay “nam không ra nam nữ không ra nữ”, “Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, “bọn phụ nữ một nửa”…

Diễn viên Công Lý trong các vở hài kịch Táo Quân. Ảnh: VOV

Giọng điệu trơ trẽn gây cười thường thấy này bị khán giả phản đối và đây có lẽ là phản ứng có tính tập thể đầu tiên của người Việt đối với việc dùng hình ảnh giới tính gây cười trên sân khấu mà chúng ta thường thấy hàng ngày.

Không ít lần Hoài Linh, Hoài Tâm, Chí Tài, Quang Minh… những “cây cười” hải ngoại dùng hình ảnh của giới gay (bóng nam) lên sân khấu để chọc léc khán giả, trong khi chính họ không biết việc miệt thị ngoại hình (body shaming) của người đồng giới là tội ác. Những hành động tưởng chừng vui và vô hại, nhưng lại thành vô duyên và ảnh hưởng tiêu cực đến người bị trêu chọc.

Việc tạo tiếng cười bằng cách xoáy vào ngoại hình, bệnh tật, thói quen của người đồng tính là điều vô cùng tàn nhẫn, không thể thông cảm mà cần phải lên án. Lúc nào cũng gây tổn thương nhiều hơn là chọc cười. Ranh giới giữa “hài hước” và “thô thiển”, “trơ trẽn” giữa các câu chọc cười rất mong manh, nhưng tiếc thay khán giả Việt Nam quá dễ tính, họ không tẩy chay những trích đoạn quá lố làm cho giới đồng tính đau đớn. Thay vào đó là tiếng cười vô tư của họ vô tình gây tổn thương thêm những người vốn rất nhạy cảm với tình trạng giới tính của mình.

Theo Psychology Today, những hành vi ấy, không những gây cười làm cho nạn nhân bị tổn thương tâm lý, nó còn làm cho họ tự ghê sợ sự đồng tính của chính mình với nỗi ác cảm, sợ hãi, xấu hổ và lo lắng với cảm giác đồng tính trong bản thân vì định kiến xã hội. Cảm giác này gây cho họ sự băn khoăn nặng nề hoặc không chấp nhận xu hướng tính dục của chính bản thân.

Xu hướng nhìn nhận người đồng tính ngày càng lan rộng trên khắp thế giới. LGBT là một từ viết tắt từ chữ đầu, thay thế cho cho Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới). Có lần trong năm 2022 Nhà Trắng đã treo cả cờ LBGT trong dịp kỷ niệm tập thể này, và trong xu hướng chung của thế giới người đồng tính được tôn trọng và công nhận không còn là phạm vi xa lánh hay kì thị nữa.

Khán giả Việt Nam khi nào tự đào thải được tư tưởng kỳ thị với người đồng tính thì lúc ấy những hành vi gây cười thô thiển đối với họ sẽ tự nhiên biến mất. Trước khi việc ấy xảy ra, hãy tắt TV chuyển đài khi thấy những khuôn mặt trơ trẽn sắp diễn trò “bóng lộ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: