Lịch sử không thể bị chà đạp, thưa ngài giáo sư

Viet Thanh Nguyen (ảnh: Hans Gutknecht/MediaNews Group/Los Angeles Daily News via Getty Images)

Nguyễn Thanh Việt, người từng đoạt giải Pulitzer vừa cho VOA biết tổ chức Do Thái 92NY ở thành phố New York đã hủy buổi đọc sách mà ông dự kiến tham dự tại sự kiện Christopher Lightfoot Walker Reading Series của trung tâm văn học 92nd Street Y ở Manhattan sau khi ông ký bức thư ngỏ lên án “bạo lực bừa bãi” của Israel nhắm vào người Palestine ở Gaza.

Lần vào trang nhà của VOA thì bài viết vẫn còn đấy và hơn thế, mở ra cho người quan tâm về vấn đề này nhiều chuyện thú vị lẫn phiền lòng khác khi tìm hiểu thêm về một người Việt Nam thành đạt trong lĩnh vực văn chương sách vở.

“Trong một phát biểu với Reuters, người phát ngôn của 92NY xác nhận họ đã hoãn sự kiện này, dẫn ra lập trường của ông Việt đối với Israel cũng như vụ tấn công ngày 7 tháng 10 của các chiến binh thuộc nhóm chủ chiến Hồi giáo người Palestine Hamas và việc tiếp tục cầm giữ các con tin, điều mà họ nói “đã khiến cộng đồng vô cùng đau đớn.”

Trong một bài đăng trên Instagram trước đó, ông Việt cho biết ông đã ký bức thư ngỏ cùng với các tác giả khác để phản đối chính sách của Israel mà ông nói đưa tới hệ quả là cái chết không tránh khỏi của thường dân: “Điều đó sai trái và phải dừng lại,” đồng thời nói ông vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ phong trào Tẩy chay, Thoái vốn, Chế tài (BDS) nhằm kêu gọi gây áp lực kinh tế lên Israel để chấm dứt việc chiếm đóng đất của người Palestine.”

Thật ra ông Nguyễn Thanh Việt hay bất cứ ai đều có quyền biểu đạt ý kiến cá nhân bất kể ông Việt có là người nhận giải Pulitzer hay không, ngay cả quyền biểu đạt ấy có thể gây hại hay tổn thương tâm lý cho cái bên mà ông ấy phản đối. Mặc dù vấn đề Israel và Palestine không phải là mới vì ít nhất ba phần tư thế giới phân cực về vấn đề này rồi thì một ý kiến nữa của ông Việt sẽ không làm cho Dải Gaza hòa bình hơn hay chiến tranh hơn.

Tuy nhiên cái mà ông Việt cũng từng biểu đạt khác là nhận định về “Tháng Tư đen” qua cuộc phỏng vấn video mà VOA thực hiện kèm bên dưới bài báo của VOA mới thành vấn đề, vấn đề lệch lạc nhận thức và thiếu khách quan của một người nổi tiếng, với việc áp đặt, bôi xóa lịch sử, và tỏ ra kẻ cả nhằm góp phần xoa dịu vết thương của hàng triệu người bỏ nước ra đi vì Tháng Tư đen. Ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng những người này phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ.

Video này không thể làm giả hay “biên tập” vì VOA là một cơ quan truyền thông lớn, mặc dù ông Việt trả lời bằng tiếng Anh nhưng VOA đã dịch sang tiếng Việt bên dưới lời phát biểu của ông nên người xem hoàn toàn yên tâm vì tính trung thực của nó. Ông Việt nói:

“Những người Mỹ gốc Việt đang tưởng nhớ về những mất mát, những sự ngược đãi mà họ phải gánh chịu nhưng chính bản thân họ cũng ‘quên mất’ những điều mà họ đã gây ra cho người khác và tôi nghĩ rằng chính những người Mỹ gốc Việt đó, những người sống trong tại miền Nam Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề và những hành động của mình tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ. Vậy nên, điều quan trọng ở đây là khi chúng ta ghi nhớ những điều mà ‘phía bên kia’ gây cho mình thì cũng đừng quên những thứ mình gây ra cho với họ.”

Mới nghe, giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai thứ ba trên đất Mỹ có thể sẽ không chú ý vì việc này là trách nhiệm của cha ông họ, nhưng chúng tôi, những người thuộc thế hệ có thể là cha chú của ông Việt thực sự thảng thốt và nỗi tức giận càng lúc càng lớn hơn khi suy nghĩ từng lời ăn tiếng nói của một thế hệ thành tựu vượt bậc trong dòng chính điển hình là giải thưởng danh giá Pulitzer qua tác phẩm mà ông ấy viết về Việt Nam – The Sympathizer. Chúng tôi không thể tin một người như ông Việt lại có một quan điểm đi ngược lại với lương tâm hàng triệu người trong đó có thể bao gồm gia đình ông.

Trong phát biểu về Tháng Tư Đen, ông Việt đã sai lầm nghiêm trọng khi nhìn người Việt hải ngoại qua lăng kính của một kẻ bẻ cong lịch sử để áp đặt cách hành xử mà ông nghĩ là “hòa giải” theo cung cách của các sử gia khuynh tả đầy dẫy trên kệ sách của nhiều viện đại học Mỹ: Phía VNCH và Mỹ là nguyên nhân gây ra tang thương cho đất nước Việt Nam trong khi đó miền Bắc Việt Nam chỉ chiến đấu giành độc lập.

Ông sang Mỹ vào năm 1975 khi mới bốn tuổi. Đó cũng là năm mà người Việt hải ngoại gọi là Tháng Tư Đen. Gọi như thế để ghi nhớ những gì mà chế độ Hà Nội đã làm cho họ phải bỏ nước ra đi. Bây giờ từng phần một, xin gỡ cái bùi nhùi mà ông cố tình nhét vào đầu của những đứa trẻ tại hải ngoại. Ông nói: Những người Mỹ gốc Việt đang tưởng nhớ về những mất mát, những sự ngược đãi mà họ phải gánh chịu nhưng chính bản thân họ cũng “quên mất” những điều mà họ đã gây ra cho người khác.

Chúng tôi hiểu ông đang cố chứng minh rằng những người hiện sống ở Mỹ ngày hôm nay đều xuất thân từ chế độ cũ, tức VNCH, những người này cũng từng tra tấn, ngược đãi, bỏ tù và thậm chí giết chóc người miền Bắc. Những người này tổ chức Tháng Tư Đen và quên mất những gì họ từng làm.

Xin giải thích cho ông cái sai mà ông cố tình bước lên khi chính ông là một giảng sư cho sinh viên tại một đại học của Mỹ trong ngành văn học. Ông kiến giải vấn đề một cách sai trái vì câu chuyện “Tháng Tư Đen” xảy ra không ai trong những người trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Bắc Việt có mặt tại Mỹ, lúc đó họ đang nằm trong trại cải tạo suốt cả dải đất Việt Nam từ Nam chí Bắc.

Tháng Tư Đen mô tả lại một cuộc tị nạn có một không hai trong lịch sử nhân loại khi mà hàng triệu người ồ ạt trốn chạy cộng sản vì nhiều nguyên do. Tốp đầu tiên là gia đình các sĩ quan quân đội cũ, kéo theo dân chúng lên những chuyến tàu ra khơi vì sợ trả thù, nhưng con số đó không nhiều cho tới khi quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, lúc ấy mới bắt đầu những trang giấy đẫm máu và nước mắt được mang tên Tháng Tư Đen.

Bắt đầu là đánh tư sản mại bản. Hàng trăm ngàn người có chút ít tài sản bị đuổi ra khỏi nhà sống đời lang bạt. Họ bị đẩy lên vùng đất được gọi là “kinh tế mới”, nơi có thể so sánh với rừng thiêng nước độc để sống đời tù ải. Tiếp theo đó là “nạn kiều” tức là những người Hoa sống tại Việt Nam hàng trăm năm, họ bị nhìn như những tên gián điệp và cái giá họ phải trả là bị đuổi ra khỏi đất nước bằng tám cây vàng một người.

Tiếp theo sau là hàng triệu người Việt, trong đó có gia đình của tù nhân cải tạo, không sống nổi dưới chế độ hà khắc qua cách đối xử bất công với dân chúng, những người ra đi tìm tự do cho bản thân và gia đình họ bất kể họ có chính kiến hay không nhưng trong tư tưởng của họ chắc chắn là có: Họ chọn lựa tự do thay vì bị áp bức.

Hàng triệu người này có gì phải “quên mất”? Thay vào đó, họ không thể “quên” mới đúng! Họ là dân chúng, là những người không một tấc sắt trong tay, họ chỉ có đôi chân và ý chí vậy thì họ đã từng làm gì sai trái với đồng bào họ khiến ông phải chỉ tay vào họ mà lên giọng đạo đức?

Ông còn quá nhỏ khi Tháng Tư Đen xảy ra nên không chia sẻ được nỗi đau của người ở lại. Nhưng thay vì nhìn vấn đề tỉnh táo và tích cực hơn ông chuyển hành vi mà ông tưởng tượng về phía nạn nhân, những người bỏ nước ra đi vì cái Tháng Tư đen tối. Chính cái Tháng Tư này là nguồn hứng khởi cho ông viết tác phẩm The Sympathizer dựa trên một chút lịch sử về ngày hàng triệu người bỏ nước ra đi.

Là một trí thức khi nói về một vấn đề lịch sử, ông phải nghiên cứu mọi ngóc ngách của nó trước khi quyết định lập ngôn. Ông đã để thiên kiến của mình đi quá xa trong nhận thức và hành xử. Việc ông đề nghị người Việt hải ngoại đừng quên những gì họ chưa hề làm không khác nào ông đặt bút ký chống lại cộng đồng Do Thái sau khi họ bị tàn sát bởi những thành phần Hamas cực đoan hiếu sát. Người Do Thái bị giết dã man thì họ có quyền làm bất cứ thứ gì để trả thù. Họ chịu mọi trách nhiệm qua hành vi trả thù của họ, chưa tới lượt ông hô hào hãy quên đi sự đổ máu mới hôm qua mà thiết lập nền hòa bình cho Palestine ngày mai.

Loại ngôn ngữ này – chúng tôi, những nạn nhân Tháng Tư Đen – đã gặp quá nhiều qua các tài liệu lịch sử bị bôi xóa sự thật. Chúng tôi từng sung sướng khi nghe tin ông đoạt Pulitzer bao nhiêu thì giờ đây cũng đau đớn bấy nhiêu khi nghe ông bảo chúng tôi đừng “quên mất” những gì chúng tôi chưa từng làm.

____________

Một sự kiện văn hóa bị hủy vì sự lên án Israel của Nguyễn Thanh Việt

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: