Mỹ-Trung sắp đánh nhau ngoài Biển Đông?

Xung đột leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm nhiều nhà phân tích lo ngại một cuộc đụng độ quân sự ở khu vực Châu Á. Chiến tranh có nổ ra không? Ai sẽ nổ súng trước?

Báo South China Morning Post số ra ngày 4 Tháng Tám đăng một bài giật gân dưới tiêu đề: “Liệu ông Donald Trump có gây chiến với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough để giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử?” (Could Donald Trump start war with China over Scarborough Shoal to win re-election?). Bài báo dẫn lời Tướng Hải Quân Trung Quốc hồi hưu Wang Yunfei (Vương Vân Phi) cho rằng, do tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một sắp tới đang xuống thấp nên có thể ông Trump sẽ khởi động một vụ xung đột quân sự “có kiểm soát” ở Biển Nam Trung Hoa để thúc đẩy uy tín. Ông Wang nhận định, rất có thể mục tiêu mà Mỹ nhắm tấn công là bãi cạn Scarborough Shoal trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát.

Bãi cạn Scarborough Shoal không thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo lớn Luzon của Phi chỉ 120 dặm biển, từng được quân đội Mỹ sử dụng làm nơi tập bắn (shooting range), nhưng cách đây mấy năm bị Trung Quốc đưa tàu Hải Cảnh đến chiếm và xua đuổi ngư dân Phi. Mới đây, Philippines và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tạm thời, cho phép ngư dân hai nước cùng đánh cá tại khu vực song quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough Shoal vẫn nằm trong tay Trung Quốc. Không giống các đảo đá mà Trung Quốc chiếm và bồi đắp thành căn cứ quân sự ở Trường Sa, bãi cạn Scarborough Shoal không có các công trình xây dựng, không có binh sĩ đồn trú.

Tướng Wang nhận định một cuộc tấn công chớp nhoáng của Hải Quân Mỹ vào các đội tàu Hải Cảnh của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough Shoal giúp ông Trump tăng uy thế trong cử tri Mỹ như là một nhà lãnh đạo cứng rắn, sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc; một vụ tấn công như vậy lại không gây thiệt hại nhiều nhân mạng đến mức leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước.

“Một hậu quả có thời không tưởng tượng được – xung đột vũ trang thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc – bây giờ trở nên có thể xảy ra lần đầu tiên kể từ cuộc Chiến Tranh Triều Tiên. Nói cách khác, chúng ta đang đối mặt với triển vọng không chỉ một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, mà còn là một cuộc chiến tranh nóng,”

KEVIN RUDD, cựu thủ tướng Úc

Không phán đoán một cách dễ dãi như Tướng Wang Yunfei, bài bình luận nổi bật trên The Foreign Affairs ngày 3 Tháng Tám (“Beware the Guns of August – in Asia”) cảnh báo nguy cơ một cuộc đụng độ giữa hai cường quốc trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020 mà Biển Đông là chiến trường chính.

Tác giả của bài, ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc và hiện là chủ tịch Viện Chính Sách của Asia Society tại New York, khá bi quan trước tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. “Một hậu quả có thời không tưởng tượng được – xung đột vũ trang thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc – bây giờ trở nên có thể xảy ra lần đầu tiên kể từ cuộc Chiến Tranh Triều Tiên. Nói cách khác, chúng ta đang đối mặt với triển vọng không chỉ một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, mà còn là một cuộc chiến tranh nóng,” ông Rudd viết.

Ông Rudd – một chính trị gia Úc thông thạo tiếng Quan Thoại (Mandarin) Trung Quốc – cho rằng rủi ro đụng độ đặc biệt cao trong vài tháng tới vì cả Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đang phải đương đầu, hoặc lợi dụng, tình trạng rối ren và căng thẳng ở trong nước. Ở Mỹ đó là cuộc bầu cử Tháng Mười Một với thành tích tệ hại của ông Trump trong việc xử lý đại dịch COVID-19 và nền kinh tế u ám; ở Trung Quốc đó là hội nghị Bắc Đới Hà (Beidaihe) sắp diễn ra và “chiến dịch chỉnh huấn trong đảng” mà ông Tập phát động hồi Tháng Bảy để gạt bỏ thành phần đối lập bất mãn trong đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một hỗn hợp những yếu tố: ông Trump yếu thế và ông Tập bị áp lực là một thùng thuốc súng chỉ chực nổ tung, theo ông Rudd.

Nhưng tại sao là Biển Đông? Ông Rudd phân tích tình hình Hồng Kông và sự cáo chung của “một quốc gia, hai chế độ,” tình hình Đài Loan với cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ý đồ chiến lược của cả Đài Bắc, Washington và Bắc Kinh… để đi đến kết luận rằng, hai nơi này chưa thể là chiến trường cho cuộc xung đột quân sự Mỹ và Trung Quốc.

Với Hồng Kông, ông Rudd cho rằng trong việc phản kháng Trung Quốc, Mỹ có rất ít lựa chọn mà trách nhiệm chính thuộc về Anh Quốc. Với Đài Loan, cho dù Trung Quốc có khả năng giành chiến thắng nếu dùng vũ lực quân sự để sáp nhập đảo quốc này, song Bắc Kinh chưa dám động thủ vì cái giá phải trả là vô cùng đắt, vấn đề thu phục Đài Loan sẽ được Trung Quốc trì hoãn lại, ít nhất là đến cuối thập niên 2020, ông Rudd nhận định.

Chỉ khu vực Biển Đông mà thế giới gọi là Biển Nam Trung Hoa mới thật sự là điểm nóng xung đột sau khi Trung Quốc hoàn thành công cuộc bồi đắp và xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa từ năm 2013-2015 và Hoa Kỳ phản ứng bằng việc gia tăng các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải từ 2015 đến nay, tăng cường tập trận hải quân trong khu vực, hoặc đơn phương hoặc phối hợp với các đồng minh Nhật Bản và Úc.

Trung Quốc đã từng lừa được chính phủ Barack Obama để quân sự hóa các đảo ở Trường Sa và họ không mấy lo ngại trước việc gia tăng hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ. Nhưng với tuyên bố lập trường ngày 13 Tháng Bảy của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Bắc Kinh bắt đầu thấy chột dạ. Tuyên bố của Mỹ một mặt bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “bất hợp pháp,” một mặt cho thấy Mỹ thay đổi quan điểm, đứng về phía các nước nhỏ đang tranh chấp với Trung Quốc, và quan trọng hơn, kích thích các nước nhỏ lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của họ, hình thành một liên minh không chính thức kháng cự lại các yêu sách của Bắc Kinh. Nếu không muốn tỏ ra “yếu thế” trước dân chúng trong nước và các nước láng giềng, chắc chắn Trung Quốc sẽ hành động.

Lấy nhan đề cuốn sách “The Guns of August” của nhà sử học Barbara W. Tuchman – phân tích những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Nhất hồi Tháng Tám, 1914, trong đó cuộc tranh giành ảnh hưởng rất quyết liệt giữa hai cường quốc Anh và Đức bùng lên rồi lôi kéo cả châu Âu vào lò lửa chỉ từ một sự kiện tương đối nhỏ là vụ ám sát Đại Công Tước Franz Ferdinand của Áo – làm nhan đề cho bài bình luận của mình, tác giả Kevin Rudd cho rằng, một vụ va chạm nhỏ giữa hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông hoàn toàn có thể là ngòi nổ để kích hoạt một cuộc “chiến tranh nóng.”

Ở Biển Đông hiện nay ngoài những yêu sách đối nghịch nhau giữa các nước liên quan và Trung Quốc, người ta thấy có sự bố trí dày đặc các căn cứ quân sự, tàu chiến, phi cơ, hỏa tiễn các loại… trong tư thế canh chừng nhau, sẵn sàng trút hỏa lực vào nhau khi có lệnh. Khi các bên liên tục leo thang căng thẳng, ngoại giao bế tắc và chủ nghĩa dân tộc sôi sục trong dân chúng các nước thì tình huống giống như năm 1914 ở bán đảo Balkan lại hiện ra ở Biển Đông; chiến tranh là điều hoàn toàn có thể chỉ cần một va chạm nhỏ dù vô tình hay cố ý làm mồi lửa.

Ông Rudd không nói tới, song chúng tôi cho rằng, hiện chính phủ Mỹ không có ý định gây chiến ở Biển Đông và trái với nhận định của Tướng Trung Quốc Wang Yunfei, một vụ đụng độ quân sự với Trung Quốc không giúp gì cho triển vọng tái đắc cử của ông Trump. Người Mỹ đã quá mỏi mệt với những cuộc chiến tranh liên miên hao tiền tốn của trên khắp thế giới, ước vọng của người dân Mỹ là bình an để tiêu diệt con virus Corona quái ác, gầy dựng lại nền kinh tế bị trì trệ vì đại dịch và đoàn kết một xã hội đang bị chia rẽ trầm trọng. Nhưng Trung Quốc thì khác, bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông là tham vọng ngàn đời nay của họ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc – mà ông Rudd gọi là “những kẻ mộng du” (sleepwalkers) – nghĩ rằng, với con virus Vũ Hán hoành hành khắp thế giới, với một quân đội đã được canh tân bằng rất nhiều tiền của, họ đã có cơ hội thực hiện tham vọng đó; bây giờ hoặc sẽ không còn cơ hội nữa.

Nếu một vụ đụng độ quân sự bùng ra trên Biển Đông, rất có thể bên nổ súng trước là quân đội Trung Quốc. Tất nhiên họ sẽ viện ra một cái cớ gì đó để che giấu trách nhiệm, hoặc sẽ cố không để cho xung đột lan rộng thành chiến tranh tổng lực nhưng tấn công chớp nhoáng vào chiến hạm Mỹ đang thực hành quyền tự do hàng hải, vào lực lượng thực thi pháp luật của các nước ven biển là chuyện có thể Bắc Kinh đang cân nhắc. “Tiên hạ thủ vi cường,” thủy tổ môn binh pháp của họ là Tôn Tử đã dạy như vậy và Trung Quốc chắn sẽ chọn thời điểm thích hợp để hạ thủ trước.

Vấn đề là thế giới có bị mắc mưu, bị rơi vào bẫy của Trung Quốc trong vòng ba tháng tới hay không, hãy chờ xem.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: