Từ các tội ác thù hận, bạo lực đến làn sóng phân biệt chủng tộc với nhiều hành vi khủng khiếp gây ra cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, làm thế nào để chữa lành vết thương này? Có cách nào hòa giải được không? Khúc mắc trở nên cấp bách hơn, khi số lượng tội phạm do thù hận tiếp tục gia tăng trên toàn quốc, nhắm vào các cộng đồng thiểu số.
Từ vụ sát hại dã man Vincent Chin vào năm 1982 đến cuộc đàn áp chính trị đối với những người bất đồng chính kiến ở Argentina và phong trào đòi bồi thường thiệt hại cho người Mỹ da đen, các diễn giả thảo luận về hành trình chữa lành vết thương của những người từng là nạn nhân. Mặc dù đến từ các nguồn gốc chủng tộc, dân tộc và địa lý rất khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý rằng bước quan trọng trong quy trình thay đổi này, là ghi lại sự căm ghét trong tất cả các biểu hiện của nó, và xác thực chấn thương của những người bị ảnh hưởng.
Đó là lý do Cơ quan Dịch vụ Truyền thông thiểu số (Ethnic Media Services-EMS) tổ chức buổi hội thảo qua Zoom hồi tuần qua, để trao đổi và làm rõ vấn đề đang gây nhức nhối này. Các diễn giả tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và thảo luận về hoạt động của họ, liên quan đến nạn thù ghét, trong quá khứ cũng như hiện tại. Ông Julian Đỗ, đồng giám đốc EMS, chủ trì buổi hội thảo.
Tham dự buổi hội thảo có gần 100 ký giả từ các nơi, và các diễn giả: Bà Helen Zia, tác giả và sáng lập viên Viện Vincent Chin, ông Nestor Fantini, thuộc Nhà xuất bản và Nhà xã hội học, cựu tù nhân chính trị ở Argentina, và ông James Taylor – Giáo sư Lịch sử Người Mỹ gốc Phi, USF San Francisco.
Cách đây đúng 41 năm, vào ngày 23 Tháng Sáu 1982, Vincent Chin – người Mỹ gốc Hoa, 27 tuổi, bị hai người đàn ông da trắng dùng gậy bóng chày đánh chết vì nhầm anh là người Nhật. Đó là vào thời điểm các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản bắt đầu xâm nhập thị trường Mỹ. Chin qua đời tại bệnh viện Henry Ford thuộc thành phố Detroit, tiểu bang Michigan. Cái chết của anh là trọng điểm của các cuộc biểu tình mở rộng tranh đấu cho dân quyền cho người gốc Á Châu.
Nhà báo kỳ cựu và nhà tổ chức cộng đồng Helen Zia, nói tại buổi hội thảo: “Chúng ta phải nhắc lại câu chuyện đau lòng này và tiếp cận càng nhiều cộng đồng càng tốt, bởi vì đó là nơi có thể chữa lành những vết thương và điều đó cũng có nghĩa là trao quyền.”
Zia, người có thời gian làm công nhân xe hơi vào những năm 1980, nói rằng việc hai kẻ giết chết Chin không bị ngồi tù ngày nào, gây ra cảm giác bất bình đẳng và bất công lớn, đánh dấu sự ra đời của một “phong trào dân quyền mới” trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, đồng thời bà lưu ý rằng nhiều người Mỹ gốc Á bắt đầu có mối liên hệ với trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi và các cộng đồng da màu khác.
Theo bà, điều tạo nên sự khác biệt là cộng đồng phải cùng nhau nói với thế giới rằng điều rất khủng khiếp này xảy ra với người Mỹ gốc Á, chứ không phải chỉ với người Hoa. Ngày nay, các nhóm như Stop AAPI Hate đã tiếp nhận nguyên nhân đó, tổng hợp mức tăng đột biến đáng báo động về các vụ thù hận nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Trong hai năm đầu tiên tồn tại, Stop AAPI Hate đã ghi lại gần 11,500 vụ như vậy.
Đối với các nạn nhân và gia đình của họ, chấn thương do các cuộc tấn công này gây ra thường để lại những vết thương rất khó chữa lành, nhưng theo kinh nghiệm của Zia, một khi các cộng đồng khác nhau tập hợp lại để tố cáo sự căm ghét, thì mọi thứ bắt đầu thay đổi, và sự thay đổi đó sẽ là “liều thuốc chữa lành”, không chỉ người Mỹ gốc Á mà cả cộng đồng thiểu số da màu khác.
Tuy nhiên, Helen Zia nhấn mạnh: “Chừng nào vẫn còn dư luận nói rằng người Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu đối với nước Mỹ, thì những loại bạo lực này sẽ tiếp tục. Năm 1982, sự căm ghét này không nhắm vào Trung Quốc mà là Nhật Bản và dẫn đến cái chết thê thảm của Chin ở Detroit, gây đau buồn cho tất cả người Á châu, mà nạn nhân không được bồi thường.”
Giáo sư James Taylor giải thích một số điểm bị hiểu lầm về bồi thường và nói đó là chìa khóa để chữa lành vết thương cho người Mỹ da đen. Ông cho rằng bồi thường là kết quả tự nhiên của các nỗ lực công bằng xã hội, của người Da đen, từ hơn một thế kỷ trước. Cộng đồng Nhật Bản là những người ủng hộ việc bồi thường đầu tiên, ngoài cộng đồng Da đen ở San Francisco, cùng với cộng đồng Do Thái.
“Công việc của chúng tôi về bồi thường đã truyền cảm hứng cho thế giới,” ông nói. “Có 14 quốc gia và bảy tiểu bang hiện đang nói về việc bồi thường và các thành phố trên khắp đất nước. Mọi người sẽ thúc đẩy điều này như một cách chữa lành vết thương gãy xương trong cộng đồng Da đen.
Theo James Taylor, hiện có 14 quốc gia và bảy tiểu bang nói về việc bồi thường. New York, Boston, Detroit, Oakland, San Francisco, St. Paul, Detroit, Amherst và Evanston, Illinois đã tạo quỹ hoặc thành lập các lực lượng đặc nhiệm bồi thường. Ông nói, các quyền công dân, hành động khẳng định, phúc lợi là những nỗ lực từng phần chưa khắc phục được sự chênh lệch tổng thể về kinh tế cơ bản của người Mỹ gốc Phi, đồng thời lưu ý rằng cộng đồng người Mỹ gốc Nhật và người Do Thái ở San Francisco là một trong những cộng đồng ủng hộ bồi thường hàng đầu.
California trở thành tiểu bang đầu tiên trong cả nước thành lập lực lượng đặc nhiệm toàn tiểu bang vào năm 2020. New York và năm tiểu bang khác cũng đang xem xét các chương trình bồi thường.
Julian Đỗ là người tị nạn Việt Nam, nói: “Có một tỷ lệ rất lớn những người di tản đến Mỹ do chiến tranh, xung đột và nạn diệt chủng xảy ra ở quê hương của họ. Đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng người nhập cư từng trải qua chiến tranh và tù đày, vẫn đang sống với chấn thương tâm lý này, thậm chí kéo dài hàng chục năm sau.”
Diễn giả Nestor Fantini kể, năm 1976, khi ông đang là sinh viên tại Đại học University of Córdoba, quân đội Argentina tổ chức một cuộc đảo chính. Fantini bị bắt và bị tra tấn và bị ở tù bốn năm trong “Cuộc chiến bẩn thỉu” của Argentina từ năm 1976-1983. Những người bị đưa đến hơn 360 trại tập trung và bị tra tấn một cách có hệ thống, khoảng 30,000 người biến mất. “Ý tôi là họ đã bị xử tử. Các tù nhân bị kéo lê và ném từ máy bay xuống Đại Tây Dương,” Fantini nói. “Cuối cùng, hơn 900 thành viên của chính quyền bị xét xử và kết án, trong đó có 26 sĩ quan quân đội bị kết tội ác chống lại loài người.”
Fantini cho rằng, những kẻ phạm tội cần phải thừa nhận tác hại mà mình đã gây ra và nên bồi thường vật chất cũng như các khoản bồi thường cho nạn nhân, dù là tượng trưng.
Nestor Fantini nói về các yếu tố của hòa giải, phải bao gồm những gì liên quan đến tôn trọng quyền con người và đền bù cho những tổn hại đã gây ra. “Tôi cực kỳ ủng hộ hòa giải… và cả phục hồi công lý. Bởi vì đó là sự thay thế nhân đạo cho một hệ thống tư pháp hình sự rối loạn chức năng, bao gồm cả ở đây tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không có cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả. Điều quan trọng là phải tránh xa ý tưởng trả thù… chứ không phải ký ức về những chuyện đau thương đó. Điều rất quan trọng là có thể vượt qua sự ghét bỏ… để nói về những gì xảy ra và ghi lại càng nhiều tài liệu càng tốt,” ông nói.
Nhưng những người ủng hộ nói rằng ghi lại sự ghét bỏ ảnh hưởng đến các cộng đồng đa dạng, là bước đầu tiên quan trọng. Như lời Zia: “Người ta nói thời gian chữa lành mọi vết thương. Nhưng với nạn nhân của sự thù ghét, thời gian là không đủ chữa lành vết thương tâm lý. Phải có hành động, phải tìm hiểu để biết về quá khứ, và cố gắng thay đổi để không bị lặp lại trong tương lai.”