NATO sang Thái Bình Dương – cơn ác mộng của Trung Quốc

Câu chuyện thứ Năm
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Tổng thống Ukraine V. Zelensky (phải) nghe phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đĩnh NATO ở Vilnius hôm 12 tháng Bảy. Ông Kishida đã hoan nghênh việc NATO mở rộng về phương Đông và tuyên bố ủng hộ cuộc chiến tự vệ của Ukraine. Ảnh Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
NATO sang Thái Bình Dương – cơn ác mộng của Trung Quốc
Loading
/

Hôm thứ Tư 12 tháng Bảy, Trung Quốc lên tiếng quan ngại về “sự mở rộng” về phương Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) vào lúc liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đang kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày 11 và 12 tháng Bảy 2023 tại Vilnius, thủ đô nước cộng hòa Lithuania mà người Việt quen  cách gọi cũ là Litva. Cơn ác mộng của Trung Quốc đã nhen nhóm.

Tại hội nghị Vilnius, NATO có thêm một thành viên mới là Phần Lan, nước thành viên thứ 31, được kết nạp hồi tháng Tư 2023; và đã tháo gỡ được rào cản để Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 trong một ngày không xa. Hội nghị cũng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO “khi các điều kiện được đáp ứng”, nhưng chưa xác định thời điểm cụ thể vì chiến tranh ở đó chưa có dấu hiệu kết thúc. Hoạt động mở rộng về phương Bắc của NATO như vậy được thúc đẩy bởi tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc chiến tranh phi lý mà ông ta tiến hành ở nước láng giềng Ukraine từ tháng Hai 2022. Nếu không có hành động ngông cuồng và tàn bạo của Putin, chưa chắc Phần Lan và Thụy Điển đã vội vã từ bỏ lập trường trung lập và nhanh chóng gia nhập NATO, còn NATO chưa chắc đã đoàn kết và mạnh mẽ như hiện nay.

Ở châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng độc tài và cũng nuôi những tham vọng tương tự với Putin, chỉ khác là họ Tập thâm hiểm hơn, kín kẽ hơn. Với cam kết “hợp tác không giới hạn Nga-Trung Quốc”, ông Tập đã chống lưng cho Putin, tố cáo Mỹ và NATO gây hấn để Nga phải động binh xâm lược Ukraine. Sự lựa chọn chính sách như vậy đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với NATO. 

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Vilnius, NATO đã ra tuyên bố chung với lời lẽ cứng rắn nhắm vào Trung Quốc, lên án “những tham vọng công khai và những chính sách hù dọa” của Bắc Kinh. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng hàng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện trên toàn cầu, phô trương sức mạnh đồng thời che giấu chiến lược và ý đồ cũng như tăng cường khả năng quân sự. Những chiến dịch chèn ép của Trung Quốc, lời lẽ hung hăng và chiến dịch thông tin sai lệch nhắm vào các thành viên NATO làm  phương hại đến an ninh” của NATO, bản tuyên bố nhấn mạnh. 

Trung Quốc lập tức giãy nảy như đỉa phải vôi. Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại NATO ở Brussels đã lên tiếng tố cáo NATO có một “lịch sử xấu xa”, “chen vào những công việc bên ngoài biên giới” và Trung Quốc thề “cương quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, cương quyết chống lại sự mở rộng của NATO về phương Đông, vào khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”, theo tường thuật của Reuters.

Phái đoàn Trung Quốc phê phán tuyên bố chung của NATO là “đầy não trạng Chiến tranh Lạnh và thành kiến ý thức hệ”. “Tuyên bố chung phơi bày đầy đủ thói đạo đức giả của NATO, tham vọng tìm kiếm sự mở rộng và bá quyền toàn cầu”, phái đoàn Trung Quốc cho biết.

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 tại Hà Nội (ảnh: Chau Doan/LightRocket via Getty Images)

Nhưng NATO không chỉ nói mà có kế hoạch hợp tác với các nước láng giềng của Trung Quốc để bảo vệ an ninh và sự thịnh vượng của chính NATO. Ai cũng thấy, một cuộc xung đột hoặc chiến tranh ở Biển Đông, ở eo biển Đài Loan, sẽ là đòn giáng mạnh vào an ninh và thịnh vượng của chính Châu Âu và Bắc Mỹ. 

Mối lo về sự bành trướng của Trung Quốc lần đầu tiên được đề cập trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO năm 2019 và được nhắc lại năm ngoái trong văn bản có tên “Quan Niệm Chiến Lược” (Strategic Concept), tài liệu hướng dẫn chính sách của NATO. “Những tham vọng công khai, những chính sách cưỡng ép [của Trung Quốc] thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi,” văn bản nhận định và cho biết phản ứng của NATO là xây dựng quan hệ mật thiết hơn với các nước có cùng mối lo ngại trước Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, ngoài nguyên thủ quốc gia các nước ven bờ Đại Tây Dương như danh xưng của NATO, còn có sự tham dự của lãnh đạo chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – gọi chung là nhóm Asia-Pacific Four. Đây là lần thứ hai nhóm Asia-Pacific Four dự hội nghị thượng đỉnh NATO sau lần tham dự đầu tiên ở Tây Ban Nha tháng Sáu năm ngoái. Các bộ trưởng quốc phòng của bốn nước này cũng tham gia Hội đồng Quân sự NATO ở Brussels và NATO có ý định mở một văn phòng liên lạc tại Tokyo, Nhật Bản.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hoan nghênh việc NATO và Tokyo đồng thuận về một chương trình đối tác mới, đồng ý mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực như an ninh mạng. Tổng thống Hàn Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác “chia sẻ thông tin quân sự với NATO”. Trước đó, Tokyo đã tham gia cùng các nước phương Tây cấm vận kinh tế Nga, còn Seoul xuất cảng đạn đại bác 155mm cho Mỹ để Washington viện trợ cho Kyiv, giải quyết tình trạng thiếu đạn dược.

Tháng Mười năm ngoái, NATO cử 20 quan chức quân sự đến Đài Loan để thảo luận với nước chủ nhà về năng lực quân sự của Bắc Kinh và biện pháp phòng thủ làm cho Trung Quốc hết sức tức giận. Các chiến hạm của Anh, Đức, Pháp đã bắt đầu xuất hiện trên Thái Bình Dương, phối hợp tuần tra với Hoa Kỳ và Nhật để kiềm chế ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc cho dù năng lực hải quân của các nước châu Âu có nhiều hạn chế.

Tàu tuần duyên lớp 056, cải biên từ khu trục hạm, của Trung Quốc tại cảng Sơn Đông hôm 20/02/2023. Trung Quốc thường sử dụng đội tàu tuần duyên lên tới 150 chiếc để quấy nhiễu các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ảnh Costfoto/NurPhoto via Getty Images

Trung Quốc đã làm gì để NATO phải đề phòng và quyết tâm mở rộng sang châu Á? Ngoài mối liên kết “không giới hạn” với Nga đã nói trên, Trung Quốc cũng hành xử với láng giềng ở Đông Á y hệt Nga làm ở Châu Âu, lấy sức mạnh quân sự và đe dọa chiến tranh để cưỡng ép các nước nhỏ. 

Trung Quốc có chung đường biên giới đất liền với 14 nước, chung biên giới biển với 8 nước, nhưng tất cả đều đang bị tranh chấp do tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Tàu chiến, máy bay Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu ở biển Hoa Đông, Trung Quốc bồi đắp lên bảy đảo nhân tạo kiên cố trên các rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông và biến thành những căn cứ quân sự hiện đại; ngay cả trong vùng núi Himalaya băng giá, Trung Quốc vẫn xung đột với Ấn Độ và thường xuyên chèn ép, đe dọa Đài Loan, v.v…

Trước tham vọng không đáy của Trung Quốc cộng sản và nhà lãnh đạo độc tài Tập Cận Bình, các lân bang của nước này từ Nhật, Đài Loan, đến Việt Nam, Philippines đều lo sợ một ngày nào đó sẽ phải đương đầu với đội quân hùng mạnh của Bắc Kinh như tình cảnh của Ukraine hiện nay.

Tham vọng của Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản tăng gấp đôi đầu tư quốc phòng và tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ; Philippines cho Mỹ sử dụng nhiều căn cứ quân sự, còn Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng Trung Quốc, hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh.

Tại Đông Á đã xuất hiện những liên minh quốc phòng đa phương “mini” như khối AUKUS (Anh+Mỹ+Úc), khối Bộ Tứ QUAD (Mỹ+Nhật+Úc+Ấn Độ) tuy không nói ra nhưng đều nhắm tới mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Hai nước vốn xung khắc với nhau do những vấn đề lịch sử là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng gác lại quá khứ để gia tăng hợp tác đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc và Bắc Hàn.

Chưa có dấu hiệu về sự ra đời của một liên minh quân sự quy mô lớn, một “NATO châu Á” để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình, như NATO đang làm với Putin, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi cách hành xử cho thân thiện hơn, văn minh hơn thì sớm muộn cũng sẽ có một liên minh phòng thủ chung của các nước châu Á-Thái Bình Dương mà sự kiện NATO mở rộng sang châu Á hôm nay là dấu hiệu báo trước cơn ác mộng của nhà độc tài họ Tập.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: