Ngoại giao cây tre là đây sao?

Ông Võ Văn Thưởng (trái), chủ tịch nước Việt Nam, và ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Hình: Hà Nội Mới)

Ngạn ngữ Anh có câu “Show me your friends, I’ll tell you who you are”, Hãy chỉ cho tôi biết bạn của anh là ai tôi sẽ nói anh thuộc hạng người nào.

Câu này nhằm nhắc nhở con người ý thức kết bạn chứ không phải là một câu tâm lý học. Người ta tùy vào từng giai đoạn thời gian trong đời mà kết bạn một cách tình cờ do va chạm xã hội nhưng cuối cùng những người bạn ở lại trong đời lâu nhất sẽ quyết định tính cách cá nhân của mỗi người. Anh có thể nói với mọi người rằng mình thích giao du với người trí thức nhưng khi quan sát bạn bè tập trung chung quanh anh chỉ toàn là hạng lưu manh, láu cá, ít học lại lắm lời thì câu ngạn ngữ nói trên chắc khó sai, nếu không muốn nói là đúng với hầu hết mọi trường hợp.

Đối với một đất nước nằm chung trong hàng trăm dân tộc trên thế giới sự chọn lựa bạn bè để trao đổi mọi vấn đề có lợi ích cho quốc gia dân tộc cũng không khác mấy với một cá nhân chọn bạn trong cộng đồng. Thế giới chia phe là tính tất yếu từ xưa tới nay, một bên là chính nghĩa, một bên là độc tài, một bên là tự do một bên là cộng sản, một bên là thần quyền và một bên là pháp quyền…

Mọi thể chế đều có phe cánh riêng và mỗi một quốc gia tùy chọn bạn bè, phe phái theo thể chế của mình theo đuổi. Sự chọn lựa lại theo hai hệ thống, một là dân chủ, mọi quyết định đều theo lá phiếu cử tri, hai là toàn trị, độc tài hay thần quyền tùy theo phe phái tranh giành quyền lực. Chọn lựa của dân chủ là lợi ích của người dân, chọn lựa của loại thứ hai là lợi ích của một người hay nhóm người mà trong đó chia chác nhau quyền lợi để cai trị.

Nhóm thứ nhất chọn bạn bè rộng mở theo tiêu chuẩn từ dân chủ sơ khai tới dân chủ tiên tiến kể cả những nước độc tài nhưng chưa đến mức cần phải khai trừ. Nhóm thứ hai chọn bạn bè từ nguồn gốc phải giống nhau cho tới lợi ích ngắn hạn tùy vào hoàn cảnh phát sinh.

Việt Nam nằm trong nhóm thứ hai nhưng lại luôn luôn tuyên bố mình thuộc nhóm thứ nhất, tức là kết bạn với toàn bộ các nước tự do dân chủ nhưng lại hành xử như độc tài toàn trị và chuyên chế. Chính sách ngoại giao ấy được đặt cho cái tên rất thú vị “Ngoại giao cây tre” có thể nghĩ mà không sợ mang tiếng xuyên tạc, là một nền ngoại giao gió chiều nào che chiều ấy, nhưng cái cách che chắn của Việt Nam khó qua mặt thế giới khi khuynh hướng chung của các nước thuộc nhóm thứ nhất khó dung nạp trọn vẹn cách ứng xử “cây tre” như của Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam – Ảnh: VGP

Mặc dù mới đây khi Tổng thống Joe Biden của Mỹ sang Việt Nam ký kết “Đối tác Chiến lược Toàn diện” chưa ráo mực thì Việt Nam cầm đá tự ghè vào chân mình bằng cách mời Putin sang thăm Việt Nam trong những ngày sắp tới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không phải cứ muốn là mời, bởi sau lưng ông ta là cả một Bộ Chính trị có toàn quyền khai trừ ông ta ra khỏi vị trí mà họ đặt ông lên nếu ông tự ý phát biểu không qua sự bàn luận của Bộ Chính trị. Cái cách mà Việt Nam vỗ vào mặt của Mỹ khiến cho người hiểu chuyện không khỏi lo ngại cho vị thế chính trị sắp tới của Việt Nam khi cố tình tạo thêm kẻ thù bất kể những gì mà nước này từng đặt bút ký kết vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc về sự bắt buộc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước khác.

Giới quan sát quốc tế hiểu rõ sự quan hệ mật thiết của Nga và Việt Nam nhưng họ không thể hiểu “ngoại giao cây tre” trong trường hợp này là như thế nào. Nga là nước lớn lại công khai xâm lược một nước nhỏ hơn nằm bên cạnh đã bị cả thế giới tẩy chay, nguyền rủa và quay mặt, trong khi đó Việt Nam không hề bỏ phiếu thuận nào trong các nghị quyết cáo buộc Nga của Liên Hiệp Quốc.

Những lá phiếu trắng của Việt Nam tuy được thông cảm vì khó có chọn lựa cho cân bằng lợi ích nhưng khi Bộ Chính trị Việt Nam qua lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời một Tổng thống xâm lược như Putin sang thăm nước mình thì câu chuyện không còn gói gọn trong sự khó khăn làm cho thế giới thông cảm. Hãy nhìn lại từ ngày 24 Tháng Hai năm 2022 tới nay có bao nhiêu nước mà Putin được đặt chân tới một cách vinh quang và được tiếp đón như Việt Nam? Putin chỉ đến một vài nước có lợi ích cho Nga và y chẳng có cơ hội nào tự vinh danh cho chính mình khi Việt Nam lại tự nguyện làm điều đó một cách vinh dự và đầy tự hào.

Phương Tây, đặc biệt là Ukraine nghĩ gì mặc dù ngoài miệng do tính cách ngoại giao sẽ không có ai phản đối bằng công hàm nhưng hãy đợi mà xem, EU có đủ bản lãnh đối phó với Việt Nam hơn Hà Nội nghĩ. Bài học kinh tế đối với Trung Quốc vẫn chưa mở mắt được Bộ Chính trị Việt Nam, những vũ khí dồn dập xuất sang Ukraine của các nước EU vẫn không làm cho Hà Nội tỉnh giấc được phần nào. Trong đôi mắt các nhà ngoại giao phương Tây Hà nội đang chơi bài ba lá, còn người dân EU đang nhìn Việt Nam với đôi mắt khinh bỉ vì sự quy phục bất thường trước một lãnh tụ miệng đang dính đầy máu của dân tộc Ukraine.

Nước Mỹ nghĩ gì chỉ sau khi quốc hội bỏ phiếu có liên quan đến vấn đề Việt Nam thì người ta mới biết. Chuyện đó sẽ không xa khi mọi nguồn cung từ nước Mỹ bắt đầu tràn sang Việt Nam. Câu chuyện trước và lớn nhất là một đội phi cơ F 16 sẽ được Mỹ bán cho Việt Nam dĩ nhiên phải qua tay Quốc hội và khi một nghị sĩ hay dân biểu nào có nêu vấn đề Putin lên trước nghị viện thì e rằng cái hợp đồng hấp dẫn này phải nằm chờ trong ngăn kéo.

Nước Mỹ đang dần dần xem Putin là kẻ thù mặc dù chưa bao giờ tuyên bố. Thông minh và “viễn kiến” một chút Hà Nội sẽ thấy Mỹ bỏ nhiều ngàn tỷ vào Ukraine không phải để làm ăn hay thử vũ khí mà là chống Putin, một kẻ bệnh hoạn và hoang tưởng có khả năng đảo lộn thế giới bằng vũ khí hạt nhân, thứ mà trước đây cả thế giới đều sợ nhưng bây giờ gió đã đổi chiều, mọi điều Putin muốn đều bị Mỹ chôn vùi, chỉ có Hà Nội và lứa tuổi phù Putin mới không chịu hiểu cái sự thật phía sau hai dòng chữ đó.

Đừng tưởng Đối tác Chiến lược Toàn diện là thứ sinh tử phù không thể thay đổi. Hãy nhìn Do Thái và Hamas hiện nay thì rõ, Israel ngủ quên trên chiến thắng và khinh địch cộng với phong trào phá hoại đất nước qua việc thay đổi hiến pháp đã làm cho Israel hụt hẫng và nhận rất nhiều hậu quả.

Việt Nam vừa chiến thắng đã vội ngủ quên, vừa nhận quà của Mỹ vừa trắng trợn dùng chiêu “hồi mã thương” đá thẳng vào lòng tự trọng của một quốc gia có truyền thống dân chủ bậc nhất thế giới vậy thì đâu là nền “Ngoại giao cây tre” mà nước này luôn luôn hãnh diện?

Bạn của Việt Nam là một thứ tạp nham nếu xét theo khía cạnh dân chủ. Nếu nhìn vào đó như thói quen của câu ngạn ngữ Anh thì sẽ thấy rất rõ tính cách hai mặt của Hà Nội: Chơi với ma thì làm sao khỏi mặc áo giấy?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: