Hận Thù là một yếu tố (rất cần thiết-Pnn) của chiến đấu: Mối Thù không đội trời chung với đối phương thúc giục (đảng viên cs-Pnn) vượt qua những giới hạn tự nhiên của Con Người, nhằm tạo nên bộ máy (giết người-Pnn) toàn hảo, lạnh lùng, mạnh mẽ, và có hiệu lực! Bộ đội cộng sản phải đạt được nhự vậy.
Che Guevara: “Hãy tạo thêm nhiều (Chiến tranh) Việt Nam” -Tháng 7/1967.
Dẫn Nhập: Sau lần kết thúc cuộc chiến 1960-1975 nơi Miền Nam, sự nghiệp của “đảng/người cộng sản” không ngừng lại với ngày 30 Tháng Tư, 1975 ở Sài Gòn, cuộc tận diệt (người/chế độ Miền Nam) như bài hát “Giải Phóng Miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước. “Diệt đế quốc Mỹ, xóa tan bè lũ bán nước…” tiếp tục được thực hiện dưới nhiều hình thức, những mức độ khác nhau.
Mà nay, 48 năm sau 1975, trận chiến không khoan thứ, không cân sức (và vô ích) nầy vẫn được tiếp tục với những đối tượng gọi là “kẻ thù” nơi Miền Nam. Đấy là “những thế hệ “Người Lính/Công Dân VNCH” trước 30/4/1975 PHẢI luôn được/bị tồn tại – Nay (nếu) còn sống thì đã, đang là những lão nhân ở độ tuổi 60, 70, 80, 90… với năng lực vật chất, tinh thần rơi rớt còm cõi trong cảnh sống cuối đời.
Trong cùng lúc, Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại, thành phần đã rời bỏ nước sau 30/4/1975 với tư cách “Tỵ nạn Cộng sản” cũng dần mai một. Tuy nhiên thành phần “kẻ thù” kia vẫn tiếp tục/đang hiện diện/phải tồn tại và luôn “bị tấn công” nhằm gây nên “chất men chính nghĩa” để người/chế độ cộng sản ở Miền Bắc/trong nước đạt được “Tính Chính Danh/Tính Đảng/Đảng CS”.
Một.
“Đường vinh quang xây xác quân thù!” – Tiến Quân Ca – Văn Cao
Có người ở Hà Nội sau 1975 đã đưa đề nghị: Nên xét lại nội dung của Tiến Quân Ca (Văn Cao, 1944) vì đẫm máu quá, không phù hợp với thời đại/khẩu hiệu chiến lược xây dựng (hòa bình) sau lần “Đại thắng Mùa Xuân 1975”. Cũng bởi, chiến lược xây dựng XHCN đã đưa cả nước xuống hố bần cùng.
Thế nên, phải tiến hành “Đổi Mới hay là Chết/Chết Thiệt” từ Đại hội Đảng VI, 1986. Không biết đề nghị thật hay giả, được bao nhiêu phần khả tín, nhưng rõ ràng Quốc ca của đảng/nhà nước VNDCCH (1945-1976)/CHXHCNVN (1976…) quá đẫm máu – Máu Quân Thù – Qua bài hát nầy có thể nói: “Không có “Quân Thù” đảng CSVN không (có cớ) tồn tại được”! Sống/Cách Mạng/Giết Người là Một.
Do dung lượng của bài báo, bài viết chỉ giới hạn trong “sự nghiệp của đảng/bác ta”. Vì “bác/đảng ta” có cách (giết người) riêng mà nạn nhân trước, sau khi chết cũng không biết tại sao? Vì đâu? Cũng không đâu trên thế giới mà hình ảnh, hình tượng người lãnh đạo bày ra cùng khắp như ở Bắc Hàn và Việt Nam?! Trong sách vở, bài hát, tài liệu, văn hóa lềnh kênh, dày đặc. Nhà chùa đã thành “nhà (thờ) Bác Hồ”. Bàn thờ tổ tiên nên thành “bàn (thờ) Bác Hồ!” Người viết không hề nói quá.
Bàn thờ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh tại chùa Ba Vàng. Ảnh: Báo Xây Dựng
Muốn hiểu chuyện sau 1975 nơi Miền Nam, cũng cần nên nhắc lại sự kiện, sau khi cướp chính quyền (8/1945), trước và trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954), “bác/đảng ta” đề ra tiêu chuẩn để gọi kẻ thù gồm: “Phát-xít Nhật và bầy chó đê hèn của chúng”; “đảng phái phản động/bọn phỉ người Hoa/thực dân xâm lược”, và “trí/phú/địa/hào đào tận gốc, trốc tận ngọn” từ nông thôn, làng, xã Bắc Việt Nam! Và giết/giết thật không nương tay.
Cải cách ruộng đất 1953-1956 tại nông thôn Miền Bắc là một điển hình. Nếu giai đoạn trước, sau 1945-1954 nầy, lượng người bị giết là do yêu cầu từ cuộc “kháng chiến chống thực dân Pháp” quá xa xôi, thì trong giai đoạn chiến tranh của thế kỷ trước (1960 -1975) danh mục kẻ thù được thay đổi, trở thành “Mỹ-Diệm; Thiệu-Kỳ” chung trong một tổng thể ”Ngụy Quân-Nguỵ Quyền/Đế Quốc Mỹ xâm lược”. Nên mãi đến Tháng Tư 1975, “Đế quốc Mỹ xâm lược” vẫn còn nguyên hiện diện để một gã trẻ tuổi tên là Nguyễn Văn Thạc kêu lên lời đòi máu: “Thằng mỹ (không viết hoa-pnn) xâm lược thế nào? Tôi muốm đâm lưỡi dao vào trái tim đen đúa của nó!” trong sách “Nói với tuổi hai-mươi”.
Không phải chỉ riêng Thạc, mà một tên tuổi khác được mệnh danh là “nhân vật phản tỉnh/chống đối chế độ/chế độ cs Hà Nội”, Dương Thu Hương (không rõ cường độ chống đối giới cầm đầu nơi Hà Nội thực hư bao nhiêu) nhưng cách Dương Thu Hương mô tả về hành vi bạo ngược của lính VNCH thì không còn chữ nghĩa nào cho đơn vị con người/“Người Lính VNCH”.
Trong Tiểu Thuyết Vô Đề, Dương Thu Hương kể: ”Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo (Lính VNCH-Pnn) – Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết! (Dương Thu Hương -Tiểu Thuyết Vô Đề-Văn Nghệ, Nam Cali, 1991).
Cách tố cáo “mổ bụng, xẻ gan, cắt đầu vú, xẻ cửa mình (phụ nữ)..” của Dương Thu Hương (dẫu đã một lần ngồi khóc trên đường phố Sài Gòn, ngày 30/4/1975 vì chứng kiến “một xã hội văn minh (Sài Gòn) bị đánh sập bởi một chế độ man rợ (Hà Nội)); hoặc lời nguyền “Đâm lưỡi dao vào trái tim đen đúa của thằng mỹ” trong sách “Nói với tuổi hai-mươi” của NVThạc là những hình ảnh đã được “chính thức hóa/hình tượng hóa” khi mô tả “bọn lính mỹ-ngụy”- (Lưu ý: Không bao giờ viết hoa-Pnn) cho dẫu kể từ 1970 bắt đầu Việt Nam Hóa Chiến Tranh – Lính bộ chiến Mỹ không còn hoạt động hành quân. Và cụ thể, ngày 27 Tháng Ba 1973 toán lính Mỹ cuối cùng mặc y phục làm việc văn phòng/ka-ki vàng ở Tân Sơn Nhất rời Việt Nam dưới sự giám sát/đếm từng người của Thiếu tá Bùi Tín – Nhắc lại chính xác: Ngày 27 Tháng Ba 1973.
Năm 1975, Thạc được “20” tuổi; thế nên, năm 1970 ở Hà Nội chắc chẳng ai dạy cho thiếu niên Thạc biết được: 1970 thằng lính mỹ không còn hoạt động trên chiến trường; qua 1973 thì “sạch bóng Mỹ xâm lược”. Dương Thu Hương thì lại càng “ngớ ngẩn”: Lực lượng phi quân sự (Biệt kích) Miền Nam, các toán “Biệt Kích Hắc Long” của Sở Công Tác; “Biệt Kích Lôi Hổ” của Sở Liên Lạc thuộc Nha Kỹ Thuật hoạt động trên vùng biên giới Lào-Việt, dọc Đường mòn HCM (như trong TTVĐ của Dương Thu Hương mô tả) thông thường quân số chỉ từ 4-7, 8 người phải áp dụng tiêu lệnh tiên quyết: Tuyệt đối giữ bí mật/Bắt buộc tránh đụng độ! Với tiêu lệnh chỉ đạo tối thượng nầy, hành quân ngắn hạn (để trở về) nhóm nhỏ Biệt kích lấy đâu điều kiện, hoàn cảnh để đi hiếp và cắt đầu vú (sáu) nữ giao liên?!
Hai.
Kế hoạch lăng nhục tố cáo “bọn Ngụy Sài Gòn” luôn tiếp tục!
Vào thời kỳ sau chiến tranh (1960-1975) rất lâu, kéo dài qua thế kỷ 21, kế hoạch lăng nhục, tố cáo đối với Người Lính Miền Nam vẫn phải được tiếp tục. Kế hoạch nầy được người/chế độ cs chuẩn bị rất kỹ, tuyên truyền, phổ biến rộng khắp– Theo nhận xét khách quan của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ở Úc – Không thuộc thành phần Ngụy Quân-Ngụy Quyền trước 1975): “Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi (NVT) đoán (đoán rất trúng-Pnn) người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mỹ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người…”.
Xin xem tiếp nhận xét của Tưởng Năng Tiến (Cũng không là Ngụy Quân-Ngụy Quyền trước 1975): “..đây cũng chẳng phải chỉ là chuyện “ngày xưa ở miền Bắc” đâu. Sau khi thắng cuộc (1975-Pnn) “bộ máy tuyên truyền” vẫn tiếp tục bôi bẩn và sỉ nhục những người lính miền Nam, như thể họ (Người Lính VNCH-Pnn) vẫn còn là những kẻ thù ác độc và nguy hiểm”. Rảnh, thử xem qua vài đoạn trong một truyện ngắn “Chuyện Vui Điện Ảnh” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (Sinh 1976; viết văn bắt đầu trước, sau 2000-Pnn).
Nguyễn Ngọc Tư viết về “tai nạn nghề nghiệp” xẩy đến cho một tài tử nghiệp dư, chỉ vì lỡ thủ vai một thằng lính miền Nam: “Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn…” Nhà văn nữ trẻ tuổi gốc người Miền Nam mô tả hình ảnh lính ngụy.. “Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không chê vào đâu được.
Hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết, con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút…” Chú Sa nhập vai lính Ngụy qua vai Thiếu Úy Cón hay đến nỗi: “Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó (đồ rằn ri-Pnn) coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang mang thai (NNT- Tai Nạn Nghề Nghiệp).
Hai diễn viên Thương Tín và Nguyễn Chánh Tín đã bôi xấu hình ảnh sĩ quan VNCH qua phim ảnh
Sinh năm 1976, viết văn trước, sau 2000 mà mô tả “lính ngụy ác ôn như thế” thì quả thật xứng đáng là “gương mặt (viết văn) trẻ trong năm 2001”. Bản thân Nguyễn Ngọc Tư hẳn không biết được những điều (rất thực tế) đơn giản: Thiếu úy Cón (từ tưởng tượng phong phú của một cô gái nhỏ lớn lên từ thôn quê Miền Nam) KHÔNG HỀ CÓ trong tập thể sĩ quan giữ chức vụ Phân Chi Khu Trưởng ở các địa phương Miền Nam.
Phân Chi Khu Trưởng không có quân phục rằn ri (của Biệt Động, Nhẩy Dù, TQLC), và nhận chỉ huy trực tiếp bởi hệ thống Chi Khu Trưởng (cấp Thiếu, Trung tá)-Tiểu Khu Trưởng (Trung, Đại Tá). Nên một Thiếu/Trung úy giữ chức vụ Phân Chi Khu Trưởng dẫu “ác ôn” đến độ nào cũng không thực hiện được thành tích “cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang mang thai”! Không bao giờ có được! Không hề có!! Khổ thay, “nhà văn Nguyễn Ngọc Tư” là sản phẩm thuần thành lớn lên từ mái trường gọi là xã hội chủ nghĩa (hoàn chỉnh) sau 30/4/1975! Biết trách ai giờ đây?!
Nhân vật gọi là Thiếu úy Cón của Nguyễn Ngọc Tư không phải tự nhiên hình thành?! Thiếu úy Cón được “tái sáng tạo” từ “bọn sĩ quan Ngụy hèn kém” trong Tháng Ba Tây Nguyên của Nguyễn Khải (1930-2008). Khải là “nhà văn lớn” của Hà Nội mà nhà phê bình Vương Trí Nhàn ở đấy có nhận định: “Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn”. Và sau khi Khải chết (2008) thì giới viết văn ở Hà Nội đều đồng ý: “Nguyễn Khải là người nhát, quá nhát. Khải chỉ là khôn vặt, một thứ “tiểu trí” mà thôi.”
Nguyễn Ngọc Tư đến 1976 mới ra đời (ở thôn quê Miền Nam), nên chắc không thể có được nhận định “sáng suốt/chính xác” như giới viết văn/lãnh đạo văn nghệ kia (ở Hà Nội) đối với Nguyễn Khải, nên cô ta đã có kết luận chắc nịch về “bọn ngụy quân”: “Cái “tai nạn” riêng của chú Sa (qua vai thiếu úy Cón) không chỉ xẩy ra trong phạm vi của một con hẻm nhỏ…”, “Nhưng còn hàng triệu thằng lính miền Nam cùng vợ con, thân nhân của chúng – không chỉ phải chịu đựng sự “ngại ngần ác cảm” của đám đông (vốn người Miền Nam) mà còn bị Nhà nước Cách mạng kỳ thị (và miệt thị) không biết đến bao giờ!” – Nhận định của Tưởng Năng Tiến.
Ba.
Chính sách triệt hạ “Ngụy Quân-Ngụy Quyền-Ngụy Dân”
Ca sỹ trẻ tuổi Hanni Phạm, công dân Úc gốc Việt thuộc nhóm NewJeans tham dự Lễ trao giải The Fact Music Awards 2022 ngày 08 Tháng Mười 2022 tại Seoul, Đại Hàn là tâm điểm của lời kêu gọi “tẩy chay” vì gia đình Hanni bị đánh giá là “Lý lịch không sạch/gốc Việt Nam Cộng Hòa” – Quốc gia bị cộng sản Bắc Việt đánh chiếm từ 30/4/1975. Cháu Hanni bị cáo buộc “tội”: “Mang tư tưởng chống Cộng cực đoan, xuyên tạc lịch sử đất nước, và cổ vũ hành động xâm lược, thảm sát của lính Úc tại Việt Nam trước 1975…”
Hanni Phạm thuộc “Thế hệ thứ ba/công dân Úc gốc Việt” – Thế hệ người Việt sinh trưởng ở hải ngoại sau 1975 hoàn toàn không liên hệ với Người-Chế Độ VNCH trong tất cả mọi yếu tố, điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa. Nhưng bởi Hanni là “thành phần chủ yếu-đối tượng chính của Nghị quyết 36” Vì “Đảng và Nhà nước luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam..”
Do nhận định (đúng thực tế) nầy, Hà Nội đã đề ra chính sách (rất cần thiết để thu lợi lớn) qua Nghị Quyết 36: “Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài..” Nhưng cuối cùng, tất cả những nội dung “tốt đẹp” nầy qua sự kiện “tố khổ” Hanni Phạm với tội danh “TỘI VNCH” đã bày ra sự thật tệ hại: Nghị Quyết 36 hoàn toàn là một nội dung/tinh thần man trá.
Sự việc tố khổ Hanni Phạm mang “tội VNCH” như trên không xẩy ra đơn lẻ, riêng biệt đối với một cá nhân nhỏ tuổi trong giới ca nhạc, nhưng xẩy ra cùng lần, đồng hòa nhịp vào kịch bản ác độc, lạc điệu, hạ tiện: Đầu Tháng Hai 2023, dịp Tết Âm lịch Quý Mão, nơi đồi Charlie ở Kontum, chiến địa Cố Đại tá Tiểu đoàn Trưởng 11 ND Nguyễn Đình Bảo đã hy sinh, 14 Tháng Hai 1972.
Sau nửa thế kỷ tàn cuộc binh đao, chiếc miếu nhỏ trên Đồi Charlie, nơi nhang khói cho anh hồn tử sĩ tử sĩ quân đội VNCH (kể cả người chết của quân đội Miền Bắc/Ai phân biệt cho người chết thuộc về bên nào?) đã bị đập phá tan nát. Xung đột quân sự Bắc-Nam, vết thương chiến tranh tưởng như đã được khép lại sau hơn 50 năm, nhưng hóa ra vẫn bị khoét sâu, tươm máu. Chiến trận Charlie, Tháng Tư 1972; Miền Nam sụp đổ, Tháng Tư 1975; Nghị quyết 36 được ban hành, Tháng Ba 2004.. Nhưng cháu Hanni Phạm bị tố khổ, miếu tưởng niệm Đại tá Bảo, chiến binh nhảy dù Tiểu đoàn 11 bị san bằng vào dịp Tết, đầu năm 2023! Tại sao và từ đâu?
Kết từ.
Từ cáo buộc ngụy tạo “Khủng bố tại Little Sài Gòn/Terror in Little Saigon” qua phim ảnh phản chiến Mỹ (có sự tiếp sức của người ở Hà Nội), đến sân khấu trình diễn âm nhạc của Hanni Phạm ở Seoul, miếu thờ Cố Đại tá Bảo trên đồi Charlie chắc chắn không phải là những sự việc nhỏ nhặt đơn lẻ, riêng biệt do một vài cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức tư nhân ở một địa phương thực hiện – Tất cả phải được tổ chức, điều động, thực hiện từ một TỔ CHỨC:
Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CS nơi Hà Nội – Tổ chức nầy luôn ở thế tiến công – Tiến công “Kẻ Thù” – Đối tượng bắt buộc phải có. Người dân dưới chế độ xã hội gọi là chủ nghĩa xã hội tại VN cũng được tập dần thói “sát thủ”. Công dân Úc gốc Việt, Hanni Phạm, người chết Nguyễn Đình Bảo, tử sĩ Tiểu đoàn 11 ND cần phải đưa ra “đấu tố” để hiện thực câu khẩu hiệu “kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không có đối tượng gọi là “kẻ thù”, người và chế độ cộng sản không thể tồn tại! Họ không “hòa giải” với bất cứ ai kể cả “đồng chí” của họ – Không bao giờ.
29 Tháng 3, 2023
Ngày mất Nha Trang năm 1975.