Phóng sinh, hủ tục hay tín ngưỡng?

Quang cảnh một buổi phóng sinh chim trời.
Thời Sự
Thời Sự
Phóng sinh, hủ tục hay tín ngưỡng?
Loading
/

Trong hơn 10 năm qua cứ mỗi lần lễ Vu Lan tới thì người ta lại làm ầm lên về vấn đề phóng sinh, mà nói tới phóng sinh thì y như rằng những gương mặt tu hành lại được dịp xuất hiện trình làng, trình luôn những câu chuyện khá tốn… giấy mực về phóng sinh.

Năm nay vấn đề phóng sinh được cộng đồng mạng quan tâm hơn hẳn những năm qua, có thể nói mà không sợ thất thố: Cộng đồng mạng đang tuyên chiến với vấn đề này một cách mạnh mẽ và bất thường so với các năm trước. Mạnh mẽ vì số lượt người tham gia tăng lên thấy rõ, bất thường vì cùng tầng suất với con số là những hình ảnh, phản biện, minh chứng cho việc phóng sinh đi tới kết luận tiêu cực rất nhiều. Nó cho thấy phản ứng tích cực ngày một gia tăng trước các vấn đề mà chủ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm huấn thị các tu sĩ dưới cái ô dù của mình.

Hình ảnh những chú chim bị trói gô vào nhau nằm trước sân chùa trong khi những nhà sư nghiêm trang tụng kinh phóng sinh làm cho bất cứ ai có lương tâm cũng đều phẫn nộ. Những bài kinh, tiếng mõ ấy liệu có mang những sinh linh tới được niết bàn hay tránh được hình phạt nơi tăm tối hay không thì một người có suy nghĩ bình thường cũng biết được một cách chắc chắn, thế nhưng vẫn còn một con số rất lớn cả tin rằng những con chim vô tội khi được phóng sinh sẽ mang lại cho họ những bù đắp về thiện căn làm hành trang khi về cõi siêu hình.

Bên cạnh những bức ảnh hoành tráng trước cổng chùa người ta thấy xuất hiện hai bức ảnh mới cứng trong năm nay, cùng gây sốc cho người xem và từ đó làn sóng chống đối gia tăng thấy rõ.

Bức ảnh thứ nhất từ ông thầy tu Thích IPhone, tức Thích Thanh Cường ngồi rung đùi nhìn thành quả mà ông sư này mới thực hiện: Mua một lúc nhiều bao ốc còn sống để phóng sinh!

Thầy tu Thích Thanh Cường và những bao ốc chờ phóng sinh.

Từ chim, cá bây giờ sang tới ốc, không biết chừng nào thì tới những loại tôm, cua, hải sản? Mà lạ, nhiều người tin rằng cá, chim cần được phóng sinh nhưng lại phớt lờ những chú gà, vịt, heo, bò đang sống rất gần họ. Tại sao những loại gia súc gia cầm này bị kỳ thị không được xem là tích phước khi phóng sinh chúng trong khi cá, chim thì hàng tá hàng đàn được nhà chùa đặt mua cho đạo hữu?

Bức ảnh thứ hai chứng minh việc làm sai trái này của các nhà sư chuyên thúc hối việc phóng sinh đã làm nhiều cư dân mạng vỡ mộng về cách suy nghĩ của mình trước các vị được xem là “chân tu”. Khi đọc được những “huấn từ” này từ một nhà sư không biết phật tử trong ngôi chùa của ông này nghĩ gì:

“Hùn phước phóng sanh rằm tháng 7. Vào rằm tháng 7 nhân lễ Vu lan Thầy có làm lễ cúng phóng sanh cầu mọi người muốn hùn phước cúng phóng sanh rằm tháng 7 hồi hướng phước lành cầu mong cha mẹ hiện tiền sức khỏe bình an, cha mẹ tổ tiên ông bà quá vãng sinh về cảnh giới an lành hoan hỉ gửi vào số tài khoản Thầy 1245778899 ngân hàng Vietcombank chủ tài khoản Nguyễn Bá Bình đt. 0902211773”

Phía sau những kêu gọi bên ngoài mang đầy dáng vẻ trang nghiêm là cả một phong trào săn chim bắt cá của các đệ tử cật ruột của những thầy, những sư, những tăng sẵn sàng cung cấp cho người nào muốn mua, muốn phóng sinh sỉ hay lẻ đều được đáp ứng. Báo chí từ nhiều năm qua đã cung cấp những bài viết cụ thể về vấn đề này cho cả xã hội thấy rõ từng công đoạn mà câu chuyện phóng sinh cung cấp hàng năm. Những chợ đầu mối, những phóng sự bóc mẽ bắt chim, cá trở lại để bán tiếp sau khi chúng được phóng sinh, tiếc thay những câu chuyện này không được người mua kẻ bán chú ý, thậm chí có nhiều người còn tỏ ra nguy hiểm khi cho rằng ai làm thì người ấy tích phước hay tích quả người có tâm lành ắt sẽ an nhiên tự tại.

Vâng, những người có “tâm lành” ấy rất an nhiên vì nghĩ mình làm được điều thiện nhưng họ không thấy phía sau việc làm của họ là dung dưỡng, nuôi nấng những ác niệm trong cõi hồng trần này. Một con chim bị bắt sẽ gây ra cái chết cho một đàn chim con nếu chúng còn nhỏ. Một con chim bị giết kéo theo sâu bọ phát triển vì thiếu cân bằng sinh thái, một đàn cá bị bắt đi rồi thả lại vào ao hồ sẽ gây ra biết bao tai họa cho những sinh vật dưới nước chỉ vì mối lợi phóng sinh. Xã hội nuôi dưỡng sự gian trá là một xã hội đang mục rửa vì đạo đức xuống cấp, lòng vị tha bị băng hoại và lừa đảo lẫn nhau ngày một lan rộng thay vì sự tử tế ngày càng hiếm gặp.

Tin nhắn của một thầy tu về việc phóng sinh.

Nhìn rộng ra một chút, chính quyền hay nhà nước không thể tự biện minh việc phóng sinh không ảnh hưởng gì tới đời sống nhân dân. Chính những chức sắc trong các chùa chiền đang cổ vũ cho việc phá hoại môi trường cần phải bị chế tài, vì môi trường là nơi mà cả dân tộc đang cộng sinh cần phải bảo vệ. Hành động làm ngơ của nhiều cơ quan trách nhiệm đang tiếp sức cho việc tàn phá môi sinh và hơn thế nữa, đang tiếp sức với những tăng lữ có hành vi bức hại thiên nhiên để tạo nên lợi lộc cho nhà chùa, thiền viện.

Nếu Ban Tôn giáo Chính phủ luôn theo dõi các sinh hoạt tôn giáo mà bỏ qua tình trạng lợi dụng niềm tin tôn giáo để thực hiện việc phóng sinh nay đã mang đầy tang chứng phi pháp thì cái Ban Tôn giáo Chính phủ nên biến mất trước khi Bộ Tài nguyên Môi trường lên tiếng bằng văn bản pháp quy.

Người dân có quyền thực hành tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng cũng có quyền đòi hỏi chính phủ bảo vệ quyền sống của mình. Tự do không đồng nghĩa với tàn phá môi sinh dù hành vi ấy được bao biện là tự do tín ngưỡng. Nếu chính quyền xem đây là bổn phận của Giáo hội Phật giáo thì trước hết xin thông báo cho họ biết trước khi ra mặt “phóng sinh” những tì vết, những hủ tục, dị đoan nhằm cân bằng “sinh thái” trong một đất nước vốn có quá nhiều niềm tin lạc hậu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: