Quá sớm để hy vọng Tô Lâm là nhà cải cách

Ông Tô Lâm (phải) ông Tim Hughes, phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn SpaceX, trong chuyến công du Hoa Kỳ Tháng Chín 2024. (Hình: : TTXVN)

Chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiêm chủ tịch nước, đang thu hút sự chú ý của đông đảo những người quan tâm tới thời cuộc. Đảng CSVN đã sắp xếp chuyến ông Tô Lâm “ra biển lớn” khá chu đáo, khơi dậy niềm lạc quan và hy vọng về một sự thay đổi lớn sắp xảy ra. Nhưng với những ai hiểu đảng CSVN và những thủ đoạn chính trị tinh vi, đây chỉ là một màn trình diễn công phu, che giấu ý đồ thật của họ, do đó hãy còn quá sớm để lạc quan hay hy vọng.

Chuyến đi đến New York tham dự kỳ họp thường niên thứ 79 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là một nghi thức ngoại giao thông thường. Là người mới tiếp nhận chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chưa đầy hai tháng, ông Tô Lâm coi đây là cơ hội quan trọng để ra mắt cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín ở trong nước và thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực trong dòng xoáy của chính trị cường quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977 có một tổng bí thư đảng CSVN dự kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Đảng CSVN cũng nhân cơ hội này để trưng ra một bộ mặt thân thiện, làm bạn với tất cả các nước, đồng thời củng cố mối quan hệ với Mỹ đúng một năm sau ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Vì vậy, chỉ vài giờ trước khi ông Tô Lâm lên phi cơ sang Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam vội vã trả tự do “cưỡng bức” trước thời hạn cho các tù nhân lương tâm nổi tiếng là ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng và Tiến Sĩ Hoàng Ngọc Giao. Hà Nội coi đây là một cử chỉ thiện chí, hy vọng Hoa Kỳ sẽ đáp lại. Hà Nội cũng sắp xếp cho ông Tô Lâm thuyết trình và gặp gỡ với sinh viên đại học Columbia University ở New York sáng 23 Tháng Chín dù họ không thật sự thoải mái khi cuộc gặp được Giáo Sư Nguyễn Liên Hằng điều khiển. Bà Hằng là một nhà sử học gốc Việt bị bộ máy tuyên truyền của đảng chụp cho cái mũ “phản động” dù bà là thành viên ban lãnh đạo Đại Học Fulbright Việt Nam ở trong nước.

Nên để ý, cuộc gặp của ông Tô Lâm tại đại học Columbia University tái diễn một sự kiện tương tự khi ông Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Việt Nam, đọc diễn văn tại đại học Johns Hopkins University ở Washington, DC, ngày 10 Tháng Mười Hai, 2001. Cho tới nay trong giới lãnh đạo Việt Nam chỉ có ông Dũng và ông Tô Lâm phá lệ, “dám” gặp gỡ, đối thoại với sinh viên Mỹ, đúng như chúng tôi phán đoán trong một bài trước, ông Tô Lâm sẽ đi vào con đường “kỹ trị” của ông Dũng, xa rời sự cai trị giáo điều của ông Nguyễn Phú Trọng.

Cũng như ông Dũng 23 năm về trước, cuộc gặp của ông Tô Lâm được dàn dựng cẩn thận, sinh viên phải nhìn vào màn hình điện thoại mới đọc được câu hỏi được mớm trước; còn ông Tô Lâm thường lúng túng, dán mắt vào cuốn sổ tay và né tránh những vấn đề thiết thân như hòa giải với người Việt hải ngoại, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Dù ông Tô Lâm không có được một cuộc thăm viếng chính thức cấp nhà nước tới Tòa Bạch Ốc hoặc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước Mỹ, phía Việt Nam cũng đã cố gắng dàn xếp để ông gặp ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc cho dù để gặp ông Biden, ông Tô Lâm phải rút ngắn chương trình viếng thăm Cuba, đồng minh thân thiết nhất của Việt Nam ở Tây Bán Cầu.

Tổng Thống Joe Biden đang trong thời kỳ mà người Mỹ gọi là “lame duck” (vịt què), ông sẽ rời chính trường trong bốn tháng nữa, cho nên theo Giáo Sư Alexander Vuving từ Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), cuộc gặp ông Biden là “không quá cần thiết.” “Sẽ cần thiết hơn nếu ông Tô Lâm gặp được những người có thể sẽ là một phần của chính quyền Harris giả định trong tương lai,” ông Vuving nói với BBC Tiếng Việt.

Ấy thế nhưng qua một vài sự kiện nho nhỏ vừa kể, và qua những bài diễn văn “có cánh” của ông Tô Lâm từ khi lên nắm quyền, đã có nhiều người hy vọng ông Tô Lâm sẽ đem lại sự thay đổi cho chính trường Việt Nam, thậm chí có người đánh giá ông ta “thân Mỹ,” sẽ đưa Việt Nam vào một “kỷ nguyên mới!” Niềm hy vọng đó không chỉ cháy bỏng trong tâm trí hàng triệu người dân đang khao khát tự do ở trong nước mà còn thôi thúc một số bậc trí thức trong cộng đồng người Việt hải ngoại đang mơ về một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng!

Có điều, nếu quan sát những phát ngôn và hành động của ông Tô Lâm cùng bộ sậu của ông thì dễ dàng nhận ra niềm hy vọng ấy chỉ là ảo vọng. Chúng tôi đã nhiều lần phân tích về bản chất không thể thay đổi của đảng CSVN và nhu cầu cải cách thể chế chính trị Việt Nam, xin phép không nhắc lại nữa mà chỉ tập trung vào chuyến công du Hoa Kỳ hiện nay của ông Tô Lâm để chứng minh đảng CSVN vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, duy trì nhà nước cai trị kiểu Lênin, cùng chia sẻ vận mệnh tương lai với Trung Quốc và ngăn chặn mọi biểu hiện tự do hoá, dân chủ hoá xã hội. Những cam kết, hứa hẹn này nọ mà ông Tô Lâm đưa ra tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc và trong các cuộc gặp gỡ chẳng qua chỉ là những thủ thuật chính trị, những bức màn khói che đậy ý đồ thật sự của họ mà thôi.

Trước chuyến đi, ông Tô Lâm đã phóng thích ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Minh Hồng nhưng trước đó chưa lâu, chế độ của ông đã bắt giam và kết án nặng nhiều gương mặt đấu tranh khác như các ông Nguyễn Vũ Bình, Phan Vân Bách, Trần Đình Triển, Trương Huy San (Huy Đức)… Xem ra “quỹ tù nhân lương tâm” mà Việt Nam dùng để trao đổi với Tây phương vẫn không bị thâm thủng; chưa kể họ còn giữ những tù nhân có giá trị trao đổi lớn như Huy Đức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng…

Tính đến ngày 24 Tháng Chín, Việt Nam cầm giữ 187 tù nhân lương tâm, 417 người có nguy cơ bị đàn áp, theo dữ kiện của The Project 88. Nếu thực sự có thiện chí, nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ những người này và chấm dứt việc truy bức những tiếng nói phản biện ôn hòa, bất bạo động. Một chính thể bắt giam công dân để làm vật trao đổi với ngoại bang đổi lấy những sự nhượng bộ về kinh tế thương mại là một chế độ lưu manh, không có năng lực phục thiện.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đọc những bài diễn văn soạn sẵn đầy những hình ảnh và từ ngữ lung linh về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” về “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,” nhưng đằng sau đó là gì? Dù hết sức bận rộn trong thời gian ở New York, ông Tô Lâm và tùy tùng đã cố thu xếp gặp gỡ lãnh đạo đảng Cộng Sản Mỹ, các tổ chức cánh tả từng kích động phong trào phản chiến chống sự tham dự của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây.

Ông Tô Lâm đã trao huân chương hữu nghị cho một số đại diện phong trào này. Đặt trong bối cảnh quan hệ cùng chia sẻ vận mệnh với một số ít các đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba, cuộc gặp gỡ lãnh đạo đảng Cộng Sản Mỹ hoàn toàn nhất quán với chính sách, trước sau không thay đổi của đảng CSVN. Cộng đồng quốc tế vẫn chưa quên lập trường của Hà Nội ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và cuộc đón tiếp trọng thị nhà độc tài Vladimir Putin, tổng thống Nga, mới đây.

Có nguồn tin trong nước tiết lộ, trong chuyến “Mỹ châu du” lần này, đích đến của ông Tô Lâm là Havana chứ không phải New York. Chuyến đi đến New York chỉ là hoạt động ngoại giao có tính thủ tục, trọng tâm chú ý của ông Tô Lâm cùng đoàn tùy tùng là viếng thăm chính thức cấp nhà nước tới Cuba, thể hiện thông điệp Việt Nam tiếp tục củng cố tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa với một trong vài nước có cùng chính thể cuối cùng còn sót lại. Có người phán đoán, chuyến thăm Cuba của ông Tô Lâm nhằm xoa dịu sự phản kháng của thành phần bảo thủ, trung kiên trong nội bộ đảng CSVN ở Hà Nội song chúng tôi thiên về nhận định đây là chính sách nhất quán của ông Tô Lâm, đổi mới mà không đổi màu, dù cải cách thế nào vẫn không từ bỏ chính thể Cộng Sản.

Còn quá sớm để hy vọng ông Tô Lâm là nhà cải cách. Ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt thì mọi người đã biết; tên tuổi ông Linh gắn liền với mật nghị Thành Đô 1990, ông Kiệt ký Nghị Định 31/CP năm 1997 về quản chế hành chính, cho phép bắt giam không cần xét xử, kết tội không cần tòa án, đặt cơ sở pháp lý cho thời kỳ đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Ông Tô Lâm chắc chắn sẽ đi vào con đường của ông Linh, ông Kiệt, của đảng CSVN nhưng đó không phải là con đường cải cách chính thể mà người dân đang hướng đến.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: