Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?

Đội danh dự quân đội Trung Quốc PLA tại lễ kỷ niệm thành lập PLA ngày 1 tháng Tám 2021 trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh VCG via Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Podcast: Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Loading
/

Những hành động hung hăng của Trung Quốc như phái chiến đấu cơ liên tục xâm nhập Đài Loan, quấy nhiễu vùng biển quần đảo Senkaku của Nhật, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đụng độ với Ấn Độ và mới đây là thử hỏa tiễn siêu thanh từ quỹ đạo trái đất, Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của thế giới tới việc hiện đại hóa quân đội của nước này và theo đuổi những công nghệ vũ khí ngày càng tinh vi hơn. Một câu hỏi được đặt ra là quân đội Trung Quốc mạnh đến mức nào và có tác động như thế nào tới cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện đại hóa quân đội bằng mọi cách, mọi giá

Mao Trạch Đông – người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc – từng có câu nói để đời: “Súng đẻ ra chính quyền”. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của đảng và chính phủ Trung Quốc suốt mấy chục năm qua là xây dựng quân đội và công an ngày càng đông đảo, mạnh mẽ.

Các lực lượng “cầm súng” này không chỉ lo bảo vệ đất nước Trung Quốc mà chủ yếu là bảo vệ quyền lực của đảng Cộng sản, chính quyền Trung Quốc và xác lập vai trò thống trị của Trung Quốc trên thế giới. “Chiến công” lớn nhất của đội quân này trong hơn bảy mươi năm tồn tại của nhà nước Trung Quốc có lẽ là việc sử dụng xe tăng để đè bẹp cuộc biểu tình phản kháng của sinh viên Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn Tháng Sáu 1989.

Từng được đảng Cộng sản ca ngợi một cách huênh hoang là “đội quân bách chiến bách thắng”, đã đánh bại những kẻ thù trong quá khứ chỉ bằng “gậy tầm vông với súng trường”, quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hiện đã phát triển thành lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới với hơn hai triệu quân nhân.

Tuy nhiên, thất bại cay đắng của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 đã buộc Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Quốc khi đó, phải đặt nhiệm vụ canh tân quân đội lên hàng đầu. Sức mạnh của các loại vũ khí hiện đại mà Mỹ thi triển trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược và chiếm đóng của Iraq đã làm cho các nhà chiến lược Trung Quốc kinh hoàng và thức tỉnh. Bị phương Tây cấm vận vũ khí sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc đã dựa hẳn vào nước Nga dưới quyền Tổng thống Vladimir Putin, mua sắm các loại vũ khí tối tân, hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ để tự làm ra những loại máy bay, tàu chiến mới. 

Tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, kéo dài nhiều thập niên, giúp Bắc Kinh có được nguồn tài chính dồi dào để mua và chế tạo vũ khí mới. Những thủ đoạn gián điệp mạng, mua chuộc các nhà khoa học từ các nước phát triển cũng giúp Trung Quốc chiếm được những bí quyết công nghệ tân tiến trong lĩnh vực quân sự.

Trung Quốc không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn lừa đảo để đạt mục đích mà vụ hàng không mẫu hạm (HKMH) Liêu Ninh là ví dụ. Chiếc HKMH Varyag của Ukraine đang đóng dở dang thì khối cộng sản Liên xô sụp đổ. Bắc Kinh, thông qua một công ty bình phong ở Hong Kong, đề nghị mua lại chiếc HKMH mới chỉ có phần vỏ tàu này, lý do là để làm một sòng bài nổi phục vụ khách du lịch trên bến Hong Kong. Người bán tưởng như vậy, thế giới cũng tưởng như vậy, cho đến khi chiếc Varyag được kéo về Trung Quốc, thay vì cập cảng Hong Kong để làm sòng bài thì nó vào cảng Thiên Tân để được cải tạo lại thành chiếc HKMH đầu tiên của Trung Quốc, mang tên Liêu Ninh.

Sang thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn về mặt ngoại giao và ngày càng sẵn sàng củng cố các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự, gây lo lắng cho các nước láng giềng và cả Hoa Kỳ. 

Doãn Đông Ngọc (Yin Dongyu), một nhà phân tích về quân đội Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét với báo Al Jazeera: “Những tiếng nói báo động ngày càng lớn về một cuộc xung đột Trung-Mỹ tiềm tàng ở Biển Đông chủ yếu xuất phát từ thực tế là Hoa Kỳ đang coi Trung Quốc như một đối thủ ngang hàng. Và đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.”

PLA ngày càng mạnh

Quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh là một thực tế khó có thể phản bác, thể hiện ở sự mở rộng nhanh chóng các lực lượng hải quân, không quân và hỏa tiễn chiến lược.

Lục quân Trung Quốc vẫn là lực lượng nền tảng của PLA để khẳng định sức mạnh trong khu vực. Lục quân PLA đã dẫn đầu cuộc đụng độ với Ấn Độ tại biên giới Himalaya của hai quốc gia gần đây là một ví dụ. Theo báo cáo mới nhất của Ngũ Giác Đài về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc, lục quân PLA có hơn 915.000 quân nhân tại ngũ, gấp đôi Mỹ, quốc gia có khoảng 486.000 quân nhân tại ngũ.

Điểm mới là trong những năm gần đây, PLA tích cực gia tăng kho vũ khí với các loại vũ khí công nghệ ngày càng cao.

Năm 2019, PLA có được tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 (DF-41) được các chuyên gia cho rằng có thể bắn tới bất kỳ điểm nào trên địa cầu. DF-41 được công bố lần đầu trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-2019; nhưng tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) mới thực sự thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng mang theo một tên lửa trượt (glide vehicle) có thể trượt trong không khí với tốc độ siêu thanh. 

Cả hỏa tiễn DF-41 và DF-17 đều có khả năng mang đầu đạn nguyên tử lẫn đầu đạn thông thường.

Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) của Trung Quốc được gắn một tên lửa dạng trượt (glide vehicle) có thể đạt tới tốc độ siêu thanh, được trưng bày trong cuộc diễn hành kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc 1-10-2019. Ảnh Zoya Rusinova\TASS via Getty Images

Mới đây, có thông tin Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh hai lần – một lần vào tháng Bảy và một lần vào tháng Tám. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Mỹ mô tả bước thử nghiệm này gần như là một “khoảnh khắc Sputnik”, đề cập đến vụ phóng vệ tinh năm 1957 của Liên Xô, kích hoạt một cuộc chạy đua về công nghệ không gian giữa Mỹ và Liên Xô kéo dài hơn 10 năm sau đó.

Với việc Biển Đông nổi lên thành điểm nóng, PLA cũng đầu tư phát triển mạnh lực lượng hải quân.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, tranh chấp chủ quyền với Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Theo sách trắng quốc phòng của chính phủ Bắc Kinh, Hải quân PLA (PLAN) hiện là hải quân lớn nhất thế giới, có nhiều chiến hạm nhất thế giới và các tàu ngầm của lực lượng này có khả năng phóng tên lửa hạt nhân. 

Về số chiến hạm trên mặt nước, PLAN có nhiều tàu hơn hải quân Mỹ – với 360 tàu – nhưng hạm đội Trung Quốc chủ yếu bao gồm các tàu cỡ nhỏ hơn. PLAN chỉ có hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông – do Trung Quốc tự đóng, mô phỏng thiết kế của tàu Liêu Ninh, tức là HKMH Varyag lớp Kuznetsov của Liên Xô cũ mà Trung Quốc mua lại như đã nói trên. Một tàu sân bay thứ ba Type 003 đang được đóng. Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào.

Để hỗ trợ hải quân, Trung Quốc còn có cái gọi là “lực lượng dân quân hàng hải”, do chính phủ tài trợ và kiểm soát. Được gọi là “những người lính nhỏ màu xanh”, đội dân quân hàng hải hoạt động ở Biển Đông, chuyên cản trở, quấy nhiễu ngư dân và các phương tiện thăm dò tài nguyên biển của các nước láng giềng ở Biển Đông. Trung Quốc còn có một lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) hùng hậu mà số lượng tàu thuyền của nó còn đông hơn nhiều so với lực lượng hải quân của một số nước khu vực. Năm nay Bắc Kinh cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào các tàu nước ngoài, đặt ra rủi ro xung đột quân sự.

Ông Doãn nói: “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể nhờ một số lượng lớn vũ khí mới được bổ sung vào kho vũ khí, đặc biệt là trong lực lượng Hải quân. Đó là nơi quân đội của đất nước đang thể hiện một số tốc độ phát triển nhanh nhất.”

Lực lượng không quân PLA cũng đã phát triển thành lực lượng lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới với hơn 2,500 phi cơ, trong đó có khoảng 2,000 phi cơ chiến đấu, theo một báo cáo hàng năm của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố năm ngoái. .

Đáng chú ý nhất, không quân PLA hiện sở hữu một đội máy bay chiến đấu tàng hình, bao gồm cả J-20, máy bay chiến đấu tân tiến nhất của Trung Quốc, nhắm cạnh tranh với F-22 của Mỹ.

Hiện đại hóa quân đội để làm gì?

Như đã nói trên, Trung Quốc không có nguy cơ bị các nước láng giềng hay Hoa Kỳ xâm lược, bây giờ và cả trong tương lai. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc suốt mấy thập niên qua, từ khi Đặng Tiểu Bình khởi đầu cái gọi là “đổi mới, mở cửa”, một phần quan trọng là nhờ môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Vì vậy, việc Trung Quốc cố gắng hết sức để đẩy nhanh cuộc hiện đại hóa quân đội đã khiến nhiều người phải đặt nghi vấn về ý định thực sự của Bắc Kinh. Để làm gì?

Mục tiêu lớn nhất của Bắc Kinh có thể là bành trướng ảnh hưởng, chiếm lại những vùng đất mà Trung Quốc cho là thuộc về đế quốc Trung Hoa dưới các triều đại phong kiến xa xưa. Các quần đảo Đài Loan, đảo Đông Sa (Pratas) thuộc Đài Loan, Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Senkaku của Nhật Bản (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), cũng như các vùng đất trên dãy Himalaya của Ấn Độ (mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng)… đều bị Bắc Kinh nhắm tới với âm mưu “tái chiếm” bằng vũ lực một ngày nào đó trong tương lai. Âm mưu “tái chiếm” này không thể chấp nhận được, vì nếu các quốc gia được phép xoay ngược chiều thời gian, lật lại lịch sử thì thế giới sẽ hỗn loạn và tan rã; ngay cả Trung Quốc vào thế kỷ 15 cũng chỉ là một phần lãnh thổ gọi là triều Nguyên trong đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, gần đây nhất cũng chỉ là một phần lãnh thổ của Mãn Châu dưới triều Thanh, hay Tây Tạng là một quốc gia độc lập mới bị Trung Quốc xâm chiếm và sáp nhập dưới thời cộng sản. 

Một trong những mục tiêu của sự hiện đại hóa PLA là để phục vụ mục đích xuất cảng vũ khí. Trên toàn cầu, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất cảng vũ khí sang các nước đang phát triển khác, vừa để thu lợi vừa để phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn, tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Nga, Do Thái và một số nước châu Âu.

Không quân Trung Quốc bay biểu diễn khai mạc Triển lãm hàng không và không gian quốc tế 2021 (Airshow China 2021) ngày 2 Tháng Mười tại Chu Hải tỉnh Quảng Đông. Ảnh VCG via Getty Images

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất cảng vũ khí của Trung Quốc chủ yếu chỉ đến được Pakistan, Bangladesh và Algeria trong thập niên qua. Do nhiều nước không tin cậy ý đồ chiến lược của Bắc Kinh nên không mua vũ khí Trung Quốc, dù các máy bay, tàu chiến, hỏa tiễn Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với vũ khí của Nga hay Mỹ.

Hiện mặt hàng vũ khí bán chạy của Trung Quốc là máy bay không người lái có vũ trang (UAV), và Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất – xuất cảng lớn nhất thế giới mặt hàng này; khách hàng bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi, theo SIPRI. Sở dĩ mặt hàng UAV của Trung Quốc bán chạy vì Hoa Kỳ và các nước phát triển ở phương Tây cấm xuất cảng loại vũ khí có thể được các chính quyền chuyên chế sử dụng để đàn áp các cuộc biểu tình, vi phạm nhân quyền. Ông Doãn Đông Ngọc của Bắc Kinh nói: “Bạn có thể thấy vô số UAV được xuất khẩu sang vùng Vịnh vì Quốc hội Mỹ cấm nhiều quốc gia mua chúng từ Mỹ và Trung Quốc đang sớm lấp đầy khoảng trống đó”.

Những vấn đề của quân đội Trung Quốc

Nhưng kho vũ khí tân tiến và sự phát triển quân sự của Trung Quốc dường như không thể che đậy một hệ thống chỉ huy không rõ ràng, nạn tham nhũng phổ biến và nghi vấn về phẩm chất của những người lính.

Tình trạng tham nhũng trong quân đội PLA phần lớn bắt nguồn từ truyền thống chuyên quyền và thiên vị, thiếu sự giám sát, trong khi việc tuyển dụng binh lính đang gặp nhiều khó khăn. Bất chấp một số ưu đãi, những người Trung Quốc trẻ tuổi, được giáo dục tốt – và là con trai một, nối dõi tông đường của gia tộc – mà quân đội muốn tuyển lại bị thu hút vào khu vực kinh tế tư nhân và chẳng mặn mòi với việc gia nhập quân đội. 

Điều đó đã khiến PLA phụ thuộc vào chế độ quân dịch. Mỗi tỉnh đều có chỉ tiêu “nghĩa vụ quân sự” hàng năm, mỗi người lính nghĩa vụ phải hoàn thành hai năm quân ngũ. Năm nay, sau một thời gian trì hoãn vì đại dịch COVID-19, quân đội PLA bắt đầu tổ chức tuyển mộ hai lần một năm thay vì một lần. 

Và mặc dù tích lũy nhiều vũ khí tân tiến hơn trong những năm gần đây, PLA vẫn còn một lượng lớn thiết bị lạc hậu, một số chiến đấu cơ và tàu chiến được chế tạo bằng công nghệ của Liên Xô cách đây hơn 30 năm, theo các nhà phân tích.

Ngoài ra, việc thiếu đào tạo để vận hành và bảo trì các loại vũ khí mới được phát triển cũng đã cản trở khả năng đạt được “tính liên kết” của quân đội, tức là khả năng chỉ huy liên kết các lực lượng khác nhau đồng thời để đạt được các mục tiêu chung, theo một báo cáo năm 2018 của RAND Corporation, một tổ chức tư vấn về an ninh có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Thạch Dương (Shi Yang), một nhà phân tích quân sự Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận xét: “Tham nhũng và cơ cấu chỉ huy lỗi thời đã tác động tiêu cực đến quân đội. Số lượng lớn vũ khí tương đối lỗi thời cũng hạn chế khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc.”

Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, PLA phải đối mặt với nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Đầu tiên là thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Cuộc chiến ở biên giới Việt-Trung năm 1979 là lần mới nhất mà quân đội Trung Quốc tham gia chiến đấu trong thực địa và đến nay tình hình đã thay đổi rất nhiều.

Các đơn vị quân đội PLA vẫn tổ chức các cuộc diễn tập khác nhau giống như thực chiến. Ví dụ, vào đầu tháng này, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, tổ chức các vụ xâm nhập ồ ạt của chiến đấu cơ các loại vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Trong cùng thời gian, lục quân PLA cũng tập trận trên bộ ở phía đông nam tỉnh Phúc Kiến – ngay phía bên kia eo biển Đài Loan – trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Đội chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận với hải quân Nga gần vịnh Peter Đại đế của Nga hôm 15 tháng Mười 2021. Ảnh Sun Zifa/China News Service via Getty Images.

Một số người nói rằng việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong thế giới thực không hẳn là điều bất lợi. Theo ông Thạch Dương, việc thiếu kinh nghiệm “sẽ không làm xói mòn sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. “Sức mạnh của quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột hiện đại chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ, mà Trung Quốc đã phát triển công nghệ quân sự theo hướng đúng,” ông Thạch nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thực hiện một số bước nhằm khắc phục một số thiếu sót của quân đội PLA. Ông đã thiết lập một cơ cấu chỉ huy mới, trao cho Quân ủy Trung ương, do Tổng Bí thư đảng làm chủ tịch, có quyền lãnh đạo trực tiếp các lực lượng vũ trang.

Năm bộ tư lệnh quân khu, có vị trí địa lý trên khắp đất nước, được thành lập vào năm 2016. Các sư đoàn Lục quân, Hải quân và Không quân ở mỗi quân khu báo cáo trực tiếp với bộ tư lệnh quân khu nhằm bảo đảm hoạt động của các binh chủng được tích hợp hiệu quả hơn.

Giải quyết tham nhũng là nền tảng trong nhiệm kỳ chủ tịch của ông Tập. Hàng trăm quan chức, tướng tá quân đội đã bị cáo buộc nhận hối lộ và các hình thức tham nhũng khác.

Ông Tập cũng chi nhiều tiền hơn cho các lực lượng vũ trang với ngân sách quốc phòng lớn hơn bao giờ hết. Trong năm tài chính 2021, có 1.36 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng $209.16 tỷ) được phân bổ cho quốc phòng – tăng hơn 6.8% so với năm ngoái. Đó là con số lý thuyết. Theo nhiều nhà quan sát, con số thực có thể cao hơn rất nhiều, dựa vào tốc độ mua sắm và chế tạo vũ khí hạng nặng của Trung Quốc.

Chạy đua vũ trang khu vực và hậu quả khó lường

Công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là yếu tố chính kích thích một cuộc chạy đua vũ trang trong toàn khu vực. Do Bắc Kinh thường xuyên cậy sức mạnh để đe dọa, chèn ép và xâm lấn, các nước láng giềng buộc phải gia tăng đầu tư mua sắm vũ khí tân tiến để đề phòng tình huống bất trắc. 

Hồi tháng 10, Hoa Kỳ đã công bố AUKUS – một liên minh an ninh mới với Anh và Úc – trong đó hoạt động sớm nhất là cung cấp cho Úc các loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ.

Washington cũng đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, quốc gia đang hiện đại hóa quân đội và phát triển cái gọi là khả năng tác chiến phi đối xứng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào từ Bắc Kinh.

“Nhiều quốc gia trong khu vực đã coi Trung Quốc là một mối đe dọa và Mỹ cũng nằm trong nhóm đó, vì vậy với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước khác, với sự giúp đỡ từ Mỹ cả rõ ràng và bí mật, đang cố gắng bắt kịp. Với thái độ quyết đoán hơn của Trung Quốc trong các yêu sách lãnh thổ của họ, tôi không thấy cuộc chạy đua vũ trang này sẽ sớm kết thúc”, ông Doãn Trung Ngọc nói về cuộc chạy đua vũ trang leo thang.

Trong khi đó, được chính quyền Bắc Kinh coi trọng và đầu tư ngày càng lớn, quân đội Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng lớn tới chiến lược chính trị của nước này. Các tướng lĩnh đương nhiệm và đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, báo chí và mạng xã hội, đưa ra các bình luận “diều hâu” về tình hình quốc tế và khu vực, kêu gọi chiến tranh “thống nhất Đài Loan”, thậm chí đối đầu với Hoa Kỳ, thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng Trung Quốc. 

Các quan sát viên quốc tế lo ngại, một lúc nào đó, tâm lý nôn nóng “lập công”, “thể hiện sức mạnh” của giới chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc sau khi đã tiêu tốn nhiều tiền của của quốc gia, sẽ dẫn tới những tính toán sai lầm, những tình huống va chạm bất ngờ có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh nóng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ hoặc các nước lân cận, dẫn tới những hậu quả hết sức khủng khiếp.

“Không ai có thể nói chắc liệu Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra xung đột thực sự về Đài Loan hay Biển Đông hay không, nhưng với quân đội ngày càng mạnh của Trung Quốc, không ai muốn thấy điều đó xảy ra,” ông Doãn nói thêm.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: