HIẾU CHÂN
Chiến dịch ngoại giao của Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ với Châu Âu và chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ chẳng những không đem lại kết quả khả quan nào mà còn làm nổi bật những bất đồng không thể hàn gắn.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) vừa kết thúc chuyến công du năm nước Châu Âu từ Thứ Ba, 25 Tháng Tám, trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ đang xấu đi sau khi đường lối ngoại giao chó sói (wolf-warrior diplomacy) của Bắc Kinh bị phản ứng mạnh.
Mối lo bị cô lập của Bắc Kinh
Đây là chuyến viếng thăm Châu Âu đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc kể từ khi đại dịch virus Corona bùng phát ở Vũ Hán hồi đầu năm. Theo truyền thông quốc tế, mục đích chuyến đi của ông Vương là “làm giảm thiệt hại” (damage control) theo sau việc Châu Âu liên tục phản đối Trung Quốc về cách giải quyết vụ bùng phát đại dịch virus Corona ở Vũ Hán, áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Ông Vương được biết cũng đã nỗ lực thuyết phục các chính phủ Châu Âu chấp nhận tập đoàn Trung Quốc Huawei và công nghệ mạng 5G của tập đoàn này, cưỡng lại yêu cầu của Mỹ tẩy chay Huawei vì an ninh quốc gia.
Nhưng đằng sau mục đích nói trên, chuyến đi của ông Vương còn là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hóa giải tác động của Hoa Kỳ sau hai chuyến công du của Ngoại Trưởng Mike Pompeo trong vòng ba tháng gần đây và ngăn chặn sự hình thành một mặt trận xuyên Đại Tây Dương chống lại ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung Quốc.
Nỗ lực này sẽ còn được tiếp tục với chuyến công du Châu Âu của ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng, cấp trên trực tiếp của ông Vương. Theo báo chí Trung Quốc, ông Dương sẽ đi thăm ba nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chỉ vài ngày sau khi ông Vương hoàn tất chuyến đi năm nước Ý, Hòa Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Chuyến đi của ông Dương có mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế thời sau đại dịch, khôi phục các dự án cảng biển của Trung Quốc ở Nam Âu và còn nhằm chuẩn bị cho hội nghị cấp cao trực tuyến giữa Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) với các nhà lãnh đạo 27 quốc gia Liên Minh Châu Âu sẽ được tổ chức trước ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Những chuyến viếng thăm cấp tập như vậy của giới lãnh đạo Trung Quốc tới Châu Âu cho thấy Bắc Kinh đang thật sự lo lắng về tình trạng bị cô lập của nước này trên trường quốc tế. Mối xung đột với Hoa Kỳ đang diễn ra ngày càng căng thẳng, từ lĩnh vực thương mại đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ, thậm chí cả trong lĩnh vực quân sự mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào Tháng Mười Một sắp tới không đem lại cho Bắc Kinh chút hy vọng nào về sự thay đổi chính sách của Mỹ bởi vì cho dù ông Donald Trump có tiếp tục làm ông chủ Tòa Bạch Ốc hay không thì đường lối của Hoa Kỳ cũng sẽ được duy trì, trong đó Trung Quốc được xác định là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” như trong chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ 2019, hoặc Trung Quốc “nguy hiểm và khó đối phó hơn Liên xô trước đây” như lời Ngoại Trưởng Mike Pompeo.
Tại Châu Á, việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để gây hấn từ Biển Hoa Đông tới Biển Đông, từ Ấn Độ tới Úc Châu đã làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc gia tăng đề phòng và có khuynh hướng ngả về mạnh phía Mỹ.
Châu Âu và sự đồng thuận chống Trung Quốc
Cho đến nay, Châu Âu vẫn tránh lựa chọn đứng về một bên trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung. Nhưng chính sách và cách hành xử “bề trên” của Bắc Kinh đang làm cho các chính phủ Châu Âu thất vọng, thúc đẩy hình thành một sự đồng thuận chống Trung Quốc trong nội bộ liên minh dù chưa rõ bao giờ thì sự đồng thuận đó biến thành chính sách và hành động cụ thể.
Sự kiện Trung Quốc che giấu thông tin về sự bùng phát của virus Corona chủng mới, sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn công nghệ Huawei để do thám việc chuyển dữ liệu ở phương Tây, đàn áp quyền tự do công dân ở Hồng Kông, giam cầm hàng triệu người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) trong các trại tập trung và đe dọa quân sự đảo quốc Đài Loan… làm cho Châu Âu thực sự kinh ngạc và ghê tởm.
Nước Ý là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Châu Âu của Bộ Trưởng Vương Nghị. Cho đến nay Ý là nước duy nhất trong khối các nước công nghiệp G-7 ký thỏa thuận tham gia đại dự án “Nhất Lộ Nhất Đới” của Trung Quốc, cũng là nước đón nhận nhiều nhất dòng vốn đầu tư của Trung Quốc.
Ông Vương hy vọng Bộ Trưởng Ngoại Giao Ý Luigi Di Maio và có thể cả Thủ Tướng Ý Giuseppe Conte sẽ ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông ta đã thất vọng, theo nhận xét của bà Lucrezia Poggetti, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc của Ý. Ngay cả Ngoại Trưởng Di Maio trong cuộc họp báo chung với ông Vương Nghị vẫn khẳng định “quyền tự trị của Hồng Kông là điều không thể bàn cãi” và Ý vẫn không chấp nhận cho Huawei tham gia mạng viễn thông 5G của nước này.
Tại Na Uy, ông Vương cố gắng thuyết phục Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình không trao giải Nobel Hòa Bình năm nay cho những người biểu tình dân chủ ở Hồng Kông – hiện đang là ứng cử viên sáng giá trong danh sách đề cử năm nay. Tuy nhiên Na Uy vẫn chưa quên hành động trả đũa tồi tệ của Bắc Kinh khi ủy ban quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cho nhà bất đồng chính kiến đang bị bỏ tù ở Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Ngoài việc phê phán bằng lời lẽ, Trung Quốc còn đình chỉ việc nhập cảng nhiều sản phẩm của Na Uy như cá hồi, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Bắc Âu này. Cần để ý là Ủy Ban Nobel hoàn toàn độc lập với chính phủ Na Uy và việc chọn trao giải của họ không thể bị tác động bởi bất kỳ ai.
Tại Pháp, Tổng Thống Emmanuel Macron ra tuyên bố nói ông muốn Pháp xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) với các công ty công nghệ Châu Âu như Ericsson AB của Thụy Điển và Nokia Corp. của Hòa Lan thay vì công ty Huawei của Trung Quốc, dù ông Vương ra sức thuyết phục. Ông Macron còn bày tỏ “sự quan tâm mạnh mẽ về tình hình ở Hồng Kông và nhân quyền, đặc biệt là về người Uighur, và yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng các thỏa thuận quốc tế” bất chấp cảnh báo của ông Vương Nghị rằng những vấn đề này đều là chuyện nội bộ Trung Quốc và các quốc gia khác không được can dự.
Tại Đức, ông Vương làm cho mọi người phẫn nộ khi đưa ra lời đe dọa Cộng Hòa Czech (Tiệp) trước sự kiện Chủ Tịch Thượng Viện Tiệp Milos Vystrcil viếng thăm Đài Loan. “Ông Vystrcil sẽ phải trả giá đắt cho hành động thiển cận và cơ hội chính trị của mình,” ông Vương nói. Ngoại trưởng Trung Quốc còn cảnh báo rằng việc vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” tương đương với việc “tự biến mình thành kẻ thù của 1.4 tỷ người dân Trung Quốc.” Đáp lại, Bộ Ngoại Giao Tiệp cho biết Phó Thủ Tướng Martin Tlapa đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để phản đối tuyên bố của ông Vương Nghị.
Tại cuộc họp báo chung với ông Vương hôm Thứ Ba, 1 Tháng Chín, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Heiko Maas phản đối mạnh mẽ phát ngôn của Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc. “Ở Liên Minh Châu Âu chúng tôi đối đãi với các đối tác quốc tế với lòng tôn trọng; đe dọa là điều không phù hợp với cách ứng xử của chúng tôi,” ông Maas nói.
Trong thời gian ông Vương Nghị viếng thăm Châu Âu, Cao Ủy về Đối Ngoại của Châu Âu Joseph Borrell cho đăng hai bài bình luận miêu tả Trung Quốc là một “đế quốc mới” và phê phán mối quan hệ thương mại bất bình đẳng giữa Trung Quốc và Châu Âu, trong đó các công ty Trung Quốc được tiếp cận dễ dàng thị trường rộng lớn của 27 nước Châu Âu mà công ty Châu Âu không được hưởng ở thị trường Trung Quốc. “Quan hệ của chúng ta là hết sức bất bình đẳng và điều đó phải được sửa chữa. Nếu chúng ta không điều chỉnh ngay từ bây giờ, vài năm nữa sẽ là quá trễ. Hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn lên trên chuỗi giá trị, sự lệ thuộc về công nghệ và kinh tế của chúng ta sẽ càng tăng thêm,” ông Borrel nói.
Cần làm nhiều, nói ít
“Châu Âu bây giờ là vùng đất tranh chấp. Bắc Kinh muốn ngăn ngừa mọi cuộc tách ra về kinh tế và giữ vững vai trò là công xưởng của thế giới,” bà Didi Kirsten Tatlow, chuyên gia về Trung Quốc của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Đức, nhận định. Tuy vậy, theo bà, cho đến nay sự phản đối của Châu Âu với Trung Quốc vẫn còn dừng ở ngôn từ mà chưa có chính sách cụ thể, “Chúng ta thấy Hoa Kỳ có rất nhiều hành động thật sự khiến Trung Quốc choáng váng nhưng ở Châu Âu cho đến nay chúng ta chỉ thấy nói nhiều,” bà Tatlow nói.
Dù sao, chuyến đi “kiểm soát thiệt hại” của ông Vương Nghị tại Châu Âu càng làm nổi rõ mối bất đồng không thể hàn gắn giữa hai bên. Ngoại Trưởng Mike Pompeo trong chuyến thăm Châu Âu hôm 13 Tháng Tám cảnh báo những người đồng nhiệm rằng Trung Quốc là mối đe dọa cho tương lai của châu lục này. Tất nhiên ông Pompeo không nghĩ Bắc Kinh sẽ đưa quân đội xâm lược Châu Âu mà thay vì vậy hệ giá trị dân chủ, tự do mà Châu Âu dày công vun đắp kể từ thời Cách Mạng Pháp 1789 có nguy cơ bị đe dọa bởi vì chính thể độc tài độc đảng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trước mối đe dọa như vậy, Châu Âu không có lựa chọn nào khác là liên kết với Hoa Kỳ và các nền dân chủ Châu Á để cùng đối phó với thế lực đang lên của Trung Quốc. Và Trung Quốc càng hung hăng thì sự liên kết đó càng sớm trở thành hiện thực. [qd]