Một cậu thiếu niên 16 tuổi học ở trường chuyên nổi tiếng nhất Hà Nội, đã nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành, cuộc sống. Câu chuyện này đang hết sức ầm ĩ ở Việt Nam…
Khi tiếp nhận câu chuyện này, tôi có một loạt suy nghĩ từ thấp đến cao.
1/Đầu tiên, đó là sự bất bình khi clip cậu bé nhảy lầu, thư tuyệt mạng đều đã được tung đầy trên mạng xã hội theo cái kiểu rất ư hoang dã hồn nhiên. Nhiều người mắng “mạng xã hội” man rợ, nhưng không chịu đặt câu hỏi rằng nó từ đâu ra? Chắc chắn không từ ba mẹ cậu bé đưa ra rồi. Vậy thì ở đâu nếu không phải là cơ quan điều tra? Cái chuyện tưởng rằng cỏn con này, nhưng thật ra nó rất cần được thay đổi, khi chúng ta thấy những vụ án ly kỳ, những vụ bắt bớ gái mại dâm đều rò rỉ hình ảnh, thông tin mà chỉ có cơ quan điều tra mới có đầy đủ nhất. Vì vậy, nếu có lên án sự man rợ thì hãy nói trước hết về các cán bộ điều tra trong hệ thống công an Việt Nam chứ khoan vội mắng chung chung là “dân mạng”!
2/Chuyện kế đến mà tôi thấy là sự chĩa mũi dùi tấn công vào ba mẹ của cháu bé. Ừ, cũng có phần đúng đấy, khi người cha kèm cặp cậu con trai học đến 3 giờ sáng, tạo cho con mình những áp lực khủng khiếp trong việc săn tìm thành tích học tập. Ở Việt Nam, chuyện này đã được đề cập rất nhiều rồi, đó là gánh nặng ước mơ của cha mẹ đặt lên vai con cái. Đã có không ít bài viết ghi lại lời kể của các giáo viên nước ngoài khi nói về thực trạng giáo dục Việt Nam, đó là “bệnh” từ các phụ huynh khi họ không hề quan tâm đến hạnh phúc con cái, đến những nỗ lực của con trẻ đã bỏ ra mà chỉ chăm chăm nhìn kết quả con mình có hơn bạn bè hay không!
“Bệnh” này của phần lớn bậc cha mẹ ở Việt Nam là do đâu mà ra? Không phải quy kết đâu, mà chính là từ một xã hội ngày càng ăn thua đủ với nhau, mạnh được yếu thua. Mọi người hãy thử nghiệm xem có đúng không nhé: Hầu hết các cuộc nói chuyện của các bậc phụ huynh ở Việt Nam toàn xoay quanh chuyện khoe. Đầu tiên là khoe con học trường chuyên lớp chọn, khoe con đi du học; kế đến là khoe của cải vật chất; rồi nữa là khoe quyền chức, khoe quen ông này bà nọ. Trong một xã hội tôn thờ vật chất, quyền lực như thế thì tất cả đều lao vào thành tích như con thiêu thân thì đó là điều dễ hiểu.
Nhiều người bảo phải nói để thay đổi phụ huynh, xin thưa là không dễ đâu. Vai trò của phụ huynh cũng chỉ là phần thân cây, cái gốc chính là nằm ở chế độ – một chế độ tạo điều kiện cho sự dối trá, cho mọi thói hư tật xấu lên ngôi thì ắt phải tạo ra những người lớn như thế thôi.
3/Thật ra, bất cứ một cái chết nào vì tự tử của một đầu xanh cũng đều là nỗi đau lớn. Nhưng chúng ta cũng cần dùng lý trí để nêu ra một câu hỏi như thế này: Số học sinh tự tử ở Việt Nam do áp lực học hành, áp lực đòi hỏi phải thành công trong cuộc sống, có bằng Nhật Bản không?
Tôi có cảm nhận rằng chuyện ở Việt Nam, xét về lượng, không thể bằng Nhật Bản. Tôi nhớ năm ngoái NHK có một bài viết nêu ra con số học sinh bậc phổ thông ở Nhật Bản tự tử là 499 ca, tăng 100 ca so với năm 2019. Xưa nay, chuyện người trẻ (trong độ tuổi học phổ thông) tự tử ở Nhật là rất nổi tiếng, nhưng con số tăng vọt ở năm 2020 khiến người ta phải lo ngại là do bên cạnh áp lực thành công như xưa, nay lại còn thêm sự trầm cảm do COVID mang lại, khi bọn nhỏ bị nhốt ở nhà quá lâu.
Còn Việt Nam thì sao? Tôi thử tìm mà không có một con số nào cụ thể, được đưa ra bởi những cơ quan, tổ chức có uy tín, chính thống. Gần nhất vào cuối năm 2019, tiến sĩ Trần Thành Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội có nêu ra con số 12% học sinh-sinh viên Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần (tương đương ba triệu người). Nhưng cụ thể bao nhiêu em chết thì không có số liệu chính xác, hoặc có thì cũng không ai tin bởi vì một chế độ chỉ quen “tự gào” là ưu việt thì làm sao chấp nhận được câu chuyện trẻ con tự tử!?
Tuy nhiên, trong áp lực thành công đối với giới trẻ Nhật Bản so với Việt Nam cũng có nhiều khác biệt. Sau 1945, người Nhật lao vào học tập, làm việc điên cuồng để gầy dựng lại một quốc gia bị hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh; thì áp lực của người Việt lại không giống như thế. Trẻ con ở Việt Nam tuy áp lực bởi học quá nhiều, nhưng toàn học những thứ vô bổ, nhồi sọ, giáo điều. Đây lại là một câu chuyện khác nữa về giáo dục, đã được nói rất nhiều trong nhiều năm qua, song vẫn chưa thể thay đổi. Chưa thể thay đổi không phải vì nhà nước không thấy những phi lý trong chương trình giáo dục ở Việt Nam, mà người ta muốn như thế vì nó hiệu quả – hiệu quả trong việc làm cho giới trẻ không biết gì nhiều về chính trị, về tự do ngôn luận, về dân chủ…
__________
Thư tuyệt mệnh của nam sinh trường chuyên nhảy lầu tự tử: ‘Thực sự cuộc sống cũng quá mỏi mệt rồi’!